Ở bất kỳ thời đại nào, việc chọn váy cưới cũng được xem là một trong những công đoạn quan trọng trước lễ thành hôn. Cùng với dòng chảy của thời gian, những biến đổi lịch sử, văn hóa, trang phục của cô dâu Việt Nam qua từng giai đoạn cũng mang những dáng vẻ, những đặc trưng riêng. Cùng ELLE lật mở những cuốn album thời ông bà ta để khám phá cuộc hành trình của bộ trang phục tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ trong ngày trọng đại.

thời nhà Nguyễn: Màu xanh là màu chủ đạo

Theo những tài liệu còn sót lại, màu xanh phổ biến và được ưa chuộng hơn đỏ hay hồng để làm trang phục cưới cho các cô dâu thời Nguyễn. Sở dĩ vì màu xanh được xem là màu của chốn quan trường, biểu tượng cho sự sang trọng và kiêu hãnh. Người phụ nữ trong các hôn lễ ở ba vùng Bắc, Trung, Nam có lối ăn mặc khá tương đồng, đặc trưng nhất là cặp lục điều hoặc lam điều, tức ngoài xanh trong hồng. Tuy nhiên cũng có một vài tiểu tiết riêng hoặc sự biến đổi ở lớp áo trong.

Theo sách Trang phục Việt Nam của nhà nghiên cứu trang phục Đoàn Thị Tình, tại miền Bắc, cô dâu thường mặc chiếc áo mớ ba, bên trong ẩn hiện hai chiếc áo màu điều, màu xanh thiên lý hoặc màu vàng, màu hồ điệp, lót trong cùng là chiếc yếm lụa trắng. Phần ngang eo của bộ trang phục điểm xuyến bằng hai sợi thắt lưng bằng lụa. Trên đầu, cô dâu đội vấn khăn có đính bướm vàng hoặc bạc, kèm theo đó là đeo những trang sức có cùng chất liệu, cạnh sườn còn đeo bộ xà tích, con dao, ống vôi bằng bạc được chạm trổ tinh vi. Đến những năm 1920 - 1930 thì chủ yếu mặc áo dài cài vạt, bên ngoài là chiếc áo the thâm hoặc mặc áo dài sa tanh, bên trong vẫn là áo màu hồng hoặc xanh. Quần được sử dụng là quần lĩnh hoặc quần sa tanh đen, đi cùng với đó là đôi hài thêu hạt cườm hoặc đôi guốc cong.

Vẫn là ngoại bào đó nhưng tại miền Trung, một số phụ nữ chỉ mặc một lớp áo màu điều bên trong, kèm theo một lớp vải mỏng màu chàm bên ngoài để tạo nên sắc tím nền nã, vốn là đặc trưng của con gái miền Trung xứ Huế. Thay vì chiếc quần đen vải sồi, cô dâu miền Trung lựa chọn mặc quần trắng và mang vòng kiềng.

Còn ở mảnh đất Nam Kỳ, theo sách Nhà ở - Trang phục - Ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của tác giả Phan Thị Yến, dâu và rể đều khoác bên ngoài áo thụng rộng xanh, lót màu cánh sen, khi ra sân có cặp lọng che. Trong những gia đình còn theo tục cũ, hai vợ chồng đều mặc áo cặp, khi đó, cô dâu dùng áo the lót gấm hồng, chú rể dùng hàng the lót gấm xanh có dệt chữ “thọ”, biểu trưng cho sự “đủ đôi đủ cặp”.

Đến những năm cuối triều Nguyễn, khi các quy định được nới lỏng, nhiều gia đình quan lại, gia đình có điều kiện đã sử dụng áo dài Nhật Bình cho ngày trọng đại của con cái mình. Đặc điểm của áo là hoa văn trang trí tạo thành một hình chữ nhật lớn ngay trước ngực, trên khắp thân áo cũng được thêu nhiều họa tiết, hình phượng và đính kim tuyến lấp lánh. Trên phần tay áo Nhật Bình của các bậc Công chúa, cung tần nhị giai, cung tần tứ giai còn có dải ngũ sắc: lục, vàng, xanh, trắng, đỏ tượng trưng cho dải ngũ hành. Sau năm 1945, kiểu áo Nhật Bình này vẫn được duy trì và biến đối. Đến nay, dạng thức áo này đã và đang xuất hiện nhiều trong các hôn lễ của nhiều bạn trẻ yêu thích cổ phục hay những giá trị truyền thống.

Giai đoạn kháng chiến 1945 - 1975: áo cưới cũng là tấm áo ra trận

Những năm sôi sục giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đám cưới cũng được tổ chức giản dị, phù hợp với hoàn cảnh từng nơi. Trang phục cưới khi đó cũng không quá khác biệt so với trang phục thường ngày, chỉ thay bằng những bộ quần áo mới may, chưa mặc bao giờ.

đám cưới trước năm 1900

Từ năm 1954, trình độ nhận thức của người dân phần nhiều được khai phóng, nhân dân miền Bắc cũng lên kế hoạch cho chiến tranh chống đế quốc, chính vì thế, trang phục cưới và nhiều lễ nghi cũng được đơn giản hóa hơn. Ở các vùng thành thị, phụ nữ mặc áo dài trắng hoặc các màu sáng nhạt, quần trắng và đi guốc cao gót. Đối với cán bộ hay những người ở nông thôn, cô dâu giản dị với chiếc áo dài may sẵn hoặc chiếc áo sơmi trắng, áo bà ba, cùng chiếc quần đen và đôi dép mới.

váy cưới thời chiến

thời bao cấp 1975 - cuối thập niên 80: Váy cưới đón gió phương Tây

Sau khi đất nước thống nhất, mối giao lưu văn hóa trong và ngoài nước cũng được mở rộng, nhờ đó, trang phục cưới cũng có những bước “chuyển mình”, mang theo hơi thở của thời trang Mỹ và châu Âu. Đa số phụ nữ ở thành thị miền Nam và miền Bắc mặc đầm dài màu trắng hoặc vàng. Đặc điểm của loại váy này là có nếp gấp ở tay, ở ngực, phần váy xòe rộng và dài quá gót chân, có loại được chiết ở ngực, thắt lưng để tạo nên sự quyến rũ cho phụ nữ. Để điểm tô cho chiếc váy cưới, các nàng dâu thường lựa chọn giày cao gót màu trắng, găng tay mỏng, những chuỗi hạt kim cương, giả kim cương, ngọc trai, không thể thiếu mũ hoặc những phụ kiện đội đầu lớn cùng chiếc khăn voan trắng.

thập niên 90 đến đầu những năm 2000: Truyền thống tinh giản và váy cưới công chúa

Từ cuối những năm 1980, bên cạnh phong trào váy Tây vẫn tiếp tục nở rộ, phần lớn cô dâu đều lựa chọn áo dài truyền thống là trang phục cưới cho buổi hôn lễ chính thức của mình. Áo dài chủ yếu là một trong hai màu đỏ hoặc trắng, với phần tay hơi loe và vạt dài ngang ống chân.

Còn vào buổi tiệc tối, những nàng dâu sẽ diện những chiếc váy cưới xòe, thường có điểm nhấn ở phần cánh tay và cổ áo cầu kỳ như thiết kế chiếc đầm công chúa. Những cô dâu thời này cũng có thêm xu hướng lựa chọn những màu sắc sặc sỡ hơn như đỏ, hồng, vàng,… theo mốt phim ảnh Hồng Kông.

Link nội dung: https://mozart.edu.vn/ao-dai-cuoi-truyen-thong-xua-a13020.html