Mật ong rừng, mật ong nuôi - hiểu thế nào cho đúng

Mật ong rừng, mật ong nuôi

Nhiều người có quan niệm, mật ong rừng phải là mật ong tự nhiên được lấy từ rừng về. Do vậy, để đảm bảo mua được mật ong rừng "chuẩn", nhiều người đã chọn mua mật ong lẫn sáp chưa vắt, thậm chí là mua cả tổ vẫn bám trên cành cây với giá đắt đỏ.

Theo ông Thùng Văn Ánh - Chủ tịch UBND xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ - nơi có "Hợp tác xã mật ong rừng Chà Nưa" thì mật hàng trăm tổ ong đang được nuôi tại Chà Nưa bản chất chính là mật ong rừng tự nhiên.

"Những đàn ong rừng được thuần hóa và nuôi trong những thùng gỗ tiêu chuẩn để có thể lấy mật bằng phương pháp quay ly tâm và không bị lẫn tạp chất như lấy mật bằng phương pháp vắt thủ công. Do vậy, mật ong nuôi trong rừng thì bản chất vẫn là mật ong rừng" - ông Ánh nói.

Đàn ong rừng đã được thuần dưỡng. Ảnh: Thanh Bình
Đàn ong rừng đã được người dân thuần dưỡng để lấy mật ong chủ động.

Theo ông Ánh, sau khi mật ong được tách ra khỏi tổ bằng phương pháp quay ly tâm thì công đoạn tiếp theo sẽ được đưa vào máy chuyên dụng để rút thủy phần (kiểm soát % nước trong mật) và lọc hết tạp chất để cho ra mật ong tinh khiết nhất.

"Chính vì vậy, chỉ có mật ong nuôi và được thu hoạch theo phương pháp như vậy mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn mật ong vắt từ tổ tự nhiên thường sẽ lẫn nhiều tạp chất nên không thể xuất khẩu và rất khó bảo quản" - ông Ánh cho biết thêm.

Có bao nhiêu loại mật ong?

Theo ông Nguyễn Đức Lợi (huyện Mường Ảng, Điện Biên) - người có kinh nghiệm gần 30 năm nuôi ong và tìm hiểu về đặc tính của các loài ong thì ở vùng núi rừng Tây Bắc có 4 loài ong cho mật với số lượng có thể thu hoạch, đó là ong khoái, ong mật, ong ruồi và ong muỗi (ong vòi).

Một đàn ong tự nhiên với hàng chục tổ trên cây.
Một đàn ong tự nhiên với hàng chục tổ trên cùng 1 cây.

Mỗi loài ong cho ra một loại mật, mỗi loài hoa cũng cho ra mật khác nhau. Ngoài ra có thể phân loại mật ong theo nguồn mật mà con ong lấy về, như mật hoa và mật lá, mật quả và cả mật từ dịch tiết côn trùng…

"Nếu chi li thì Tây Bắc có hàng trăm loại loại mật ong. Tuy nhiên, thông thường mật ong sẽ được được phân làm 2 loại chính, đó là: Mật đơn hoa và mật đa hoa" - ông Lợi cho hay.

Theo đó, nếu ở một vùng rừng thường xuyên có 5-7 loại hoa cùng nở thì mật ong ở vùng đó được gọi là mật đa hoa. Mật đa hoa thường có màu vàng óng hoặc vàng sậm, rất thơm, không hắc, không chua và có vị ngọt sắc.

Còn mật đơn hoa thì chủ yếu là sản phẩm của ong nuôi, chỉ thu 1 loài mật duy nhất vào mùa hoa nở, như: mật hoa nhãn, mật hoa vải, mật hoa cao su hay mật bạc hà...

"Đối với mật ong nuôi trong rừng tự nhiên và có nhiều loài hoa nở trong cùng thời điểm thì cũng được tính là mật đa hoa và có giá trị như mật ong rừng tự nhiên" ông Lợi cho biết thêm.

Link nội dung: https://mozart.edu.vn/cach-phan-biet-mat-ong-rung-va-mat-ong-nuoi-a14009.html