Ngày 29/05/2020, Phòng Khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng của Viện Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Ngọc C., sinh năm 1948, thường trú tại xã ĐamBri, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, bệnh nhân làm nông nghiệp. Theo lời bệnh nhân, gần 2 tháng trở lại đây bị sụt cân, xuất hiện triệu chứng vướng nhiều ở vùng họng hầu, hôi miệng, lưỡi bẩn và thỉnh thoảng khạc ra một vài sinh vật lạ vào sáng sớm ngay sau khi đánh răng, súc miệng (bệnh nhân có mang theo mẫu sinh vật).
Sau khi được khai thác kỹ tiền sử, thăm khám lâm sàng kết hợp với xét nghiệm chuyên ngành, các bác sĩ xác định bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Xem xét mẫu sinh vật, các bác sĩ nghi ngờ mẫu sinh vật này có thể là ấu trùng của một loài côn trùng, không thể sống trong cơ thể bệnh nhân.
Mẫu sinh vật này được chuyển đến Khoa Côn trùng của Viện để định danh. Sau khi soi bằng kính lúp với độ phóng đại cao đã xác định danh tính của mẫu sinh vật này là ấu trùng của ruồi cống hay còn gọi là ruồi cánh bướm thuộc họ Psychodidae (Newman, 1834).
Sau đó, bệnh nhân đã được giải thích kỹ, xử trí chuyên môn và cho về trong ngày. Để chắc chắn, khoa Côn trùng đã nuôi dưỡng mẫu và sau 02 ngày đã nở thành ruồi Cống trưởng thành.
Ruồi Cống phân bố rộng rãi ở những vùng nhiệt đới. Ruồi Cống sống trong môi trường nước đến bán trên cạn hoặc bùn, bao gồm cả bồn tắm, nhà vệ sinh. Chúng ăn những phiêu sinh vật. Hình dạng ấu trùng của ruồi bướm thường dài từ 4 đến 5 mm và có hình dạng như một hình trụ dài, mỏng, hơi dẹt, chia thành 8-10 đốt. Một số đốt có các màu sắc đặc trưng ở mặt lưng. Ngực của ấu trùng không lớn hơn đáng kể so với bụng của nó, có vẻ ngoài giống giun. Là côn trùng biến thái hoàn toàn, có bốn giai đoạn.
Giống như bọ gậy của muỗi, chúng không thể hấp thụ oxy qua nước, và thay vào đó thở bằng một ống thở ở cuối bụng. Chúng phải thường xuyên tiếp cận bề mặt để lấy oxy. Giai đoạn ấu trùng kéo dài từ 9 đến 15 ngày, tùy thuộc vào loài, nhiệt độ và môi trường. Giai đoạn nhộng kéo dài từ đến 40 giờ đến 72 giờ. Trong giai đoạn này, nhộng không ăn, nổi dưới mặt nước và lột xác thành một con ruồi trưởng thành. Con trưởng thành dài bằng một nửa ấu trùng, nhưng bề ngoài rộng hơn nhiều, với một đôi cánh có hình như mái vòm trên cơ thể.
Con trưởng thành thường sống về đêm, bị thu hút bởi ánh sáng và mùi hôi. Con trưởng thành sống được khoảng 20 ngày. Ruồi Cống không chích người, nên không có vai trò truyền bệnh cho người. Con cái đẻ trứng (từ 30 đến 100) ngay phía trên dòng nước bên trong cống ẩm. Trong vòng 48 giờ, những trứng này nở thành ấu trùng.
BSCK.II Hồ Ngọc Quý & ThS. Lê Tấn Kiệt
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/bo-ruoi-a24154.html