Có nên cắt amidan không? Khi nào và có lợi ích gì?

Có nên cắt amidan không là thắc mắc của nhiều người khi gặp phải tình trạng viêm amidan tái phát nhiều lần, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết xoay quanh vấn đề cắt amidan.

có nên cắt amidan không

Có nên cắt amidan không?

Viêm amidan ảnh hưởng đến đường hô hấp, gây ra các triệu chứng đau họng, khó nuốt, ngưng thở khi ngủ… Biện pháp ban đầu được khuyến khích thường là chăm sóc tại nhà bằng dinh dưỡng và cải thiện lối sống, nếu tình trạng viêm được xác định do vi khuẩn, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Nếu tình trạng viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt amidan.

Phẫu thuật cắt amidan được chỉ định nhằm loại bỏ hoàn toàn amidan, hay còn gọi là amidan khẩu cái bằng tiếp cận đường mổ tại bao quanh amidan, giữa nhu mô amidan và cơ thành họng. Những người thường xuyên bị đau họng, ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy do nhiễm trùng amidan có thể được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định, bác sĩ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố như độ tuổi, nguyên nhân gây viêm amidan, mức độ viêm, những ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người bệnh.

1. Người lớn có nên cắt amidan không?

Người lớn có nên cắt amidan hay không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Theo các chuyên gia, chỉ định cắt amidan ở người lớn tùy thuộc vào tình trạng viêm amidan.

Amidan là một phần của hệ thống miễn dịch, hệ thống này giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Do đó, amidan có vai trò quan trọng với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, giữ nhiệm vụ “canh gác” và phản ứng khi vi trùng xâm nhập vào cơ thể qua mũi và miệng. Vì amidan hoạt động mạnh trong những năm đầu đời và thoái hóa sau đó, nên thông thường người lớn ít mắc phải viêm amidan hơn. Tuy nhiên, thực tế viêm amidan không hoàn toàn loại trừ đối tượng người trưởng thành.

amidan có nên cắt không
Người trưởng thành cũng có thể bị viêm amidan do lối sống, sinh hoạt, môi trường

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm amidan ở người lớn, đặc biệt là do lối sống và sinh hoạt: hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích như rượu, bia; tính chất công việc và môi trường làm việc cũng làm tăng nguy cơ viêm amidan ở người lớn. Bên cạnh đó, việc sống trong môi trường không khí ô nhiễm mà không có biện pháp bảo hộ cũng khiến tỷ lệ mắc viêm amidan cao hơn. Ở một số người, do bị viêm amidan lúc nhỏ và tái phát nhiều lần trở thành mạn tính, khi trưởng thành vẫn tiếp tục bị viêm amidan.

Đối với trường hợp viêm amidan tái phát nhiều lần, bên cạnh việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, các biện pháp chăm sóc tại nhà cũng được ưu tiên. Ở mức độ viêm amidan nhẹ, nếu được chăm sóc tốt, bệnh có thể tự khỏi trong 4-7 ngày hoặc sau khi dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm amidan vẫn tái phát, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật. Người lớn có thể được chỉ định cắt amidan khi:

2. Có nên cắt amidan cho trẻ không?

Trẻ nhỏ là độ tuổi dễ bị viêm amidan nhất, làm ảnh hưởng đến hoạt động vui chơi, phát triển thể chất và học tập. Cũng vì lý do này nên nhiều phụ huynh thường lo lắng và cân nhắc có nên cắt amidan cho trẻ không. Cũng tương tự như người lớn, ở trẻ nhỏ, chỉ định cắt amidan cũng tùy thuộc tần suất viêm cũng như mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Khi viêm amidan không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn, viêm nhiễm kéo dài và có nguy cơ ảnh hưởng đến các cấu trúc lân cận cũng như cơ quan khác, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ amidan.

Cắt amidan có thể được thực hiện ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Có hai trường hợp thường được cân nhắc có nên cắt bỏ amidan ở trẻ em không, đó là: ngưng thở khi ngủ và viêm amidan tái phát.

Khi amidan phát triển quá mức (quá phát) ở trẻ sẽ làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ đường hô hấp, làm gián đoạn quá trình thông khí, gây ra các vấn đề như: ngáy to, ngưng thở, giật mình giữa đêm, còi cọc… Do đó, cần phẫu thuật cắt bỏ amidan để đảm bảo sự phát triển của trẻ.

Mặt khác, nếu tình trạng viêm amidan tái phát xảy ra hơn 7 lần trong một năm, hơn 5 lần mỗi năm trong suốt 2 năm hoặc hơn 3 lần mỗi năm trong khoảng thời gian 3 năm, việc phẫu thuật cắt amidan cũng được xem xét trong kế hoạch điều trị.

3. Amidan có mủ có nên cắt không?

Amidan có mủ là một trong những dấu hiệu phổ biến của viêm amidan, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến amidan có mủ như áp xe, viêm amidan hốc mủ… Ngoài ra, người bị ung thư vòm họng cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng tương tự và gây nhầm lẫn với amidan có mủ như: chảy mủ họng, chảy máu mũi, mệt mỏi, suy nhược, đau tai… Vì vậy, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa tai mũi họng, để bác sĩ kiểm tra và chỉ định phù hợp.

có nên cắt bỏ amidan không
Có nên cắt amidan không? Viêm amidan có mủ tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Thông thường khi xác định viêm amidan có mủ, người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn một số loại thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu mủ, hoặc dùng kim chọc hút mủ, tiểu phẫu dẫn lưu mủ, đồng thời dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt để làm giảm triệu chứng. Khi tình trạng viêm amidan có mủ kéo dài hoặc tái phát thường xuyên, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật và theo dõi sau đó nhằm ngăn biến chứng.

4. Amidan hốc mủ có nên cắt không?

Amidan hốc mủ là một trong những thể phổ biến của viêm amidan mạn tính. Các hốc mủ hình thành do amidan hoạt động quá mức để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus cũng như các tác nhân khác gây hại cho sức khỏe. Với cấu trúc nhiều ngăn, hốc, amidan dễ tích tụ vi khuẩn, bụi bẩn, thức ăn thừa, dẫn đến viêm và hình thành các khối mủ.

Ngoài tình trạng sưng đau, có mủ ở khu vực amidan, viêm amidan hốc mủ còn ẩn chứa nguy cơ biến chứng lên các khu vực lân cận như tai, mũi,… Nguy hiểm hơn, biến chứng viêm amidan hốc mủ nếu không kiểm soát có thể gây phù tay, chân, mặt, nhiễm trùng máu, viêm thận, viêm khớp, suy tim,…

Viêm amidan có mủ gây đau đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vì vậy nhiều người nghĩ đến phương án cắt amidan phòng ngừa. Tuy nhiên, cắt amidan là biện pháp sau cùng, được chỉ định khi bệnh có dấu hiệu tiến triển nặng làm tắc nghẽn đường hô hấp, nghẽn phổi, nuốt khó; gây ra các biến chứng nghiêm trọng lên các cơ quan tim, phổi, thận… Phẫu thuật amidan để ngăn hơi thở có mùi cũng sẽ được xem xét khi tình trạng quá nặng và làm giảm chất lượng sống người bệnh.

5. Amidan mạn tính có nên cắt không?

Có nên cắt amidan không? Viêm amidan có hai dạng, bao gồm cấp tính và mạn tính. Viêm amidan mạn tính là hiện tượng amidan bị nhiễm trùng, sưng đau và kéo dài hơn hai tuần và thường xuyên tái phát, nhiều người mắc amidan mạn tính kéo dài trong nhiều năm. Viêm amidan mạn tính có hai thể là xơ teo amidan do viêm amidan lâu ngày và thể viêm amidan hốc mủ do sự tích tụ của thức ăn, vi khuẩn trong hốc amidan.

Viêm amidan mạn tính nếu không được điều trị triệt để có thể dẫn tới hình thành viêm amidan quá phát và áp xe amidan, có nguy cơ phát triển các biến chứng nguy hiểm.

Amidan mạn tính cũng được điều trị với hai phương pháp bảo tồn và phẫu thuật tùy vào tình trạng của bệnh nhân. Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, viêm amidan tái phát 4-5 lần trong một năm thường được xem xét phẫu thuật để loại bỏ ổ viêm, nhằm ngăn biến chứng và cải thiện chất lượng sống.

6. Amidan quá phát có nên cắt?

Viêm amidan quá phát là biểu hiện thường gặp của viêm amidan, nhất là viêm amidan mạn. Khi bị viêm amidan quá phát, amidan 2 bên thành họng to lên bất thường gây hẹp eo họng khiến người bệnh gặp vấn đề trong ăn uống, phát âm, hô hấp. Amidan quá phát được chia thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng dựa trên mức độ gây tắc nghẽn của amidan.

Người bị viêm amidan quá phát thường có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, ngủ ngáy, ngưng thở. Amidan quá phát từ độ 3 trở đi có thể ảnh hưởng đến giọng nói và nguy cơ biến chứng cao. Căn cứ trên cấp độ quá phát của amidan cùng thực tế sức khỏe người bệnh, việc áp dụng biện pháp điều trị nội khoa hay phẫu thuật cắt amidan sẽ được bác sĩ lựa chọn.

7. Amidan to có nên cắt không?

Amidan to là tình trạng thường thấy ở trẻ em và đôi khi cũng xuất hiện ở người lớn. Vậy amidan to có nên cắt không?

Một số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và thanh thiếu niên có amidan tương đối lớn mà không phải do bất kỳ vấn đề gì vì đây là độ tuổi amidan hoạt động mạnh với chức năng miễn dịch. Tuy nhiên, amidan cũng có thể to ra khi viêm họng do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Ngoài ra, tình trạng dị ứng (chẳng hạn như dị ứng theo mùa hoặc dị ứng quanh năm), sử dụng chất kích thích cũng có thể khiến amidan to ra. Việc tiếp xúc liên tục với người bị nhiễm trùng amidan do vi khuẩn hoặc virus cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.(1)

quy trình cắt amidan
Amidan ở trẻ nhỏ có xu hướng lớn hơn so với amidan người trưởng thành.

Nếu amidan to lên nhưng không gây ra triệu chứng thì thường không cần điều trị. Amidan có xu hướng teo đi khi trẻ qua độ tuổi dậy thì. Nhiều trường hợp amidan to do nhiễm trùng có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Nếu tình trạng nhiễm trùng dai dẳng, amidan không thể nhỏ lại đồng thời gây tắc nghẽn, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ amidan.

Khi nào có thể cắt amidan?

Amidan rất dễ bị viêm do tiếp xúc với vi khuẩn và virus thường xuyên, tuy nhiên nếu chức năng amidan vẫn hoạt động tốt và không ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe người bệnh thì không nhất thiết phải cắt.

Cắt amidan thường được chỉ định trong các trường hợp: viêm amidan tái phát nhiều lần trong năm; viêm amidan hình thành áp xe gây các biến chứng viêm xoang, viêm tai giữa; các biến chứng nguy hiểm khác lên tim, thận; amidan quá lớn cản trở hô hấp, hơi thở có mùi, cản trở ăn uống, mất ngủ, ngủ ngáy; viêm amidan có biểu hiện nghi ngờ ác tính;…

Khuyến nghị cắt amidan ở trẻ nhỏ thường bắt đầu từ 5 tuổi trở lên, tuy nhiên nếu trẻ dưới 5 tuổi viêm amidan tái phát thường xuyên, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng có thể được cân nhắc phẫu thuật.

Cắt amidan có lợi ích gì?

Phẫu thuật cắt bỏ amidan có thể giúp giảm số lần viêm họng trong năm. Khi cắt amidan hoàn toàn, người bệnh sẽ không còn bị viêm amidan nhưng các vùng mô khác trong cổ họng vẫn có thể bị nhiễm trùng.

Một số nghiên cứu cho thấy, người bệnh viêm amidan có thể bị đau họng khoảng 2-7 lần trong 6 tháng, còn những người đã phẫu thuật chỉ bị đau họng khoảng 1 lần trong 6 tháng đầu sau khi phẫu thuật.(2)

Lợi ích của việc phẫu thuật cắt amidan tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và khu vực nhiễm trùng.

Phẫu thuật cắt bỏ amidan ngoài việc giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng đau rát họng, ăn uống khó khăn, khàn giọng, mất tiếng còn giúp người bệnh lấy lại sự cân bằng trong sinh hoạt, giảm thiểu các vấn đề do amidan gây ra như chứng ngưng thở khi ngủ và ngủ ngáy, ngăn chặn hơi thở có mùi gây thiếu tự tin, phòng ngừa nguy cơ biến chứng có khả năng đe dọa sức khỏe tổng thể và tính mạng.

Cắt amidan có đau không?

Một trong những lý do khiến nhiều người ngần ngại có nên cắt amidan không đó là sợ đau trong quá trình cắt. Thực tế hiện nay có rất nhiều công nghệ hiện đại giúp quá trình cắt amidan diễn ra nhanh chóng, chẳng hạn tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, công nghệ Coblator thế hệ mới được ứng dụng vào phẫu thuật cắt amidan. Dao cắt sử dụng nhiệt độ thấp 60-70 độ C, loại bỏ triệt để ổ viêm, không làm tổn thương các mô xung quanh. Bệnh nhân được gây mê toàn thân, toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong 30 phút, người bệnh có thể ăn uống sau 3 giờ và về nhà sau 24 giờ theo dõi tại bệnh viện. Sau cắt amidan người bệnh có thể đau nhẹ thoáng qua ở cổ họng và nuốt vướng, nhưng toàn bộ các triệu chứng này sẽ hết sau vài ngày.

Để đặt lịch khám, tư vấn, phẫu thuật cắt amidan tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin:

Phẫu thuật cắt amidan là một trong những phương pháp điều trị viêm amidan, được áp dụng cho người lớn và cả trẻ em. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần cắt amidan, muốn biết bản thân có nên cắt amidan không, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ kiểm tra và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Link nội dung: https://mozart.edu.vn/2007-bao-nhieu-tuoi-nam-2023-a32122.html