Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho

Thực hiện bình đẳng tôn giáo, một số kết quả thực tiễn ở thành phố Cần Thơ

Ngày 13/11/2018 13:07 đăng bởi admin

Cong thong tin Ban ton giao TP. Can Tho

Việt Nam, Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo được hiểu là các tôn giáo ở Việt Nam đều có quyền hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân Việt Nam hoàn toàn tự do, tự nguyện theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào; tài sản của tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp đều được pháp luật bảo hộ. Quyền bình đẳng giữa tôn giáo là cơ sở, tiền đề quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy tình đoàn kết gắn bó của nhân dân Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc ta trong công cuộc xây dựng đất nước.

Nguyên tắc trong chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước Việt Nam là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của các tôn giáo được Đảng, Nhà nước ta vận dụng phát triển liên tục qua từng thời kỳ.Đại hội VII của Đảng khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; Đảng và Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân; thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa các tôn giáo; khắc phục thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, đồng thời nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc.

Quan điểm của Đảng tiếp tục được khẳng định, bổ sung và phát triển qua các kỳ Đại hội sau đó. Đặc biệt, quyền bình đẳng của các tôn giáo được Đảng ta đề cập chi tiết, cụ thể hơn trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX: Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Nghiêm cấm phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

Nguyên tắc các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật được thể hiện ở chủ trương của Đảng và được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Điều 70, Hiến pháp 1992 ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Không được xâm phạm tự do tín ngưỡng hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Trung ương Đảng “về công tác tôn giáo” đã xác định: Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Với công tác tôn giáo được cụ thể hóa tại điều 24 của Hiến pháp năm 2013, qua đó, một trong những chính sách đối với tôn giáo là: Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

Trong Bộ luật Dân sự, Điều 5 nguyên tắc bình đẳng quy định: “Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau” và Điều 47 ghi rõ: “Cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.

Quyền bình đẳng tôn giáo được đảm bảo và được xác lập ngày một nhiều hơn, gần đây quyền bình đẳng tôn giáo đã được nâng lên giá trị pháp lý mới bằng luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Khoản 1, điều 3, Luật tín ngưỡng, tôn giáo qui định về trách nhiệm của nhà nước: Nhà nước bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định cụ thể những nhóm hành vi bị nghiêm cấm, áp dụng bình đẳng đối với tất cả các tổ chức và cá nhân. Theo đó, có 8 hành vi liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bị nghiêm cấm là: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Những nội dung cơ bản của nguyên tắc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật được thực thi trong thực tiễn tại thành phố Cần thơ.

Thành ủy Cần thơ đã ban hành qui chế của hệ thống chính trị trong phối hợp nhằm tạo điệu kiện cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được diễn ra thuận lợi và đúng pháp luật. Các tôn giáo được tự do hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân, đảm bảo bình đẳng giữa các công dân, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng trong thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Tín đồ của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động được tự do sinh hoạt tín ngưỡng tại gia đình và các cơ sở thờ tự hợp pháp. Mọi công dân, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, khi vi phạm luật pháp đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Bình đẳng trong đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển

Từ năm 2005, đến nay trên địa bàn thành phố có 1.543 chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, suy cử; có 144 trường hợp thuyên chuyển trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là công giáo; có 243 trường hợp xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự; Cấp phép hoạt động cho tất cả các điểm nhóm Tin lành tự nguyện đăng ký; Số chức sắc, cơ sở thờ tự và tín đồ tôn giáo có sự phát triển khá nhanh, nhất là số tín đồ Tin lành, qua khảo sát và điều tra của Ban Tôn giáo thành phố, năm 2005, ở Cần Thơ có 7.403 tín đồ, chủ yếu là tín đồ của Tin lành Việt Nam Miền Nam. Đến tháng 03/2011, số lượng tín đồ là 11063 người. Đến tháng 6/2012 là 15957 người. Hiện nay theo số liệu khảo sát mới nhất vào tháng 9/2016, số lượng tín đồ của các hệ phái Tin lành là 17. 042 người. Như vậy sau 11 năm, số lượng tín đồ Tin lành ở Cần Thơ tăng 9639 người (tăng 130 %). Hệ phái tăng nhiều nhất là Hội thánh Báp-tít Việt Nam (Nam Phương), tín đồ năm 2005 có khoảng 833 tăng lên 3297 vào cuối năm 2010 và hiện nay là 7720 (trong 13 năm tăng khoảng 6887 người, tăng 826%).

10 năm qua, Ban Tôn giáo cũng đã tiếp nhận và giải quyết 1.357 đơn của tôn giáo (nội dung đơn: xin phép tổ chức các hoạt động tôn giáo; di dời điểm sinh hoạt tôn giáo, di dời điểm làm việc; xác nhận cơ sở tôn giáo hoạt động hợp pháp; tổ chức thuyết giảng giáo lý; huấn luyện phương pháp truyền giáo; xin phép xây dựng; xin công trợ; chia tách, thành lập; khắc dấu; xin chuyển quyền sử dụng đất; tổ chức các cuộc lễ đạo; phong chức, phong phẩm; mở lớp giáo lý; đăng ký vào học trong các trường tôn giáo; đi lại hoạt động tôn giáo; xuất cảnh ra nước ngoài; in ấn, xuất nhập khẩu kinh sách; cho phép sinh hoạt điểm nhóm của các hệ phái Tin lành và các nhu cầu chính đáng khác được giải quyết nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo). Những nhu cầu chính đáng của tôn giáo đã được Ban Tôn giáo tham mưu để lãnh đạo thành phố xem xét giải quyết công bằng, đúng theo quy định pháp luật và thực tế của thành phố tạo được sự đồng thuận của các tôn giáo.

Cùng với xu thế mở cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam, với chính sách tôn giáo thông thoáng, trong những năm gần đây các tôn giáo gia tăng các hoạt động đối ngoại, hàng năm trên địa bàn thành phố có không ít các vị chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo với nhiều lý do như tu học, hoạt động tôn giáo, du lịch, thăm người thân,..., đã được tạo điều kiện xuất cảnh thuận lợi. Bên cạnh đó thành phố Cần Thơ cũng tạo điều kiện cho các cá nhân và tiếp đón hàng chục đoàn các tổ chức tôn giáo nước ngoài đến thăm và hoạt động tôn giáo thuần túy tại Cần Thơ.

Quy hoạch sử dụng đất, giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo:

Qua thực hiện Chỉ thị 1940/CT-TTg, công tác giao đất và xem xét chuyển mục đích sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo đã được quán triệt và vận dụng một cách đồng bộ, kết quả từ năm 2009 đến tháng 6/2018 đã thực hiện giao đất cho 53 cơ sở tôn giáo với diện tích 19,26 ha và xem xét chuyển mục đích sử dụng đất cho 16 cơ sở tôn giáo với diện tích 3,45 ha. Hiện tổng cộng đã cấp 371 GCN QSDĐ cho 08 tôn giáo (trong đó PG 142 giấy với 559,418.1m2; CG 140 giấy với 2,933,654,51m2; Tl 18 giấy với 37,949.4m2; CĐ 25 giấy với 79,090.4m2; PGHH 11 giấy với 27,924.5m2;…). Với kết quả giao đất những năm qua tại thành phố Cần Thơ, có thể thấy rõ sự vượt trội về số lượng đất giao cho Công giáo và Tin Lành so với các tôn giáo khác, càng nổi trội hơn nếu đem so sánh với tỉ lệ tín đồ chung của cả thành phố qua bảng so sánh tỷ lệ sau:

Bên cạnh đó, nội dung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của thành phố Cần Thơ đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/5/2018, trong đó đất tôn giáo, tín ngưỡng được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch với diện tích tăng 07 ha so với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt trước đây và phân bố đều khắp tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở để địa phương thực hiện bố trí sử dụng đất đối với các công trình phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng theo quy hoạch định hướng của thành phố, đồng thời thực hiện các thủ tục đất đai cho các cơ sở tôn giáo theo đúng quy định.

Phối hợp đảm bảo bình đẳng tôn giáo

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã ban hành qui chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan tôn giáo, qua đó qui định nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đồng thời giao Ban Tôn giáo là cơ quan chủ trì phối hợp và tập hợp tình hình, tham mưu.

Ban Tôn giáo duy trì họp liên ngành mỗi tháng ít nhất 2 lần để thống nhất tham mưu cho Lãnh đạo thành phố giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo có qui mô lớn và các đơn thư khiếu kiện, các vụ việc tồn đọng. Thành phần họp xét đơn là các đồng chí thư ký - Tổ chuyên viên giúp việc cho Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo - dân tộc thành phố như: Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, ngoài ra tùy vụ việc mà mời thêm các sở, ngành hoặc địa phương liên quan.

Việc duy trì thường xuyên họp xét đơn liên ngành với thành phần nêu trên đã thật sự phát huy hiệu quả, đặc biệt là không có quan điểm riêng cá nhân, điều này tạo sự bình đẳng nhất định. Thứ nhất, tập hợp được thông tin nhiều chiều, kịp thời và phù hợp với thực tế của địa phương, có được kết quả khách quan từ nhiều lĩnh vực, đặc biệt là từ cơ sở. Thứ hai, tạo được sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của lực lượng trực tiếp tham mưu. Thứ ba, thống nhất trong nhận xét đánh giá vấn đề và tham mưu nhất quán, chính xác và chặt chẽ cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân cũng như các Sở ban ngành. Thứ tư, tránh được sự bất cập, đó là khi có chủ trương nhưng không thể thực hiện do phát sinh tình tiết theo qui định pháp luật của các ngành chức năng liên quan. Thứ năm, khi đã có chủ trương thì việc tổ chức thực hiện và hỗ trợ các tôn giáo hoạt động kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.

Trong thời gian qua, nhìn chung công tác phối hợp giữa Ban Tôn giáo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các sở ban ngành thành phố và quận, huyện trong việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng đạt được hiệu quả cao, kịp thời tham mưu đề xuất giải quyết các nhu cầu chính đáng của tôn giáo, tạo được sự phấn khởi trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, tạo được niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với chính quyền và nhân dân thành phố xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.

Nhìn chung bình đẳng tôn giáo về cơ bản được thực hiện có hiệu quả tại thành phố Cần thơ, góp phần không nhỏ vào chủ trương đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ luật pháp. Tuy nhiên trong thực tế, do nhiều nguyên nhân, việc đảm bảo bình đẳng tôn giáo ở thành phố Cần Thơ cũng còn một số vấn đề cần quan tâm:

Thực hiện bình đẳng tôn giáo, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo là một nhân tố quan trọng để đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trong một địa phương đa tôn giáo. Nhưng việc thực hiện chính sách này trong một số vấn đề cụ thể liên quan đến tôn giáo của một số nơi còn hạn chế tạo nên tâm lý “so bì hơn thiệt” của chức sắc, tín đồ theo các tôn giáo khác nhau.

Quan điểm của Đảng CSVN, cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, đã là vận động thì không thể đồng bộ về thời gian và kết quả giải quyết, vì vậy một vài trường hợp thắc mắc tại sao cùng một sự việc nhưng giải quyết khác với các trường hợp tương tự.

Hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh suốt nhiều năm, thiếu chế tài cụ thể cho cả chủ thể và khách thể quản lý, tạo tâm lý chủ quan, giải quyết theo quan điểm cá nhân. Trong công tác Quản lý nhà nước ở một số nội dung chính sách phải thực hiện cơ chế “xin - cho”, chính quyền ở một số nơi, tồn tại lối ứng xử có thể dễ dàng với tôn giáo này nhưng lại khó khăn với tôn giáo khác khi thực hiện một số nội dung quản lý, như việc giao, cấp đất cho cơ sở tôn giáo; quản lý, sử dụng nhà, đất liên quan đến tôn giáo; sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự….

Mối quan hệ tôn giáo với chính trị, kinh tế của một số cá nhân thuộc chủ thể và khách thể quản lý dẫn đến thiếu công bằng trong ứng xử giữa các tôn giáo… việc tận dụng lẫn nhau, tôn giáo muốn thông qua chính quyền để thuận lợi cho hoạt động của mình, ngược lại một số cá nhân muốn thông tôn giáo để có được vị trí chính trị hoặc kinh tế, lợi ích gia đình…Điều này dẫn đến việc can thiệp vào công việc chuyên môn của cơ quan quản lý đẫn đến cùng một vụ việc nhưng đối với tôn giáo này thì thoải mái, nhanh gọn, nhưng đối với tôn giáo khách thì khó khăn, kéo dài, một số chức sắc, chức việc lợi dụng sự quen biết dẫn đến coi thường luật pháp và lực lượng thực thi luật pháp.

Vấn đề thành kiến, nghi ngờ lẫn nhau do lịch sử để lại của một số chức sắc tôn giáo và một số cán bộ, công chức (thường là lớn tuổi), tuy không nhiều và có chiều hướng giảm, tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn còn xảy ra, dẫn đến trong ứng sử chưa thật sự hài hòa, tạo lên sự bất bình đẳng. Một vài trường hợp, ở cấp huyện, xã khi giải quyết nhu cầu tôn giáo chưa chú trọng đến tạo sự bình đẳng. Còn tâm lý tôn giáo nào gần gũi và thân mật hơn thì giải quyết thoáng hơn, điều này là tâm lý chung khó tránh khỏi, đặc biệt là với tâm lý người Tây nam bộ qua những năm dài chiến tranh. Ở một số nơi còn có tình trạng chính quyền ưu tiên một tôn giáo nhất định đã tạo nên những mặc cảm của tôn giáo khác rằng tôn giáo họ tin theo bị xem nhẹ, không được đối xử công bằng. Về phía tôn giáo được ưu tiên đã phát sinh tư tưởng “ỷ lại” vào chính quyền, quản lý giáo hội thiếu hiệu quả, dẫn đến một số chức sắc có hoạt động xa rời giáo lý, giáo luật, mê tín, làm ảnh hưởng tới xã hội và tới chính tôn giáo đó.

Do nhận thức pháp luật của một số chức sắc và tín đồ tôn giáo. Ý thức chấp hành Luật pháp chưa nghiêm, nhiều trường hợp coi giáo luật cao hơn pháp luật, giáo quyền cao hơn pháp quyền. Trong khi một số tôn giáo thì trách nhiệm công dân được xem trọng hơn vì vậy chấp hành nghiêm pháp luật. Cùng một nhu cầu nhưng đối với trường hợp chấp hành nghiêm bao giờ cũng có được sự tin tưởng và giải quyết nhanh chóng hơn.

Một số nhận định

Các tôn giáo ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, không phân biệt sự khác biệt về niềm tin của mỗi tôn giáo, người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không có tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, đều là công dân nước Việt Nam. Đây không những là đòi hỏi của quyền bình đẳng tín ngưỡng, tôn giáo trong một quốc gia đa tôn giáo, một nguyên tắc cơ bản trong Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo mà còn là truyền thống của người Việt Nam vốn khoan dung, hoà hợp tôn giáo.

Cùng với việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo không những là một chính sách lớn về quyền con người được liên hợp quốc và các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm trong xu thế hội nhập quốc tế mà còn là một nhân tố, một điều kiện cơ bản, quan trọng để đoàn kết được đồng bào theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ trương, chính sách đã rõ, pháp luật đã có, vấn đề là thể chế và tổ chức thực hiện. Đối với cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là đội ngũ cán bộ Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo phải mang tính chiến lược, ổn định, được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ quản lý và vận động, đảm bảo bình đẳng tôn giáo trong tham mưu và thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Lê Hùng Yên

Link nội dung: https://mozart.edu.vn/quyen-binh-dang-giua-cac-ton-giao-duoc-hieu-la-a32964.html