Rượu chuyển hoá chủ yếu ở gan (90%), 10% cồn từ bia rượu được đào thải qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu. Dưới tác động của enzyme alcohol dehydrogenase (ADH) ethanol (rượu ethylic, alcohol ethylic, rượu ngũ cốc hay cồn) sẽ chuyển hoá thành acetaldehyde (chất hóa học độc hại).
Acetaldehyde sau đó sẽ được chuyển hóa thành acid acetic (chất không độc) nhờ enzym acetaldehyde dehdrogenase 2 (men ALDH2), acid acetic sau đó sẽ chuyển hóa thành nước và CO2.
Nếu uống nhiều bia rượu, gan sẽ bị quá tải, acetaldehyde không được xử lý hết khiến nồng độ chất độc này trong máu cao, gây ra các triệu chứng đau đầu, nôn nao, mệt mỏi.
Bên cạnh đó, sử dụng rượu bia khiến cơ thể mất nước cũng dẫn đến nhức đầu, khô miệng, khát nước, uể oải.
Một số người dễ say là do một trong hai hoặc cả 2 lý do:
Một là,hoạt tính của men ADH cao, khiến lượng acetaldehyde trong máu tăng lên nhanh chóng, gây cảm giác say, mệt.
Hai là,hoạt tính của men ALDH2 thấp, khiến tốc độ phân hủy acetaldehyde chậm, lượng acetaldehyde tích lũy nhiều trong cơ thể.
Người tửu lượng tốt, uống mãi không say là do hoạt tính của men ALDH2 của họ cao, khiến lượng acetaldehyde bị đào thải nhanh chóng. Ngược lại, có người hoạt tính men ALDH2 thấp, chỉ nửa chén đã “gục”.
Căn cứ vào thực tế tình trạng người uống rượu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm đơn vị cồn.
Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200ml bia; 75ml rượu vang (1 ly); 25ml rượu mạnh (1 chén). Tuỳ vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Với người trưởng thành có sức khoẻ bình thường, thì cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải một đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy vào mỗi người, như người gan yếu, người có cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.
Ngoài ra các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Trường hợp uống 20 chén rượu mạnh (khoảng 40 độ) tương đương với 20 đơn vị cồn, gan sẽ mất khoảng 20 tiếng đào thải. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 23 tiếng để cồn trong máu về 0.
Do đó, nếu bạn uống 20 chén rượu mạnh, bạn sẽ mất khoảng 23 tiếng đồng hồ (tức gần 1 ngày) sau uống thì thổi nồng độ cồn mới không lên.
Từ những thông tin trên, hy vọng bạn đã có cho mình lời giải vì sao có người uống mãi không say, có người nửa chén đã say?
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/tin-ve-suc-khoe-a3668.html