Giao Lĩnh Thường - tức bộ y phục gồm chiếc áo 6 thân có cổ giao nhau (giao lĩnh) đi cùng với chiếc váy quây (thường) - là phục trang phổ biến nhất trong dân gian thời Lê, có thể thấy qua tranh vẽ lẫn điêu khắc.
Giao lĩnh có dạng vạt ngắn và vạt dài.
Giao lĩnh vạt ngắn dài không quá thân trên, thường dùng cho phụ nữ. Ở Trung Quốc, chiếc áo vạt ngắn này được gọi là nhu (襦), khi đi chung với váy sẽ được gọi là nhu quần (襦裙) - tức áo ngắn và váy. Những từ như thường (裳) và quần (裙) xưa đều được dùng để chỉ hạ y không đáy; tại Việt Nam từ thời Nguyễn trở đi, từ “quần” mới được chuyển sang dùng chủ yếu cho hạ y hai ổng.
Tại Triều Tiền và Trung Quốc thời Minh, giao lĩnh vạt ngắn là lớp y phục ngoài cùng, như thấy trong hai ảnh sau.
Tại Việt Nam thời Lê, giao lĩnh vạt ngắn có thường quây bên ngoài, tương tự các thời kỳ trước của Trung Quốc, có nét tương đồng với giao lĩnh quây hakama của Nhật.
Tuy nhiên giao lĩnh vạt ngắn quây thường triều Lê có thể phân biệt với giao lĩnh vạt ngắn quây thường của các triều đại ở Trung Quốc ở chỗ chiếc thường bên ngoài ngắn hơn chiếc thường (hoặc váy) bên trong, để lộ hai lớp váy. Trong khi đó, ở Trung Quốc (cũng như Nhật Bản và Triều Tiên), chiếc thường bên ngoài dài đến sát đất, che kín chiếc thường (hoặc váy) bên trong.
Thật ra kiểu y phục có thường ngoài ngắn hơn thường trong cũng có tại Trung Quốc ở một số thời kỳ (như thấy ở ảnh thứ 2 trên), song không phổ biến bằng tại Việt Nam triều Lê.
Cuối thời Lê, ta cũng thấy xuất hiện kiểu giao lĩnh vạt ngắn mặc phủ ngoài thường, mặc thành nhiều lớp, tạo ra một phong cách khá mới lạ, như minh hoạ ở tranh sau.
Giao lĩnh vạt dài dài quá đầu gối, cả nam lẫn nữ đều mặc; khi mặc thì áo phủ bên ngoài thường. Dạng phục trang này phổ biến tại cả 4 nước Việt, Trung, Hàn, Nhật, song thay đổi qua các thời kỳ và nhiều khác biệt về tiểu tiết có thể dùng để nhận dạng.
Giao lĩnh vạt dài (cũng như vạt ngắn) triều Lê có cổ cong võng, có thể thấy ở hình minh hoạ trên.
Kiểu cổ giao lĩnh cong võng này được thấy khá phổ biến từ đời Tống về trước, song đến triều Minh, cổ giao lĩnh thẳng hơn và kéo kín hơn, làm nên sự khác biệt giữa giao lĩnh triều Lê và Minh cũng như Triều Tiên (vốn chịu ảnh hưởng bởi phục sức Minh). Một điểm nữa có thể dùng để nhận biết là váy của Minh và Triều Tiên thường có nếp gấp còn váy thời Lê thì không. Ống tay áo triều Lê là dạng trực cư (ống tay thẳng) trong khi đó ống tay áo triều Minh là khúc cư (ống tay cong).
Viên Lĩnh Thường - tương tự như giao lĩnh thường, nhưng áo là dạng cổ tròn thay vì cổ giao nhau, cũng có dạng vạt ngắn và vạt dài.
Viên lĩnh vạt ngắn - tương tự như giao lĩnh, viên lĩnh vạt ngắn thường có thường quây bên ngoài, và thường dùng cho phụ nữ.
Ngoài kiểu viên lĩnh tay dài thông thường còn có cả kiểu viên lĩnh không tay, khi mặc vào sẽ lộ lớp tay áo bên trong.
Viên lĩnh vạt dài - tương tự như giao lĩnh, viên lĩnh vạt dài thường được mặc phủ bên ngoài thường.
Vào thời Lý, áo viên lĩnh thường có bốn vạt ở trước như trong lời tả của Chu Khứ Phi thời Tống,”Những người còn lại, ngày thường trên thì vận áo Sam đen cổ tròn bó sát, bốn vạt như áo Bối Tử, gọi là áo Tứ Điên; dưới thì vận thường đen.” (trích Ngàn Năm Áo Mũ). Loại viên lĩnh bốn vạt này có thể còn tồn tại đến thời Lê.
Nội Y - Đối Khâm: Đôi khi phụ nữ không khoác giao lĩnh hay viên lĩnh ở ngoài, chỉ mặc một chiếc nội y, choàng thêm chiếc áo đối khâm. Đây là kiểu tiện phục quen thuộc của các hậu phi.
Lối ăn vận này đôi khi cũng được thấy trong dân gian, đặc biệt vào những khi trời nóng bức. Đôi khi, nội y còn được thả ra bên ngoài thường.
Đôi khi chiếc thường được kéo lên cao (như phụ nữ thời Đường từng hay làm và sau này được ưa chuộng tại Triều Tiên), làm thành kiểu “cao thúc”.
Khi nội y phụ nữ chỉ là dạng quấn quanh ngực, kết hợp với thường kéo cao và đối khâm, sẽ tạo nên một kiểu trang phục khá giống tiện phục của các nữ hậu phi thời Đường.
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/viet-phuc-thoi-le-a3731.html