Du khách năm châu đến đây đều gọi Singapore là “thành phố của tương lai”, là ước mơ của hàng tỷ người trên thế giới.
Lãnh thổ Singapore gồm một đảo chính và 63 đảo nhỏ (rất ít đảo có người ở). Vì thế, thành phố - thủ đô Singapore gần như là cả quốc gia Singapore đã được đô thị hóa cao độ từ hơn nửa thế kỷ qua. Hiện tại, Singapore có diện tích 719,1km2 và dân số trên 5,5 triệu người.
Khi Singapore trở thành nước cộng hòa độc lập vào ngày 9-8-1965 thì công cuộc phát triển kinh tế và hiện đại hóa thủ đô chính thức tăng tốc. Để tháo gỡ tình trạng khủng hoảng nhà ở và thất nghiệp nghiêm trọng, Singapore thực hiện chiến lược “hóa rồng”, tập trung vào 3 nội dung lớn là công nghiệp chế tạo, bất động sản nhà ở công quy mô lớn và giáo dục công. Điểm khác biệt với thế giới là cả 3 nội dung đó kết hợp với nhau trong “Tầm nhìn xanh” do Thủ tướng Lý Quang Diệu vạch ra nhằm cùng lúc đạt được các mục tiêu: Phủ xanh đất nước, tạo ra môi trường sạch và xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phát triển kinh tế; cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị.
Sau mỗi chặng đường 10 năm Singapore lại có thay đổi lớn. Đến thập niên 1990, Singapore đã trở thành một trong những thành phố - quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới, có nền kinh tế thị trường tự do phát triển rất cao, có liên kết mậu dịch quốc tế hùng mạnh và GDP bình quân đầu người rất cao.
Theo “Sáng kiến quốc gia thông minh Singapore” do Thủ tướng Lý Hiển Long đề ra cuối năm 2014, Singapore bắt tay xây dựng thủ đô trở thành “thành phố của tương lai”. Đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, Singapore đầu tư xây dựng mạng lưới băng thông rộng tốc độ cực nhanh và wifi miễn phí; phủ kín mạng lưới cảm biến đường phố để tính phí đường bộ chính xác theo định vị, đồng thời cung cấp thông tin giao thông và nhiều dịch vụ tiện ích: Sạc tự động, quẹt thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến để qua đường... Với lợi thế về diện tích nhỏ và mật độ dân cư dày đặc, Singapore dễ dàng cài đặt các phần cứng mới và tăng khả năng tiếp nhận của cư dân. Việc ứng dụng di động Moments of Life giúp chuyển nhanh các dịch vụ phù hợp đến công dân.
Điểm khác biệt của thành phố thông minh Singapore là không dừng ở công nghệ hóa mà mở rộng biên độ, thông qua công nghệ kỹ thuật số để cải thiện chất lượng cung cấp và phát triển dịch vụ đô thị. Theo đó, 3 nội dung được ưu tiên là: Thứ nhất, tập trung chăm sóc sức khỏe cộng động với hệ thống dịch vụ chăm sóc y tế đáng tin cậy để công dân khỏe mạnh; thứ hai, xây dựng nhà ở của cư dân trở thành “tổ ấm” thực sự (người dân có quyền tiếp cận nhà ở xã hội miễn phí; tích hợp điều kiện sống thuận lợi, tính bền vững và phát triển); thứ ba, xây dựng hệ thống giao thông tích hợp các phương thức di chuyển chủ động để mọi người tận hưởng những tiện ích mà thành phố cung cấp.
Năm 2017, theo bình chọn của Công ty Nghiên cứu thị trường Juniper Research (Anh), Singapore xếp hạng đầu trong Top 20 đô thị thông minh trên toàn thế giới, trở thành “hình mẫu chuẩn mực hoàn hảo cho một thành phố của tương lai”. Còn theo bảng xếp hạng mới nhất do Viện Phát triển quản lý kết hợp với Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore công bố tháng 11-2021, Singapore lần thứ ba liên tiếp là “Thành phố thông minh nhất thế giới”. Không chỉ là thành phố - quốc gia thông minh nhất thế giới, Singapore còn có rất nhiều điểm cộng khác như: Môi trường sống trong lành, môi trường giáo dục lý tưởng, chuẩn mực xã hội rất cao, rất ít tệ nạn xã hội - tham nhũng... Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định: Quốc gia thông minh Singapore dành cho tất cả mọi người và không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả thành phần của xã hội, bất kể tuổi tác hay địa vị, đều được hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ. Ông nhấn mạnh: Lãnh đạo thành phố phải thực hiện quản trị có tâm và có tầm, giúp người dân có lối sống tích cực, thoải mái hơn, từ đó nâng cao tiềm năng phát triển của thủ đô và cả quốc gia.
Đạt đến đỉnh cao thế giới nhưng Singapore chưa dừng lại. Đến nay, có 7 công nghệ hiện đại nhất thế giới đã, đang và sẽ sớm được ứng dụng đại trà tại đây là: Thanh toán bằng mã QR tại quán ăn đường phố; Ô tô kiêm tài xế tự động (dự kiến hoạt động năm 2022); Vòng đeo tay kết hợp theo dõi sức khỏe và thẻ EZ-Link (dùng để đi xe bus và tàu MRT); Cảnh sát sử dụng thiết bị bay không người lái để truy bắt tội phạm; Hệ thống nhà thông minh sử dụng cảm biến đa tác dụng (theo dõi sự di chuyển của các thành viên), việc sử dụng thiết bị gia dụng, điều khiển từ xa...; Cột đèn đường thu thập dữ liệu về thời tiết, giao thông, hướng dẫn các phương tiện tự lái...; Robot trở thành lực lượng lao động làm dịch vụ...
Ông Chan Cheow Hoe, Giám đốc Hệ thống thông tin chính phủ Singapore, cho biết: Chỉ số thành phố thông minh của Singapore khác biệt ở chỗ mang tính toàn diện, không chỉ về công nghệ mà còn về mức độ hài lòng của người dân trong việc sử dụng công nghệ, coi phản hồi của người dân là một trong những thước đo. Giải pháp công nghệ thành phố thông minh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn, nhiều cơ hội hơn và cộng đồng xã hội cũng sẽ tốt hơn.
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/thanh-pho-cua-singapore-la-gi-a3753.html