'Cây cô đơn' lên phim 'Mắt biếc' là loài cây gì

Theo Báo Tiền Phong, mấy ngày nay, giới trẻ nhiều tỉnh, thành phố đã đổ xô về làng Hà Cảng để được ngắm, chụp ảnh bên "Cây cô đơn" khiến dân làng ngỡ ngàng...

Họ là khách du lịch đi tham quan, nhưng cũng có thể là những bạn trẻ tìm về đây vì sự hiếu kỳ. Bởi nơi đây có một cây xanh còn gọi là “cây cô đơn” đang trở nên nổi tiếng kể từ sau khi lên phim "Mắt biếc" và được nhiều người “săn tìm”.

Cánh đồng vắng Hà Cảng, xã Quảng Phú, trở nên nhộn nhịp trong những ngày gần đây từ sự nổi tiếng của cây cô đơn này. Ảnh: Ngọc Văn- Báo Tiền Phong.

Nói trên Báo Tiền phong, ông Nguyễn Thái Chơn (70 tuổi, một người dân Hà Cảng) cho biết, "cây cô đơn" này là cây vông đồng. Cây vông đồng này do một người dân thôn Hà Cảng trồng ngay bên lối ra đồng nhằm tạo bóng mát để nông dân nghỉ chân khi đi làm đồng trong những trưa hè nắng gắt. Cây vông đồng này trồng sau giải phóng năm 1975, đến nay hơn 40 năm tuổi.

Cây vông đồng hay còn gọi cây ngô đồng, cây mã đậu, cây bã đậu, cây ba đậu tây. Nhiều địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa gọi là cây cáo. Cây khi nhỏ tường trồng làm hàng rào, trồng làm bóng mát, thân cây có chi chít gai nhọn nên rất nguy hiểm khi trẻ con va, đập vào.

Cây vông đồng có tên khoa học là Hura crepitans, là một loài thực vật có hoa thuộc họ Đại kích, (Euphorbiaceae), được mô tả khoa học lần đầu năm 1753. Loài cây có nguyên xuất từ khu vực nhiệt đới thuộc châu Mỹ.

Thân một cây vông đồng lớn vẫn còn nhiều gai nhọn mọc chi chít. Ảnh: internet.

Vông đồng là loài gỗ lớn thường xanh, có thể cao tới 30 m. Cành cây thường to lớn, thuộc dạng thân hợp trục. Vỏ thân cành có màu vàng nâu với nhiều gai biểu bì. Lá đơn thường mọc cách vòng tập trung ở đầu cành. Cuống lá dài 4-20 cm, có 2 tuyến nổi. Phiến lá hình trứng rộng có kích thước dài 2-29 cm, rộng 5-17 cm, đầu lá vuốt mũi nhọn, đuôi lá hình tim...

Lá và quả cây vông đồng. Ảnh: internet.

Cây vông đồng hay được trồng để lấy bóng mát ven đường hoặc làm cây che bóng cho các loại cây trồng mục đích chính như ca cao hay vani. Gỗ của vông đồng có thể dùng để đóng đồ gia dụng, thùng hộp, ván ép.

Tại một vài nơi ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, các ngư dân dùng nhựa mủ màu trắng sữa hay màu vàng trong mờ, có tính kiềm từ vông đồng để làm thuốc cá hay để tẩm mũi tên độc. Mủ cây vông đồng có thể gây ra hiện tượng kích ứng ở da khi tiếp xúc trực tiếp, do chứa các protein độc là hurin và crepritin là các tác nhân gây phân bào có tơ bạch huyết. Các protein từ nhựa mủ cây vông đồng có độc tính đối với cá mạnh gấp 10 lần rotenon.

Nhiều người hay nhầm giữa cây vông đồng và cây ngô đồng-1 loại cây thấp, có thân phình to như củ và dùng để làm cây bonsai, cây cảnh. Quả và hạt của cả cây vông đồng và cây ngô đồng đều có độc tố.

Khung cảnh yên bình làng quê Hà Cảng, với gốc cây vông đồng già, khảng ruộng lúa thân thuộc... Ảnh: Ngọc Văn- Báo Tiền Phong.

Khi làm phim "Mắt biếc", đạo diễn Victor Vũ đã chọn cây cô đơn này của làng Hà Cảng để đưa vào cảnh phim. Phim "Mắt biếc" được chuyển thể từ một truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Trong phim, cây vông đồng này được gọi là “cây cô đơn”, là địa điểm ghi hình cảnh nhân vật Ngạn đánh đàn cho Hà Lan, tạo nên một khung cảnh đầy bảng lảng, xuyến xao, thơ mộng.

Thật bất ngờ, từ sự lựa chọn của Victor Vũ, một cây xanh vô danh mọc cô độc giữa đồng không mông quạnh, một vùng đất Hà Cảng dung dị, bình thường như bao làng quê khác bỗng trở nên nổi tiếng.

Theo Dân Việt

Link nội dung: https://mozart.edu.vn/cay-mat-biec-a3818.html