Lựa chọn của lịch sử
“Cha tôi kể, vào những ngày cuối tháng 8/1945, ông Vũ Đình Huỳnh giới thiệu bác sĩ Trần Duy Hưng trước hết là đến thăm khám sức khỏe cho Cụ Hồ. Lúc đó ông Cụ mới ở Việt Bắc về và vừa trải qua một trận ốm nặng. Sau đó, Cụ Hồ đã ngỏ ý mời cha tôi ra làm Thị trưởng Hà Nội. Nghe thế, cha tôi có nói với Cụ Hồ: Thưa Cụ, tôi không quen làm việc Nhà nước, tôi chỉ quen chữa bệnh thôi. Cụ Hồ lập tức trả lời: Tôi cũng đã bao giờ làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cùng học thôi” - ông Trần Tiến Đức, con trai thứ 2 của bác sĩ Trần Duy Hưng nhớ lại.
Và ngày 30/8/1945, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp của Chính phủ Cách mạng lâm thời đã ký sắc lệnh bổ nhiệm bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Hà Nội. Sau này, nhìn lại những quyết sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ đó, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đã thể hiện rất nhất quán tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Không phải ngẫu nhiên mà Cụ Hồ chọn bác sĩ Trần Duy Hưng và một số nhân vật trí thức tham gia Chính phủ, khi họ còn chưa phải là đảng viên.
Bác sĩ Trần Duy Hưng sau đó được kết nạp Đảng năm 1946. Cũng vào mùa đông Hà Nội 1946, đêm 30 Tết, Bác Hồ đã cùng vị Thị trưởng Hà Nội đi thăm chúc Tết một vài gia đình người dân của Hà Nội. Mở ra truyền thống, sau này, Tết nào Chủ tịch nước cùng với Chủ tịch Thành phố cũng đi thăm một số gia đình văn nghệ sĩ trí thức, gia đình cách mạng và bao giờ cũng thăm gia đình nghèo.
Thị trưởng hào hoa
Cũng giống như nhiều trí thức được đào tạo thời Pháp, bác sĩ Trần Duy Hưng không những chỉ có kiến thức về chuyên môn mà còn có phông văn hóa rất rộng. Ông đọc sách báo tiểu thuyết bằng tiếng Pháp, trong đó hầu hết là các tác phẩm cổ điển thế giới. Và như lớp trí thức hồi ấy, ông có hiểu biết về âm nhạc, hội họa. Ông chơi violin, thường chơi các bản như “Thiên thai” hoặc “Dòng Danube xanh”… Lúc ra kháng chiến ông có mang theo cây đàn violin, sau đó ông tặng lại cây đàn cho Đài Tiếng nói Việt Nam.
Suốt những năm làm Chủ tịch Thành phố, ông đặc biệt quan tâm đến các văn nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật của Hà Nội. Theo lời kể của ông Trần Tiến Đức, có vài lần Chủ tịch Thành phố Trần Duy Hưng đã can thiệp trực tiếp để giúp đỡ nghệ sĩ. Đó là một diễn viên múa của Hà Nội có đơn gửi thành phố trình bày gia cảnh rất khó khăn mà chồng là giáo viên bị phân công đi dạy học ở tỉnh xa, bác sĩ Trần Duy Hưng đã đề nghị các cơ quan chức năng cho chồng chị chuyển về Hà Nội.
Hay một trường hợp khác là nghệ sĩ guitar Hải Thoại vốn là con của một tình báo viên bên ta cài vào Phòng Nhì Pháp làm nhân viên đánh máy. Sau năm 1954, để tiếp tục hoạt động, tình báo viên này buộc phải vào miền Nam. Như vậy về mặt công khai nghệ sĩ Hải Thoại có cha là nhân viên của Phòng Nhì Pháp, cho nên Hải Thoại và các em đang học đại học đều bị cho nghỉ hết. Bản thân nghệ sĩ guitar Hải Thoại phải quay về quê ở Nam Định. Vài năm sau, Hải Thoại trở lại Hà Nội ở nhờ bạn bè, không hộ khẩu, không việc làm. Tình cờ biết hoàn cảnh, Thị trưởng Trần Duy Hưng đã đề nghị bố trí cho nghệ sĩ Hải Thoại một phòng ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ, cho nhập hộ khẩu Hà Nội và nhờ thế mà xin được vào làm giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên, Thị trưởng Trần Duy Hưng không bao giờ dùng vị trí của mình để can thiệp việc cá nhân, kể cả liên quan đến con cái như chuyện đã xảy ra một số năm sau đó.
Gần dân và vì dân
“Hôm cha tôi mất, có một phụ nữ đến cửa nhà tôi ở Lê Phụng Hiểu xin lên thắp hương. Gia đình có hỏi vì sao chị lại biết cha tôi, chị mới kể: Năm 1972 chiến tranh, nhà chị ở bên bờ sông bị bom phá hết. Chị chạy vào trong phố lên sân thượng một ngôi nhà lợp một mái tranh xin ở tạm với đứa con. Chồng chị thì đang ở chiến trường, nhưng sau đó khu phố đã không cho mẹ con chị trú chân.
Có người mách chị là chỉ có thể "kêu lên" ông Chủ tịch Thành phố may ra mới cứu được gia đình. Thế là chị tìm đến chờ ở cửa nhà tôi. Nghe xong, cha tôi ngay lập tức viết một bức thư gửi xuống khu (nay là quận) Hoàn Kiếm đề nghị cho chị ấy một chỗ ở. Từ đấy chị không gặp lại cha tôi. Cho đến khi biết cha tôi mất, chị mới tìm đến nhà xin thắp hương”, ông Trần Tiến Đức kể.
Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16/1/1912, mất ngày 2/10/1988. Ông làm Thị trưởng Hà Nội từ ngày 30/8/1945 đến ngày 19/12/1946. Làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Hà Nội từ năm 1954 đến năm 1977, sau khi ông viết đơn xin nghỉ hưu. Vợ ông là bà Nhữ Thị Tý. Ông có 7 người con, 6 gái 1 trai. Ông Trần Tiến Đức là con trai thứ hai. Tên ông được đặt cho một con đường lớn ở quận Cầu Giấy, phía tây Hà Nội.
Gần dân đối với bác sĩ Trần Duy Hưng là một việc làm tự nhiên. Ngoài giờ làm việc ông không bao giờ sử dụng lái xe. Ông tự lái xe, hoặc đi xe mô tô. Hồi máy bay Mỹ bắn phá cầu Long Biên lần đầu tiên, nghe tin ông lập tức tự lái mô tô lên thẳng cầu xem chỗ bắn phá thế nào, thăm các chiến sĩ ở khẩu đại liên phòng không trên cầu. Suốt những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, Thủ đô chỗ nào có bom đạn Chủ tịch Thành phố có mặt ngay.
Những người từng làm việc dưới thời Chủ tịch Thành phố Trần Duy Hưng còn nhớ đêm An Dương bị bom Mỹ đánh tháng 12/1972, ông đã đến tận nơi, đi nhặt từng mảnh xương của người dân sắp xếp vào trong từng quan tài.
Sau việc này ông bị phê bình vì tổ chức cho rằng chỗ của Chủ tịch Thành phố là ở sở chỉ huy. Bác sĩ Trần Duy Hưng đã nói lại, nếu tôi ngồi sở chỉ huy thì tôi không biết tình hình cụ thể thế nào để có phương án lo cho dân. Hơn nữa tôi là một bác sĩ, khi nào có người bị nạn thì bác sĩ phải có mặt cứu chữa.
Sau ngày 30/4/1975, ông vào Sài Gòn, tham gia đoàn đại biểu hiệp thương. Ngày 15/5/1975 mít tinh chào mừng Thành phố giải phóng, ông không đứng trên khán đài Dinh Độc Lập mà ông xuống dưới đường, đứng cạnh những người dân Sài Gòn. Một vài phóng viên ảnh đã chụp được hình ảnh ấy và báo chí Sài Gòn sáng hôm sau ra đã có hẳn một bài báo viết về việc ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội đứng dưới đường cùng những người dân Sài Gòn.
Dạy con bằng cách nêu gương
Bác sĩ Trần Duy Hưng quê gốc ở làng Phương Canh (phủ Hoài Đức xưa, nay thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Nhưng ông sinh ra ở phố Thợ Nhuộm. Dòng họ Trần của làng Phương Canh giữa thế kỷ 19 đã ra ở Hà Nội. Ông nội của bác sĩ Trần Duy Hưng là quan triều Nguyễn, cai quản toàn bộ công tác chăm sóc sức khỏe của phủ Hưng Hóa ngày xưa. Cụ thân sinh bác sĩ Trần Duy Hưng làm ở sở Hỏa Xa, được 2 sắc phong của vua Khải Định và vua Bảo Đại.
Có lẽ, truyền thống của một gia đình nền nếp Hà Nội đã ảnh hưởng quan trọng đến tính cách của bác sĩ Trần Duy Hưng. Ở trong gia đình, ông không bao giờ đánh con, mà chỉ nêu tấm gương để các con học tập. Theo lời kể của người con trai thứ: “Qua nếp sống hàng ngày ông đối xử với bà, với mẹ tôi, với các cô các chú họ hàng trong nhà thì thấy rằng ông bao giờ cũng rất chân tình, rất có trên có dưới, rất quý trọng những mối quan hệ họ hàng”.
Phu nhân của bác sĩ Trần Duy Hưng là bà Nhữ Thị Tý, như phong cách của các gia đình trí thức tiểu tư sản Hà Nội lúc bấy giờ, vừa là người phụ nữ giữ nếp nhà, lo việc nhà, vừa đảm đang chuyện buôn bán. Theo mô tả, bà là một người thích uống cà phê. Ngay cả khi ở chiến khu Việt Bắc, bà vẫn giữ thói quen này.
“Đầu kháng chiến chống Pháp, khi gia đình tôi tản cư về mạn Bắc Giang, mẹ tôi buôn bán gây quỹ cho tổ chức. Mẹ tôi là tấm gương về sự hy sinh cho chồng, cho con. Lấy chồng, thì chạy ngang chạy dọc buôn bán để nuôi chồng, nuôi con, chăm lo cho gia đình nhà chồng. Mẹ tôi cùng chia sẻ với cha tôi những gian khổ, khó khăn của những năm sống trong rừng sâu ATK, rồi những năm kháng chiến chống Mỹ”, ông Trần Tiến Đức nhớ lại.
Sau này, khi đang ở cương vị Chủ tịch Thành phố, con trai ông đang du học ở Liên Xô (cũ) vì một sự cố mà phải về nước và không có tên trong danh sách những du học sinh được quay lại, bác sĩ Trần Duy Hưng đã không hề can thiệp. “Ông luôn tin rằng tôi biết sống đúng với những khuôn thước đạo đức và những giá trị sống của chính ông. Cha tôi tin rằng chúng tôi biết tự vươn lên trong cuộc sống”, ông Trần Tiến Đức kể.
Hướng tầm nhìn đến quy hoạch đô thị
Bác sĩ Trần Duy Hưng được cử làm Thị trưởng Hà Nội ngay từ những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ cho đến năm 1946 đi kháng chiến. Ở chiến khu Việt Bắc, ông được giao nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ. Đến năm 1954 trở về tiếp quản Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng lại được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hà Nội (ông Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 làm Chủ tịch). Vài tháng sau khi Ủy ban Quân quản hết nhiệm vụ mới bàn giao cho Ủy ban Hành chính và lúc ấy bác sĩ Trần Duy Hưng lại tiếp tục làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính.
Cũng có những thời gian, một số ý kiến cho rằng nên cử bác sĩ Trần Duy Hưng sang công tác khác như Bộ Ngoại giao. Nhưng Cụ Hồ trả lời là chừng nào đất nước chưa thống nhất thì bác sĩ Trần Duy Hưng còn phải làm Chủ tịch Hà Nội.
Năm 1972, khi Chủ tịch Thành phố đúng tuổi 60 tuổi, ông có làm đơn xin nghỉ hưu nhưng cũng không được đồng ý. Đến đúng năm 1977, khi đã 65 tuổi, bác sĩ Trần Duy Hưng mới được cho nghỉ, kết thúc vai trò của một trí thức mang ý nghĩa biểu tượng của Thủ đô cho đến khi đất nước thống nhất.
Trong suốt những tháng năm làm Chủ tịch Hà Nội, vị trí thức hào hoa đã có rất nhiều đóng góp cho thành phố. Trong đó, giữa những năm tháng chiến tranh Hà Nội còn vắng vẻ, ông đã đặc biệt chú trọng đến quy hoạch thành phố. Nghe nói ngay khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Thành phố sau hòa bình, mặc dù vừa từ chiến khu về tiếp quản Hà Nội, ông đã xin Trường Đại học Bách Khoa mở lớp dạy về quy hoạch đô thị trong 6 tháng để ông và một số cán bộ đi học vào buổi tối. Học để có kiến thức về quy hoạch đô thị.
Còn sau khi chiến tranh phá hoại vừa kết thúc, ông đã cho xây dựng những khu tập thể lắp ghép 2 tầng đầu tiên của Hà Nội, tuy còn rất đơn sơ như khu tập thể lắp ghép ở Trương Định, nhưng vừa để giải quyết chỗ ở trước mắt cho người dân, vừa đã nghĩ đến việc tái thiết một Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Mô hình nhà lắp ghép sau đó đã lan ra nhiều tỉnh thành.
Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng cũng đã có nhiều hoài bão trong quy hoạch Hà Nội. Khi tiếp một đoàn kiến trúc sư nước ngoài đến thăm Hà Nội hồi ấy, ông đã rất tán thành đề xuất của họ về quy hoạch sông Hồng và ao hồ để Hà Nội trở thành một thành phố đậm đặc hệ thống cây xanh mặt nước như một số thủ đô trên thế giới. Rất tiếc những năm chiến tranh phá hoại đã khiến những ý tưởng đó phải gác lại.
Ông đã từng mong muốn trong khoảng cách 50 - 100m đến sát mép nước hồ Tây trồng thảm cây xanh chạy xung quanh hồ, đến lớp bên ngoài mới tính đến xây dựng nhà cửa. Bây giờ nhìn lại sẽ thấy, nếu hệ thống ao hồ nói chung và hồ Tây nói riêng đã được thực hiện như vậy, thì thành phố bây giờ đã hoàn toàn có một diện mạo khác, vừa đẹp đẽ vừa giải quyết được câu chuyện không gian sống.
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/bac-si-tran-duy-hung-a3933.html