‘Quốc gia kín đáo’ dưới chân đỉnh Everest huyền thoại

Phút nghỉ ngơi của một người Sherpa. Ảnh: Kevin Aryalz.

Ni viện bên dãy Himalaya tuyết phủ

Trên một quả đồi nhìn ra Kathmandu, thủ đô Nepal, ni viện mang tên Druk Amitabha độc đáo nhất thế giới khi những nữ tu ở đây đồng thời cũng luyện tập Kungfu. Một bài viết trên tờ The Straits Times cho biết ni viện nổi danh vì không ở đâu có chuyện nữ tu luyện võ. Những người phụ nữ này là một phần của chi phái Phật giáo hơn 800 năm tuổi có tên là Drukpa, có nghĩa là "Rồng" trong tiếng địa phương. Dọc theo dãy Himalaya, những môn đồ của chi phái Drukpa pha trộn hoạt động thiền tịnh với việc luyện tập võ thuật.

“Mỗi ngày, các nữ tu tại đây đều khoác lên mình bộ đồng phục màu nâu sẫm dành cho môn võ thuật cổ xưa. Sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, nữ tu Jigme Rabsal Lhamo, 35 tuổi, rút thanh kiếm từ sau lưng và hét lớn: “Tất cả tập trung vào mục tiêu!”. Ngay sau đó, buổi luyện tập bắt đầu.

“Kungfu giúp chúng tôi xóa rào cản về giới và thúc đẩy sự tự tin bên trong, cũng như giúp chúng tôi bảo vệ lẫn nhau” - Lhamo nói và cho biết mình đã đến ni viện chục năm trước từ Ladakh, miền bắc Ấn Độ. Các nữ tu Kungfu ở Himalaya bắt đầu phong trào này cách đây 30 năm dưới sự lãnh đạo của Jigme Pema Wangchen - người đứng đầu thứ 12 của chi phái Drukpa - còn được gọi là Gyalwang.

“Chúng tôi đang thay đổi luật lệ cuộc chơi, chỉ ngồi thiền trên nệm là chưa đủ. Mỗi năm các nữ tu đều hành hương quãng đường khoảng 2.012km từ Kathmandu đến Ladakh để kêu gọi bảo vệ thiên nhiên. Trên hành trình, chúng tôi ghé qua các ngôi làng để truyền đạt cho người dân về bình đằng giới và tầm quan trọng của trẻ em gái, cũng như chỉ cho các em biết một vài chiêu thức Kungfu” - Lhamo nói.

Trong vòng 15 năm qua, khoảng 800 nữ tu sĩ đã được đào tạo cơ bản về võ thuật và khoảng 90 tu sĩ khác trở thành huấn luyện viên nhờ vào khả năng của họ khi đã trải qua những bài luyện tập hết sức khắc nghiệt. Các nữ tu Druk Amitabha trở nên rất nổi tiếng ở Nepal, đất nước chỉ khoảng 9% dân số theo đạo Phật và danh tiếng của họ cũng dần tỏa sang những quốc gia khác.

Cũng ít người biết rằng, trong số họ không phải ai cũng là phật tử xuất gia, mà nhiều người luyện Kungfu trong ni viện làm những nghề khác nhau, như họa sĩ, nghệ sĩ, thợ sửa ống nước, người làm vườn, thợ điện, thợ xây dựng. Có người là nhân viên thư viện hay là phục vụ tại một phòng khám y tế.

“Chúng tôi không chỉ quan tâm mỗi tôn giáo của mình, chúng tôi còn quan tâm đến xã hội. Luyện tập Kungfu giúp chúng tôi tự tin và có sức mạnh để giúp mọi người” - nữ tu sĩ Lhamo nói và cho biết thêm nhận được khá nhiều yêu cầu xin gia nhập dòng tu, có cả những yêu cầu từ những đất nước xa xôi như Mexico, Ireland, Đức và Mỹ.

“Nhưng không phải ai cũng có thể trở thành tu sĩ. Bên ngoài chúng tôi trông thật thú vị nhưng đây vẫn là một cuộc sống khó khăn khi kết hợp giữa thiền với Kungfu, đòi hỏi phải có nghị lực khác thường, nhất là đối với phụ nữ” - nữ tu sĩ Jigme Yangchen Ghamo nói với phóng viên của tờ The Straits Times.

Một buổi tập Kungfu của các nữ tu tại ni viện Druk Amitabha.

Bảo tháp Boudhanath và dòng chảy của nghệ thuật truyền thống

Tòa đại bảo tháp lặng lẽ mà huyền bí nằm ở vùng ngoại ô phía bông bắc thủ đô Kathmandu, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1979. Kiến trúc tòa tháp hình vòm đặc trưng của Phật giáo Mật tông với 4 phía nhìn ra 4 hướng, đều được vẽ đôi mắt của Đức Phật. Phía trên cùng là hình tượng con mắt thứ ba, biểu trưng cho sự thấu suốt, cho trí tuệ giác ngộ.

Tòa bảo tháp được cho là được hình thành giúp các thương nhân, hành giả, lama (người tu hành)... nghỉ chân và cầu nguyện bình an để vượt dãy Himalaya hay tới những thung lũng khác. Tới nay, Boudhanath vẫn là trung tâm Phật giáo Mật tông lớn nhất Kathmandu khi mỗi ngày đều đón nhận hàng ngàn lượt khách hành hương, tăng ni, dân địa phương... tới hành lễ với niềm tin đặc biệt về sự giác ngộ và giải thoát.

Người từ nơi khác tới Nepal đều có chung suy nghĩ rằng khi tới bảo tháp Boudhanath họ cảm giác như cuộc sống chậm lại và học được ít nhiều sự kiên nhẫn. Đó là bởi nhịp sống nhẹ nhàng, từ tốn và biết hài lòng, kể cả ngoài kia là những con đường đông đúc người xe.

Mà thật ra Kathmandu có thể được coi là thủ đô yên ả nhất thế giới khi mà không hề nghe tiếng còi xe, không hề nhìn thấy cảnh chen lấn, hối thúc. Mọi va chạm đều được giải quyết một cách từ tốn. Trên con đường từ Boudhanath tới vùng thung lũng ngoại vi thủ đô cho dù có kẹt xe thì cũng không ai cau có hay mất bình tĩnh.

Thamel - khu phố du lịch sầm uất của Kathmandu vẫn có những đàn chim bồ câu đập cánh bay lên đỉnh những bảo tháp linh thiêng. Tất cả toát lên sự yên ả khiến bất cứ ai cũng cảm thấy yên lòng.

Trong nhịp sống chậm rãi và hài hòa ấy, mạch ngầm văn hóa truyền thống rất được người Nepal tôn trọng. Trong số những nghệ sĩ chăm chỉ hồi sinh nghệ thuật truyền thống Nepal không thể không nói tới Lok Chitrakar và Mukti Singh Thapa. Họ cặm cụi hồi sinh Paubha - nghệ thuật truyền thống có từ thế kỷ 13, những tác phẩm đại diện cho triết học Ấn độ giáo, Phật giáo.

Khu phố Latitpur ở thung lũng Kathmandu giống như một viện bảo tàng mênh mông, nơi cuộc sống và nghệ thuật không tách rời. Những con phố và ngõ hẹp; những ngôi đền và bảo tháp có tuổi đời nhiều trăm năm được phủ đầy những lễ vật như thần sa và cúc vạn thọ, cùng đó là các cửa hàng bán tác phẩm nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là tranh thanka. Sự tiếp nối nghệ thuật truyền thống nguyên bản diễn ra mạnh mẽ.

Lok Chitrakar, 62 tuổi, cho biết ông đã vẽ suốt hơn 30 năm qua. Sinh ra ở thung lũng Kathmandu, Lok Chitrakar lớn lên trong sự bao bọc của nghệ thuật truyền thống Nepal. Tự học, cha mất sớm nhưng người đàn ông này không bỏ cuộc. Những năm đầu khi vẽ, ông quảng bá tranh của mình từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, còn nay thì người ta tìm đến ông.

Theo Lok Chitrakar, khi ông thực hiện các tác phẩm nghệ thuật thì không phải là sao chép y nguyên tranh cổ mà đó còn là cách để ông “thực hành triết học”, có nghĩa là vừa chiêm nghiệm vừa sáng tạo. “Chúng tôi không phải là thợ vẽ. Nhưng chúng tôi bao giờ cũng bám chắc vào truyền thống” - Lokk Chitraka nói.

Các tác phẩm của ông đều được vẽ trên một mảnh vải hình chữ nhật, bôi keo da trâu và đất sét trắng. Bề mặt được chà xát đánh bóng bằng đá mịn. Bức tranh được thực hiện theo quy tắc và kích thước mà truyền thống truyền lại. Trên cái nền bất biến đó, Lok thả hồn phiêu du.

Người thứ hai cũng nổi tiếng không kém là Mukti Singh Thapa, 66 tuổi, được đánh giá là họa sĩ truyền thống hàng đầu của Nepal, bao giờ cũng chỉ vẽ bằng bột màu và màu nhuộm từ thực vật. Tuy nhiên, những đường nét thì vô cùng chính xác với khả năng sáng tạo vô song của người nghệ sĩ.

Thapa sinh năm 1957 tại thị trấn Bandipur, miền trung Nepal, trên dãy Himalaya. Ông nói, ngay từ nhỏ đã thấy sừng sững trước mắt những ngọn núi phủ đầy tuyết. Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ Thapa đã bị mê hoặc bởi vẽ, thường phác họa những bông hoa hoặc con vật nhỏ mà ông đem bán cho người làng. Lớn lên, Thapa không bằng lòng sao chép người khác.Ông đã đến những ngôi chùa, tu viện và viện bảo tàng để tự mình khám phá ra những phong cách khác nhau, mà ông gọi là “giác ngộ”. Ông bị quyến rũ bởi phong cách Newar cổ điển, vốn phổ biến trên khắp dãy Himalaya từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16 và đã luyện tập trong nhiều năm để hoàn thiện kỹ thuật của riêng mình.

“Điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Nhưng khi đã tiếp thu được rồi thì lại phải nỗ lực hơn nữa để tạo ra tác phẩm của riêng mình chứ không phải là sao chép” - Thapa nói. Chính điều đó khiến tác phẩm của ông vượt ra khỏi biên giới Nepal, được trưng bày trong Bảo tàng Rubin ở thành phố New York (Mỹ) và Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Fukuoka ở Nhật Bản.

Nghệ thuật truyền thống Nepal trong dòng chảy thời gian.

Cuộc sống của những người “không tên”

Tuy nhiên, nói đến Nepal thì không thể không nói đến những người chấp nhận cuộc sống khắc nghiệt dẫn đường cho du khách leo lên đỉnh Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới, 8.848 mét. Họ là những người của bộ tộc Sherpa, được mệnh danh là những leo núi cừ khôi nhất thế giới. Lịch sử ghi lại, khoảng 600 năm trước người Sherpa đã vượt qua những con đường trắc trở từ Đông Tây Tạng đến vùng đất Solukhumbu để tìm kiếm cơ hội cải thiện cuộc sống.

Kể từ năm 1953, đỉnh Everest được xem là nơi để chinh phục giới hạn của con người. Có những nhà leo núi thành công đến đích nhưng cũng có hàng nghìn người đã bỏ mạng tại đây khi cố gắng đẩy giới hạn của bản thân vượt sức chịu đựng của người bình thường. Muốn thực hiện một hành trình chinh phục Everest, tất cả những người leo núi đều phải nhờ đến người Sherpa trong việc dựng trại, thiết lập đường đi, chuẩn bị các vật dụng cần thiết, khuân vác và đảm bảo sự an toàn.

Đó cũng chính là kế sinh nhai của nhiều thế hệ người Sherpa.

Một nghiên cứu của Mỹ vào năm 1976 đã đưa ra kết luận rằng bộ tộc Sherpa là những người phi thường vì có thể kiểm soát và tận dụng oxy tốt dù thường xuyên tiếp xúc với độ cao của đỉnh Everest khi mà thiếu oxy là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng say độ cao và tử vong. Trải qua nhiều trăm năm, cơ thể của người Sherpa đã phát triển và biến đổi gene để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sống thiếu thốn. Đó là nguyên nhân giúp họ sống được trong bầu không khí loãng của dãy núi cao nhất thế giới.

Norbu Tshering, một người dẫn đường sống ở Katlahoma cho biết, dù quen thuộc đường lên núi cũng như chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt nhưng rủi ro đối với họ vẫn rất cao. “Cái chết và thương tích là một phần cuộc sống của chúng tôi” - ông nói.

Khi được hỏi, những nhà leo núi lên được đỉnh Everest đều được tôn vinh, còn với họ trong tư cách là người dẫn đường, người phục vụ thì sao? Tshering nói, cũng không lấy gì làm thiệt thòi cho dù có người Sherpa đã 30 lần lên tới nóc nhà thế giới. “Chúng tôi là những người không tên. Họ chỉ biết đến chúng tôi như một khái niệm với định danh chung là Sherpa”.

Pemba, 39 tuổi, một người dẫn đường sống ở Thamo - một ngôi làng nhỏ ở thung lũng Thame cho biết, cha của anh đã chết trong một vụ lở tuyết trên đỉnh Everest khi dẫn đường cho một nhóm người leo núi đến từ châu Âu. Trong trí nhớ của người con trai thì người cha là một người đàn ông có nụ cười thân thiện và vui vẻ.

“Tôi không bao giờ nghĩ cha tôi sẽ chết khi leo núi vì từ bé tôi đã biết ông dẫn đường cho những người leo lên đỉnh Everest. Nhưng rồi dãy núi cũng đã mang ông đi khỏi chúng tôi” - Pemba rầu rĩ nói. Tiếp tục làm nghề dẫn đường, Pamba cho biết mỗi lần dẫn đoàn lên núi anh đều tự hỏi liệu có sống sót để trở về? Trong 14 lần dẫn khách leo núi lên đỉnh Everest thì ngần ấy lần Pemba mang theo một bức ảnh gia đình bên người.

Sự “siêu phàm” của người Sherpa

Cách đây 100 năm, người Sherpa kiếm sống bằng nghề nông trên vùng núi cao, họ chăn thả gia súc và kéo sợi len. Những người Sherpa đi ngang qua các đỉnh của dãy Himalaya nhưng không leo lên chúng vì họ tin rằng đó là nhà của các vị thần.

Sau này, khi người Anh bắt đầu tiến hành những chuyến thám hiểm leo núi Himalaya, họ đã gặp hết thất bại lần này đến lần khác. Cho đến khoảng năm 1953, một người leo núi đến từ New Zealand nhờ có sự dẫn đường và giúp sức của người Sherpa đã chinh phục được nóc nhà thế giới.

Từ đó, những nhà leo núi phương Tây mới nhận ra rằng nếu muốn leo lên đỉnh Everest thì nhất thiết phải thuê người Sherpa làm khuân vác và dẫn đường. Đồng thời họ cũng nhận ra rằng người Sherpa đã phát triển được những phẩm chất siêu phàm khi phải sống và leo lên những đỉnh núi cao tuyết phủ quanh năm. Sống ở độ cao hơn 4.500 mét so với mực nước biển, người Sherpa có thể chất không ai bì nổi và họ đã trở thành một trong những nhóm người leo núi giỏi nhất hành tinh.

“Khi chúng ta leo núi, hormone erythropoietin (EPO) thúc đẩy quá trình sản xuất thêm hồng cầu, sau đó hồng cầu chở nhiều oxy tới cho các cơ. Nhưng các tế bào sinh ra thêm cũng làm máu đặc hơn, tạo thêm áp lực lên trái tim để bơm máu, và có thể gây ra hội chứng say độ cao.

Còn người Sherpa thì khác, cơ thể họ cũng tăng số lượng tế bào hồng cầu khi ở trên cao, nhưng không nhiều như người đến từ vùng khác” - nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Họ cũng đã tìm thấy mức độ oxy hóa chất béo thấp hơn ở người Sherpa, có nghĩa là các mô của người Sherpa có thể sử dụng oxy tốt hơn nhiều và tạo ra năng lượng hiệu quả hơn so với người bình thường.

Từ những nghiên cứu mở đầu, giới khoa học tiếp tục nhiều nghiên cứu khác nhằm “giải mã” sự siêu phàm của người Sherpa. Một trong những địa chỉ tập trung nghiên cứu là làng Phortse, nằm trên một cao nguyên ở thung lũng Khumbu của Nepal, bao quanh bởi những sườn núi xanh mướt và những đỉnh núi phủ đầy tuyết.

Trong một con ngõ hẹp ở độ cao 3.800 mét, phóng viên của tờ SCMP bắt gặp hai thanh niên ở độ tuổi ngoài 20 đang quay sợi trước cửa nhà. Khi được hỏi liệu họ đã từng đặt chân tới đỉnh Everest gần đó chưa, họ chỉ gật đầu một cách thờ ơ. Một chủ nhà trọ gần đó là Panuru cũng bình thản cho hay: “Tôi đã lên đỉnh Sagarmatha (cách gọi Everest theo tiếng Nepal) khoảng 13 lần”. Còn trong một gia đình có ba cha con, cô con gái 21 tuổi chia sẻ: “Chúng tôi lên đường mà không có kế hoạch gì cả”.

Rất đặc biệt là làng Phortse hiện có tới 70 người chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới và còn sống. Đây cũng là nơi ghi nhận số lượng người trong một làng có thể leo lên đỉnh Everest nhiều nhất - theo Cơ sở dữ liệu Himalaya.

Nhà leo núi nổi tiếng người Mỹ Conrad Anker cho biết, người Sherpa leo núi mà không có bất kỳ kỹ thuật nào. Một số người Sherpa tử nạn trong khi dẫn đường lên đỉnh Everest do đều gặp tình huống xấu nhất, như bão tuyết, băng tan chẳng hạn chứ không phải do kiệt sức, tê cóng hoặc say núi liên quan đến độ cao - những nhân tố ác mộng với các nhà leo núi chuyên nghiệp nước ngoài.

C.Anker kết thúc câu chuyện của mình bằng câu nói: “Hãy đến Nepal một lần trong đời. Bạn sẽ không hối tiếc”.

Nepal, một quốc gia châu Á bên dãy Himalaya, thuộc châu Á; 3/4 biên giới giáp Ấn Độ, 1/4 còn lại giáp Tây Tạng (Trung Quốc). Nepal là nơi sinh của Đức Phật nhưng ngày nay 80% dân số theo đạo Hindu. Người ta nói rằng đặc sản của Nepal không gì khác ngoài những ngọn núi tuyết, nơi những ngọn núi có vẻ đẹp mê hoặc như đỉnh Everest - nóc nhà thế giới trong dãy Himalayas huyền thoại. Nepal được những dãy núi bao bọc, không có biển, chỉ có những hồ nước xanh ngọc bích nằm ở độ cao từ 3.000 đến 5.000m so với mặt nước biển. Ở thành phố hay làng quê, đều có những công trình kiến trúc cổ xưa. Những thánh tích tôn giáo, những đền đài, những tu viện nằm ở trung tâm hay nằm sâu trong lòng núi… đều khó gặp ở bất cứ nơi đâu trên Trái đất.

Do vị trí địa lý, Nepal được biết đến là “quốc gia kín đáo”, với rất nhiều tập tục. Ví dụ, ở Nepal, chạm vào đầu người khác là hành động không đứng đắn. Vì quan niệm của người Nepal đầu là phần thiêng liêng của cơ thể, và chỉ có các nhà sư và các bậc cha mẹ mới có thể chạm vào. Machapuchare là ngọn núi thiêng liêng, người địa phương gọi là "núi đuôi cá", cấm leo. Vì thế chưa một ai leo tới đỉnh của nó. Còn Bagmati là con sông linh thiêng nhất của người Nepal, như sông Hằng đối với người Ấn. Nằm bên bờ Bagmati, Pashupatinath là ngôi đền Hindu lớn nhất Nepal, cũng là ngôi đền thờ thần Shiva quan trọng nhất đất nước này.

Tại Nepal, hiện có 3 di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh, đó là Thung lũng Kathmandu, Vườn quốc gia Sagarmatha và núi Everest. Cùng với đại bảo tháp Boudhanath, còn có bảo tháp Swayambhunath, là ngọn tháp cổ xưa và bí ẩn nhất trong các đền thờ tại thung lũng Kathmandu. Bảo tháp này còn được gọi là "Đền Khỉ" vì có đến hàng trăm con khỉ tự do chạy nhảy tại đây.

Link nội dung: https://mozart.edu.vn/dinh-everest-o-quoc-gia-nao-a40963.html