Viêm màng bồ đào: nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị

Viêm màng bồ đào là bệnh lý ở mắt do nhiều nguyên nhân gây ra như viêm nhiễm, chấn thương, bệnh tự miễn… Bệnh có nhiều biến chứng, hay tái phát và dễ dẫn đến mù lòa.

Nguyên nhân gây viêm màng bồ đào

viêm màng bồ đào

Màng bồ đào là bộ phận ở mắt, gồm ba phần: mống mắt, thể mi và hắc mạc. Viêm màng bồ đào chỉ viêm mống mắt, thể mi và hắc mạc. Viêm màng bồ đào là một bệnh do nhiều nguyên nhân phức tạp, có khi đan chéo nhau. Có các nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm màng bồ đào như sau:

-Do viêm nhiễm: Viêm nhiễm có thể do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, trực khuẩn mủ xanh), virus (herpes), nấm (candida) hay ký sinh trùng (toxoplasma gondii).

-Do nhiễm độc: từ thức ăn, hóa chất…

-Do bệnh tự miễn (trong cơ thể có kháng thể chống màng bồ đào)

-Do chấn thương: chấn thương xuyên, chấn thương đụng dập và sau đó xảy ra viêm màng bồ đào.

-Thứ phát từ các bệnh toàn thân: collagenose, sarcoidose, bệnh Behcet, bệnh da liễu, bệnh máu.

Ngoài ra, còn có viêm màng bồ đào chưa rõ nguyên nhân.

Phân loại viêm màng bồ đào

Có ba loại viêm màng bồ đào:

-Viêm màng bồ đào trước, tức viêm mống mắt và thể mi .

-Viêm màng bồ đào trung gian.

-Viêm màng bồ đào sau: viêm hắc mạc, có khi là viêm hắc võng mạc

Triệu chứng viêm màng bồ đào

viêm màng bồ đào

Bệnh nhân mắc viêm màng bồ đào trước thường bị cương tụ mạch máu ở kết mạc (nếu cương tụ ở sát rìa giác mạc thì gọi là cương tụ rìa). Việc cương tụ mạch máu dễ khiến lầm tưởng là đau mắt đỏ, nhưng thực ra, với đau mắt đỏ thông thường, mạch máu sẽ sẽ cương tụ rộng khắp.

Ngoài ra, có một dấu hiệu nữa ở viêm màng bồ đào trước là bệnh nhân thấy nhìn mờ, cảm giác nhìn cái gì cũng như qua một lớp sương mờ. Bệnh nhân mắc viêm màng bồ đào sau thì không thấy cương tụ vùng rìa nhưng lại hay đau đầu, nhức trong nhãn cầu và nhìn mờ. Ngoài ra bệnh viêm màng bồ đào còn một số triệu chứng như:

- Đỏ mắt, dễ nhầm lẫn với viêm kết mạc

- Nhìn mờ, cảm giác như nhìn qua màn sương

- Đau nhức mắt nếu có kèm tăng nhãn áp

- Nhìn thấy nhiều bóng đen (hiện tượng ruồi bay)

- Đỏ mắt hay tái phái cũng nên nghi ngờ viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào có nguy hiểm?

Tuy là một bệnh không lây, nhưng viêm màng bồ đào có nguy cơ gây nhiều biến chứng cho mắt. Với viêm màng bồ đào trước (viêm mống mắt hoặc viêm mống mắt thể mi), đáng lo nhất là tình trạng dính đồng tử hoặc bít đồng tử.

Tổn thương này vừa gây mù loà vừa gây biến chứng tăng nhãn áp (do cản trở lưu thông thuỷ dịch từ khoang sau ra khoang trước của nhãn cầu). Với viêm màng bồ đào sau, điều đáng ngại là dịch kính đục thành mảng thô hoặc mủ dịch kính.

Các tổn thương này hay gây tổ chức hoá dịch kính biến chứng co kéo gây bong võng mạc, teo nhãn cầu. Đặc biệt, các viêm màng bồ đào sau do virus thường gây hoá mủ dịch kính nhanh chóng.

Viêm màng bồ đào nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì biến chứng để lại vô cùng nghiêm trọng; nó có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thậm chí teo nhãn cầu, nguy cơ mù lòa rất lớn.

Điều trị viêm màng bồ đào

Điều trị viêm màng bồ đào sẽ phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh và mức độ của bệnh.

- Điều trị bằng nội khoa: Với viêm màng bồ đào trước, việc điều trị cấp cứu cho nhỏ atropin làm dãn đồng tử, chống dính, chiếm 70% ý nghĩa cấp cứu.

Còn với viêm màng bồ đào nói chung, việc sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Một số thuốc có thể được lựa chọn như: thuốc chống viêm steroid dạng thuốc uống, nhỏ mắt, tiêm; thuốc điều trị nhiễm trùng (chủ yếu là các loại kháng sinh); thuốc kháng virus; thuốc giảm đau nhóm NSAIDs.

- Điều trị bằng ngoại khoa: Với một số trường hợp diễn biến bệnh xấu hơn, hoặc viêm nhiễm nặng, tái đi tái lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến thị lực, sử dụng thuốc không có hiệu quả thì cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Phòng ngừa viêm màng bồ đào

viêm màng bồ đào

- Bệnh viêm màng bồ đào do tự miễn không phòng ngừa được

- Bệnh viêm màng bồ đào do nhiễm ký sinh trùng phòng ngừa bằng cách: cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn, chỉ ăn chín, uống sôi, tránh ăn các món gỏi để tránh nhiễm ấu trùng giun, sán.

Ngoài ra, không rửa mặt bằng nguồn nước ô nhiễm, bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi. Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời.

Khi có các dấu hiệu bất thường ở mắt, bệnh nhân phải đến các cơ sở nhãn khoa để thăm khám. Nếu phát hiện bị viêm màng bồ đào, người bệnh cần kiên trì điều trị. Viêm màng bồ đào dễ hay tái phát nên người bệnh phải gắn bó với cơ sở nhãn khoa lâu dài.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

Tài liệu tham khảo:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24664751

http://www.benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/mat/viem-mang-bo-dao-truoc/1338/

Link nội dung: https://mozart.edu.vn/bo-dao-a40985.html