Kinh tế quốc tế là ngành học chuyên nghiên cứu sự liên kết, tác động, phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia. Đây là lĩnh vực năng động và mang tính toàn cầu.
Nếu muốn theo đuổi ngành Kinh tế quốc tế, thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh và chất lượng đào tạo của một số trường dưới đây.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Năm 2023, ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh 400 chỉ tiêu, theo 4 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập THPT và kết hợp phỏng vấn, xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Kinh tế quốc tế lấy ngưỡng điểm trúng tuyển 35,7 điểm (A01; D01; D09; D10), với điều kiện môn Toán đạt từ 8,6 điểm trở lên.
Mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2023 như sau: Năm học 2023 - 2024 là 44 triệu đồng/năm, năm học 2024 - 2025 là 46 triệu đồng/năm, năm học 2025 - 2026 là 48 triệu đồng/năm và năm học 2026 - 2027 dự kiến tăng không quá 5% so với năm học trước đó.
Trường Đại học Thương mại
Trường Đại học Thương mại tuyển sinh ngành Kinh tế quốc tế theo 5 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và đánh gia tư duy, xét tuyển kết hợp.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,7 điểm (A00; A01; D01; D07).
Năm học 2023 - 2024, mức học phí ngành Kinh tế quốc tế dao động từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Mức thu học phí hàng năm tăng tối đa 12,5% so với năm trước liền kề.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Năm 2023, trường Đại học Kinh tế Quốc dân xét ngưỡng điểm trúng tuyển đối ngành Kinh tế Quốc tế là 27,35 điểm (A00, A01, D01, D07). Trong năm 2024, trường dự kiến tuyển sinh 4 tổ hợp môn tương tự với 120 chỉ tiêu.
Theo đề án tuyển sinh trường vừa công bố, ngành Kinh tế quốc tế chỉ xét tuyển theo 3 phương thức, thay vì 4 phương thức như năm ngoái, gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.
Mức học phí nhà trường dự kiến thu trong năm học học 2024 - 2025 dao động 16 - 22 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí không quá 10% cho từng năm học.
Trường Đại học Kinh Tế - Luật (Đại Học Quốc Gia TP.HCM)
Trường Đại học Kinh Tế - Luật (Đại Học Quốc Gia TP.HCM) tuyển sinh theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét tuyển kết hợp.
Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Kinh tế quốc tế lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,41 điểm (A00; A01; D01; D07). Phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực lấy 884 điểm.
Năm học 2023 - 2024, nhà trường quy định mức học phí là 25,9 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM
Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đang đào tạo 3 chuyên ngành thuộc ngành Kinh tế quốc tế: Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế và kinh doanh số.
Năm 2023, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 25,24 điểm (A00; A01; D01; D07). Trong khi đó, năm 2022 nhà trường lấy mức điểm chuẩn thấp hơn - 24,65 điểm (A00; A01; D01; D07).
Ngoài xét tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này còn tuyển sinh theo 3 phương thức khác: xét điểm thi đánh giá đầu vào của Đại học Ngân hàng TP.HCM, xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét tuyển tổng hợp.
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/nganh-kinh-te-quoc-te-hoc-truong-nao-a42462.html