Làm gì để chăm sóc F0 và người F0 tự chăm sóc tại nhà hiệu quả?

Làm gì để chăm sóc F0 và người F0 tự chăm sóc tại nhà hiệu quả?
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: PĐ.

Tuân thủ 5K: Mang khẩu trang thường xuyên (trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân); thay khẩu trang 2 lần/ngày hoặc khi cần; sát khuẩn tay bằng cồn trước khi bỏ khẩu trang. Thường xuyên sát khuẩn tay; khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo.

Dinh dưỡng và nghỉ ngơi: Nên tăng cường dinh dưỡng hàng ngày, ăn đủ 3 bữa, ăn đầy đủ chất, không bỏ bữa ăn, ăn thêm trái cây, uống nước hoa quả, uống nước thường xuyên, không đợi đến lúc khát mới uống nước. Nghỉ ngơi thoải mái, suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái, nên vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe) hàng ngày. Có thể áp dụng một số bài thuốc giải cảm dân gian tại nhà như xông các loại lá có tinh dầu, bôi dầu tràm, dầu khuynh diệp, ngâm chân bằng nước nóng trước khi ngủ. Tuyệt đối tránh dùng bia, rượu, các loại nước giải khát có ga, có đường.

Theo dõi sức khỏe: Đo thân nhiệt, SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/mỗi ngày hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua “Khai báo y tế” bằng cách ứng dụng phần mềm HueS hoặc PC-covid, qua phiếu tự theo dõi sức khỏe (nhịp thở, thân nhiệt, SpO2).

Liên hệ và tư vấn: Qua số điện thoại của nhân viên y tế của Trạm Y tế, Tổ Chăm sóc người nhiễm COVID-19 cộng đồng, Tổ Y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn để báo cáo khi cần tư vấn, hỗ trợ.

Chú ý, tất cả các thành viên ở cùng gia đình, cùng căn hộ với người F0 đều là những người tiếp xúc gần (F1), phải biết thực hiện đủ 5K và phải khai báo sức khỏe bằng “Khai báo y tế” ít nhất 1 lần/ngày hoặc khi cần qua phần mềm HueS hoặc PC-covid.

Dấu hiệu chuyển nặng của F0 cách ly tại nhà cần cấp cứu, chuyển viện: F0 tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, khi có dấu hiệu chuyển nặng như sốt cao, sốt kéo dài; khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 20 lần/phút, tụt huyết áp khi huyết áp tối đa <90mmHg, mạch nhanh trên 120 lần/phút, hoặc người nhà thấy F0 li bì, lừ đừ, tím môi, tím đầu ngón tay, ngón chân, đo chỉ số SpO2 < 95%….thì F0 hoặc người nhà phải gọi ngay vào số điện thoại của Trạm Y tế, Tổ Y tế lưu động hay Tổ Chăm sóc người nhiễm COVID-19 cộng đồng tại địa phương để được hỗ trợ cấp cứu và chuyển viện đến cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 kịp thời.

Đối với trẻ em, nếu từ 12 tuổi trở lên thì theo dõi như người lớn, nhưng đối với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi thì theo dõi sốt, thở nhanh hơn 30 lần/phút, mệt mỏi, li bì, bỏ bú, quấy khóc nhiều đều là dấu hiệu chuyển nặng, cần liên hệ để chuyển viện ngay.

Link nội dung: https://mozart.edu.vn/cham-soc-nguoi-bi-f0-a45009.html