Đấu trường La Mã Colosseum ở thủ đô Rome, Italy không chỉ là nhà hát tròn lớn nhất của thành Rome thời cổ đại mà có lẽ còn là “lò mổ” đẫm máu nhất của đế chế. Trong khoảng 450 năm sau khi hoàn thành vào năm 80 sau Công nguyên, đấu trường La Mã đã tổ chức nhiều trò chơi đẫm máu như những trận đấu tay đôi sinh tử của các võ sĩ giác đấu, hình phạt đóng đinh,… Nơi đây cũng được dùng làm biểu diễn công chúng, tập trận giả trên biển, săn thú, kịch cổ điển.
Một trò tiêu khiển phổ biến khác của người La Mã là thả động vật hoang dã vào đấu trường để chiến đấu với nhau hoặc với những chiến binh trước 50.000 khán giả hò reo.
Những chiến binh được huấn luyện đặc biệt được gọi là “venatores” và “bestiarii” (thợ săn). Họ tham gia vào những cuộc săn bắt công phu ngay bên trong đấu trường với một loạt các loài thú kỳ lạ được thu thập từ khắp các vùng xa xôi của Đế chế La Mã như sư tử, hổ, báo, gấu, chó sói, lợn rừng, bò tót,… hay thậm chí cả voi được bắt ở vùng Bắc Phi.
Đôi khi, chính quyền La Mã cũng thả động vật hoang dã cùng các tội phạm và tù binh thực hiện một nghi lễ man rợ được gọi là ‘damnatio ad bestias’, trong đó các nạn nhân có thể bị trói vào cọc và bị các con vật hành hạ, ăn thịt.
Các học giả tin rằng hàng trăm nghìn động vật đã bị hiến tế để thỏa mãn cơn khát máu của khán giả La Mã cổ đại. Theo một tài liệu đương thời, hơn 9.000 con vật đã bị thảm sát trong lễ hội kéo dài 100 ngày do Hoàng đế Titus tổ chức để đánh dấu sự khai trương của đấu trường La Mã.
Và đương nhiên đó không phải là bữa tiệc lớn nhất được tổ chức ở đấu trường. Sau đó Hoàng đế Trajan đã tổ chức một lễ hội kéo dài đến 123 ngày với hơn 9.138 đấu sĩ và 11.000 con vật.
Đấu trường La Mã là kỳ quan kiến trúc và kỹ thuật sáng tạo, lớn nhất và phức tạp nhất của thế giới cổ đại.
Xung quanh khu vực sân khấu được xây dựng nhiều dãy bậc thang sử dụng làm chỗ ngồi cho khán giả. Phía dưới khu vực sân khấu là hệ thống lối đi, phòng ốc dành riêng cho công tác hậu cần. Khu vực trung tâm của toàn bộ công trình là sàn thi đấu.
Ngày nay, sàn thi đấu được phục dựng lại khoảng ⅓ diện tích của khu vực trung tâm. Còn lại ⅔ khu vực sàn đấu được giữ nguyên hiện trạng và để lộ phần đá lởm chởm thuộc phần kiến trúc của hypogeum. Từ hypogeum trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là dưới lòng đất và đây cũng chính là mạng lưới ngầm của đấu trường La Mã.
Hypogeum được xây dựng gồm hai phần, bao gồm mạng lưới đường hầm và phần chuồng thú được đặt dưới sàn thi đấu của đấu trường La Mã. Hàng ngàn năm trước đây, mặt sàn thi đấu của đấu trường La Mã được làm bằng gỗ và phủ đầy cát để thấm máu của các chiến binh. Còn khu vực hầm dưới lòng đất thì tối tăm và được thắp sáng bởi những ngọn đuốc dọc hành lang.
Mạng lưới ngầm dưới sàn thi đấu của đấu trường La Mã
Khi những con thú dữ được thả vào đấu trường, các chiến binh không thể biết trước chúng sẽ xuất hiện từ đâu. Và bí ẩn về cách những con thú xuất hiện bất ngờ trong đấu trường La Mã đã từng khiến các nhà khảo cổ học đau đầu.
May mắn thay, vào cuối những năm 1990, khi đang nghiên cứu phần kiến trúc ngầm của đấu trường La Mã, Heinz-Jürgen Beste thuộc Viện Khảo cổ học Đức ở Rome bắt đầu phát hiện những hoa văn, lỗ hổng, vết lõm và rãnh trên các bức tường. Sau hai năm nghiên cứu và vẽ lại từng viên đá cùng những dấu vết còn sót lại, ông nhận ra đây chính là câu trả lời.
Ông Heinz-Jürgen Beste, Viện Khảo cổ học Đức. (Ảnh chụp từ bộ phim tài liệu “Colosseum: Roman Death Trap”)
Kết hợp với những dấu vết trên các bức tường, ông cho rằng các lỗ trên mặt đất có thể được sử dụng để đặt một cột trụ xoay dùng để nâng hoặc hạ thứ gì đó lên/xuống. Chẳng hạn như, cột trụ này có thể xoay một hệ thống ròng rọc để nâng một chiếc lồng nhốt thú. Khi chiếc lồng lên đến sàn đấu, cánh cửa sẽ mở ra và con vật sẽ nhảy ra ngoài, bước vào cuộc chiến.
Và như vậy, những người La Mã cổ đại cần thang máy để đưa động vật lên sàn đấu, vì tất cả đều được nhốt dưới lòng đất.
Các vết lỗ trên mặt sàn xuất hiện dọc theo lối đi khu vực ngầm của đấu trường La Mã (Ảnh chụp từ bộ phim tài liệu “Colosseum: Roman Death Trap”)
Để xác định cách thức hoạt động của thang máy bằng gỗ trong đấu trường La Mã, một nhóm kiến trúc sư và kỹ sư đã tạo ra một mô hình và nó đã hoạt động một cách hoàn hảo. Khi cột trụ xoay, một sợi dây quấn quanh cột được nối với các ròng rọc để nâng lồng nhốt lên. Khi lồng nhốt lên cao, cửa bẫy sẽ tự động mở ra.
Nhóm nghiên cứu xây dựng một mô hình để mô phỏng cách thức hoạt động của hệ thống thang máy tại đấu trường La Mã thời cổ đại. (Ảnh chụp từ bộ phim tài liệu “Colosseum: Roman Death Trap”)
Các cuộc điều tra, nghiên cứu tiếp theo cho thấy có khoảng từ 24 đến 28 thang máy được thiết kế để vận chuyển tối đa 600 pound (272 kg), tương đương với trọng lượng trung bình của hai con sư tử. Và có lẽ, chúng ta không thể tưởng tượng được hình ảnh thảm khốc khi 56 con sư tử cùng lúc xuất hiện trong đấu trường La Mã vào thời ấy.
Từ kết quả của mô hình trên cùng các văn bản cổ, nhóm dự án đã tạo ra một phiên bản thực tế của thang máy bằng gỗ trong đấu trường La Mã. Để tái hiện lại chính xác cách thức mà người La Mã xưa kia thực hiện, nhóm dự án đã khai thác gỗ từ những ngọn núi bên ngoài thành phố Rome bằng chính những công cụ mà người La Mã cổ đại sử dụng như rìu, cưa để tạo nên chiếc thang máy này.
Hình ảnh mô phỏng cách thức hoạt động của thệ thống nâng/hạ lồng nhốt thú tại Đấu trường La Mã. (Ảnh chụp từ bộ phim tài liệu “Colosseum: Roman Death Trap”)
Vào tháng 6/2015, hệ thống thang máy này đã chính thức được đưa vào đấu trường La Mã và giới thiệu với du khách. Quá trình lắp đặt hệ thống thang máy này khá phức tạp, đấu trường La Mã là một Di sản Thế giới vì thế hệ thống thang máy bằng gỗ này phải được lắp ráp hoàn chỉnh trước khi đưa vào công trình.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một cần cẩu cao 200 feet (khoảng 61 m) để nâng hệ thống thang đã được lắp ráp hoàn chỉnh vào đúng vị trí tại khu vực hệ thống ngầm của đấu trường La Mã. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt xong, nhóm dự án phát hiện ra hệ thống thang máy quá nặng (khoảng 600kg) và có thể khiến cần cẩu bị lật.
Vì vậy, họ đã quyết định tháo lồng nhốt thú, có trọng lượng khoảng 450 kg và vận chuyển tách rời hai hệ thống khung thang và lồng thang. Sau khi tính toán kỹ lưỡng các rủi ro từ tốc độ gió,… nhóm nghiên cứu đã nâng thành công hệ thống thang máy vào đấu trường La Mã Colosseum.
Hệ thống mô phỏng thang nâng/hạ lồng nhốt động vật hoang dã được đưa vào đấu trường La Mã. (Ảnh chụp từ bộ phim tài liệu “Colosseum: Roman Death Trap”)
Hệ thống thang máy này cần rất nhiều nhân lực để vận hành, với 8 người đàn ông được chia đều trên hai mặt sàn. Nếu tất cả các thang máy tại đấu trường La Mã được phục dựng và hoạt động cùng một lúc, chúng sẽ cần hơn 200 người đẩy và kéo. Những người vận hành hệ thống này ở thời La Mã cổ đại chính là người thuộc tầng lớp nô lệ.
Hệ thống thang nâng/hạ lồng nhốt được các chuyên gia phục dựng lại đã trở thành một phần của đấu trường La Mã thời hiện đại
Họ sẽ cùng xoay một trục gỗ lớn được kết nối với một chiếc lồng gỗ thông qua một hệ thống dây thừng, ròng rọc và quả tạ chì. Bằng sức người, hệ thống này sẽ từ từ nâng chiếc lồng nhốt di chuyển hành trình cao 24 feet (khoảng 7,3 m) lên khu vực gần sàn đấu trường. Sau đó, cửa bẫy sẽ tự động mở ra và các con thú sẽ tiếp tục chạy lên một đoạn đường dốc tiến lên khu vực sàn đấu và bước vào trận chiến trong tiếng reo hò của đám đông.
Khi cửa bẫy đóng lại, nó được thiết kế để có thể đỡ được trọng lượng của các đấu sĩ và các con thú phía trên sàn đấu. Ngoài động vật hoang dã, hệ thống thang máy này có thể được sử dụng để nâng các đạo cụ và khung cảnh cho các vở kịch cổ điển của người La Mã.
Mô phỏng hệ thống thang nâng/hạ lồng nhốt thú
Đối trọng bằng chì được sử dụng để mở cửa lồng nhốt
Trong bộ phim tài liệu “Colosseum: Roman Death Trap” (tạm dịch: Đấu trường Colosseum: Bẫy tử thần La Mã” quay lại toàn bộ quá trình nghiên cứu và phục dựng hệ thống thang máy tại đây của nhóm nghiên cứu, các nhà sản xuất bộ phim đã chọn một con sói cái để trở thành con vật đầu tiên quay trở lại sàn đấu của đấu trường La Mã Colosseum bằng chiếc thang máy được phục dựng.
Lần đầu tiên sau 1.500 qua, một con vật hoang dã - con sói cái, biểu tượng của thành Rome - bước lên sàn đấu của đấu trường La Mã. (Ảnh chụp từ bộ phim tài liệu “Colosseum: Roman Death Trap”)
Đạo diễn Gary Glassman của bộ phim cũng cho biết: “Đây là lần đầu tiên một con vật hoang dã được thả vào đấu trường La Mã Colosseum sau 1.500 năm qua. Tôi rất muốn dùng một con sư tử, nhưng vấn đề an toàn rõ ràng là một mối lo ngại. Sau đó, chúng tôi quyết định chọn một con sói cái vì nó là biểu tượng và cũng là một phần truyền thuyết của thành Rome.”
Cuối cùng, thang máy và chiếc lồng nhốt đã nhấc được con sói cái đến cửa bẫy. Con sói nhảy ra và thay vì bước vào một trận chiến đẫm máu cùng những người thợ săn, những chiến binh thời cổ đại, nó lại được chào đón bởi người chăm sóc của mình.
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/dau-truong-la-ma-o-dau-a46356.html