Đau đầu kéo dài, liên tục nhiều ngày do đâu? Nguyên nhân thường gặp
Đau đầu kéo dài hay nhức đầu kéo dài không chỉ gây khó chịu, mệt mỏi mà còn tiềm ẩn các bệnh lý nguy hiểm. Vậy đau đầu liên tục kéo dài là do đâu và tình trạng đau đầu kéo dài nhiều ngày có nguy hiểm không?
Những cơn đau đầu kéo dài khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, lo lắng. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây đau đầu dài ngày cũng như cách khắc phục, phòng ngừa chứng nhức đầu kéo dài nhiều ngày trong bài viết này.
Đau đầu kéo dài là gì?
Đau đầu kéo dài là tình trạng mà người bệnh có cảm giác đau đầu liên tục hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều giờ, nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần. Đau đầu hay nhức đầu kéo dài có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả những nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân không phải do bệnh lý.
Triệu chứng đau đầu kéo dài
Đau đầu kéo dài có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức và triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào loại đau đầu và nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Một số triệu chứng thường gặp ở người bị đau đầu kéo dài có thể kể đến như: (1)
Đau ở một bên đầu, có thể là đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải, đau sau gáy hoặc vị trí trước trán.
Đau toàn bộ vùng đầu, cơn đau lan tỏa ra cổ và vai gáy.
Nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn hoặc mùi, buồn nôn, nôn mửa… (đây là những triệu chứng thường đi kèm với cơn đau nửa đầu).
Có cảm giác bó chặt quanh đầu như có một chiếc vòng siết chặt xung quanh đầu.
Cảm thấy hai bên đỉnh đầu hoặc trán có cảm giác nặng, căng tức.
Mỏi mắt, suy giảm thị lực, nhìn mờ.
Cơn đau nghiêm trọng hơn khi hoạt động hoặc di chuyển đầu.
Triệu chứng kèm theo như buồn nôn, nôn mửa - thường gặp ở những người bị đau nửa đầu.
Trên đây là các triệu chứng phổ biến của người bị đau đầu kéo dài. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp toàn bộ những triệu chứng kể.
Nguyên nhân gây nhức đầu kéo dài
Có thể chia các nguyên nhân gây đau đầu dài ngày thành 2 nhóm là đau đầu liên tục do bệnh lý và đau đầu liên tục không do bệnh lý. Trong đó, mỗi nhóm có những nguyên nhân khác nhau, bao gồm: (2)
1. Đau đầu liên tục kéo dài do bệnh lý và các vấn đề sức khỏe
Dưới đây là một số bệnh lý có thể gây ra triệu chứng đau đầu kéo dài:
Đau nửa đầu migraine: Đau nửa đầu migraine thường chỉ xuất hiện ở một bên đầu, kèm theo triệu chứng như nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn và buồn nôn.
Viêm xoang: Tình trạng viêm xoang có thể khiến bạn bị đau đầu kéo dài, đặc biệt là đau ở vùng trán và hai bên mũi, hàm trên, giữa hai mắt…
Đau đầu do tăng huyết áp: Tăng huyết áp cao, đột ngột có thể dẫn đến chứng đau đầu. Cơn đau có thể kéo dài nếu bạn không kịp thời áp dụng các phương pháp giúp ổn định huyết áp.
U não: Có khối u trong não, dù là ở tuyến yên, màng não hay bất kỳ vị trí nào khác cũng có thể gây ra triệu chứng đau đầu.
Nhiễm trùng não hoặc viêm màng não: Viêm màng não hoặc nhiễm trùng não có thể gây ra những cơn đau đầu lặp đi lặp lại.
Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc… có thể dẫn đến tình trạng đau đầu khi thức dậy. Nếu bạn bị mất ngủ mạn tính, khả năng bị đau đầu kéo dài sẽ cao hơn.
Bệnh lý về mắt: Các bệnh lý về mắt, đặc biệt là cận thị nếu không được điều trị hay chăm sóc đúng cách cũng có thể gây đau đầu liên tục kéo dài.
2. Nguyên nhân không phải bệnh lý
Ngoài những vấn đề bệnh lý, một số yếu tố sau đây cũng có thể khiến bạn rơi vào tình trạng nhức đầu dài ngày: (3)
Đau đầu do căng thẳng: Trạng thái tinh thần căng thẳng hay áp lực, lo lắng quá mức cũng có thể khiến bạn cảm thấy đau đầu.
Chế độ ăn uống: Bỏ bữa, ăn quá nhiều thực phẩm giàu natri hoặc chất kích thích như bia rượu, chocolate, phô mai có thể dẫn đến chứng đau đầu kéo dài. Tình trạng đau đầu này có thể thuyên giảm khi bạn thay đổi chế độ ăn uống của mình.
Thiếu ngủ hoặc thay đổi lịch trình ngủ: Đau đầu liên tục kéo dài nhiều ngày có thể do bạn bị thiếu ngủ hoặc thay đổi lịch trình ngủ.
Sử dụng máy tính hoặc xem TV trong thời gian dài: Ánh sáng xanh từ màn hình của các thiết bị điện tử cũng như trạng thái tập trung vào các thiết bị này được xem là một trong những nguyên nhân gây đau đầu. Nếu bạn dùng thiết bị điện tử mỗi ngày trên 8 tiếng, khả năng bị đau đầu kéo dài cũng tăng cao hơn.
Sử dụng thuốc: Một số thuốc, bao gồm cả thuốc giảm đau khi dùng quá liều hoặc sử dụng trong thời gian dài có thể gây đau đầu.
Thay đổi nồng độ hormone: Sự thay đổi về hormone như trong chu kỳ kinh nguyệt, thai kỳ hoặc do sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau đầu kéo dài nhiều ngày, lặp đi lặp lại nhiều ngày.
Đau đầu kéo dài nhiều ngày có nguy hiểm không?
Đau đầu là một trong những triệu chứng phổ biến mà hầu hết mọi người đều trải qua ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, nhức đầu kéo dài nhiều ngày có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm não, viêm màng não, đột quỵ, khối u não hoặc tăng áp lực sọ não.
Hơn nữa, những cơn đau đầu liên tục kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, lo lắng, khó tập trung, làm suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Do đó, tình trạng nhức đầu kéo dài tương đối nguy hiểm, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến cơ sở y tế thăm khám để sớm tìm ra nguyên nhân và cách điều trị phù hợp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mặc dù đau đầu là triệu chứng phổ biến và thường không quá nguy hiểm, nhưng nếu bạn bị đau đầu kéo dài (từ 3 - 4 ngày trở lên) thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt, nếu cơn đau đầu của bạn ngày càng tăng nặng, dùng thuốc giảm đau không khỏi, đi kèm với những triệu chứng như sốt, buồn nôn, cứng cổ, mất thăng bằng, tê yếu một bên hoặc hai bên cơ thể… thì cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.
Cách chẩn đoán bệnh nhức đầu kéo dài
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau đầu kéo dài nhiều ngày, trước tiên bác sĩ có thể tiến hành thăm khám lâm sàng, hỏi người bệnh về triệu chứng, tần suất, mức độ và thời gian xuất hiện của cơn đau. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện xét nghiệm máu, chụp MRI hoặc CT, lấy dịch não tủy… (nếu cần) để kiểm tra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong não, ví dụ như khối u não, tình trạng nhiễm trùng màng não…
Để đánh giá chính xác về nguyên nhân gây nhức đầu kéo dài nhiều ngày, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như đo điện não đồ. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh ghi lại nhật ký cơn đau, thói quen ăn uống, hoạt động trong ngày và chất lượng giấc ngủ để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.
Cách khắc phục tình trạng đau đầu kéo dài
Đau đầu kéo dài có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số cách giúp khắc phục tình trạng này:
Dùng thuốc giảm đau: Khi bị đau đầu, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol. Tuy nhiên, sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên và không đúng liều lượng có thể gây ra tác dụng phụ. Người bị nhức đầu liên tục kéo dài nên đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ có thể chỉ định thuốc điều trị phù hợp.
Điều trị bệnh lý: Nếu đau đầu kéo dài xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, chẳng hạn như đau đầu migraine, viêm màng não, u não… thì việc quan trọng hơn hết chính là điều trị các căn bệnh liên quan đó - nguyên nhân gây nhức đầu. Tùy vào bệnh lý gây đau đầu mà bác sĩ có thể tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, chẳng hạn như dùng thuốc đặc trị, phẫu thuật với các trường hợp có khối u não hoặc xạ trị, hóa trị…
Chế độ sinh hoạt khoa học: Giữ một lịch trình ngủ đều đặn, tránh thức khuya hay ngủ không đủ giấc và tập thể dục hàng ngày có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc chứng đau đầu.
Học cách quản lý căng thẳng: Bạn nên hạn chế các tác nhân gây căng thẳng cũng như quản lý cảm xúc của bản thân tốt hơn. Bạn có thể tập yoga, thiền, đi bộ nhanh… để cân bằng cảm xúc.
Tránh các tác nhân gây kích ứng: Người dễ bị kích thích bởi ánh sáng quá chói, tiếng ồn lớn hoặc mùi hương cụ thể nên tránh tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ đó.
Liệu pháp nhận thức - hành vi: Liệu pháp nhận thức - hành vi có thể giúp người bệnh đối phó với căng thẳng, trầm cảm hoặc lo âu… (những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đau đầu kéo dài nhiều ngày).
Chăm sóc mắt khoa học: Đảm bảo rằng mắt bạn không bị căng, mỏi do việc đọc sách, sử dụng máy tính/điện thoại quá lâu. Ngoài ra, bạn cần đo mắt thường xuyên và đeo kính đúng độ cận - viễn - loạn của mình.
Cách phòng ngừa hiện tượng đau đầu kéo dài
Đau đầu kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày. Để phòng tránh hiện tượng đau đầu kéo dài nhiều ngày, bạn có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt: Bạn cần có một lịch trình ngủ đều đặn, tránh thức đêm và tăng cường vận động thể chất. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Chế độ ăn uống khoa học: Nên tránh dùng nhiều cà phê, rượu, thực phẩm chứa chất kích thích, chất bảo quản, các thực phẩm bạn biết bản thân bị dị ứng hoặc không dung nạp tốt. Để góp phần cải thiện và phòng tránh tình trạng đau đầu, bạn có thể bổ sung bộ đôi hoạt chất thiên nhiên từ Ginkgo Biloba (bạch quả) và Blueberry (việt quất), giúp cải thiện máu lên não, chống gốc tự do.
Giảm căng thẳng: Căng thẳng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau đầu kéo dài nên bạn cần học cách để quản lý căng thẳng. Có thể tập yoga, hít thở sâu, đọc sách, gặp gỡ bạn bè… hoặc làm những điều giúp bạn cảm thấy thoải mái.
Hạn chế sử dụng rượu và thuốc lá: Rượu và thuốc lá đều có thể là nguyên nhân gây đau đầu kéo dài hay nhức đầu kéo dài hoặc làm tăng tần suất, mức độ đau đầu.
Uống nước đủ lượng: Thiếu nước hoặc mất nước có thể gây đau đầu, vì vậy hãy đảm bảo bạn uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2 lít nước/ngày). Bạn có thể uống nước lọc, các loại nước ép trái cây, nước canh, súp…
Ngăn nguy cơ bị chấn thương: Người tham gia vào các hoạt động có nguy cơ cao bị chấn thương như chơi thể thao nên sử dụng đồ bảo hộ phù hợp cho vùng đầu. Ngoài ra, việc tham gia giao thông cẩn thận cũng giúp bạn hạn chế nguy cơ bị chấn thương vùng đầu do tai nạn giao thông.
Tập thể dục, vận động: Vận động thường xuyên giúp tăng cường lưu thông máu, giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng quát.
Thăm khám sức khỏe định kỳ: Chủ động khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các bệnh lý thần kinh như u não, đột quỵ, dị dạng mạch máu não… giúp bạn sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây đau đầu. Từ đó bác sĩ có thể tư vấn cách điều trị phù hợp, ngăn ngừa nguy cơ bị đau đầu kéo dài.
Bạn có thể đặt lịch thăm khám với các chuyên gia giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn tại Trung tâm Khoa học Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại bậc nhất như máy MRI 1,5 - 3 Tesla, hệ thống chụp CT 768 lát cắt, hệ thống các máy xét nghiệm chuyên dụng cao cấp…, các bác sĩ có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây đau đầu kéo dài nhiều ngày hay đau đầu liên tục kéo dài của bạn và tư vấn hướng điều trị, phòng ngừa phù hợp.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Nhức đầu kéo dài nhiều ngày gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống và có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm đối với sức khỏe. Vì thế, người bệnh nên thăm khám sớm nếu có triệu chứng đau đầu kéo dài.