Sale Engineer – Một lựa chọn khác cho các Kỹ sư Vật lý kỹ thuật nói riêng và các Kỹ sư Bách khoa nói chung

Sale Engineer hay còn được biết đến với cái tên kỹ sư bán hàng, đó chính là “cảnh giới” cao nhất của nghề sale hiện nay, bởi nó là sự kết hợp giữa sale và kỹ thuật. Sale Engineer là những chuyên gia được đào tạo bài bản về chuyên môn kỹ thuật, nên họ có lợi thế là người dễ nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật của khách hàng khi mua thiết bị vì vậy họ dễ dàng đưa ra những lời tư vấn phù hợp để khách hàng có thể có được lựa chọn hợp lý nhất (hợp lý cả về giá thành và chất lượng sản phẩm). Nhiều bạn sẽ thắc mắc liệu học một ngành kỹ thuật như Vật lý Kỹ thuật thì có phù hợp với vai trò này không? Hãy cùng theo dõi những chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Dũng, cựu sinh viên K57, chuyên ngành Vật liệu điện tử & công nghệ nano, Viện Vật lý kỹ thuật để tìm được câu trả lời và bỏ túi cho mình những kiến thức bổ ích hay cái nhìn khách quan hơn về một công việc “làm dâu trăm họ” hết sức thú vị này nhé.

Anh Dũng (bên phải) cùng bạn học sau buổi bảo vệ tốt nghiệp Thạc sĩ.
Em chào anh ạ. Em xin tự giới thiệu, em tên là Vân, là một thành viện của đội truyền thông của Viện Vật lý kỹ thuật, cũng là sinh viên năm nhất của ngành VLKT trường Đại học BKHN ạ. Hôm nay đại diện cho đội truyền thông của Viện, em xin phỏng vấn anh một số câu hỏi xoay quanh ngành học, quá trình học tập và những chia sẻ dưới góc nhìn khách quan của một cựu sinh viên ngành VLKT về công việc sau khi ra trường ạ.

Chào em, anh rất sẵn lòng nhé (cười).

Em cảm ơn anh rất nhiều vì đã đồng ý phỏng vấn ạ. Dạ, đầu tiên anh có thể giới thiệu một chút về bản thân cho mọi người dễ theo dõi được không ạ? Chào các bạn. Anh là Nguyễn Tiến Dũng, cựu sinh viên K57, chuyên ngành Vật liệu điện tử & công nghệ nano, Viện Vật lý kỹ thuật, đại học Bách Khoa Hà Nội.

Hiện tại, anh đang là nhân viên kinh doanh, và quản lý sản phẩm của một số hãng thiết bị công nghệ cao ở Công ty TNHH Thiết bị 2H (2H Instrument, là công ty chuyên cung cấp thiết bị phân tích nhiều lĩnh vực tại hiện trường và phòng thí nghiệm).

Dạ, em thấy công việc của anh đang làm khá giống với vai trò một sale có đúng không ạ? Và em tò mò là công việc này là anh đã có dự tính trước từ khi đi học hay sau khi ra trường thì anh mới bén duyên ạ?

Đúng vậy, hiện tại anh đang làm nhân viên kinh doanh hay mô tả chính xác hơn sẽ là kỹ sư bán hàng - “sale engineer”. Một kỹ sư bán hàng là sự kết hợp của sự am hiểu kiến thức kỹ thuật, ứng dụng của sản phẩm hoặc dịch vụ họ đang bán và kỹ năng kinh doanh. Một nghề cực kỳ hay ho và thử thách.

Anh bén duyên với công việc hiện tại sau khi anh tốt nghiệp hệ Thạc sĩ trường mình. Trước đó, anh hoàn toàn không có dự tính hay từng suy nghĩ tới công việc này mà chỉ nghĩ đến việc sẽ kiếm công việc liên quan đến chuyên ngành kỹ thuật của mình như các anh chị đi trước hay học thêm tiếp như các bạn cùng khoá của anh. Anh đã từng đi phỏng vấn xin việc ở vị trí kỹ sư ở nhiều công ty khác nhau như Seul Semiconductor, BoViet, LG, SamSung, …nhưng rồi dừng lại và bắt đầu công việc chính thức đầu tiên là kỹ sư bán hàng hay nhân viên kinh doanh tại Công ty Thiết bị 2H.

Chính quá trình anh đi phỏng vấn + chia sẻ kinh nghiệm làm việc từ các anh chị, các em đi trước đã giúp anh nắm được các thông tin, hiểu về công việc làm kỹ sư tại các nhà máy đó dường như có cái gì đó không hợp với mình. Bản thân anh cảm thấy việc làm ở nhà máy sẽ bị gò bó về thời gian (sáng đi-tối về và có thể phải tăng ca nên có thể dễ dẫn đến không có người yêu, ế đấy ?), lương có thể cao nhưng đánh đổi lại là công việc có thể sẽ lặp lại, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc sẽ bị gói gọn ở trong đó. Sau đó, anh nhận định lại và bắt đầu kiếm tìm công việc phù hợp với bản thân mình với những tiêu chí sau:

Đầu tiên, công việc có thể tận dụng và cho mình biết được kiến thức về kỹ thuật và công nghệ mà các thầy cô đã dạy trong trường ứng dụng thực tế trong đời sống đến đâu và như thế nào? Được tự do học hỏi, hiểu biết thêm được nhiều công nghệ tiên tiến mới nhất (do anh thích đọc và tìm hiểu về công nghệ mới).

Thứ 2, là môi trường làm việc linh hoạt, tiếp xúc với đa dạng người, va chạm nhiều, nhiều thử thách, học hỏi được nhiều kỹ năng khác mà chỉ ra ngoài xã hội mới có. (để sau này vứt đâu cũng sống được ?).

Thứ 3, thu nhập tốt, khả năng thăng tiến phụ thuộc vào năng lực của bản thân.

Thứ 4, là không bị gò bó về thời gian làm việc; được đi công tác nhiều nơi (đất nước mình rộng lớn mà, đi nước ngoài thì càng thích, anh thích đi lắm ?).

Và anh tìm thấy công việc rất phù hợp là sale engineer, anh đi phỏng vấn 1 vài công ty nữa trước khi dừng lại và bắt đầu công việc đầu tiên tại công ty Thiết bị 2H.

Vâng ạ. Anh thấy công việc mình đang làm hiện tại của mình có phù hợp với ngành Vật lý kỹ thuật (VLKT) và chuyên ngành anh đã theo học không ạ?

Ồ, có chứ. Anh cảm thấy rất phù hợp đấy. Công việc này đòi hỏi am hiểu rất nhiều kiến thức kỹ thuật và công nghệ cao như các kỹ thuật phân tích phổ, công nghệ nano, các lĩnh vực liên quan đến quang học, laser, LED, plasma, hệ thống truyền tín hiệu quang, dặc biệt gần đây là các màn hình hiển thị, công nghệ điện tử, và linh kiện bán dẫn… Đó đều là những kiến thức chuyên ngành của Viện VLKT mà anh được học.

Việc có kiến thức cốt lõi ngành VLKT, hiểu và nắm rõ những nguyên lý hoạt động, các hiện tượng vật lý, về các hệ thống điều khiển, em sẽ biết được chính xác ứng dụng của nó trong thực tế như thế nào, họ đang sử dụng kỹ thuật đó để làm gì, công nghệ nào mới là tiên tiến nhất hiện tại, xu hướng phát triển trong tương lai của nó ra sao, có phù hợp với mong muốn sử dụng và khả năng, nhu cầu của họ hiện tại không? Bởi kinh doanh sản phẩm kỹ thuật cao không thể giống như hàng tiêu dùng thông thường, vì đây là mặt hàng có giá trị cực kỳ lớn, rất phức tạp. Đòi hỏi người bán hàng phải cực kỳ am hiểu sản phẩm cũng như ứng dụng của khách hàng để có thể tư vấn chính xác cấu hình, phụ kiện cần mua phù hợp; nếu mua “nhầm” thì việc bỏ qua hay mua cái khác là gần như không có, nên không có chuyện “mua đại dùng thử” như hàng tiêu dùng.

Thông thường thì em thấy các bạn ở bên kinh tế sẽ làm sale phổ biến hơn. Nhưng cũng có khá nhiều người xuất thân từ kỹ thuật rất thành công với vị trí này, ví dụ như anh chẳng hạn. Vậy anh có thể chia sẻ cho em và các bạn được biết là xuất phát từ sinh viên kỹ thuật, chúng ta sẽ có những lợi thế và bất lợi gì so với những bạn bên kinh tế đối với công việc của một sale không ạ?

Sale Engineer đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động bán hàng của bất kỳ một công ty sản xuất hay kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ có tính kỹ thuật cao nào. Công việc của kỹ sư bán hàng là bán những sản phẩm hoặc dịch vụ có tính công nghệ và khoa học phức tạp. Do vậy mà những người xuất thân từ kỹ thuật rất phù hợp với công việc này và cũng rất phổ biến đấy nhé. Xuất thân kỹ thuật và đặc biệt là từ Viện Vật lý kỹ thuật chúng mình rất có lợi thế trong ngành này đấy. Đặc biệt là những ngành công nghệ cao, tiên tiến đòi hỏi bản thân kỹ sư bán hàng phải rất am hiểu sản phẩm công nghệ đó, ứng dụng ra sao, sử dụng như thế nào để tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho khách hàng là những cơ quan, tổ chức hay ngay chính thầy cô trong trường đại học của chúng ta. Sale engineer như một “bách khoa toàn thư về kỹ thuật” trong đội bán hàng vậy. Đó chính là lợi thế độc quyền điều mà sale thông thường khó có thể làm được.

Tuy nhiên, xuất thân kỹ thuật vốn rất chân chất, thật thà so với các bạn kinh tế nên về mặt giao tiếp, quan hệ, luật pháp và xử lý các vấn đề xã hội thì chúng ta phải học hỏi họ rất rất nhiều mới có thể thành công được.

Với kinh nghiệm của mình, anh thấy yếu tố hay kỹ năng nào quan trọng nhất để trở thành một sale ạ?

Để trở thành một nhân viên sale hay ở đây là sale engineer thì yếu tố tiên quyết đầu tiên là ham học hỏi (công nghệ + xã hội) và không ngại chia sẻ. Bởi vì, bản thân sale engineer phải hiểu được chính sản phẩm công nghệ mình đang bán là gì, hoạt động như thế nào, ứng dụng ra sao, lợi thế cạnh tranh sản phẩm của chúng ta và những đối thủ khác là gì, và sẽ giúp ích được gì cho công việc của khách hàng. Cùng với đó là việc liên tục trao đổi, chia sẻ với khách hàng và hãng sản xuất nhằm đưa ra giải pháp, phương án tốt nhất cho họ.

Ngoài ra, chúng ta cần phải học thêm rất nhiều kỹ năng cần thiết có thể kể đến như: kỹ năng thuyết trình, tổ chức hội thảo chuyên đề, xây dựng dự án, đàm phán hợp đồng, các vấn đề về luật pháp, trao đổi và làm việc với hãng sản xuất bằng tiếng anh.

Hãy luôn luôn “open minded”- mở đầu ra để học thêm những điều mới, không ngại va chạm và luôn sẻ chia.

Thưa anh, em thấy so với các bạn bên kinh tế thì dân kỹ thuật sẽ có kiến thức về máy móc, trang thiết bị tốt hơn. Nhưng về kỹ năng thì chúng ta thường yếu hơn. Vậy anh có lưu ý hay lời khuyên nào cho các bạn sinh viên VLKT nói riêng hay các bạn học kỹ thuật nói chung đang có định hướng mai kia sẽ theo công việc sale engineer không ạ? Để qua đó, các bạn có thể trao dồi ngay từ lúc còn ngồi trên giảng đường ạ.

Đúng vậy, về như anh đã nêu ở trên chúng ta có lợi thế nhưng cũng có những mặt cần phải trau dồi rất rất nhiều về các kỹ năng xã hội như giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ, luật pháp và xử lý các vấn đề xã hội. Hãy học hỏi sự linh hoạt, khôn ngoan của các bạn kinh tế nhé, không nên cứng nhắc 1 là 1, 1+1=2 khi làm sale. Bản thân anh hiện tại cũng đã và đang trải qua rất nhiều điều khó xử bởi khả năng nắm bắt và hiểu tâm lý, kỹ năng xử lý vấn đề xã hội của anh chưa tốt. Không ai muốn gặp rắc rối cả nhưng nó đến thì anh phải đối mặt và xử lý nó nhất là các vấn đề về quan hệ trong xã hội, rất đau đầu và khó xử. Anh thấy các bạn kinh tế dường như có lợi thế hơn ở điểm này nhưng không phải chúng ta xuất thân từ dân kỹ thuật thuần tuý lại không thể làm được, điển hình là sếp của anh. Chính những va vấp ấy, xử lý các vấn đề khó khăn thực tế ấy là bài học kinh nghiệm quý giá giúp chúng ta học hỏi, đứng vững trên đôi chân mình khi bước vào đời.

Do vậy mà ngay từ trên ghế nhà trường, chúng ta hay sinh viên kỹ thuật nói chung cần phải năng trau dồi kiến thức mới, không chỉ trong nhà trường mà thêm cả xã hội nữa. Hãy tìm hiểu kỹ thuật này, công nghệ này hoạt động ra sao, ứng dụng thực tế như thế nào; xu hướng phát triển và năng lực cạnh tranh như thế nào trên thị trường; ai hay tổ chức nào cần nó; nó giúp ích được gì cho họ; nó cần phải cải tiến gì thêm không; tập thuyết trình và chia sẻ điều trên với bạn học và thầy cô; tham gia thực tập và làm việc những công việc tương tự ngay từ khi còn ở ghế nhà trường khi có thể và năng tham gia các hoạt động xã hội hay tham gia vào các dự án cùng với nhóm nghiên cứu hoặc các trung tâm, startup để học hỏi để dần xây dựng các mối quan hệ là tiền đề cho nghề sale engineer sau này.

Dạ, em xin kết thúc buổi phỏng vấn tại đây bằng một câu hỏi nhẹ nhàng nữa thôi ạ hihi. Anh có thể chia sẻ một vài kỉ niệm khi còn là sinh viên, ví dụ như là những khó khăn khi là sinh viên năm nhất, kỉ niệm với bạn bè và thầy cô hay về tình yêu thời sinh viên được không ạ? Vì không chỉ riêng em mà các bạn tới đây là tân sinh viên K66 cũng rất tò mò ạ.

Chia sẻ với em và các bạn, anh từng là sinh viên bị cảnh cáo mức 2, thiếu 2-3 chỉ nữa là lên cảnh cáo mức 3, suýt bị đuổi học do chểnh mảng học hành năm nhất và đầu năm hai vì trượt nhiều môn quá. Do vậy mà kỷ niệm thời sinh viên của anh chỉ có đi học lại suốt năm này qua năm khác, mùa hè này qua mùa hè khác đến nỗi 5 năm đại học, anh không có mùa hè nào nghỉ ngơi đúng nghĩa, những kỳ làm đồ án thâu đêm, rồi đi làm thêm nên cũng chẳng có yêu đương gì ?. Niềm vui duy nhất lúc ấy qua môn chẳng hạn những môn cực kỳ khó, huyền thoại của Viện mình, ví dụ như học lại môn Vật lý thống kê của thầy Tuấn Siêu chảy cùng với nhóm bạn thân và nhờ sự cố gắng mà cả nhóm đều đạt điểm rất cao một cách ngoạn mục. Hay là làm đồ án, làm nghiên cứu cùng với thầy cô và cả nhóm rất vui vẻ.

Có thể nói thời sinh viên của anh gắn liền với giảng đường, thầy cô Viện mình và bè bạn. Do vậy mà đến khi ra trường đi làm rồi anh vẫn rất nhớ, tự hào về Viện mình, trường Bách Khoa mình.

Anh Dũng (bên phải) cùng anh Linh (nhân vật đã nhắc đến trong một bài viết khác) trong buổi lễ tốt nghiệp đại học.
Em cảm ơn anh đã dành thời gian để tham gia phỏng vấn ạ. Thay mặt các bạn sinh viên và các bạn tân sinh viên tương lai, em cảm ơn anh đã dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân. Em chúc anh có thật nhiều sức khỏe, thành công với mọi dự định đặt ra ạ!

Cảm ơn em. Chúc em và các bạn học sinh, sinh viên sớm tìm được định hướng cho bản thân.

Người thực hiện: Nguyễn Thị Hồng Vân Nguồn: https://prsep.wordpress.com/2021/08/26/hoc-vat-ly-ky-thuat-nen-mong-vung-chac-de-tro-thanh-sale-engineer/

Link nội dung: https://mozart.edu.vn/ban-hang-ky-thuat-a49898.html