Là loại cây ăn trái chứa nhiều dưỡng chất và đem đến giá trị kinh tế cao, bưởi đang là một trong những thức quả được người nông dân trên mọi miền ưa chuộng canh tác. Bài viết hôm nay, hãy cùng Sinh Học Châu Á tìm hiểu những giống bưởi phổ biến nhất ở Việt Nam nhé!
1. Bưởi da xanh
Xuất xứ: Là loại cây trồng được phát hiện tại xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
Đặc điểm giống bưởi da xanh
Đặc điểm cây:
Lá bưởi da xanh: Lá có hình cầu, to lớn. Lá non có màu xanh nhạt và chuyển dần sang màu xanh đậm khi lá thuần thục, mặt trên lá có màu xanh đậm, cánh lá có hình trái tim ngược, bìa lá có khía giống như tai bèo, phiến lá có dạng trứng ngược, phiến lá xếp chồng lên cánh lá là điểm rất đặc trưng của giống.
Hoa bưởi da xanh: Phát hoa mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu mỗi cành, mỗi phát hoa chỉ có thể mang một hoa hoặc một chùm hoa, đài hoa có màu xanh vàng, mọc thành chùm 6 - 10 bông.
Quả bưởi da xanh: Quả có trọng lượng tương đối lớn (1,2 - 2,5kg/quả), dạng quả hình cầu, khi chín vỏ có màu xanh nhưng đôi khi ngã sang màu xanh hơi vàng, tâm quả rỗng, vỏ quả dày khoảng 17mm, vỏ thường mỏng hơn khi cây cho quả ổn định, trung bình bì quả có màu hồng. Quả có 13-14 múi, thịt quả giòn, hương vị ngọt lịm, được trồng quanh năm.
Trong điều kiện sinh trưởng tốt cây cho trái sau 2,5 đến 3,0 năm sau khi trồng.
Cây thường cho quả quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 8 đến tháng 11 (Dương Lịch)
Thời gian từ khi ra hao đến thu hoạch khoảng 7-7,5 tháng. Năng suất khá cao khoảng 120-150 kg/cây/năm (cây khoảng 10 năm tuổi)
Là bài thuốc phòng và trị bệnh do chứa nhiều dưỡng chất dinh dưỡng như Vitamin A, B1, B2, C,…khoáng chất vi lượng và đa lượng. Vì thế mà bưởi da xanh đang là một trong số những giống bưởi được ưa chuộng nhất hiện nay.
2. Bưởi Năm Roi
Xuất xứ: Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở tại tỉnh Vĩnh Long.
Đặc điểm cây:
Lá bưởi năm roi: Lá có màu xanh nhạt, mặt trên có lớp lông mịn. Lá thành thục có hình oval đến hình elip, đế lá tròn hoặc hình trái tim. Màu lá mặt trên xanh đậm, phiến lá hình trứng, cánh lá hình trái tim ngược.
Hoa bưởi năm roi: Hoa khá to, thuộc hoa ngũ phân, có bầu noãn lớn và nhiều tiểu nhụy dính nhau, hoa có 5 cánh hoa màu trắng ngà và có mùi thơm. Tất cả hoa đều có khả năng thụ phấn tốt để hình thành quả, nhưng quá trình phát triển bình thường trên mỗi chùm hoa chỉ còn lại 1-3 quả.
Quả bưởi năm roi: Quả có hình tháp đáy rộng với trọng lương trung bình khoảng 1,5kg/quả. Vỏ dày: 2,0-2,5cm (những năm đầu cho quả thường dày đôi khi lên đến 3-4cm). Trọng lượng quả trung bình khoảng 1,2-1,4kg/quả. Trung bình bì quả có màu trắng, có mùi thơm, tép quả màu vàng nhạt, bó chặt, dễ tách khỏi vách múi và nhiều nước, thịt quả mềm, vị ngọt chua nhẹ đặc trưng không giống bất kì giống bưởi nào, năng suất cao 280-300 trái/cây/năm (cây lớn hơn 10 năm tuổi).
Cây 10 năm tuổi có chiều cao khoảng 7-8m, cây chiết cành hoặc cây ghép thường không có hoặc có ít gai ngắn. Cây sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất phù sa ngọt ven sông. Cây thường cho quả rãi rác quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 8- tháng 11 (Dương Lịch).
Thời gian từ khi ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 210-220 ngày. Thu hoạch khi quan sát thấy vỏ chuyển sang màu xanh vàng.
3. Bưởi Diễn
Là một trong số những giống bưởi ngon nhất Việt Nam
Xuất xứ: Là đặc sản tại vùng Phủ Diễn, Từ Liêm, Hà Nội.
Đặc điểm cây bưởi Diễm:
Lá bưởi Diễn: Lá bưởi diễn có màu xanh thẫm, to bản, dày, chóp lá tù, lá mọc dày, thùy eo lá và phiến lá xếp đè lên nhau, tán có dạng hình cầu hoặc bán cầu cành cấp 1 nhiều.
Hoa bưởi Diễn: Hoa bưởi Diễn giống các loại hoa bưởi khác, đầu nhị hoa cao hơn nhụy, rất thuận lợi cho việc thụ phấn, nên cây bưởi Diễn rất ít xảy ra hiện tượng mất mùa. Thời gian ra hoa vào mùa xuân cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Quả bưởi Diễn: Quả có hình dáng tròn đẹp, khi chín vỏ có màu vàng nhạt khắp bề mặt. Trọng lượng trung bình từ 0.8-1kg/quả. Bên trong quả, múi dày và mọng nước, có màu vàng, hương vị tươi mắt ngọt thanh. Quả bưởi tròn đều căng và cầm rất chắc tay. Có thể bảo quản từ 4-5 tháng mà vẫn giữ nguyên hương vị như lúc mới thu hoạch.
Là cây thuộc nhóm cây thân gỗ, có múi, chiều cao từ 3-5m. Thân gỗ nhưng khá nhỏ, có nhựa trắng, ít gai. Lá bưởi xanh đậm. Sau khoảng 5 năm trồng sẽ cho quả. Cây trưởng thành sẽ cho ra quả mỗi năm 1 lần, mỗi mùa cây có thể cho lượng trái lớn, có thể từ 80-100 trái/gốc
Là một trong số những giống bưởi ngon nhất Việt Nam. Bưởi diễn có giá thành từ 12-25 nghìn đồng/kg, cũng là loài bưởi góp phần trong các bài thuốc chữa bệnh, trị ho, giảm cảm, thanh lọc cơ thể một cách hiệu quả.
4. Bưởi Đường Lá Cam (Bưởi Tân Triều)
Bưởi lá cam có trọng lượng 0.8-1.2 kg/quả
Xuất xứ: Được trồng nhiều tại Miền Đông Nam Bộ, tập trung ở các khu vực ven sông Đồng Nai.
Đặc điểm cây bưởi Đường Lá Cam:
Lá bưởi Đường Lá Cam: Lá nhỏ gần giống lá cam nên có tên gọi là đường lá cam. Tán cây có khuynh hướng phát triển theo chiều ngang, lá non có màu xanh nhạt, khi trưởng thành lá có màu xanh đậm, cách lá có màu xanh nhạt, khi trưởng thành lá có màu xanh đậm, cánh lá có hình tim ngược, bìa có hình răng cưa, đuôi lá nhọn, phiến lá có hình lưỡi mác, không phủ lên cánh lá.
Hoa bưởi đường lá cam: Hoa thường mọc ở nách lá hoặc đầu cành, mọc thành chùm.
Quả bưởi đường lá cam: Quả có trọng lượng trung bình từ 0.8-1.2kg/quả. Dạng quả hình quả lê thấp, vỏ quả khi chín có màu vàng xanh, láng nhẵn và tróc rất tốt, tép bó chặt vị ngọt rất ngon. Ngoài ra loại bưởi này cũng ít sâu bệnh, có thời kỳ khai thác kinh doanh cao (trên 30 năm) và giá bán cao.
Cây cho quả sau 3-4 năm trồng, thời vụ thu hoạch rải rác quanh năm, nhưng tập trung vào tháng 7-8 Dương Lịch, từ khi ra hoa đến thu hoạch 7,0-7,5 tháng. cây cho năng suất khoảng 400kg/cây/năm.
5. Bưởi Đoan Hùng
Xuất xứ: Được trồng lâu đời tại Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Đặc điểm cây bưởi Đoan Hùng:
Lá bưởi Đoan Hùng: Đường kính tán lá trung bình 4-6m, lá xanh vàng, hình dáng giống các loại bưởi khác.
Hoa bưởi Đoan Hùng: Hoa bưởi thường ra vào tháng 2, tháng 3 Dương Lịch.
Quả bưởi tròn, khối lượng trung bình 0,8-1,2kg/quả. Vỏ quả mỏng khi chín có màu vàng, tép quả màu hung vàng, ăn có vị ngọt, có vị thơm thanh khiết. Nhà nước bảo hộ vô thời hạn với loại bưởi này tại quyết định số 73/QĐ - SHTT.
Bưởi không cao mà thấp là là mặt đất, mỗi cây cho thu hoạch từ 100-150 quả. Thời gian bảo quản của bưởi khá lâu, có thể bảo quản trong vòng 6 tháng mà trái vẫn đẹp, ngon như mới hái.
Bưởi Đoan Hùng còn được mệnh danh là “bưởi tiến vua” vì dưới thời kỳ phong kiến, chỉ có tầng lớp vua chúa mới được ăn bưởi Đoan Hùng.
6. Bưởi Phúc Trạch
Bưởi Phúc Trạch được mệnh danh là “đệ nhất danh quả” của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh
Xuất xứ: Đây là giống bưởi đặc sản của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Đặc điểm cây bưởi Phúc Trạch:
Lá cây bưởi Phúc Trạch: Trung bình mỗi tán cây rộng khoảng 4,5m, cao 5m.
Quả bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, khi quả chín thường có màu vàng nhạt và vỏ không trơn. Khi trưởng thành, mỗi quả bưởi Phúc Trạch có thể đạt đến 2 kg. Múi bưởi có màu hồng nhạt đến trắng trong, dễ tách ra. Hơn nữa, loại bưởi này sở hữu vị ngọt đậm, thanh nhẹ và hương thơm đặc trưng hơn so với loại bưởi khác.
Mỗi một cây cho khoảng 100 quả, có cây gần 300 quả. Bưởi chính vụ vào tháng 8 dương lịch. Lúc này quả bưởi đạt trọng lượng, hàm lượng dinh dưỡng và độ ngọt thanh đạt mức cao nhất.
Đây là loại cây ăn quả chủ lực, có đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế và được xem là “đệ nhất danh quả” của huyện miền núi Hương Khê. Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh, được vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Là thức quả quen thuộc với mọi gia đình Việt, tùy theo nhu cầu cá nhân và mục đích kinh doanh để có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp, trên đây là những giống bưởi phổ biến nhất ở Việt Nam được Sinh Học Châu Á tổng hợp.
Xem thêm Kỹ thuật canh tác bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP