Động từ không phải chia theo thì, danh từ không có dạng số nhiều số ít hay giống đực giống cái, không có mạo từ xác định và không xác định, từ vựng có âm gần với tiếng Việt,… Đó là những điểm đặc trưng của tiếng Trung khiến cho việc học trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người học sẽ phải đối mặt với những trở ngại khác, như hệ thống chữ tượng hình hơn 2,000 ký tự, rất nhiều điển tích, điển cố, ngữ nghĩa, ngữ dụng từ nền văn hóa lâu đời, ngôn ngữ “thanh điệu”,… Và còn rất nhiều những trở ngại khác. Hãy tìm hiểu tổng quan về đặc điểm của tiếng Trung trước khi bạn quyết định theo học ngôn ngữ này nhé.
1. Cứ 6 người trên Trái Đất này thì có 1 người nói tiếng Trung
Trên thế giới hiện nay có hơn 1 tỷ người, chiếm khoảng 15% dân số thế giới đang sử dụng tiếng Trung Quốc như tiếng mẹ đẻ. Nếu làm một phép so sánh đơn giản thì lượng người bản ngữ này còn nhiều hơn cả các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức cộng lại.
2. Tiếng Trung là ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc
Tiếng Trung cùng với tiếng Anh, Ả Rập, Pháp, Nga và Tây Ban Nha là 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc.
3. Tiếng Trung không có bảng chữ cái (alphabet)
Thế giới vốn quen thuộc với bảng chữ cái Latinh, nó được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, nhưng với chữ Hán của Trung Quốc thì khá xa lạ. Người nước ngoài khi học tiếng Trung, đặc biệt là những người nói tiếng Anh bản ngữ hoặc đến từ các nền văn hóa phương Tây sẽ rất khó để nắm vững và sử dụng thành thạo hệ thống chữ viết Hán, bởi chữ Hán không phải “segmental alphabet” (“bảng chữ cái phân đoạn”, một hệ thống chữ viết mà các chữ cái được sắp xếp kết hợp lại với nhau theo một trật tự cố định tạo thành một loạt các âm vị và hình vị, tương đối ít ký tự, chỉ khoảng vài chục). Chữ Hán là hệ thống chữ viết tượng hình/ ý thức hệ, bao gồm hơn 4,000 ký tự, mỗi ký tự biểu hiện một ý nghĩa khác nhau. Tuy vậy, tiếng Trung vẫn có bảng phiên âm pinyin (bính âm), sử dụng ký tự Latinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài học tiếng Trung.
Trên thực tế, các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam trong thời kỳ phong kiến đã từng sử dụng hệ thống chữ Hán của Trung Quốc, các ký tự tuy phát âm khác nhau ở mỗi quốc gia nhưng đều có chung ý nghĩa. Hiện nay, chỉ còn có Nhật Bản vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống chữ Hán (phổn thể), Hàn Quốc đã chuyển sang dùng bảng chữ cái Hangul (bảng chữ cái ký âm được phát minh từ thế kỷ 15 bởi triều đại vua Sejeong) và Việt Nam đã chuyển sang dùng ký tự Latinh (chữ Quốc ngữ).
4. Chữ Hán là hệ thống chữ tượng hình duy nhất còn tồn tại ở thế giới hiện đại
Chữ tượng hình Ai Cập, chữ Hán, chữ Maya,… là những đại diện tiêu biểu của hệ thống chữ tượng hình từ thời cổ đại. Tuy nhiên ngày nay, chỉ còn chữ Hán được sử dụng phổ biến trong thế giới hiện đại. Tất cả các hệ thống chữ viết tượng hình khác đều đã biến mất hoặc không còn được sử dụng. Điều này càng làm cho người Trung Quốc tự hào, trân trọng và duy trì chữ viết truyền thống này trong thế giới hiện đại.
5. Động từ không phải chia thì
Giống tiếng Việt, động từ trong tiếng Trung luôn giữ nguyên thể trong mọi trường hợp và không cần phải biến đổi theo thì (hiện tại, quá khứ, tiếp diễn, tương lai,…) hay theo kính ngữ, mục đích, ý định phức tạp như tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật và nhiều ngôn ngữ khác. Thay vào đó, các trạng từ như “từng”, “đã từng”, “đang”, “sẽ”, “sắp”,… sẽ được thêm vào trước hoặc sau động từ nhằm biểu thị mối quan hệ thời gian. Điều này cho phép người học tập trung vào các vấn đề phức tạp khác, như ghi nhớ hơn 2.000 ký tự khác nhau.
6. Danh từ không có sự phân biệt giữa số nhiều và số ít, không có mạo từ
Khác với tiếng Anh danh từ với sự phận biệt giữa số nhiều và số ít, hay với tiếng Pháp danh từ có sự phận biệt giữa giống đực và giống cái, danh từ trong tiếng Trung vẫn giữ nguyên thể dù chúng ở dạng số nhiều hay số ít và không có đặc điểm phân biệt đáng kể nào. Ngoài ra, tiếng Trung cũng không có mạo từ.
Tiếng Việt cũng có những đặc điểm như trên như tiếng Trung.
7. Ngôn ngữ thanh điệu, thay đổi một âm sắc là thay đổi trầm trọng ý nghĩa của một từ
Tiếng Trung và tiếng Việt đều là ngôn ngữ thanh điệu (tonal language), với độ trầm, bổng, luyến láy của giọng nói trong một âm tiết có thể ảnh hưởng đến ý nghĩa của từ. Chẳng hạn, wǒ xiǎng wèn nǐ - khi wen được phát âm trầm xuống, nó có nghĩa là “tôi muốn hỏi bạn”. Nhưng wen nếu được phát âm bổng lên rồi trầm xuống, nó có nghĩa là “tôi muốn hôn bạn”. Nếu không muốn gây hiểu lầm cho người đối diện, bạn cần nắm vững các thanh điệu khi học tiếng Trung.
Xét đề độ phức tạp của thanh điệu thì tiếng Trung vẫn kém thế tiếng Việt “một bậc”. Tiếng Trung có 4 thanh điệu ( -, ՛, ˇ, `) còn tiếng Việt có đến 6 thanh điệu (không dấu, `, ~, ?, ՛, .).
8. Hán tự có 2 hệ thống chữ viết khác nhau
Đó là: Chữ Hán phổn thể (nguyên bản) và chữ Hán giản thể (phát triển từ năm 1950 trong công cuộc Cải cách Chữ viết được tiến hành bởi Đảng Cộng sản Nhân dân Trung Hoa). Ngoài ra còn có một hình thức phát triển khác của tiếng Trung là bính âm (pinyin), sử dụng ký tự Latinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán, được sử dụng rộng rãi bởi giới trẻ ngày nay, rất phổ biến trong các thiết bị di động.
Hiện nay, chữ Hán giản thể được sử dụng chính thức ở Trung Quốc đại lục, Singapore và Malaysia; chữ Hán phổn thể được sử dụng chính thức tại Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, Nhật Bản (Kanji),…
9. Tổng số lượng ký tự của chữ Hán là khoảng 20,000
Đó là số liệu thống kê được công bố phổ biến nhất. Một số từ điển Hán tự nâng cao thậm chí còn cung cấp tới hơn 50,000! Tuy nhiên, người học tiếng Trung không nên quá lo lắng. Khoảng 98% văn bản tiếng Trung được viết ra chỉ sử dụng khoảng 2.500 ký tự, do đó nếu nhận diện được 2000 - 3000 ký tự thông dụng là có thể đọc sách, báo tại Trung Quốc.
10. Chữ Hán đã trên 3,000 năm tuổi
Trong số tất cả các hệ thống chữ viết còn được sử dụng cho đến ngày nay, chữ Hán là hệ thống chữ viết “cổ nhất”. Theo các nhà khảo cổ học, các ký tự chữ Hán sơ khai đã được tìm thấy trên xương động vật (giáp cốt văn), có niên đại 1,600 năm trước Công nguyên. Trong khi đó, bảng chữ cái Latinh mới bắt đầu khoảng 1,000 năm về trước, vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên.
Với đề dày lịch sử, chữ Hán ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo thành vòng văn hóa chữ Hán (Sinosphere) bao gồm Việt Nam (chữ Nho), Nhật Bản (Kanji), Hàn Quốc (Hanja), Đài Loan, Mông Cổ,…
Ngoài ra, xuyên suốt chiều dài 3,000 năm, chữ Hán cũng có 5 phong cách thư pháp khác nhau: Triện thư 篆書 seal script (gồm đại triện 大篆 và tiểu triện 小篆), lệ thư 隸書 official script, khải thư 楷書 formal script, hành thư 行書 running script, và thảo thư 草書 cursive hand.
11. Chữ viết biểu ý giúp thống nhất đất nước
Xét về tính chất, chữ viết được chia làm hai loại: chữ biểu ý (chữ ghi ý, ideography) và chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonography). Các hệ thống chữ viết đang được dùng trên thế giới hiện nay phần lớn là chữ biểu âm, riêng chữ Hán là chữ biểu ý. Người Trung Quốc ở mỗi tỉnh, vùng miền đọc chữ Hán theo các âm khác nhau, gọi phương ngữ (方言, dialect) hay thổ ngữ. Tại Trung Quốc hiện có 7 phương ngữ lớn và nhiều phương ngữ nhỏ. 70% người Trung Quốc dùng phương ngữ miền Bắc, sáu phương ngữ còn lại ở miền Nam.
Lợi ích lớn nhất cho dân tộc Trung Quốc là nhờ lối chữ biểu ý mà họ nhanh chóng thống nhất đất nước, giữ được quốc gia rộng lớn của họ, vượt qua sự khác biệt của các phương ngữ. Họ có rất nhiều phương ngữ, nếu dùng chung một thứ chữ biểu âm, như Latinh chẳng hạn, thì người Bắc Kinh, Vân Nam, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Sơn Đông, Trùng Khánh,… không sao hiểu được nhau, dẫn đến việc quốc gia rộng lớn của họ đã có thể bị chia thành nhiều tiểu quốc, như châu Âu ngày nay, có Anh, Ý, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,..
12. Gần 60% từ vựng tiếng Việt, Hàn, Nhật có nguồn gốc từ âm Hán
Với các quốc gia nằm trong khối Sinophere, ngôn ngữ của họ cũng bị ảnh hưởng từ tiếng Hán với gần 60% lượng từ vựng có nguồn gốc từ âm Hán nhưng được đọc theo âm bản ngữ chính quốc gia đó, được gọi là từ vựng Hán-Việt, Hán-Nhật, Hán-Hàn. Chẳng hạn:
社会 (shèhuì), xã hội (sɑ hoi), 社会 (shakai), 사회 (sahoe);
年 (nián), năm (nam), 年 (nen), 년 (nyeon);
中国 (zhōngguó), Trung Quốc (tʃuŋm kuokp), 中国 (chūgoku), 중국 (jung-gug)
TX (Tổng hợp)
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/tim-hieu-ve-tieng-trung-a50032.html