Nguyệt Digi (30 tuổi, Khánh Hòa) hiện đang là nhà sáng tạo nội dung số. Cô cùng 8 người bạn cùng chung sở thích du lịch, đề cao trải nghiệm đã dành 13 ngày khám phá đất nước Pakistan - quốc gia xuất hiện trên một số kênh truyền thông với cụm từ "đầy bom rơi, đạn nổ cả một vùng trời xám xịt".
Hành lý trong chuyến đi này cô mang theo là sự chuẩn bị kỹ càng suốt 6 tháng. Ngoài áo quần, lương thực, tiền bạc, Nguyệt cho rằng, bạn không nên mang theo "hành lý review" khi đến một quốc gia nào đó. "Hãy thả lỏng tinh thần, cảm nhận mọi thứ theo cách riêng của bạn. Đừng vì một lời bình, một bài đánh giá mà định kiến cả một vùng đất mình chưa từng đặt chân đến", Nguyệt Digi chia sẻ với phóng viên Travellive.
Nguyệt cùng những người bạn săn được vé máy bay với giá tiết kiệm (khoảng hơn 20 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi) nhờ đặt trước 6 tháng. Nếu bạn cũng đang có ý định du lịch tới những nơi xa, hãy lên lịch trình, đặt vé máy bay sớm để tiết kiệm chi phí. Hành trình này, cô và những người bạn mua landtour tới Pakistan. "Nếu có cơ hội quay lại đây, mình vẫn sẽ chọn mua landtour cùng một nhóm bạn để tối ưu chi phí. Hơn nữa, mình sẽ đỡ 'cô độc' hơn khi luôn có những người bạn đồng hành một hành trình dài ở nơi xa xôi như vậy", Nguyệt chia sẻ.
Landtour trong chuyến đi này bao gồm chi phí di chuyển, ăn sáng và khách sạn. Vì vậy, bạn chỉ cần chuẩn bị thêm chi phí ăn trưa, ăn tối, chi phí tham quan và một số tiền mua quà lưu niệm) dao động trong khoảng 200-300 USD). Nếu có ý định đi du lịch tự túc, bạn phải có thư mời từ một người sống tại Pakistan để xin được visa. Bạn cũng sẽ có thể phải chi trả nhiều hơn khi đi du lịch tự túc.
Nếu đi Pakistan vào dịp mùa xuân, bạn nên lưu ý chuẩn bị khoảng đầy đủ quần áo dài tay, áo gió, chọn loại giày chống nước (tránh bị ướt khi đi vào nơi có tuyết), găng tay, vớ (tất). Ngoài ra, để có những bức hình đẹp, bạn nên chuẩn bị một số quần áo sặc sỡ hơn để nổi bật trong cảnh quan chung có màu xám trắng của núi tuyết tại đây.
Nguyệt đặc biệt lưu ý với tất cả độc giả đang chuẩn bị đi du lịch, riêng những ai có chuyến đi dài cần lưu sẵn các thông tin cá nhân, thông tin hành trình ở dạng văn bản. "Bạn sẽ không hình dung được vấn đề gì sẽ xảy ra, như lỗi wifi, thất lạc thông tin, điện thoại hỏng... Hãy in những thông tin đó ra giấy để phòng khi cấp bách", cô nhấn mạnh.
Sau chuyến đi này, ẩm thực Pakistan để lại trong Nguyệt nhiều kỷ niệm. Những món ăn trong hành trình đơn giản với cơm trắng, cơm chiên, salade xanh, gà kho gừng, thịt bò kho. Đặc biệt, "garam masala", gia vị có nguồn gốc Ấn Độ cũng là hương vị chính xuất hiện hầu hết trong các món ăn tại Pakistan. "Ở Pakistan, người dân địa phương cũng sử dụng masala trong nhiều món ăn, thậm chí là thức uống, nhưng không có đậm vị như tại Ấn Độ", Nguyệt chia sẻ.
Nếu ăn tại các nhà hàng, bạn nên nhờ hướng dẫn viên bản địa liên hệ trước để có đồ ăn ngay khi đặt chân đến. "Ở Pakistan, mọi người làm việc rất thong thả, nên đôi lúc tụi mình phải chờ cả tiếng đồng hồ mới có đồ ăn". Theo Nguyệt, bạn cũng nên chuẩn bị thêm đồ ăn nhanh như mì tôm, lương khô, mứt, rong biển hay các loại canh ăn liền để giải quyết cơn đói tạm thời hay bổ sung thêm năng lượng trong hành trình.
"Khi đi du lịch, hầu hết chúng ta đều có tâm lý sẽ trải nghiệm ẩm thực địa phương. Nhưng điều đó sẽ chỉ kéo dài được 3-4 ngày. Những người như mình, với 70% trong cơ thể là nước mắm sẽ bắt đầu nhung nhớ đồ ăn, hương vị Việt Nam", cô đùa. Là một người thích nấu ăn, Nguyệt đã chuẩn bị thêm "hành trang gia vị" Việt Nam như nước mắm, xì dầu, hạt nêm để nấu bữa ăn chuẩn vị Việt cho cả đoàn trong hành trình.
Ở mỗi điểm đến, cô sẽ nhờ hướng dẫn viên địa phương tại khu vực đó "tháp tùng" đến chợ, mua đồ ăn về chế biến. "Khi mới vừa ra chợ, mình bị bất ngờ vì ở đây 100% là đàn ông, chỉ duy nhất mình là phụ nữ. Bắt gặp ánh mắt đầy hoang mang lo sợ của mình, một số người đàn ông đã lại gần hỏi chuyện rồi giúp mình trả giá. Mình thở phào nhẹ nhõm, thấy người dân nơi đây thật hiền lành, dễ mến", Nguyệt kể lại.
Sau khi mua thức ăn, cô mang về và xin đầu bếp chế biến ngay tại khu vực bếp của khách sạn. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng cô gái này có thể "lẻn" vào khu vực bếp của cả khách sạn 4-5 sao để nấu ăn. "Họ rất cởi mở và sẵn sàng để du khách như mình có thể chế biến thức ăn ngay trong khu vực bếp của khách sạn. Tất nhiên, sau đó mình cũng trả một khoản phí nhỏ để cảm ơn những người đầu bếp nhiệt tình".
Tại đây, cô được "trổ tài" trước những đầu bếp khách sạn, chia sẻ ẩm thực Việt Nam với những người bạn Pakistan. Về sau, khi những gia vị Việt gần hết, cô nảy ra ý tưởng tìm những nguyên liệu tương đương tại Pakistan để làm nguyên liệu thay thế. Cô cũng chia sẻ với những vị đầu bếp tại khách sạn cách để chế biến món ăn Việt theo kiểu Pakistan.
Trong hành trình khám phá địa phương cùng chú Mohammed - một người say mê công việc, yêu quê hương không ngần ngại mời những vị khách mới quen đến chơi nhà. Một chum trà, một chiếc bánh bích-quy (biscuit) với nụ cười e thẹn rất đỗi hiền hòa kéo những con người xa lạ xích lại gần nhau. Ngồi ăn bánh, thưởng trà, lắng nghe những câu chuyện đời sống của người dân nơi đây, thấy cuộc đời họ dung dị, đơn giản mà ấm áp lạ lùng.
Trong hành trình khám phá Pakistan, cô cùng nhóm bạn lựa chọn di chuyển dạng "road trip" với tài xế bản địa. Nhờ chọn loại hình này, họ bắt trọn những khung cảnh tuyệt đẹp khi cheo leo trên những cung đường hiểm trở. "Tài xế bản địa ở đây là những 'tay lái lụa'. Trong khi mình cảm giác như đang rơi tự do xuống vực, thì tài xế lại rất tự hào vì kỹ năng lái xe điệu nghệ của họ", Nguyệt cười.
Nhịp điệu trải nghiệm các hoạt động trong hành trình này của nhóm bạn cũng không quá dày đặc. Phần lớn thời gian nhóm của cô ngồi trên xe, vượt hàng trăm cây số băng qua núi đồi, thi thoảng dừng chân tại một khung cảnh kỳ vĩ để lưu lại khoảnh khắc. Ngoài ra, cô cũng trượt zipline hay trekking chặng ngắn cùng nhóm bạn. Khi đi trekking lên tới đỉnh núi Queen of Victoria, một khung cảnh hùng vỹ hiện ra trước mắt. Phóng tầm mắt ra xa, thả lỏng ngắm nhìn những ngôi nhà cũ kỹ được xây dựng đã lâu ẩn mình trong tán hoa đào - hoa mơ - hoa mận bung nở trắng hồng cả một vùng trời.
Đi vào đúng dịp mùa xuân, họ được chìm đắm trong bản phối màu tinh khôi của nhiều loại hoa. Hầu như những ngôi nhà trong làng, ai nấy đều có một khu vườn rộng trồng đầy hoa. Người dân ở đây "mở cửa tự do" cho những người khách xa lạ vào chiêm ngưỡng vườn hoa của họ. Len lỏi trong những khu vườn, ngước lên trên thấy rợp cả một bầu trời đầy hoa. Sắc hoa trắng hồng tinh khôi của mùa xuân mang lại cảm giác nhẹ nhàng, bình yên đến khó tả.
"Ở một nơi xa xôi, mạng internet chập chờn, tụi mình đặt điện thoại xuống, xích lại gần nhau, lắng nghe những câu chuyện chưa từng được chia sẻ. Nếu không có chuyến đi này, chắc nhiều câu chuyện sẽ còn nằm trong lòng mãi, mình cứ tưởng mình đã hiểu những người bạn lắm rồi. Mình quan sát họ ở nhiều góc độ hơn, thấy những điều đáng yêu lấp ló trong từng hành động, cử chỉ của họ. Cũng thấy cả những mảnh vụn vỡ giấu sâu tận đáy lòng của những người thân yêu...", Nguyệt chia sẻ.
Khi băng qua những cung đường, cô bắt gặp nhiều người đàn ông ngồi thẫn thờ nhìn thời gian trôi trước hiên nhà, thắc mắc lý do tại sao họ không làm việc mà lại "ăn không ngồi rồi" như vậy. Hỏi tài xế mới biết, người dân nơi đây sống nương nhờ vào thiên nhiên, vùng đất của mình. Họ thong thả sinh hoạt, thư thả làm việc, không mưu cầu quá nhiều giá trị vật chất - như một "phong cách sống" từ bấy lâu nay. Với những hộ kinh doanh, cửa hàng sẽ được mở lúc 10 giờ sáng, đóng cửa sau 6 tiếng - tức 3 giờ chiều.
Lặng ngắm đời sống của con người nơi đây, Nguyệt nghĩ: "Thật ra, chúng ta cũng chẳng có nhiều mưu cầu đến như thế". Đôi khi được sống chậm cũng được coi là một ý niệm về hạnh phúc rồi.
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/du-lich-pakistan-tu-tuc-a50194.html