Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 14-3, khi khoảng 60 đối tượng đã xô xát với người dân xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai) trên công trường thủy điện Mây Hồ, do Công ty TNHH Năng lượng Mây Hồ làm chủ đầu tư. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn Tiến sĩ, luật sư (TS, LS) Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Luật sư nhìn nhận, đánh giá thế nào về việc doanh nghiệp sử dụng các đối tượng "xã hội" để giải quyết tranh chấp, bất đồng với người dân?
TS, LS Đặng Văn Cường: Đây là hành vi coi thường pháp luật, rất đáng lên án. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chủ doanh nghiệp coi thường pháp luật, ỷ thế có "quan hệ" với cán bộ có chức, có quyền nhưng thoái hóa, biến chất.
Thực tế có nhiều trường hợp thu hồi đất không vì mục đích quốc phòng, an ninh; lợi ích quốc gia, công cộng nhưng doanh nghiệp cấu kết với một số cán bộ địa phương thoái hóa, biến chất tự lập phương án, thông báo thu hồi đất mà không thỏa thuận giá đền bù với người dân. Khi bị người dân phát hiện, khiếu kiện thì dùng các chiêu trò hăm dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí dùng vũ lực đe dọa, uy hiếp... Để xảy ra những sự việc này có phần trách nhiệm của chính quyền trong tổ chức hòa giải, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện ở địa phương.
Các đối tượng bị khởi tố trong vụ xô xát xảy ra ngày 14-3, tại thủy điện Mây Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh do Công an tỉnh Lào Cai cung cấp.PV: Theo luật sư, những hành vi trên để lại những hệ lụy gì?
TS, LS Đặng Văn Cường: Những hành động coi thường pháp luật nói trên không đơn thuần chỉ làm mất trật tự xã hội mà nguy hiểm hơn, còn khiến người dân hoang mang, mất niềm tin vào pháp luật, chính quyền và một xã hội công bằng, văn minh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn nỗ lực xây dựng. Khi xảy ra tranh chấp, bất đồng, người dân rất mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc. Việc các cơ quan chức năng chậm vào cuộc hoặc giải quyết không triệt để, không công bằng sẽ dẫn đến căng thẳng giữa các bên. Vì thế, địa phương nào để xảy ra việc doanh nghiệp sử dụng các đối tượng "xã hội" đe dọa người dân, gây bất bình đẳng xã hội, mất an ninh trật tự thì phải xem xét trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp và trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn.
PV: Dưới góc độ pháp luật, luật sư có thể cho biết hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm này?
TS, LS Đặng Văn Cường: Dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn trong mọi trường hợp đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra mà người đe dọa, uy hiếp tinh thần, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, gây mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 134 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự. Trường hợp gây rối trật tự công cộng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự...
Có thể thấy rằng, theo quy định của pháp luật, những hành vi sử dụng vũ lực để đe dọa, trấn áp tinh thần người khác, đánh đập người khác để ép buộc phải thực hiện công việc theo yêu cầu của mình là vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh nêu trên.
PV: Nhằm tăng cường kỷ cương phép nước, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, theo luật sư, cần phải làm gì?
TS, LS Đặng Văn Cường: Để hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp với người dân, đặc biệt là việc khiếu kiện tập trung đông người, ẩu đả, xô xát thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, gồm: Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai; cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các hành vi sai phạm trong việc triển khai dự án đầu tư, xây dựng, sử dụng đất đai trên từng địa bàn...
Đặc biệt, khi phát hiện tranh chấp, xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân thì chính quyền địa phương cần giao cho các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý, tổ chức hòa giải, giải quyết các tranh chấp... Có thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp từ chính sách pháp luật, giải pháp về tài chính, kỹ thuật, con người... thì mới có thể tăng cường công tác quản lý, giảm bớt tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột.
ĐỨC TUẤN (thực hiện)
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/len-an-la-gi-a54130.html