Sự trưởng thành của chúng ta đôi khi được nhìn rất rõ qua những lựa chọn hàng ngày. Bạn là người ưu tiên lựa chọn những điều bạn cần hay những điều bạn muốn?
Theo một cách trực diện nhất thì cuộc sống là chuỗi những lựa chọn liên tiếp. Có những lựa chọn ý thức được hiển thị thông qua hành động bên ngoài, bạn nhìn được, nghe được và có cả kết quả cũng thấy rõ ràng. Bạn lựa chọn dậy sớm đi học, đi làm thay vì ngủ thêm rồi trễ giờ, bạn lựa chọn kiểu tóc ngắn thay vì kiểu tóc dài, màu tóc vàng thay vì màu đỏ, màu son, trang phục, và vô vàn những lựa chọn được thể hiện trên chính bạn lúc này đây. Cùng soi gương để gọi tên những lựa chọn đang được thể hiện trên bạn như nào, mình đảm bảo bạn sẽ nhớ lại khá nhiều câu chuyện hay ho đấy ? Nhưng cũng có những lựa chọn xảy ra theo tiềm thức mà rất cần bạn vào cuộc để thay đổi đấy nhé!
1- Vậy những lựa chọn của bạn đến từ đâu???
Có phải bạn đang nghĩ ngay đến câu: “Gieo suy nghĩ, gặt hành vi” (Trích - Danh ngôn), lựa chọn là một hành vi xuất phát từ suy nghĩ của bạn phải không?
Ây ây, nhưng đừng quên, bạn cũng có thể điều chỉnh suy nghĩ của mình đấy nhé. Tỉ dụ như: “Ế là một xu thế”, rõ ràng nếu bạn thuộc thế hệ 8x, 7x độc thân thì vẫn thuộc nhóm…hot trend đấy chứ :v. Do chúng ta lựa chọn suy nghĩ này hay không thôi! Vậy suy nghĩ như thế nào là lại đến từ…sự lựa chọn cua bạn.
Vậy đâu là xuất phát điểm của mọi thứ? Câu trả lời này được phân tích chi tiết, logic và đầy đủ trong cuốn “Những mảnh ghép cuộc đời”, tác giả Jim Rohn. Tóm tắt nhanh, mình trích ra một số ý giúp các bạn trả lời cho câu hỏi trên như sau:
“Triết lý là hòn đá tảng, là xuất phát điểm của mọi thứ. Triết lý cá nhân được xuất phát từ những gì chúng ta biết và từ quá trình dẫn đến sự biết.”
“…chúng ta tiếp nhận vô vàn thông tin từ vô số nguồn khác nhau. Những điều chúng ta biết đến từ trường học, bạn bè, đồng nghiệp, truyền thông, trong nhà, ngoài đường; từ sách vở và quá trình đọc sách; từ quá trình lắng nghe và quan sát. Những nguồn kiến thức và thông tin đã và đang đóng góp vào sự hình thành triết lý hiện tại của chúng ta hầu như không giới hạn.”
“…tất cả những thông tin mới xuất hiện trước chúng ta đều được kiểm duyệt thông qua một bộ lọc là triết lý cá nhân của mỗi người. Những thông tin có vẻ đối lập với những niềm tin của chúng ta thường bị loại trừ.” Dần dần, chúng ta có xu hướng lựa chọn làm bất kể điều gì mà chúng ta coi là có giá trị. Việc những quyết định này sẽ dẫn chúng ta tới thành công hay thất bại phụ thuộc vào thông tin mà chúng ta tích lũy được trong những năm trước đó.”
“…quan điểm riêng, suy nghĩ của chúng ta khiến chúng ta đi tới những kết luận nhất định về cuộc sống và cách cuộc sống vận hành. Sau đó, những kết luận này dẫn chúng ta tới những đánh giá cụ thể về giá trị, và những đánh giá này quyết định cách thức hành xử của chúng ta trong một thời điềm và hoàn cảnh xác định.”
Những trích dẫn ở trên có thể bạn sẽ thấy xa lạ nhưng thực chất đó là những gì đã, đang và sẽ tiếp tục hình thành trong bạn. Rất gần gũi mừ! Chỉ là bạn có thực sự hiểu bản thân mình hay không, bạn có thể không ngờ rằng, chỉ với việc hiểu bản thân mình là bạn hiểu được sự tổng hòa của triết lý, khoa học, tâm lý học và vân vân. Nhưng tại sao thì mình sẽ giải thích luận điểm này ở bài viết khác.
Tóm lại, lựa chọn được dựa trên những kết luận của chúng ta về cuộc sống, cách cuộc sống vận hành.
Mà những kết luận này lại dựa trên quan điểm, suy nghĩ và triết lý cá nhân của chúng ta.
Triết lý cá nhân hiện tại đến từ vô số nguồn thông tin mà chúng ta tiếp cận.
2. Cần và Muốn, bạn chọn gì???
Tất nhiên chỉ bạn mới biết mình cần gì và muốn gì. Tuy nhiên mình lại viết chủ đề này bởi có rất nhiều thứ quan trọng bạn cần nhưng bạn lại chưa nhận ra hoặc coi nhẹ để ưu tiên cho những mong muốn ngắn hạn. Có những thứ rất quan trọng nhưng chưa chắc bạn đã muốn. Nhưng cũng có nhiều thứ bạn muốn thì thực tế lại không thực sự cần thiết với bạn. Là người trưởng thành chịu 100% trách nhiệm cuộc đời mình, bạn và tôi cần biết những thứ mình thực sự cần để phân bổ lựa chọn cho các nhu cầu khác nhau. Hình dung dễ hơn thì nội dung mình đề cập thuộc tầng thứ 2 trong Tháp nhu cầu của Maslow, đó là nhu cầu An toàn.
(Ảnh: https://www.verywellmind.com/what-is-maslows-hierarchy-of-needs-4136760)
Tại sao lại là an toàn? Đầu tiên, nhu cầu sinh lý (tầng 1 trong Tháp nhu cầu Maslow) là những nhu cầu cơ bản và quan trọng nhất của con người cần được đáp ứng để tồn tại. Chúng ta phải đáp ứng được những nhu cầu sinh lý này như hơi thở, thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, quần áo, di chuyển, tình dục, bài tiết,…để theo đuổi những nhu cầu cao hơn cũng như những mong muốn thuộc sở thích của bản thân. Tuy nhiên, với sự phát triển đa dạng những lựa chọn để đáp ứng nhu cầu cơ bản này mà nhiều người trong chúng ta thay vì có nhu cầu lên tầng 2 của Tháp nhu cầu thì hầu như chúng ta lại mắc kẹt mãi trong những nhu cầu cơ bản ở tầng 1. Cụ thể, chúng ta mở rộng một cách không cần thiết những nhu cầu ở tầng 1, hoặc đắm chìm trong sự thỏa mãn của những nhu cầu rất cơ bản này mà không nhận ra những rủi ro bất chợt có thể xảy ra mà không biết trước. Bạn cần duy trì trạng thái an toàn để an tâm phát triển. Thật vậy, an toàn là điều kiện cần để bạn duy trì cuộc sống hiện tại nhằm đáp ứng được nhu cầu sinh lý cơ bản ở tầng 1 và tiến tới thực hiện được những ước muốn của bản thân. Ngoài sự an toàn ở hiện tại thì an toàn được thể hiện rõ nhất khi bạn không may gặp rui ro. Những rủi ro không bao giờ nói trước cho chúng ta về cách thức, thời gian mà nó xảy ra. Và rủi ro không chỉ tác động tới cá nhân bạn, mà trên hết hậu quả sẽ ảnh hưởng tới cả gia đình bạn không ít thì nhiều. Có những trải nghiệm bạn cần trải qua để rút ra kinh nghiệm quý giá cho bản thân, nhưng cũng có những trải nghiệm cần trả giá vô cùng đắt. Bạn chắc chắn sẽ không muốn đánh đổi sự an toàn của bản thân để đổi lấy bài học mà đáng ra bạn có thể tham khảo là đủ.
“An toàn là trên hết”
“An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”
(Khẩu hiệu an toàn lao động)
An toàn như thế nào? An toàn là bạn được bảo vệ, sự bảo vệ có thể đến từ chính bạn, có thể đến từ cộng động và từ nhiều hình thức khác.
Bạn cần an toàn những gì? Về cơ bản, chúng ta đều cần an toàn ở 3 điều sau:
- An toàn về sức khỏe
- An toàn về tài chính
- An toàn về tính mạng
Đến đây, bạn đã quan sát lại chính mình và xung quanh rồi chứ? Ba nhu cầu đảm bảo an toàn trên, bạn có tự tin (không nhiều thì ít) để hạn chế những thiệt hai khi xảy ra rủi ro bất chợt???
Bạn nghĩ mình đủ lớn để chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, bạn nói dối Bố Mẹ về một chuyến đi mạo hiểm để họ yên tâm, bạn phóng xe quá tốc độ cho phép, bạn tiêu tiền nhiều hơn khoản kiếm được, bạn hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn hơn, vân vân nhưng…Gia đình lại gồng gánh tất cả gánh nặng khi bạn không may gặp rủi ro. Bạn là minh chứng cho luận điểm thế giới còn nhiều bất công đấy!!!
Cần và Muốn: Với những thứ bạn muốn, bạn nhận biết được liên tục từng giây, từng phút, thậm chí bạn sẵn sàng chiều theo mong muốn của mình một cách vô điều kiện. Với những bạn đang yêu, những cách yêu đặc biệt, bạn thậm chí đáp ứng những mong muốn của người mình yêu mà không cần lý do. Những mong muốn của bản thân rõ ràng nên được đáp ứng, kể cả cho bạn và cho người bạn yêu, đây là hành động đẹp, nên làm để thỏa mãn tâm lý, cũng như giải tỏa được nhiều căng thẳng. Tuy nhiên cũng trớ trêu, những thứ bạn cần không được bạn quan tâm như những mong muốn liên tục đòi hỏi này. Mình liệt kê một số “tín hiệu” của những điểm bạn cần khác với những mong muốn nhé:
- “Cần” thường đi kèm với dài hạn, “Muốn” thường ngắn hạn và có tính thất thường: Bạn cần đảm bảo an toàn tài chính cho tương lai, cho những dự định dài hạn như du học, mua nhà, mua xe, kết hôn,… Bạn cần an toàn về sức khỏe, để hạn chế bệnh tật trong tương lai. Những điều này bạn cần thực hiện ở hiện tại để đảm bảo cho tương lai nên chúng có tính dài hạn. Trong khi đó, những mong muốn không hề có kế hoạch lại thi nhau hấp dẫn bạn, chúng thử thách kỷ luật, kiên trì của bạn. Chúng lấy đi tiền lương của bạn một cách dễ dàng, để rồi chính bạn cũng thừa nhận không biết tại sao “chưa hết tháng mà đã hết tiền”.
- “Cần” thường chỉ cần bạn đóng góp nhỏ hàng ngày, hàng tháng theo thời gian để đảm bảo sự an toàn, còn đóng góp cho “Muốn” đôi khi còn nhiều hơn cả cho “Cần” trong cả 1 năm mà lại không đảm bảo sự an toàn trên. Bạn nào tìm hiểu về an toàn sức khỏe, tính mạng chắc hẳn hiểu rõ. Bạn càng tìm hiểu và áp dụng sớm bao nhiêu, cái giá bạn cần bỏ ra theo cả nghĩa đen và bóng sẽ càng thấp bấy nhiêu.
- “Cần” thường có giới hạn, còn “Muốn” là vô hạn. Rõ ràng, bạn có thể liệt kê những thứ bạn muốn hàng tuần chưa hết.
(Ảnh: https://www.quora.com/What-is-the-differences-between-needs-wants-and-services)
Nếu những thứ bạn cần cũng là thứ bạn muốn thì bạn còn chần chừ gì mà không tự tìm hiểu, tìm gặp các chuyên gia để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và gia đình nhỉ? Cũng có thể bạn thấy nhu cầu an toàn với bạn là chưa cần thiết, hoặc cần thiết nhưng bạn không muốn, đó hoàn toàn là lựa chọn của bạn.
Bạn chỉ có thể cho đi những thứ bạn có, hãy đảm bảo rằng bạn hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm cho bản thân mình, không chỉ ở hiện tại có cơm ăn áo mặc chỗ ở, mà trên hết là khi có rủi ro bạn vẫn có thể đảm bảo mình là người có trách nhiệm với chính mình. Bạn chắc chắn không muốn bản thân và Gia đình trả giá cho rủi ro của bạn mà!
“An toàn là hạnh phúc của mọi nhà và mỗi người” (Khẩu hiệu an toàn lao động)
Tác giả: Uyên
Link nội dung: https://mozart.edu.vn/ban-can-gi-a55629.html