Covid-19 là cụm từ không còn quá xa lạ với chúng ta hiện nay. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng trở thành đại dịch nhanh chóng. Người mắc Covid-19 sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau và có thể diễn tiến thành những biến chứng nguy hiểm. Câu hỏi được đặt ra là tiếp xúc F0 bao lâu thì sẽ bị nhiễm bệnh? Nên làm gì sau khi tiếp xúc F0? Hãy đi tìm đáp án trong bài viết sau nhé!
Trường hợp nào được xác định là F0?
Theo phân loại của Bộ Y tế, những ca bệnh được xác định là F0 khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với virus SARS-CoV-2;
- Người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh và có kết quả test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 dương tính;
- Người có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ mắc Covid-19, có yếu tố dịch tễ và có kết quả test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2;
- Kết quả test nhanh với virus SARS-CoV-2 dương tính hai lần liên tiếp, trong đó xét nghiệm lần thứ 2 cách khoảng 8 tiếng kể từ khi có kết quả xét nghiệm test nhanh lần 1 và có các yếu tố dịch tễ.
Covid-19 lây lan như thế nào?
Theo các nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu từ người sang người khi có sự tiếp xúc gần. Các virus sẽ lây truyền cho người khác thông qua dịch tiết hoặc giọt bắn đường hô hấp của người bị nhiễm bệnh khi họ hắt hơi, ho, nói chuyện… Những giọt bắn này rơi trúng hoặc được hít phải bởi những người ở xung quanh, từ đó bạn sẽ mang mầm bệnh trong người.
Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong không khí trong khoảng vài phút hoặc vài giờ. Chính vì thế, một người có thể nhiễm virus khi chạm tay vào những bề mặt có chứa virus rồi chạm vào mũi, miệng hoặc mắt.
Mức độ nặng của bệnh còn phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của người mắc bệnh. Đối với những trường hợp nặng, Covid-19 có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, suy hô hấp cấp, các vấn đề về tim, suy tim và thậm chí là có thể dẫn để tử vong.
Nguy cơ mắc các biến chứng này càng cao nếu tuổi tác của người nhiễm bệnh càng lớn. Ngoài ra, tỷ lệ mắc biến chứng cũng gia tăng nếu người nhiễm bệnh có mắc các bệnh nền như bệnh thận mạn, đái tháo đường, bệnh về tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh hồng cầu hình liềm hoặc người bị thừa cân, béo phì.
Nên là gì sau khi tiếp xúc F0?
Theo khuyến cáo, bất kỳ ai cũng nên tiến hành xét nghiệm khi biết hoặc nghi ngờ bản thân bị nhiễm Covid-19. Sau khi biết bản thân đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, bạn có thể xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, cần chú ý thời gian thực hiện xét nghiệm để kết quả chính xác nhất. Cần phải tuân thủ thời gian thực hiện xét nghiệm là bởi virus SARS-CoV-2 sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ cần mất một khoảng thời gian ủ bệnh để sinh sôi và phát triển đến đủ số lượng, lúc này các xét nghiệm mới có thể phát hiện được sự hiện diện của virus.
Cụ thể gồm có 2 trường hợp cần xem xét thời gian thực hiện các xét nghiệm để phát hiện Covid-19:
- Đối với người chưa tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19, thời gian tối thiểu để cho ra kết quả dương tính là khoảng 24 - 48 giờ.
- Đối với trường hợp đã tiêm vaccine Covid-19, khoảng thời gian để xét nghiệm dương tính với virus sẽ dài hơn, khoảng từ 5 - 7 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
- Ngoài ra, trong một số trường hợp mặc dù xuất hiện triệu chứng trên lâm sàng, tuy nhiên khi xét nghiệm test nhanh kháng nguyên kết quả lại âm tính. Lúc này, cần tiến hành xét nghiệm lần 2 cách khoảng 24 - 48 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần đầu. Nếu kết quả vẫn âm tính thì cần phải tiến hành xét nghiệm PCR để cho ra kết quả chính xác nhất.
Bên cạnh đó, trong lúc chờ đợi kết quả xét nghiệm, người nghi ngờ nhiễm bệnh cần tự cách ly bản thân với mọi người xung quanh, hạn chế tiếp xúc, đảm bảo thực hiện quy tắc 5K để tránh lây lan dịch bệnh cho những người khác. Mặc dù hiện tại đã có vaccine phòng ngừa Covid-19, tuy nhiên vẫn không thể loại trừ 100% nguy cơ bị nhiễm bệnh. Hơn thế nữa, một số trường hợp nhiễm bệnh nhưng không triệu chứng cũng có thể là nguồn lây bệnh cho người khác.
Biện pháp phòng bệnh, bảo vệ bản thân mình
Covid-19 được cảnh báo là bệnh truyền nhiễm cấp tính, là bệnh lý gây quan ngại trên toàn thế giới bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Hơn thế nữa, ngày càng xuất hiện những biến chủng mới gây ra những triệu chứng và biến chứng khác nhau. Chính vì thế, mỗi cá nhân cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân cũng như người thân trong gia đình. Dưới đây là những khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế ban hành:
- Luôn cập nhật, theo dõi những thông tin mới nhất về dịch bệnh, thực hiện theo những chỉ thị phòng chống dịch.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy mạnh hoặc sử dụng dung dịch có cồn để rửa tay để tiêu diệt phần lớn virus có trên tay.
- Đeo khẩu trang y tế ở những nơi công cộng hoặc khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm virus, người có những triệu chứng như ho, chảy nước mũi, khó thở…
- Hạn chế đến mức tối thiểu việc sờ tay lên mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay sạch sẽ. Nguyên nhân là vì khi tay chạm vào những bề mặt có chứa virus, sau đó chạm tay bẩn lên mắt, mũi, miệng sẽ có thể khiến virus xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
- Khi xuất hiện các triệu chứng như ho, khó thở, sốt nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, cần thông báo với các cán bộ y tế tại nơi cư trú nếu bạn đã từng tiếp xúc gần với nguồn gây bệnh hoặc du lịch ở những nước có dịch Covid-19 bùng phát.
- Nếu cơ thể xuất hiện những triệu chứng của bệnh thì cần chủ động tự cách ly bản thân với những người xung quanh, vệ sinh tay chân, đường hô hấp sạch sẽ, tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
- Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao để nâng cao thể lực kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý đầy đủ dưỡng chất, xây dựng lối sống lành mạnh để chống chọi với dịch bệnh.
- Vệ sinh nhà cửa thông thoáng, thường xuyên vệ sinh, lau rửa bề mặt tiếp xúc với cồn để tăng hiệu quả diệt khuẩn.
Trên đây là những thông tin mang đến cho bạn thêm kiến thức về dịch bệnh Covid-19 và trả lời được câu hỏi nên làm gì sau khi tiếp xúc F0? Đây là loại dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó có thể dự đoán trước và tốc độ lây lan nhanh chóng. Để đẩy lùi dịch bệnh cần có sự chung tay của toàn thể tất cả mọi người. Bên cạnh việc tuân thủ thực hiện những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế ban hành, mỗi người cũng nên tự trang bị những kiến thức cần thiết về loại virus này và cách xử trí khi bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 cũng là biện pháp hữu quả để phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Xem thêm:
- Nên tiêm mũi 3 Pfizer cách mũi 2 bao lâu để mang lại kết quả phòng bệnh tốt nhất?
- Thời gian tiêm mũi 2 Pfizer mà bạn nên biết