Bên cạnh những trang bị tiện ích, vận hành, thời gian gần đây các hãng xe máy cũng liên tục “chạy đua” về an toàn xe, với sự xuất hiện của nhiều công nghệ hiện đại. Trong đó, đáng chú ý có sự ra đời của hai hệ thống phanh gồm ABS và CBS. Mỗi hệ thống có cấu tạo, cách thức hoạt động, độ an toàn và giá thành khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng Thanh Niên tìm hiểu chi tiết về hai công nghệ phanh này.
Không nhiều người phân biệt được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của phanh ABS và CBS
Thế nào là phanh CBS?
Đầu tiên cần nắm rõ, CBS là cụm từ viết tắt của Combi Brake System. Đây là hệ thống phanh kết hợp hiện đã được sử dụng khá phổ biến trên các dòng xe tay ga hiện nay.
Về cấu tạo, phanh CBS có kết cấu khá đơn giản và gọn nhẹ với hệ thống dây phanh và một bộ điều chỉnh áp lực phanh, có chức năng phân bổ lực phanh xuống hai cụm phanh ở hai bánh trước và sau.
Chính vì cấu tạo đơn giản, nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh CBS cũng tương đối dễ hình dung. Khi người lái gặp tình huống bất ngờ và bóp phanh, lực phanh sẽ được bộ điều chỉnh áp lực phanh phân phối đều xuống cả hai cụm phanh trước và sau. Vì vậy, thao tác phanh sẽ hiệu quả, giúp giảm quãng đường phanh, đồng thời tăng độ an toàn.
Thế nào là phanh ABS?
Công nghệ phanh ABS đã được phát minh từ lâu và đã được sử dụng phổ biến trên ô tô hoặc mô tô phân khối lớn có giá từ vài trăm triệu đồng nhiều năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ này, nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu trang bị phanh ABS trên những dòng xe giá máy giá rẻ hơn.
Về định nghĩa, ABS là viết tắt của cụm từ Anti-locked Brake System. Đây là hệ thống chống bó cứng phanh.
Khác với phanh CBS, hệ thống phanh ABS có cấu tạo phức tạp hơn với 4 bộ phận chính, gồm bộ điều khiển trung tâm (ECU), thiết bị cảm biến đo tốc độ, bơm và van điều chỉnh áp lực phanh.
Do cấu tạo phức tạp nên cách thức hoạt động cụ của công nghệ phanh ABS cũng khá rườm rà. Tuy nhiên, để hiểu nguyên lý cơ bản của hệ thống này lại khá đơn giản. Ngay từ tên gọi đã có thể hình dung, phanh ABS hoạt động với mục đích chống hiện tượng bó cứng ở đĩa phanh. Để làm được điều này, khi người lái bóp phanh trong tình huống khẩn cấp, hệ thống điều khiển sẽ tự động điều chỉnh áp suất dầu phanh với cơ chế bóp nhấp - nhả, giúp má phanh liên tục kẹp - nhả đĩa phanh (thay vì kẹp và ghì chặt như trên phanh thường). Chính cách vận hành này giúp bánh xe vẫn có thể quay với tốc độ chậm dần mà không bị kẹp cứng, đồng thời giữ được độ bám, tránh hiện tượng trượt dài trên đường dẫn đến mất thăng bằng.
Phanh nào an toàn hơn?
Từ những khác biệt về cấu tạo và nguyên lý hoạt động, có thể thấy công nghệ phanh ABS hay CBS đều có những lợi thế và nhược điểm riêng.
Đối với phanh CBS, lợi thế rõ nhất chính là khả năng phân phối lực phanh đều, giúp tối ưu quãng đường phanh. Tuy nhiên, nhìn chung cách hoạt động của phanh CBS không khác nhiều hệ thống phanh thường, vì vậy trong điều kiện đường trơn ướt hay tình huống phanh gấp, hệ thống phanh này vẫn hay xảy ra tình trạng bó cứng đĩa phanh.
Phanh ABS được đánh giá an toàn hơn so với CBS
Còn với phanh ABS, điểm cộng lớn nhất chính là khả năng chống bó cứng đĩa phanh, giúp xe giữ độ bám và thăng bằng. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giúp phanh ABS được đánh giá an toàn hơn so với CBS. Mặc dù vậy, một nhược điểm nhỏ trên phanh ABS chính là quãng đường phanh khá lớn. Do cơ chế hoạt động nhấp - nhả nên quãng phanh của hệ thống phanh này sẽ dài hơn phanh bình thường.
Phanh ABS giá cao hơn CBS
Với cấu tạo phức tạp cùng hiệu quả an toàn cao hơn, công nghệ phanh ABS thường có giá cao hơn so với phanh CBS. Vì vậy, hiện nay các hãng xe thường chỉ trang bị công nghệ phanh này trên những mẫu xe cao cấp, có giá khoảng trên 50 triệu đồng.
Trong khi đó, phanh CBS với kết cấu đơn giản nên có giá thành thấp hơn. Vì vậy, loại phanh này được các hãng trang bị phổ biến trên nhiều mẫu xe.