Quy mô thị trường xe điện Việt
Theo một nghiên cứu của Mordorintelligence, quy mô thị trường xe điện Việt Nam ước tính đạt 2,48 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 5,67 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 18% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).
Trong trung hạn, nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại xe tiết kiệm nhiên liệu, hiệu suất cao và phát thải thấp, luật pháp và quy định ngày càng nghiêm ngặt về khí thải của xe, chi phí pin giảm và các yếu tố khác dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong giai đoạn 2024-2029.
Xe điện đang ngày càng phổ biến trên khắp cả nước nhờ các quy định của chính phủ nhằm loại bỏ dần các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Tất cả các biện pháp này dự kiến sẽ góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của thị trường xe điện Việt Nam.
Tầng lớp trung lưu và dân số trẻ ngày càng tăng cùng sự quan tâm của nhóm đối tượng này đối với các công nghệ tiên tiến, hiệu quả sử dụng nhiên liệu và nhận thức về môi trường dự kiến cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu với xe điện.
Bên cạnh đó, việc áp dụng rộng rãi phương tiện di chuyển bằng điện đang chuyển đổi ngành vận tải và do đó, nhiều công ty vận tải hàng hóa hiện đang chuyển sang các loại xe chạy bằng động cơ điện. Sự chuyển dịch sang xe điện này được thúc đẩy bởi nhận thức ngày càng tăng về tác động môi trường của phương tiện vận tải chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và lợi ích kinh tế khi sử dụng xe điện.
Sở thích ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với xe điện tiết kiệm nhiên liệu như xe điện, xe tự lái và công nghệ giao tiếp giữa xe với xe dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong giai đoạn 2024-2029.
Hơn nữa, các cơ quan quản lý trong nước đã đặt ra các quy định nghiêm ngặt về việc giảm lượng khí thải nhiên liệu và tăng cường an toàn đường bộ. Điều này đã khiến toàn bộ ngành công nghiệp ô tô đồng tình với hiệu ứng tương tự trong việc áp dụng phân khúc xe điện chạy bằng pin cho đội xe ô tô đang phát triển của mình.
Quá trình chuyển đổi sang xe điện chạy bằng pin (BEV) đã được tạo điều kiện thuận lợi nhờ những nỗ lực của các nhà sản xuất ô tô chủ chốt đã đầu tư vào việc phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và năng lực sản xuất. Nhờ những khoản đầu tư này, xe điện chạy bằng pin có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2024 - 2029.
Chính phủ Việt Nam cũng ban hành chính sách miễn lệ phí đăng ký xe điện chạy bằng pin trong ba năm. Ngoài ra, trong hai năm tiếp theo, lệ phí đăng ký sẽ chỉ bằng 50% mức phí thường áp dụng cho xe chạy bằng xăng có cùng sức chứa chỗ ngồi. Động thái này nhằm khuyến khích sử dụng xe điện và giảm ô nhiễm không khí cũng như khí thải nhà kính trong nước.
Với chính sách này, chính phủ hy vọng sẽ giúp xe điện chạy bằng pin dễ tiếp cận và giá cả phải chăng hơn đối với người dân Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tương lai sạch hơn và bền vững hơn, từ đó có khả năng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong giai đoạn 2024 - 2029.
Thị trường xe điện Việt lên nấc thang mới
Cơn sốt mang tên VinFast VF 3 thời gian qua đã cho thấy sức hút của xe điện với người tiêu dùng đang lên một cấp độ mới, mặc dù trước đó Wuling Hongguang Mini EV của TMT Motors được cho là cái tên khai phá thị phần mini EV. Cạnh tranh khốc liệt là những gì có thể thấy hiện tại của thị trường xe điện tại Việt Nam.
Bên cạnh VinFast đang chiếm lĩnh thị trường xe điện với dải sản phẩm đa dạng và hạ tầng trạm sạc trải dài khắp cả nước, các hãng xe điện Trung Quốc cũng đang ồ ạt tràn vào Việt Nam để tìm cơ hội. Do bị châu Âu và Mỹ áp thuế cao, việc lựa chọn Việt Nam để chinh phục là những gì các hãng xe Trung Quốc đang nhắm tới.
Đã có ít nhất 5 thương hiệu ô tô điện Trung Quốc đến Việt Nam, phủ khắp các phân khúc từ xe mini đến xe SUV, MPV. Đa phần các thương hiệu xe điện Trung Quốc sẽ hợp tác liên doanh với công ty tại Việt Nam để triển khai kế hoạch phân phối. Liên doanh SGMW (General Motors - SAIC Motor - Wuling Motors) hợp tác với TMT Motor; Haima với Carvivu; Chery liên doanh với Tập đoàn Geleximco; Omoda và Jaecoo của Chery đã công bố 20 đại lý năm 2024, nâng 30 đại lý vào năm 2025. BYD cho biết sẽ có 12 đại lý trong năm nay. Đáng chú ý là hầu hết các mẫu xe Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian gần đây đều thuộc phân khúc có giá trung bình hoặc cao cấp.
BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới từ Trung Quốc, dù không thành công trong thương vụ với Tasco cũng đã mang tới Việt Nam một loạt sản phẩm đa dạng với mức giá hấp dẫn từ 600-700 triệu đồng.
Cuộc đua trong phân khúc xe điện Việt Nam đã được “nâng tầm” khi ở phân khúc cao cấp được cho là khó tiếp cận với số đông cũng đang trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.
Với những cái tên như Mercedes, BMW, và Audi. Mỗi hãng xe đều có những sản phẩm chủ lực của mình như Mercedes EQS, BMW i4. Audi tham gia cuộc chơi với loạt xe điện e-tron, e-tron GT và RS e-tron GT. Mặc dù điểm khó ở phân khúc này là giá bán cao lên đến vài tỷ đồng dẫn đến doanh số chưa tốt.
Khó nhưng không có nghĩa là không thể, ở thị phần ngách xe điện hạng sang tại Việt Nam lại có những nhóm khách hàng đặc thù, mang lại nhiều lựa chọn sang trọng cho khách hàng Việt Nam.
Tasco mới đây tiếp tục hâm nóng phân khúc này khi hợp tác với Zeekr, một thương hiệu xe điện cao cấp khác thuộc tập đoàn Geely, về Việt Nam. Trước đó, Tasco Auto đã phân phối độc quyền Lynk & Co (thông qua GreenLynk) và gần nhất là mua lại Volvo.
Việc mở bán Zeekr nhằm giúp Tasco mở rộng dải sản phẩm, nâng cao thị phần của tập đoàn trong thị trường ôtô Việt, cạnh tranh với nhiều "ông lớn" khác như Thaco Auto hay TC Group. Trong đó, Zeekr 007 là mẫu sedan thuần điện có khả năng sạc 10-80% pin chỉ trong 10 phút. Nhờ công nghệ sạc siêu nhanh, mẫu sedan điện này cũng dự kiến có thể hoạt động trên quãng đường khoảng hơn 500 km chỉ với 15 phút sạc pin.
Từ nay đến cuối năm 2024, một thương hiệu xe điện khác của Trung Quốc dự kiến cũng sẽ về Việt Nam là AION, thương hiệu con của tập đoàn GAC.
Cuộc chơi xe điện tại Việt Nam có thể thấy đang ngày càng rất hấp dẫn với sự góp mặt của rất nhiều tên tuổi lớn, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành ô tô Việt Nam.
Đặc biệt, một yếu tố then chốt trong cuộc đua xe điện không thể không nhắc đến đó là hạ tầng sạc. Trước làn sóng xe điện ngoại nhập, V-Green, Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, công bố triển khai thêm mô hình nhượng quyền theo hình thức "doanh nghiệp và người dân cùng làm". Các trạm sạc nhượng quyền này chỉ phục vụ chủ xe máy điện và ô tô điện VinFast, tương tự trạm sạc chính hãng do V-Green đầu tư. Động thái này sẽ là một thách thức rất lớn cho các hãng xe điện chưa có hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam và củng cố sức mạnh cho hãng xe Việt.
Với cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu xe điện trong và ngoài nước như hiện tại, dù dung lượng thị trường còn nhỏ nhưng tiềm năng là rất lớn, Việt Nam sẽ có thêm rất cơ hội trở thành một những điểm sáng của ngành công nghiệp ô tô trong khu vực và thế giới.