Viêm kết mạc nốt phồng là một bệnh lý về mắt, có liên quan đến tình trạng giác mạc và kết mạc bị nhiễm khuẩn, sau đó hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng thái quá với virus. Từ đó dẫn đến việc lòng trắng của mắt bị phồng rộp. Tình trạng này được đánh giá là khá nguy hiểm đối với trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên. Vậy nguyên nhân và cách xử lý khi bị viêm kết mạc nốt phồng như thế nào?
Triệu chứng khi bị viêm kết mạc nốt phòng
Viêm kết mạc nốt phồng là tình trạng khi lòng trắng của mắt bị phồng rộp lên. Theo các chuyên gia cho biết, hiện tượng này xảy ra khi cơ chế miễn dịch của mắt quá mẫn cảm với virus hoặc vi khuẩn. Dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này là xuất hiện một hoặc nhiều nốt phồng rộp rời rạc trên bề mặt kết mạc, màu xám vàng, kéo dài từ vài ngày đến khoảng 2 tuần. Viêm kết mạc nốt phồng thường sẽ bị nhiều ở trẻ em, trong độ tuổi từ 6 đến 16, với tỷ lệ nữ nhiều hơn nam.
Ngoài dấu hiệu đặc trưng trên, người bệnh còn có thể trải qua các cảm giác khó chịu như chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng, mắt mờ, đỏ, nhức, cộm, và cảm giác có dị vật trong mắt. Trong trường hợp tiến triển nặng, từ lòng trắng bị phồng rộp ban đầu có thể sẽ dẫn đến viêm bờ mi, hay còn gọi là viêm mí mắt. Các triệu chứng bao gồm sưng tấy mí mắt, thay đổi màu sắc của mí mắt, vùng da xung quanh mí mắt đóng vảy.
Nếu không được điều trị kịp thời, thì có khả năng gây loét giác mạc, sẹo giác mạc và suy giảm thị lực. Do đó, việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế đúng lúc là điều quan trọng để ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra do viêm kết mạc nốt phòng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này từ đâu?
Tình trạng viêm kết mạc nốt phòng hay hiện tượng lòng trắng mắt bị phồng rộp thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể bao gồm:
- Vi khuẩn: Các loại vi khuẩn như tụ cầu Staphylococcus aureus, Mycobacterium tuberculosis, và Chlamydia đều có khả năng gây viêm kết mạc nốt phồng. Trong đó, vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus aureus chiếm phần lớn. Loại vi khuẩn này sống tự nhiên trên da và bên trong cơ thể người, bao gồm cả bề mặt mắt và mí mắt.
- Ký sinh trùng: Một số ký sinh trùng như giun đũa (Ascaris lumbricoides) và giun móc (Ancylostoma duodenale) cũng sẽ gây viêm kết mạc nốt phồng.
- Nấm: Candida albicans cũng là một loại nấm có khả năng gây viêm nhiễm ở kết mạc, dẫn đến tình trạng lòng trắng bị phồng rộp.
Nên xử lý ra sao khi bị viêm kết mạc nốt phòng?
Khi phát hiện có các nốt phồng trên mắt, người bệnh không nên tự chẩn đoán mà cần đi đến bệnh viện mắt để thăm khám. Trong trường hợp bạn bị viêm bờ mi, các bác sĩ sẽ tiến hành nuôi cấy mí mắt để xác định nguyên nhân gây bệnh cụ thể.
Chế độ điều trị viêm kết mạc nốt phồng thường sẽ kết hợp giữa việc sử dụng thuốc nhỏ mắt (bao gồm kháng sinh và kháng viêm) và vệ sinh mắt đúng cách:
- Thuốc nhỏ mắt chứa Corticosteroid: Có tác dụng làm giảm viêm và sưng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về thời gian sử dụng, không nên tự ý kéo dài. Việc lạm dụng có thể tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn mắt, tăng nguy cơ tái phát và tăng áp lực nội mắt.
- Thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh: Giúp điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn liên quan đến viêm kết mạc nốt phồng. Việc điều trị này thường kéo dài trong khoảng một vài tuần.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Được sử dụng trong trường hợp cần kiểm soát phản ứng miễn dịch của cơ thể.
- Vệ sinh mắt: Thư giãn đôi mắt bằng cách chườm ấm và sử dụng nước muối sinh lý, hoặc nước mắt nhân tạo để làm sạch hốc mắt.
- Vệ sinh mí mắt: Sử dụng dung dịch bao gồm 1/2 ly nước ấm và 3 giọt dầu gội đầu dành cho trẻ em để vệ sinh mí mắt. Khi vệ sinh mí mắt, bạn dùng tăm bông thấm nhẹ vào dung dịch và lau lên mí mắt, sau đó rửa sạch. Thực hiện 1 - 2 lần/ngày.
Ngoài ra, khi lòng trắng mắt bị phồng rộp, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, thiết bị điện tử khi không cần thiết, điều chỉnh độ sáng của đèn điện trong nhà, đeo kính râm để bảo vệ mắt khi ra ngoài, và tránh sử dụng kính áp tròng trong thời gian đôi mắt đang bị tổn thương. Điều này giúp bảo vệ mắt hạn chế tiếp xúc với những yếu tố có thể gây kích thích, khiến cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Tóm lại, khi lòng trắng bị phồng rộp, đó chính là một dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng viêm kết mạc nốt phồng. Lúc này, bạn nên chú ý vệ sinh mắt kỹ lưỡng, đồng thời đi khám càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xem thêm: Cẩn trọng với bệnh viêm kết mạc do virus gây ra