Đối với những người ưa thích tìm hiểu về các thông số của đồng hồ thì có lẽ thuật ngữ ”tần số dao động” vốn đã không còn quá xa lạ. Là một trong những thông số quan trọng bậc nhất đối với đa phần các mẫu đồng hồ cơ và đồng hồ Quartz, tần số dao động cho biết mức độ chính xác của một cỗ máy đồng hồ cũng như độ mượt mà trong từng chuyển động của kim giây. Vậy thông số này có gì thú vị ? Hãy cùng Danawatch tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tần số dao động của đồng hồ là gì ?
Trong đồng hồ, tần số dao động thể hiện số lần mà bộ phận dao động cụ thể hoàn thành một chu kỳ dao động trong một đơn vị thời gian (thông thường là trong 1 giây hoặc 1 giờ), hay nói một cách dễ hiểu hơn là số dao động mà bộ phận bánh lắc ở đồng hồ cơ hoặc tinh thể thạch anh ở đồng hồ Quartz thực hiện được trong một khoảng thời gian nhất định. Mỗi lần bánh lắc xoay hoặc một lần di chuyển của tinh thể thạch anh được tính là một dao động, và cứ hai dao động như vậy là một chu kỳ.
Bánh lắc hoặc tinh thể thạch anh thực hiện các dao động tương tự như chuyển động lặp đi lặp lại của con lắc, trong đó chúng xoay liên tục theo chiều kim đồng hồ sau đó lại xoay ngược chiều kim đồng hồ (đối với bánh lắc ở đồng hồ cơ) hoặc di chuyển liên tục về phía bên phải sau đó lại đi về phía bên trái (đối với tinh thể thạch anh của đồng hồ Quartz).
Các dao động này đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và truyền tải năng lượng đến các bộ phận khác khi bộ máy cơ hoạt động hoặc thực hiện việc đếm thời gian đối với máy Quartz để đảm bảo độ chuẩn xác của đồng hồ. Tần số dao động là yếu tố quyết định đến độ chính xác của đồng hồ, thông số này càng cao thì đồng hồ càng chính xác hơn, kim đồng hồ di chuyển mượt mà hơn.
Đối với các dòng đồng hồ Quartz hiện nay, tần số dao động thường ở là 32768 Hz. Trong khi đó, đối với đồng hồ cơ lên dây thủ công hoặc tự động lên dây, tần số dao động phổ biến là 21600 vph, 28800 vph, hoặc đôi khi là 18000 vph,25200 vph, 36000 vph, tùy thuộc vào mẫu mã cụ thể. Những tần số dao động khác nhau này có những ưu điểm và nhược điểm riêng và là các thông số kỹ thuật quan trọng khi xem xét độ chính xác và hiệu suất của đồng hồ, đặc biệt là đối với đồng hồ cơ học.
Lịch sử phát triển của tần số dao động
Ban đầu, trong thế kỷ 14 và 16, các đồng hồ cơ đầu tiên xuất hiện với tần số dao động thấp, thường chỉ dao động một lần mỗi giờ hoặc thậm chí ít hơn. Nhưng khi đồng hồ trở nên phổ biến hơn và được đặt trong túi hoặc đeo tay vào thế kỷ 16 đến 19, chúng trải qua sự tối ưu hóa để trở nên nhỏ gọn và tiện lợi hơn, mặc dù thông số này vẫn thấp.
Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với sự phát triển của công nghệ cơ học, đồng hồ trở nên chính xác hơn và tần số dao động được nâng lên với các giá trị như 18,000 vph hoặc 21,600 vph.
Đến khoảng năm 1950, hầu hết các đồng hồ cơ thường sử dụng tần số dao động ở mức 2.5 Hz. Tuy nhiên, sau năm 1950, đã bắt đầu xuất hiện một cuộc đua khốc liệt giữa các hãng đồng hồ lớn trong việc cách cải thiện thông số này. Kết quả là nó đã liên tục tăng lên từ 3.0 Hz, 3.5 Hz, 4.0 Hz và cuối cùng đạt đến 5.0 Hz.
Sự đột phá về tần số dao động lên 5.0 Hz đầu tiên xuất hiện trong thiết kế đồng hồ của hãng Girard Perregaux vào năm 1966, và sau đó, nhiều hãng đồng hồ khác cũng theo sau bằng việc nâng thông số này lên 5 Hz, ví dụ như Longines (1967 - cal. the 430), Seiko (1968 - cal. 6145), Eterna (1969 - cal. 2732), Zenith (1969 - cal. 3019), Movado (1969 - cal. 405 & 408), A. Schild (1970 - cal. 1920), Felca (cal. 4177), và Citizen (1975 - cal. 7230).
Việc này không chỉ đánh dấu một bước tiến đáng kể trong công nghệ đồng hồ mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển trong ngành công nghiệp đồng hồ. Điều này đã giúp ngành đồng hồ ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực công nghệ.
Ý nghĩa của các đơn vị đo tần số dao động
Khi nói về tần số dao động của một chiếc đồng hồ, chúng ta thường bắt gặp các đơn vị ký hiệu phổ biến như Hz, A/h, Alt/h, vph, bph, và chúng đều mang ý nghĩa gần như nhau.
- Hz (Hertz): Là từ viết tắt của “Hertz,” đơn vị này thể hiện số lần dao động mỗi giây, với mỗi chu kỳ bao gồm 2 dao động.
- A/h và Alt/h (Alternance per hour hoặc Alterations per hour): Cả hai cũng thể hiện sự luân phiên mỗi giờ, với mỗi luân phiên tương đương với một dao động.
- Vph (Vibrations per hour): Thể hiện số lần dao động mỗi giờ.
- Bph (Beats per hour): Thể hiện số nhịp mỗi giờ.
Tất cả các đơn vị tần số dao động như Vph, Bph, A/h và Alt/h đều tương đương với nhau, cùng mang ý nghĩa là số lần dao động xảy ra trong một giờ. Sự tương đương này xuất phát từ việc mỗi chu kỳ dao động bao gồm hai dao động riêng biệt. Do đó, chúng ta có thể dễ dàng chuyển đổi từ số chu kỳ dao động mỗi giây sang số dao động mỗi giờ và ngược lại.
Ví dụ, nếu một chiếc đồng hồ có tần số dao động là 3Hz, bạn có thể quy đổi thành: 3Hz x 2 (dao động trong 1 chu kỳ) x 60 (giây) x 60 (phút) = 21,600 Vph (Bph, Alt/h, A/h).
Tuy nhiên, độ chính xác của một chiếc đồng hồ không chỉ phụ thuộc vào tần số dao động. Các thương hiệu đồng hồ cao cấp như Patek Philippe và Vacheron Constantin đã chứng minh rằng đồng hồ có tần số dao động thấp như 4Hz hoặc thậm chí 3Hz vẫn có thể đạt độ chính xác gần như hoàn hảo bằng cách sử dụng kỹ thuật cơ khí tinh vi như tourbillon để loại bỏ ảnh hưởng của trọng lực, hoặc sử dụng các vật liệu đặc biệt như silicium để giảm ảnh hưởng của từ trường.
Các mức dao động khác nhau như thế nào ?
Một vài mức tần số dao động phổ biến
Không có con số cố định cho độ chính xác lý thuyết của đồng hồ dựa trên tần số vì nó phụ thuộc vào công nghệ và kỹ thuật chế tác cụ thể của từng thương hiệu đồng hồ. Tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo các con số tương đối cho đa số các mẫu đồng hồ dựa trên một số mức tần số dao động dưới đây:
+18000 vph (2.5 Hz): sai số lý thuyết từ khoảng -30 đến +60 giây/ngày (nghĩa là chậm không quá 30 giây và nhanh không quá 60 giây/ngày).
+ 21600 vph (3 Hz): sai số lý thuyết khoảng từ -20 đến +40 giây/ngày (nghĩa là chậm không quá 20 giây và nhanh không quá 40 giây/ngày).
+ 25200 vph (3.5 Hz): sai số lý thuyết khoảng từ -15 đến +30 giây/ngày (nghĩa là chậm không quá 15 giây và nhanh không quá 30 giây/ ngày).
+ 28800 vph (4 Hz): sai số lý thuyết khoảng từ -15 đến +20 giây/ngày (nghĩa là chậm không quá 15 giây và nhanh không quá 20 giây/ ngày).
+ 36000 vph (5 Hz): sai số lý thuyết khoảng từ -10 đến +15 giây/ngày (nghĩa là chậm không quá 10 giây và nhanh không quá 15 giây/ ngày).
Ưu và nhược điểm của từng mức dao động
Đối với tần số dao động cao (28800 VPH - 36000 VPH)
- Ưu điểm: Tần số dao động nằm trong khoảng từ 28800 đến 36000 vph được xem như một mức tần số dao động cao trong ngành đồng hồ. Một trong những ưu điểm nổi bật của nó là kim đồng hồ di chuyển rất mượt mà, nhẹ nhàng và đảm bảo độ chính xác tối ưu cho cỗ máy bên trong. Thường thì tần số này thường được sử dụng trong các sản phẩm có mức giá từ tầm trung trở lên và đạt chất lượng cao, ví dụ như các mẫu đồng hồ cao cấp của các thương hiệu đến từu Thụy Sĩ. Đặc biệt, đối với các đồng hồ tích hợp chức năng Chronograph đòi hỏi độ chính xác cao, mức tần số này sẽ phù hợp nhất.
- Nhược điểm: Tần số dao động càng cao, đồng hồ càng tiêu tốn nhiều năng lượng để có thể hoạt động một cách mượt mà. Ngoài ra, cần lưu ý rằng các bộ phận như dây tóc và cả dây cót phải được làm từ các chất liệu thực sự tốt, bền bỉ mới có thể chịu được sự co giãn liên tục. Điều này dẫn đến việc thời gian bảo trì ngắn hơn do cần sử dụng nhiều chất bôi trơn, và độ bền của các bộ phận này có thể thấp hơn do ma sát tăng cao.
Tần số dao động thấp hơn (18000 VPH - 21600 VPH)
- Ưu điểm: Trái ngược với tần số dao động cao, tần số dao động thấp tiêu tốn ít năng lượng hơn và tạo ra ít ma sát hơn. Điều này giúp bộ máy đồng hồ trở nên bền bỉ hơn và có giá thành thấp hơn. Các đồng hồ Thụy Sĩ với tần số dao động thấp thường được sản xuất bởi các thương hiệu danh tiếng. Cụ thể, tần số dao động từ 18.000 đến 21.600 vph thường áp dụng cho các đồng hồ tourbillon và 21.600 vph cho các mẫu thông thường. Tần số dao động 21.600 vph đại diện cho sự cân bằng hoàn hảo giữa bốn yếu tố quan trọng: độ bền, độ chính xác, giá cả hợp lý và dễ bảo trì với chi phí thấp.
- Nhược điểm: Tuy tần số dao động thấp tiết kiệm năng lượng và giảm ma sát, nhưng đồng thời độ chính xác của chúng không cao, khó để trang bị cho các đồng hồ cơ có tính năng chronograph. Tuy nhiên, vẫn có những mẫu đồng hồ với tần số dao động thấp có thể đảm bảo độ chính xác, nhưng thường có giá đắt, yêu cầu sự khéo léo và công sức lớn từ các thợ đồng hồ, cùng với thời gian điều chỉnh chi tiết lâu dài.
Kết luận
Tần số dao động đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định độ chính xác và hiệu suất của mỗi chiếc đồng hồ. Thông số này không chỉ là con số trừu tượng, mà còn là yếu tố quyết định đối với sự hoạt động mượt mà của một chiếc đồng hồ. Mỗi mức dao động khác nhau lại có những ưu nhược điểm khác nhau. Vì vậy để chọn mua cho mình một chiếc đồng hồ thật ưng ý, các bạn hãy cân nhắc đến các thông số dao động nêu trên để đối chiếu với nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả của bản nhân nhé.
Danawatch là hệ thống Showroom đồng hồ hàng đầu tại Đà Nẵng với cam kết chỉ bán đồng hồ chính hãng với chất lượng tốt nhất thị trường, nếu không sẽ hoàn tiền 100%. Quý khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn sản phẩm tại hệ thống Showroom đồng hồ Danawatch cũng như hài lòng với dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng chu đáo của đồng hồ Đà thành - Danawatch
- Website: https://danawatch.vn
- Shopee: Danawatch Authentic
- Tiktok: DANAWATCH - Đồng hồ chính hãng
- Youtube: DANAWATCH Authentic Channel
Ngoài ra, bạn cũng có thể theo dõi các tin tức, sự kiện quan trọng nhất về thế giới đồng hồ tại: https://danawatch.vn/category/tin-tuc
Để được tư vấn thêm về dịch vụ. Quý khách hàng có thể liên lạc theo các số hotline dưới đây ở địa chỉ gần mình nhất để được hỗ trợ trực tiếp. Rất hân hạnh được phục vụ quý khách.
-
ĐỒNG HỒ CHÍNH HÃNG ĐÀ NẴNG - DANAWATCH