Lễ cưới theo văn hóa Việt Nam được diễn ra long trọng và có trình tự rõ ràng, tạo nên ngày trọng đại khó quên trong cuộc đời mỗi người. Phong tục cưới hỏi ba miền Bắc, Trung, Nam đều có những nét riêng nhưng đa phần khá tương đồng ở 4 nghi lễ chính: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ thành hôn, lễ lại mặt.
Bài viết dưới đây sẽ cập nhật đầy đủ nghi thức lễ cưới ở nhà gái để các cô dâu trẻ khi chuẩn bị đám cưới sẽ không bỡ ngỡ khi chuẩn bị lễ cưới, cho ngày vui được trọn vẹn nhất.
1. Lễ Dạm ngõ - Lễ đầu tiên trong nghi thức lễ cưới ở nhà gái
Khi cặp đôi trẻ xác định tiến tới hôn nhân thì lễ dạm ngõ là nghi lễ khởi đầu trong việc hai bên gia đình chính thức gặp gỡ. Đây là nghi thức mang tính truyền thống không thể bỏ qua trong các đám cưới của người Việt. Trước khi làm lễ dạm ngõ, nhà trai cần chọn ngày đẹp, báo trước cho nhà gái để chấp thuận chuyện đi lại thân tình giữa hai bên gia đình.
1.1 Dạm ngõ theo nghi thức lễ cưới ở nhà gái cần chuẩn bị những gì?
Lễ dạm ngõ tuy là nghi thức không thể thiếu nhưng việc chuẩn bị cho nghi thức này lại không cần quá cầu kỳ. Dịp này chủ yếu để cha mẹ hai bên có cơ hội gặp mặt, tìm hiểu về gia đình, cùng lên kế hoạch cho một đám cưới của đôi trẻ. Những nội dung chính cần bàn bạc như: Ngày giờ tổ chức lễ ăn hỏi, ngày làm lễ thành hôn, số lượng tráp lễ, chuẩn bị cho ngày cưới chính ….
Lễ vật trong ngày dạm ngõ chỉ đơn giản bao gồm: Trầu cau, chè sen, thuốc lá và một ít bánh kẹo (số lượng chẵn) để làm quà khi sang nhà gái dâng gia tiên.
1.2 Trình tự lễ dạm ngõ trong nghi thức lễ cưới ở nhà gái
Tham dự trong ngày dạm ngõ là nội bộ gia đình hai họ: bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng thân thích của cô dâu chú rể.
Quá trình diễn ra lễ Dạm ngõ: Bên nhà gái sẽ chuẩn bị sẵn bàn ghế đầy đủ, trên mỗi bàn tiếp khách có nước trà, bánh kẹo, thuốc lá … để mời khách. Việc đón tiếp nhà trai cần chu đáo và thân thiện. Sau khi nhà trai đến chào hỏi và trao lễ, nhà gái sẽ mang những lễ vật lên bàn thờ gia tiên để thắp hương. Hai nhà cùng nói chuyện, tìm hiểu sơ qua về gia đình và bàn chuyện xem ngày, chọn giờ cho lễ ăn hỏi và lễ cưới.
Trong nghi thức lễ cưới ở nhà gái, cuối buổi dạm ngõ, nhà gái thường làm vài mâm cỗ nhỏ để tiếp đãi nhà trai. Hai nhà sẽ cùng ăn bữa cơm thân mật đầu tiên trước khi tiễn nhà trai đi về. Lễ dạm ngõ là bước đầu để người con gái được xem như có nơi có chốn, xác định tiến tới chuyện hỷ sự.
2. Lễ ăn hỏi - Nghi thức lễ cưới ở nhà gái quan trọng nhất
Lễ ăn hỏi là sự thông báo chính thức về việc nhà trai xin cưới và nhà gái hứa gả con gái cho họ. Lễ ăn hỏi không chỉ có mặt bố mẹ, anh chị em mà có cả họ hàng của hai bên gia đình tham dự, số lượng người sẽ đông hơn lễ dạm ngõ.
Có một số ít các gia đình tổ chức gộp lễ ăn hỏi và tiệc mời cưới quan khách nhà gái thành một ngày tuy nhiên lễ ăn hỏi nên được làm một cách trịnh trọng và đầu tư nhất. Bởi đây là nghi thức lễ cưới ở nhà gái chính thức lớn nhất trong đám cưới.
Lễ ăn hỏi là ngày toàn thể hai bên gia đình có mặt để cùng chứng kiến, trao dâu - nhận rể giữa hai nhà. Không khí buổi lễ mang tính nghiêm túc với những nghi thức long trọng của đại diện các bậc vai vế trong họ dành cho nhau.
Lễ ăn hỏi là lời thể hiện tình cảm giữa bố mẹ và con cái, của bố mẹ nhà trai cho nhà gái và ngược lại. Nghi thức lễ cưới ở nhà gái đánh dấu những khoảnh khắc quan trọng cho việc cặp uyên ương sẽ ở với nhau trọn đời.
Trình tự diễn ra lễ ăn hỏi:
2.1 Nhà trai sang nhà gái để tiến hành nghi thức
- Đội bê tráp nam sẽ do bên nhà trai chuẩn bị. Đội bê tráp nữ sẽ do bên nhà gái chuẩn bị. Trang phục của đội bê tráp cũng có một số lưu ý. Với đội nam sẽ là áo trắng, sơ mi cà vạt hoặc áo dài nam truyền thống. Đội bê tráp nữ sẽ mặc áo dài với màu trắng và họa tiết nhẹ nhàng, đơn giản (để tránh lấn át hào quang của cô dâu). Đội bê tráp nên đi giày dép, tóc tai, quần áo chỉn chu làm sao đẹp mắt và thêm phần long trọng.
- Đội bê tráp nhà trai sẽ dừng trước cổng nhà gái khoảng 100 mét. Người chủ trì sắp xếp đội hình sao cho cân đối, thứ tự tráp lễ phù hợp. Đến giờ đẹp, nhà trai cử người vào xin phép được bưng lễ vào nhà gái. Các cô gái bưng tráp sẽ xếp hàng sẵn theo đúng nghi thức lễ cưới ở nhà gái. Các chàng trai bê tráp đứng đối diện với các cô gái bưng tráp thành hai hàng, hai bên cùng bưng mâm quả đặt vào ban thờ và trao đổi lì xì cho nhau.
- Đi đầu đoàn nhà trai là những người có vai vế lớn trong nhà. Bắt đầu từ ông bà, cha mẹ, chú rể rồi tiếp đến là đội nam bê tráp, theo sau là các thành viên khác.
- Màn chào hỏi giữa hai gia đình, mời nước và trao quà đính hôn trong nghi thức lễ cưới ở nhà gái: Sau khi ổn định chỗ ngồi, nhà gái mời nước để bắt đầu màn chào hỏi. Đại diện nhà trai sẽ đứng lên phát biểu lý do có ngày trọng đại này, giới thiệu các lễ vật của nhà trai. Đại diện nhà gái sẽ đứng lên cảm ơn, mở lời đón nhận sính lễ và bỏ khăn lụa đỏ phủ trên mỗi tráp để xem lễ vật bên trong.
2.2 Cô dâu ra mắt, chào hỏi hai bên gia đình
Sau nghi thức chào hỏi và nhận tráp, dâng sính lễ, hai bên gia đình sẽ cùng ngồi trò chuyện. Một lúc sau, bên nhà gái sẽ cho chú rể đến phòng đón cô dâu và cả hai cùng nhau chào hỏi hai họ cùng quan khách. Cô dâu và chú rể cùng sẽ rót nước trà mời gia đình để tỏ lòng hiếu thảo. Cặp đôi chính thức ra mắt cha mẹ chồng (vợ) tương lai.
2.3 Nghi thức lễ cưới ở nhà gái - Thắp hương lên bàn thờ tổ tiên
Sau khi cô dâu xong màn chào hỏi mời nước gia đình hai họ, mẹ cô dâu sẽ lấy vật phẩm từ các tráp lễ vật và phong bì tiền dẫn cưới đặt lên bàn thờ và thắp hương trình cúng tổ tiên.
Sau đó, cô dâu và chú rể cũng thắp hương trên bàn thờ gia tiên như một hình thức để chú rể ra mắt ông bà, tổ tiên bên nhà gái. Hoàn tất thủ tục này, chú rể chính thức được coi như một phần của gia đình nhà gái, được tổ tiên chứng giám cho thành viên mới trong gia đình.
2.4 Thống nhất ngày - giờ tổ chức đám cưới và chụp hình lưu niệm.
Thực hiện xong nghi thức lễ cưới ở nhà gái, gia đình hai bên sẽ ngồi nói chuyện vui vẻ, đồng thời bàn bạc và thống nhất về ngày - giờ tổ chức đám cưới. Khoảng thời gian còn lại dành cho việc chụp hình lưu niệm, nhận những lời chúc từ họ hàng, bạn bè thân thiết. Cô dâu chú rể sẽ tiếp chuyện và chụp ảnh kỷ niệm cùng với những người tham dự.
2.5 Nhà gái mời bữa cơm thân mật với tất cả quan khách.
Thông thường theo nghi thức lễ cưới ở nhà gái, khi kết thúc lễ ăn hỏi cũng là lúc nhà gái chuẩn bị vài mâm cỗ thân mật mời tất cả quan khách và nhà trai. Trước khi nhà trai ra về, các lễ vật trong mâm quả đám cưới như cau, chè, hoa quả, bánh trái … đều được nhà gái gói lại mỗi thứ một ít để “lại quả” (quà có đi có lại) cho nhà trai.
3. Lễ thành hôn
Lễ thành hôn là ngày cưới chính thức. Nếu thuận tiện thì phần nhiều các gia đình sẽ tổ chức tiệc cưới chung tại nhà hàng khách sạn. Nếu hai gia đình tổ chức riêng thì mỗi buổi lễ sẽ cách nhau một ngày. Bởi trong cả nghi thức lễ cưới ở nhà gái hay nhà trai thì chú rể và cô dâu đều cần có mặt trong buổi tiệc mời khách. Tiệc mời cưới là tiệc mặn với các món ăn được nấu nướng công phu, cầu kỳ, đầy đủ từ khai vị đến tráng miệng.
Nghi thức lễ cưới ở nhà gái trong lễ thành hôn tại nhà:
Vào ngày cưới, chú rể sẽ cùng cha mẹ và đại diện nhà trai mang theo xe hoa, tay cầm một bó hoa cưới để đón cô dâu. Cô dâu sẽ trang điểm lộng lẫy, khoác lên mình bộ váy cưới tinh khôi chờ chú rể trong ngày lễ
- Lễ vu quy - Nghi thức lễ cưới ở nhà gái: Nhà trai đến nhà gái trao trầu xin dâu, xin phép cho chú rể vào phòng đón cô dâu. Chú rể và cô dâu làm lễ gia tiên tại nhà gái. Sau cùng chú rể cùng nhà trai kính báo đưa cô dâu mới về nhà chồng. Đại diện nhà gái phát biểu lời cảm ơn, đồng ý cho nhà trai đón cô dâu.
- Lễ thành hôn tại nhà trai: Khi về tới nhà chồng, cô dâu và chú rể cùng thắp hương làm nghi lễ khấn vái trên bàn thờ gia tiên nhà trai. Sau đó, nhà trai sẽ có đại diệnphát biểu đôi lời tới quan viên hai họ. Chú rể sẽ dẫn cô dâu ra mắt cha mẹ chồng, trao quà và dùng tiệc ngọt. Ở một số địa phương sẽ có các chương trình văn nghệ góp vui trong thời gian này. Song song đó, các vị khách mời sẽ xin phép nhà trai được thăm phòng cưới của cô dâu, chú rể.
Nếu đặt đám cưới tại nhà hàng, khách sạn, hai bên chủ hôn cần đến khách sạn sớm trước giờ mời khách. Cô dâu sẽ có thời gian chỉnh trang phục cưới, dặm lại makeup.
Gia đình có thể tranh thủ chụp ảnh lưu niệm cùng nhau trước bởi lúc tiếp khách sẽ rất đông và không có thời gian. Bố mẹ hai bên và cô dâu, chú rể sẽ tiếp đón, bắt tay khách đến dự. Đón khách trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng thì vào nghi lễ chính thức.
Từ đây, các nghi thức lễ cưới ở nhà gái cũng như nhà trai đã kết thúc, mọi việc do MC và dịch vụ của khách sạn đảm nhận. Cô dâu, chú rể thực hiện nghi lễ rót rượu, cắt bánh, trao nhẫn sau đó đến từng bàn tiệc nâng ly chia sẻ niềm vui cùng các vị khách quý. Cuối buổi tiệc, cha mẹ hai bên cùng cô dâu, chú rể sẽ đứng cảm ơn và tiễn khách ra về.
4. Lễ lại mặt
Ngoài ra, nghi thức lễ cưới ở nhà gái có quy định sau lễ cưới cặp đôi phải thực hiện lễ lại mặt. Đây thực chất chỉ là một thủ tục nhỏ, thời gian thực hiện tùy thuộc vào sự sắp xếp công việc của cô dâu chú rể. Đồ lễ được chuẩn bị là gà trống và gạo nếp theo quan niệm truyền thống.
Hoặc đơn giản hơn là bánh kẹo, rượu thuốc với những gia đình theo phong cách hiện đại. Bố mẹ chồng sẽ chuẩn bị quà để đôi vợ chồng trẻ mang sang lại mặt nhà ngoại. Cô dâu chú rể sẽ ở lại nhà bố mẹ vợ cùng ăn bữa cơm gia đình thân mật.
Bài viết trên đã tổng hợp lại quy trình nghi thức lễ cưới ở nhà gái chi tiết nhất. Hy vọng các cô dâu chú rể sẽ chuẩn bị tốt nhất cho đám cưới sắp tới.