Mỗi tháng, sợi tóc của chúng ta có thể dài thêm từ 1,5 đến 2,5 cm. Tuy nhiên, nhiều người cảm nhận rõ tình trạng tóc mọc chậm khiến lượng tóc bị rụng nhiều hơn lượng tóc mới được mọc lên thay thế. Liệu điều này có tiềm ẩn một vấn đề sức khỏe nào không? Cách chăm sóc tóc nhanh dài tự nhiên an toàn và hiệu quả là gì?
Bạn đã biết gì về vòng đời của tóc?
Một sợi tóc có cấu tạo gồm nang tóc nằm bên dưới da đầu và thân tóc là phần trên trên da đầu. Thông thường, chúng ta chỉ phát hiện ra sự hiện diện của sợi tóc khi tóc đã nhô ra khỏi da đầu. Tuy nhiên, quá trình mọc tóc bắt đầu từ trước đó. Ngay từ khi sợi tóc hình thành, các tế bào đã di chuyển xuống nhú bì để hấp thụ các dưỡng chất từ nang tóc, ấp ủ cho một quá trình gọi là biệt hóa và tăng sinh hình thành sợi tóc.
Thông thường, với một mái tóc khỏe mạnh, một tháng tóc có thể dài 1,5 - 2,5cm với phụ nữ và dài 2 - 2,5cm với nam giới. Tuy nhiên, con số thực tế sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác như dinh dưỡng, chế độ chăm sóc tóc, tình trạng da đầu… và cũng có nhiều lý do tác động khiến tóc mọc chậm.
Một sợi tóc sẽ có tuổi đời riêng và thường kéo dài từ 2 - 6 năm tồn tại trên da đầu của chúng ta. Vòng đời của sợi tóc sẽ phát triển theo các giai đoạn gồm:
- Giai đoạn mọc hay giai đoạn phát triển: Có khoảng 90% sợi tóc tồn tại trên đầu chúng ta đều đã trải qua hết giai đoạn này.
- Giai đoạn ngưng mọc hay giai đoạn chuyển tiếp: Có rất ít tóc đang trong giai đoạn này và giai đoạn ngưng mọc chỉ kéo dài khoảng 3 tuần mà thôi. Ở giai đoạn này các nang lông co lại.
- Giai đoạn nghỉ ngơi chờ rụng và rụng: Có khoảng 5 - 10% tóc trên da đầu ở giai đoạn này và nó thường kéo dài trong khoảng 3 tháng. Cuối giai đoạn này tóc sẽ rụng. Trong giai đoạn chờ rụng và rụng, quá trình mọc của những sợi tóc mới cũng sẽ bắt đầu.
Tóc mọc chậm thường do nguyên nhân nào?
Có nhiều nguyên nhân khiến tóc mọc chậm từ thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống, thói quen chăm sóc tóc, các bệnh lý về da đầu… Ngay bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về từng nguyên nhân cụ thể:
Thói quen ăn uống khiến tóc mọc chậm
Một số thói quen ăn uống tưởng vô hại nhưng lại ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của sợi tóc như ăn nhiều đường. Đường làm giảm khả năng hấp thụ protein, mà protein lại là nguyên liệu quan trọng để nang tóc phát triển. Uống nhiều nước ngọt, đồ uống có gas cũng có hại tương tự như ăn nhiều đường hay đồ ngọt. Ngoài ra, ăn quá mặn cũng khiến tóc lâu dài.
Vitamin A là một cần thiết cho sự phát triển của tóc nhưng nếu thừa vitamin A tóc cũng sẽ bị rụng và khó mọc trở lại. Nếu chế độ ăn uống của bạn mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu hụt các thực phẩm kích thích mọc tóc hay vitamin tốt cho tóc như: Vitamin A, B, C, D, E, canxi, kẽm, sắt, magie… cũng khiến tóc mọc chậm.
Rối loạn nội tiết khiến tóc mọc chậm
Thần kinh nội tiết đảm nhiệm chức năng điều phối tế bào mầm tóc để biệt hóa và hình thành sợi tóc. Khi có rối loạn nội tiết tố, tóc vừa dễ bị rụng, vừa khó mọc, vừa mọc chậm cũng là điều dễ hiểu. Phụ nữ có thể trải qua những giai đoạn khiến nội tiết tố bị thay đổi đột ngột như mang thai, sinh con, tiền mãn kinh, mãn kinh.
Ngoài ra, các bệnh rối loạn tuyến giáp cũng ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của nang tóc, khiến tóc chậm mọc, tóc mọc không đều, rụng tóc bất thường.
Thói quen chăm sóc tóc khiến tóc mọc chậm
Những thói quen chăm sóc tóc có thể làm tổn thương nang tóc như thường xuyên dùng các hóa chất mạnh, tạo kiểu liên tục, lạm dụng máy sấy tóc, gội đầu quá nhiều lần bằng nước nóng… Những thói quen này khiến da đầu bị khô, nang tóc bị tổn hại không đủ dưỡng chất để cung cấp cho sợi tóc. Khi đó, tóc không chỉ dễ gãy rụng mà còn khó mọc, chậm mọc.
Ngoài các nguyên nhân trên, tóc mọc chậm còn do các nguyên nhân khác như:
- Sự lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến tóc bạc dần, mầm tóc yếu hơn, nang tóc nhận được ít dưỡng chất hơn nên sợi tóc mọc chậm hơn.
- Sự căng thẳng về tinh thần, mất ngủ cũng làm tóc ngừng sinh trưởng, khiến sợi tóc mọc chậm hơn bình thường.
- Vào mùa đông, tóc bị thiếu nước và độ ẩm. Việc chăm sóc tóc và da đầu cũng bị chúng ta lơ là hơn. Vì vậy, tóc cũng chậm dài hơn vào mùa đông.
Làm thế nào để cải thiện tình trạng tóc mọc chậm?
Để cải thiện tình trạng tóc mọc chậm, bạn có thể áp dụng các cách chăm sóc tóc dài mượt sau đây:
- Mỗi lần gội đầu nên chú ý kết hợp massage da đầu. Việc massage giúp kích thích lưu thông tuần hoàn máu dưới da đầu. Máu lưu thông mang theo dinh dưỡng đến nuôi nang tóc, nhờ đó sợi tóc sẽ nhận đủ dưỡng chất để phát triển.
- Dùng các loại tinh dầu tự nhiên để kích thích tóc mọc như: Cách kích thích mọc tóc bằng dầu dừa, dầu oải hương, dầu bạc hà, dầu hương thảo, dầu cây trà, tinh dầu vỏ bưởi… Bạn có thể dùng các tinh dầu này massage da đầu và chân tóc hoặc trộn cùng dầu gội, nước lá gội đầu, dầu ủ tóc.
- Bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của tóc không chỉ là mẹo chăm sóc tóc nhanh dài và dày mà còn tốt cho sức khỏe tổng thể. Những vitamin và khoáng chất nên bổ sung như: Vitamin nhóm B, vitamin C, E, D, omega-3, protein, sắt, kẽm…
Ngoài những việc cần làm nói trên, để khắc phục tình trạng tóc mọc chậm, bạn cũng nên kiểm soát stress, bỏ thuốc lá, ngủ đủ giấc, hạn chế tạo kiểu. Đặc biệt, tóc rụng nhiều hay chậm mọc có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh như: Thuốc kháng nấm, thuốc hạ cholesterol, thuốc chống đông máu, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc trị cao huyết áp, thuốc điều trị rối loạn tuyến giáp... Nếu đang dùng thuốc mà thấy tóc bị rụng nhiều hoặc chậm mọc, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để có hướng khắc phục phù hợp.