Có nhiều cách điều trị ung thư tuyến tụy đối với bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn đầu, tuy nhiên hầu hết các trường hợp đều được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn khá trễ, dẫn đến tiên lượng điều trị kém khả quan cũng như ít lựa chọn điều trị triệt căn ung thư so với bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn sớm.
Ung thư tụy có chữa được không?
Ung thư tuyến tụy là loại ung thư hiếm gặp, thường được phát hiện ở giai đoạn muộn do không có triệu chứng điển hình hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, ung thư tuyến tụy là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 7 trong tất cả các loại ung thư trên toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, trong năm 2021 ước tính có khoảng 60.430 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy và ước tính có khoảng 48.220 người chết vì căn bệnh này.
Ung thư tuyến tụy có thể chữa được và giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên do vị trí đặc biệt nằm sâu trong ổ bụng và không có dấu hiệu ung thư tuyến tụy rõ ràng ở giai đoạn sớm, tỷ lệ người bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tụy giai đoạn sớm là rất thấp (chỉ khoảng 5%).
Tụy nằm ở vị trí đặc biệt, rất sâu trong ổ bụng. Do đó các triệu chứng cảnh báo ung thư tụy không rõ ràng ở giai đoạn sớm, dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý tiêu hóa khác dẫn đến việc chẩn đoán chậm trễ, khi ung thư đã xâm lấn và di căn, ảnh hưởng đến kết quả điều trị và phục hồi sức khỏe. Do đó tiên lượng sống còn đối với bệnh nhân ung thư tụy khá xấu. Theo số liệu thống kê của SEER (Surveillance, Epidemiology, and End Results) tại Hoa Kỳ từ 2012 đến 2018, tỷ lệ sống còn tương đối 5 năm của ung thư tụy khi gộp chung tất cả các giai đoạn là 12% và giai đoạn di căn xa chỉ 3%.
Giai đoạn ung thư là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến tỷ lệ thành công trong điều trị ung thư tụy. Bên cạnh đó, tình trạng bờ phẫu thuật, độ biệt hóa khối u, mức độ di căn hạch bạch huyết, nồng độ CA 19-9 trong huyết tương trước và sau điều trị, thói quen, lối sống sinh hoạt là những yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng sống và hiệu quả điều trị của ung thư tụy.
Xem thêm: Ung thư tuyến tụy có chữa được không? Yếu tố ảnh hưởng đến điều trị.
Đối với bệnh nhân ung thư tụy được phẫu thuật triệt để, tỷ lệ sống còn tương đối sau 5 năm khoảng 45%. Nếu ung thư tụy đã di căn qua các hạch bạch huyết lân cận hoặc xâm lấn các cấu trúc gần tụy, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh giảm chỉ còn 15%. Khi bệnh đã tiến xa, người bệnh xuất hiện các triệu chứng rầm rộ như đau đớn, vàng da, sụt cân nhanh, suy kiệt, cơ hội sống càng kém.
8 cách điều trị ung thư tuyến tụy phổ biến
Điều trị ung thư tụy đòi hỏi nhiều hơn một phương pháp điều trị. Chỉ định phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Để xác định phương pháp điều trị ung thư tụy phù hợp với từng tình trạng bệnh, bác sĩ dựa vào một số yếu tố sau: (1)
- Vị trí khối u;
- Giai đoạn phát triển của khối u;
- Mức độ lây lan, di căn của khối u;
- Tổng trạng sức khỏe, bệnh lý đi kèm của người bệnh;
- Mức độ người bệnh ung thư đáp ứng với phác đồ điều trị.
Những cách điều trị ung thư tuyến tụy phổ biến hiện nay bao gồm:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cắt bỏ khối u tụy khỏi cơ thể, bao gồm cắt bỏ một phần hoặc toàn phần. Một số trường hợp bệnh, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính hoặc tiên quyết trong điều trị ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên phần lớn chỉ định phẫu thuật là một phần trong kế hoạch điều trị ung thư tụy. (2)
Phẫu thuật nhằm mục đích lấy trọn khối u ra khỏi cơ thể và vùng mô còn lại xung quanh khối u không còn hiện diện tế bào ung thư (được gọi là R0 - nghĩa là diện cắt/bờ u âm tính). Rất khó để đạt được R0 trong phẫu thuật u tụy, và ngay cả khi đạt được R0 thì nguy cơ tái phát vẫn cao. Đôi khi, người bệnh cần được hóa trị trước mổ (hóa trị tân bổ trợ) nhằm làm giảm kích thước khối u và giảm số lượng tế bào ung thư trong cơ thể, từ đó tăng khả năng đạt được R0 trong phẫu thuật.
Có 3 loại chỉ định phẫu thuật ung thư tụy phổ biến:
- Cắt khối tá tụy hay (được gọi là phẫu thuật Whipple): Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ đầu tụy chứa ung thư, túi mật, tá tràng (phân đoạn đầu tiên của ruột non), một phần ống mật, hạch lân cận, một phần dạ dày và nạo vét hạch. Phẫu thuật này có thể được mổ mở hoặc mổ nội soi (ít xâm lấn).
- Cắt đoạn tụy xa: Là phương pháp cắt bỏ phần thân và đuôi tụy, có khi cần cắt luôn lách hoặc tuyến thượng thận trái.
- Cắt toàn bộ tụy: Phẫu thuật cắt toàn bộ tụy, một phần ruột non, một phần dạ dày, ống mật, túi mật, lách và nạo vét hạch.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy có thể kết hợp với liệu pháp điều trị toàn thân, hóa-xạ trị nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu liệu pháp toàn thân hoặc hóa-xạ trị thực hiện sau phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại, đây gọi là điều trị hỗ trợ. Một số trường hợp liệu pháp toàn thân hoặc hóa-xạ trị được chỉ định trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u để phẫu thuật loại bỏ mô tối thiểu, giữ lại chức năng tuyến tụy nhiều nhất có thể.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần nằm viện một thời gian để chăm sóc hậu phẫu và theo dõi quá trình phục hồi của bệnh nhân. Quá trình này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần tùy thuộc vào thể trạng mỗi bệnh nhân.
2. Điều trị toàn thân
Điều trị toàn thân được áp dụng cho tất cả các giai đoạn của ung thư tụy. Điều trị toàn thân có nghĩa là thuốc sẽ đi khắp cơ thể. Các loại điều trị toàn thân bao gồm hóa trị, điều trị miễn dịch và điều trị nhắm trúng đích. Mục đích của điều trị toàn thân sẽ được bác sĩ thảo luận trực tiếp với người bệnh trước khi tiến hành điều trị. Phác đồ điều trị có thể dựa trên tình hình bệnh thực tế và mong muốn của bệnh nhân. Điều trị toàn thân trước phẫu thuật được gọi là phương pháp dẫn đầu, sau phẫu thuật được gọi là hỗ trợ.
3. Hóa trị
Liệu pháp hóa trị sử dụng thuốc uống trực tiếp hoặc tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch để tìm kiếm, tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị sẽ tiêu diệt các tế bào có tốc độ tăng trưởng nhanh trong cơ thể, bao gồm tế bào ung thư và một số loại tế bào bình thường khác như tóc, tế bào lót niêm mạc ruột… Phác đồ hóa trị của ung thư tụy thường là kết hợp nhiều thuốc, một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị như Gemcitabine, Capecitabine, 5 FU, Oxaliplatin, Cisplatin…
Phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư tụy có thể được chỉ định sau phẫu thuật cắt bỏ nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại (hóa trị bổ trợ) hoặc trước phẫu thuật để ức chế khả năng tiến triển khối u (hóa trị dẫn đầu). Trong trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị đơn thuần hoặc kết hợp với các liệu pháp khác để làm giảm triệu chứng ung thư tụy, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. (3)
Việc lựa chọn kết hợp các liệu pháp điều trị khác nhau phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân, phụ thuộc vào một số yếu tố như bản chất của khối u (kết quả giải phẫu bệnh), giai đoạn bệnh, tiền sử điều trị, yếu tố đột biến gen, toàn trạng sức khỏe và tác dụng phụ…
4. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp thường được chỉ định trong điều trị bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn tiến triển. Xạ trị sử dụng tia phóng xạ năng lượng cao từ nguồn tia X, photon, electron và các nguồn khác để tiêu diệt các tế bào ung thư và giảm kích thước khối u. Liệu pháp điều trị bằng tia xạ có thể thực hiện đơn độc hoặc kết hợp với điều trị toàn thân. Điều trị có thể chỉ tập trung vào khối u, một vùng cơ thể hoặc hạch bạch huyết di căn. Xạ trị có thể được dùng để chăm sóc nâng đỡ hoặc giảm nhẹ triệu chứng, giúp người bệnh giảm đau/giảm khó chịu gây ra bởi ung thư. Xạ trị cũng có thể được thực hiện trước, trong và sau khi mổ tụy với mục đích điều trị hoặc làm chậm sự tiến triển của ung thư, đặc biệt nếu diện cắt phẫu thuật còn sót lại tế bào ung thư. (4)
5. Hóa xạ trị
Hóa xạ trị đồng thời trong điều trị ung thư là sự kết hợp thuốc hóa trị và xạ trị. Hóa trị giúp làm tăng hiệu quả của tia xạ nên được chỉ định sử dụng kết hợp trong một số loại ung thư. Các thuốc hóa trị thường dùng trong kết hợp với liệu pháp xạ trị như Capecitabine, Fluoropyrimidine hoặc Gemcitabine.
6. Liệu pháp miễn dịch
Thuốc điều trị miễn dịch giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch tự nhiên của chính người bệnh, cải thiện khả năng tìm và phá hủy tế bào ung thư. Thuốc miễn dịch có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các phương thức điều trị khác phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh. (5)
Pembrolizumab là một ví dụ tiêu biểu của thuốc miễn dịch khóa điểm kiểm soát miễn dịch PD-L1 và PD-L2. Thuốc có thể được sử dụng cho ung thư tuyến tụy giai đoạn tiến triển dương tính với MSI/MMR.
7. Liệu pháp nhắm trúng đích
Thuốc nhắm trúng đích trong điều trị ung thư tập trung vào các đặc điểm đặc biệt và duy nhất của tế bào ung thư. Chúng có khả năng tìm ra cách tế bào ung thư phát triển, phân chia và di chuyển trong cơ thể mà vượt ra ngoài sự kiểm soát của cơ thể. Từ đó ngăn chặn con đường giúp tế bào ung thư phát triển và sinh sôi.
Đột biến gen NTRK hiếm gặp trong ung thư tụy, hoạt động của gen dẫn đến sự tăng sinh mất kiểm soát của tế bào ung thư tụy. Larotrectinib và Entrectinib là các thuốc trúng đích sử dụng cho ung thư tụy giai đoạn tiến triển hoặc di căn xa có dương tính với gen NTRK. Một vài thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư trên thế giới đang sử dụng các thuốc trúng đích khác cho các đột biến gen như HER2, BRAF,…
8. Chăm sóc giảm nhẹ
Triệu chứng ung thư và các cách điều trị ung thư tuyến tụy có thể gây ra các tác dụng phụ, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng như gia đình. Vì vậy chương trình chăm sóc giảm nhẹ góp phần quan trọng trong quá trình chăm sóc, điều trị ung thư.
Chăm sóc giảm nhẹ ung thư là những biện pháp chăm sóc sức khỏe làm giảm các triệu chứng do ung thư hoặc tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị gây ra, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm điều trị giảm đau, hỗ trợ về tinh thần, cảm xúc cho người bệnh và tư vấn cho người thân.
Các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào cải thiện cảm giác của người bệnh trong quá trình điều trị ung thư. Phương pháp điều trị tập trung vào thuốc, chế độ dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ phương diện cảm xúc và tinh thần, hỗ trợ về tài chính, xã hội…
Các biện pháp chăm sóc hỗ trợ giảm nhẹ đối với bệnh nhân ung thư tuyến tụy bao gồm:
- Giảm đau, cải thiện các triệu chứng của bệnh ung thư;
- Làm chậm quá trình giảm cân ở người bệnh;
- Bổ sung dinh dưỡng, thiết lập chế độ sinh hoạt lành mạnh;
- Tập thể dục, thể thao nhẹ, phù hợp thể trạng mỗi ngày;
- Chăm sóc hạn chế nhiễm trùng sau phẫu thuật;
- Kiểm soát đường huyết.
Lên phương án chăm sóc giảm nhẹ đối với bệnh nhân ung thư tuyến tụy thường là sự kết hợp giữa các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, tiêu hóa, dinh dưỡng nhằm đưa ra phương án điều trị và chăm sóc thích hợp nhất cho mỗi trường hợp bệnh.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn phương pháp điều trị ung thư tụy
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy có sự thay đổi phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Nhìn chung các yếu tố có thể ảnh hưởng đến phương pháp điều trị gồm: (6)
- Giai đoạn bệnh: Bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn đầu có nhiều lựa chọn các điều trị ung thư tuyến tụy hơn so với bệnh nhân phát hiện chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn. Bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị đa mô thức đối với bệnh nhân ung thư nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
- Vị trí khối u: Ung thư có thể xuất hiện ở đầu, giữa hoặc cuối tụy, ảnh hưởng đến phương pháp điều trị triệt căn khối u.
- Toàn trạng sức khỏe: Bác sĩ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, các bệnh lý kèm theo, hội chứng di truyền… nhằm lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
- Bệnh nhân có thể thực hiện phẫu thuật cắt tụy không: Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ là cách tốt nhất giúp triệt căn ung thư tối đa. Bệnh nhân chỉ có thể được loại bỏ khối u nếu kết quả các xét nghiệm cho thấy khối u khu trú trong tuyến tụy, chưa lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Tác dụng phụ của điều trị ung thư tụy
Quá trình điều trị ung thư tụy có thể dẫn đến một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Người bệnh và gia đình có thể tham khảo tư vấn của bác sĩ để thực hiện các biện pháp cải thiện các triệu chứng cũng như giảm thiểu tối đa nhất các tác dụng phụ do khối u tụy gây nên.
Một số tác dụng phụ phổ biến bệnh nhân có thể gặp phải gồm:
- Suy nhược cơ thể
- Mệt mỏi, chóng mặt
- Đau nhức
- Khó khăn trong quá trình tiêu hóa thức ăn do thiếu hụt các hormone tiết ra từ tuyến tụy
- Chán ăn
- Buồn nôn, nôn
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Phát ban
- Lở miệng
- Sụt cân
- Máu bầm dưới da
- Nguy cơ thiếu máu, dễ chảy máu, nhiễm trùng cao hơn
Hầu hết các tác dụng phụ sẽ biến mất giữa các lần điều trị hoặc sau quá trình điều trị. Một số tác dụng phụ có thể kéo dài hơn song không quá trầm trọng và dứt điểm sau vài tuần. Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường khi điều trị ung thư, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để có biện pháp giảm thiểu tác dụng phụ phù hợp.
Kế hoạch điều trị ung thư tuyến tụy thường kết hợp nhiều liệu pháp khác nhau cũng như các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, tiêu hóa, ngoại - lồng ngực, dinh dưỡng… Do đó bệnh nhân ung thư tuyến tụy nên lựa chọn các bệnh viện đa khoa có nhiều chuyên khoa kết hợp để lên phác đồ điều trị và theo dõi sát sao.
Để đăng ký khám sàng lọc và điều trị ung thư tuyến tụy tại BVĐK Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ qua thông tin sau:
Có nhiều cách điều trị ung thư tuyến tụy và bác sĩ có thể kết hợp nhiều liệu pháp điều trị với nhau nhằm xây dựng phác đồ điều trị bệnh tối ưu, phù hợp đặc điểm từng trường hợp bệnh. Bệnh nhân nên thực hiện theo tư vấn từ bác sĩ điều trị chính, đồng thời xây dựng lối sống, chế độ dinh dưỡng phù hợp để đủ sức khỏe tiếp tục điều trị ung thư.