Bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 6 có nguy hiểm không và bà bầu 6 tháng bị cảm cúm phải làm sao đang là những vấn đề được nhiều chị em quan tâm. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin xoay quanh chủ đề này.
Sơ lược về bệnh cúm
Cúm là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, xuất hiện khi virus cúm lây nhiễm và tấn công hệ hô hấp của người bệnh. Đa số các trường hợp cúm đều diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự khỏi trong 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như người bệnh có suy giảm miễn dịch hoặc người đang mắc các bệnh lý mãn tính… cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc cúm. Theo thống kê, tỷ lệ người lớn nhiễm cúm chiếm 5 - 10% và 20 - 30% là tỷ lệ trẻ em mắc cúm. Điểm đáng lưu ý nhất của cúm là khả năng lây nhiễm cao và có thể bùng phát thành đại dịch nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Cúm được chia làm 3 loại chính bao gồm:
- Cúm A: Cúm A hay còn được gọi là cúm mùa. Virus cúm A thường xuyên biến đổi tạo nên nhiều chủng mới và đây được biết đến là nguyên nhân gây đại dịch cúm bởi nguy cơ lây nhiễm cao.
- Cúm B: Virus cúm B chỉ gây bệnh giới hạn do không có hiện tượng chuyển đổi kháng nguyên. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm B là hội chứng Reye.
- Cúm C: Virus cúm C ít gây dịch hơn virus cúm A và virus cúm B. Bệnh cúm C có thể xảy ra với các triệu chứng cảm lạnh hoặc viêm nhiễm đường hô hấp dưới.
Các triệu chứng của bệnh cúm
Cúm có khả năng gây ra các triệu chứng khác nhau với các mức độ từ nhẹ đến nặng. Trên thực tế, các biểu hiện ban đầu như hắt hơi, sổ mũi và đau họng khiến nhiều người nhầm lẫn cúm với cảm lạnh. Tuy nhiên, cúm phát triển một cách đột ngột và nhanh chóng, còn cảm lạnh thì diễn biến chậm. Người bệnh có thể bắt đầu nhận biết các dấu hiệu của bệnh trong khoảng từ 1 - 7 ngày, thông thường là 48 - 72 giờ kể từ thời điểm tiếp xúc với virus cúm.
Triệu chứng thường gặp đầu tiên là sốt, người bệnh có thể sốt cao trên 39 độ C. Trẻ em thường bị sốt cao hơn người lớn khi bị cúm. Ngoài ra, người nhiễm virus cúm thường kèm theo một số biểu hiện khác như:
- Đổ mồ hôi, ớn lạnh;
- Ho khan;
- Đau họng;
- Ngạt mũi, chảy nước mũi;
- Đau đầu, mệt mỏi;
- Khó thở;
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Đa số các triệu chứng của cúm sẽ thuyên giảm dần trong khoảng từ 4 - 7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng ho khan và mệt mỏi thường kéo dài hàng tuần cùng với việc bị sốt đi sốt lại.
Trong trường hợp các triệu chứng của bệnh cúm không có xu hướng thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn hoặc dai dẳng không dứt thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ. Đặc biệt, khi người bệnh xuất hiện các cơn đau tức ngực, khó thở, co giật, mất ý thức hoặc có dấu hiệu mất nước thì cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 6 có nguy hiểm không?
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, cùng với đó là hệ miễn dịch cũng trở nên suy yếu, do vậy phụ nữ rất dễ mắc bệnh khi mang thai, trong đó có cảm cúm. Một câu hỏi đặt ra: Bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 6 có nguy hiểm không?
Ở tháng thứ 6, thai nhi đã ổn định trong bụng mẹ, do đó, mẹ cũng không cần quá lo lắng về nguy cơ biến chứng như cảm cúm 3 tháng đầu thai kỳ hay sắp sinh nở.
Tuy nhiên, cảm cúm khi mang thai vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Cảm cúm nhẹ khiến mẹ mệt mỏi và chán ăn, từ đó tác động tiêu cực đến việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho thai nhi. Trong trường hợp mẹ có sốt cao kéo dài, không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đối với cả mẹ bầu và thai nhi như sảy thai, sinh non, dị tật thai nhi…
Bị cảm cúm khi mang thai tháng thứ 6 phải làm sao?
Phải làm sao khi bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 6 hay bị cảm cúm khi mang thai tháng thứ 6 phải làm sao đang là nỗi băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ.
Như đã trình bày ở trên, khi bước vào tháng thứ 6 của thai kỳ, thai nhi đã ổn định, do vậy việc bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 6 cũng không đáng lo ngại như giai đoạn 3 tháng đầu.
Tuy nhiên, bà bầu cũng không nên vì thế mà chủ quan. Thay vào đó, mẹ nên đi khám bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp và được hướng dẫn cách chăm sóc. Mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về nhà và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ bởi một số thuốc kháng virus cúm như Tamiflu, Flumadine… có thể sẽ gây ra khuyết tật bẩm sinh, Aspirin có thể gây chảy máu thai nhi hay một số thuốc tiêu đờm và giảm ho có thể dẫn đến nhiều rủi ro sức khỏe.
Cùng với việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, mẹ bầu nên:
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học: Khi bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 6, cơ thể mẹ thường rất mệt mỏi, khó chịu và chán ăn. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên bỏ bữa mà thay vào đó các mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn để đảm bảo duy trì chế độ ăn uống khoa học. Điều này giúp tăng cường sức đề kháng cho mẹ bầu.
- Uống nhiều nước: Khi mắc cúm, mẹ bầu thường kèm theo một số triệu chứng như sốt, hắt hơi, sổ mũi… Đây chính là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị mất nước. Chính vì thế mà việc uống nhiều nước là rất cần thiết. Mẹ có thể uống nước ấm hoặc uống nước ép trái cây…
- Súc miệng bằng nước muối: Đây là cách đơn giản nhất để làm sạch họng cũng như giảm ho hiệu quả. Ngoài ra, mẹ cũng nên sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch mũi.
- Ngủ đủ giấc: Mẹ bầu có thể sử dụng gối cao để cảm thấy dễ thở và thoải mái hơn, từ đó giúp mẹ có giấc ngủ ngon hơn. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ là điều rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu.
- Bổ sung thêm kẽm: Đây là một trong những dưỡng chất giúp mẹ bầu tăng cường hệ miễn dịch. Chị em có thể bổ sung kẽm cho bà bầu dưới dạng viên uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, mẹ bầu có thể bổ sung kẽm từ những thực phẩm giàu kẽm như các loại thịt, bột yến mạch, hàu…
- Vận động nhẹ nhàng: Vận động nhẹ nhàng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, tập thể dục cũng là cách giúp mẹ bầu giảm căng thẳng và cảm thấy thoải mái hơn.
Khi nào mẹ bầu cần đi gặp bác sĩ? Mẹ bầu cần đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu thấy xuất hiện các triệu chứng dưới đây:
- Đau tức ngực, khó thở, chóng mặt;
- Sốt cao kéo dài, co giật;
- Xuất huyết âm đạo;
- Nôn mửa liên tục và dữ dội.
Trên đây là toàn bộ thông tin xoay quanh bệnh cúm và chủ đề bà bầu bị cảm cúm tháng thứ 6 mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng bài viết này sẽ giúp chị em có cái nhìn chính xác hơn về chủ đề này. Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin sức khỏe hữu ích, hãy tiếp tục đồng hành cùng trang web của Nhà thuốc Long Châu bạn nhé.