Rau mồng tơi cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể như natri, lipid, kali, chất xơ, carbohydrate, protein, canxi, sắt, vitamin (vitamin A, B6, B12, C, D). Một ngày bạn chỉ cần ăn một bát nhỏ rau mồng tơi nấu chín đã cung cấp hàm lượng vitamin A và sắt đủ cho nhu cầu của cơ thể.
Thường xuyên ăn rau mồng tơi dưới dạng nấu, xào hay luộc giúp đào thải cholesterol và mỡ dư thừa qua phân, làm sạch ruột, qua đó ngăn ngừa máu nhiễm mỡ, béo phì.
Loại rau này giàu chất dinh dưỡng nhưng chứa lượng axit oxalic và purin cao. Vì thế, bạn cần lưu ý một số điều sau khi sử dụng dù dưới dạng thực phẩm hay vị thuốc.
Rau mồng tơi kỵ với gì?
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), rau mồng tơi kỵ với thịt bò. Khi kết hợp chúng cùng nhau sẽ làm giảm tác dụng nhuận tràng của mồng tơi, đồng thời gây đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt, những trường hợp đang bị táo bón mà ăn rau mồng tơi chung với thịt bò sẽ khiến tình trạng khó đi cầu càng thêm nghiêm trọng.
Ngoài ra, bạn cũng không nên nấu phô mai cùng với rau mồng tơi. Cả hai nguyên liệu này đều giàu đạm nên khi ăn chung sẽ gây dư thừa năng lượng, làm tăng gánh nặng tiêu hóa cho đường ruột.
Rau mồng tơi có tốt cho bà bầu không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau mồng tơi là một trong những thực phẩm vô cùng có lợi cho bà bầu cũng như thai nhi. Phụ nữ mang thai thường xuyên ăn loại rau này có những tác dụng như sau:
- Giúp thanh nhiệt, giảm mỡ và đường trong máu, góp phần kiểm soát cân nặng cho bà bầu.
- Phụ nữ mang thai thường xuyên bị táo bón có thể sử dụng rau mồng tơi thay thế cho các loại thuốc nhuận tràng có hại. Nó thúc đẩy tiêu hóa bằng cách bổ sung chất nhầy và chất xơ hòa tan, tạo điều kiện để bà bầu đi cầu thuận lợi và dễ dàng hơn.
- Các hoạt chất như carotenoid, zeaxanthin hay beta carotene được tìm thấy trong rau mồng tơi có thể giúp ức chế sự tăng trưởng của các gốc tự do gây hại, ngăn ngừa dị tật thai nhi và bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
- Rau mồng tơi giúp làm đẹp da, sáng mắt cho bà bầu nhờ chứa hàm lượng vitamin A và flavonoid dồi dào.
- Sở hữu thành phần vitamin C phong phú, mồng tơi có khả năng cải thiện hệ miễn dịch, ngăn ngừa các chứng viêm nhiễm trong suốt thai kỳ.
- Ngoài ra, rau mồng tơi còn cung cấp nhiều sắt và folate đảm bảo cho thai nhi phát triển hoàn thiện cả về trí não lẫn thể chất.
Rau mồng tơi có tác hại gì không?
Rau mồng tơi dù có nhiều tác dụng tốt nhưng nếu sử dụng không đúng cách cũng có thể gây ra một số tác hại không tốt cho sức khỏe như:
- Cản trở khả năng hấp thụ sắt và canxi của cơ thể do chứa nhiều axít oxalic. Vì vậy, khi ăn rau mồng tơi, người bệnh được khuyến cáo nên dùng kèm với các thực phẩm giàu vitamin C để trung hòa axít oxalic.
- Làm tăng nguy cơ bị sỏi thận nếu ăn quá nhiều.
- Do chứa hàm lượng chất xơ dồi dào, ăn rau mồng tơi quá nhiều có thể khiến dạ dày bị khó chịu.
- Rau mồng tơi có thể làm tăng axit uric trong máu do chứa nhiều purin.
- Gây lạnh bụng, tiêu chảy khi dùng ở liều cao.
Những ai không nên ăn rau mồng tơi?
Bạn nên hạn chế hoặc kiêng dùng rau mồng tơi nếu bạn đang gặp các vấn đề như sỏi thận, tiêu chảy, lạnh bụng đi ngoài, đau dạ dày, cơ địa hàn, bệnh gút hoặc axit uric máu cao.
Ngoài ra, bạn nên kết hợp mồng tơi chung với các thực phẩm có nguồn gốc động vật để giảm bớt tính lạnh của dược liệu. Các món ăn bài thuốc từ rau mồng tơi sau khi chế biến xong nên ăn hết trong ngày. Mỗi lần ăn, bạn nên hâm nóng lại, tránh để qua đêm gây biến chất, ngộ độc.
Đồng thời, chúng ta lưu ý chọn rau mồng tơi sạch để dùng. Loại rau không bị nhiễm hóa chất thường có thân, lá và ngọn nhỏ, hơi cứng. Ngược lại, rau nhiễm hóa chất thường có thân to mập, ngọn vươn dài, lá bóng và xanh mướt nhìn rất bắt mắt.