Đậu lăng có chung nguồn gốc là họ đậu như đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành, đậu phộng, chickpea (đậu răng ngựa)… Đậu lăng khá phổ biến ở Ấn Độ, sau đó là các nước Trung Đông và gần đây thì mình thấy phương Tây cũng dùng các loại đậu này khá nhiều trong bữa ăn. Các loại đậu này rất tốt cho người muốn ăn kiêng vì chứa nhiều protein, làm cho người ăn có cảm giác no. Hơn nữa, nó cũng tốt cho người ăn chay vì chất protein cung cấp đủ dinh dưỡng mà không cần đến thịt cá. Đậu lăng cũng có vitamin B1, nhiều khoáng chất và có hàm lượng chất xơ cao nên tốt cho những ai bị bệnh tim mạch, tiểu đường, và làm cho da dẻ mịn màng hơn.
Đậu lăng có khá nhiều màu, từ màu vàng-cam-đỏ (yellow lentils, red lentils), màu xanh (green lentils), màu nâu (brown lentils),… Ở nước ngoài thì có thể mua đậu lăng nấu sẵn, đóng hộp nhưng bản thân mình thì hay mua đậu lăng khô, đến khi muốn ăn thì buổi tối ngâm nước cho đậu nở ra và buổi sáng đi làm thì cho vào slow cooker. Nếu không có slow cooker thì có thể cho vào nồi nấu như bình thường, đến khi đậu mềm (mất ít nhất một tiếng). (Theo kiến thức hoá học hồi lớp 10 của mình là để hầm nhiều thứ nhanh là nên cho một ít muối vào, khi đấy áp suất tăng cao thì thức ăn cũng nhanh chín hơn. :D Nên cho muối không chỉ có một tác dụng là làm cho món ăn đậm đà đâu nhé.)
Bản thân mình thích ăn đậu lăng vì nó bùi bùi và ngon. Ngoài ra thì mình cũng muốn chuyển sang ăn chay nhiều hơn khi chỉ ăn một mình nên đậu lăng rất lý tưởng. (Ngoài ra thì mình cũng muốn giảm đi 1-2kg :D và muốn bổ sung chất xơ cho thức ăn hàng ngày). Đậu lăng thường có thể chế biến với nhiều cách, phổ biến nhất là nấu súp hay chế biến theo kiểu salad. (mình sẽ viết một bài về súp đậu lăng kiểu Ý, hay súp theo kiểu Ấn Độ, dùng gia vị phổ biến của Ấn Độ là Garam Masala.)
Mình viết ra sơ sơ giới thiệu về đậu lăng thế thôi để mọi người biết lợi ích của đậu lăng và để có khi mình viết công thức nấu các món về đậu lăng thì không phải giới thiệu nữa nhé. :)