Hầu như bất cứ ai trong chúng ta đều nghe qua câu thơ bất hủ đó của Nguyễn Du. Nhưng câu thơ đó còn hàm ý một thông điệp rất quan trọng trong cuộc sống: đừng phán xét. Khi bạn phán xét người khác, thì hành vi đó phản ảnh cái tâm của bạn hơn là người khác (“Judging others says more about you than the other person“).
‘Nhất thiết duy tâm tạo’
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“. Đó là hai câu thơ trác tuyệt của Nguyễn Du tả nỗi buồn của Kiều lúc bị mụ Tú Bà giam cầm ở lầu Ngưng Bích. Từ lầu Ngưng Bích nhìn ra cảnh xa xa rất đẹp, nào là ‘Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân‘, là ‘Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia‘, thế nhưng nàng Kiều vẫn buồn. Buồn vì lúc đó nàng cô đơn và ở một nơi rất xa lạ. Trong lòng buồn bã như thế thì cảnh chung quanh không còn đẹp hay vui nữa.
Tâm ảnh hưởng đến cái nhìn của chúng ta, và điều này rất đúng. Khi tâm chúng ta phơi phới thì nhìn đâu cũng thấy vui vẻ, nhìn sự việc gì dù bi đát ra sao chúng ta cũng thấy lạc quan. Nhưng khi tâm chúng ta đen tối hay khi năng lượng thấp thì rất khó thấy cái hay, cái đẹp của người khác, và nhìn đâu cũng toàn là một màu xám xịt. Đúng như câu “Nhất thiết duy tâm tạo“, có nghĩa là mọi sự việc, mọi thiện ác và lành dữ đều do tâm mà ra.
Người phương Tây có câu “We don’t see things as they are, we see them as we are“. Câu này cũng có nghĩa giống giống với (nhưng kém thâm thuý bằng) câu “Nhất thiết duy tâm tạo“, có nghĩa là chúng ta không nhìn sự vật như chúng đang là, mà chúng ta nhìn sự vật như chúng ta đang là. Nói cụ thể hơn, cách chúng ta nhìn sự vật phản ảnh cái tâm của chúng ta, hay nói lên chúng ta là ai.
Nếu chúng ta nhiền vấn đề là một gánh nặng thì cũng có nghĩa là chúng ta là người tiêu cực, nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề như là một cách để cải thiện cá nhân thì chúng ta là người tích cực. Điều này cũng có nghĩa là những khó khăn đến với chúng ta không phải là từ ngoại cảnh, mà từ chính chúng ta.
Tâm nghi ngờ
Người với cái tâm tiêu cực thường không tin tưởng ai. Họ có thói quen hay nghi ngờ người khác. Tôi có quen một người như thế, hầu như bất cứ ai — kể cả thân phụ anh ta và khôi nguyên giải Nobel — anh ấy đều đánh giá thấp! Khi đồng nghiệp được một phần thưởng, anh ấy quay sang nói về những lần thất bại của đồng nghiệp.
Trong cuốn “Hiểu về trái tim“, phần viết về “Nghi ngờ“, tác giả Minh Niệm lí giải rất thuyết phục (trang 155):
“Dường như ta đang cố gắng phanh phui những điểm yếu hay những vụng về lầm lỡ của người kia để ta tránh xa hoặc cổ vũ người khác tẩy chay họ, chứ không phải để hiểu và thương họ hơn.
Phần lớn, những nghi ngờ của ta đều nhắm vào mục đích thỏa mãn bản ngã, dù có khi ta nhân danh tập thể hay cộng đồng nào đó. Vậy có khi nào nhân danh đạo đức, hay tình nhân ái mà ta chú ý đến những cái hay cái đẹp để ca ngợi, còn những biểu hiện khả nghi kia ta vẫn im lặng quan sát và tìm cách giúp đỡ không?
Tại sao ta không giữ thái độ tôn trọng người ấy dù ta đang có nghi ngờ về họ? Tại sao ta không tự hỏi do người ấy rất đáng để ta nghi ngờ hay tại ta mắc bệnh nghi ngờ quá nặng? Tại sao ta không dám đứng ra xin lỗi khi phát hiện ra mình đã nghi oan? Cho nên nghi ngờ thường chỉ làm cho ta yếu đuối và hèn nhát hơn mà thôi.
Ta không hề biết rằng mỗi khi phát sinh ý niệm nghi ngờ kẻ khác, dù họ có xấu hay không, thì trong tâm ta đã taọ ra một nguồn năng lượng rất độc hại. Nó vừa đốt sạch năng lượng trong lành trong ta, vừa khiến ta đánh mất cơ hội tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm.
Bởi vì lúc nào ta cũng bận tâm tìm kiếm thêm chứng cớ. Dù ta chưa thốt ra lời nói hay hành động nào để thể hiện sự nghi ngờ, nhưng một khi đã hướng tâm đến người kia để gởi sự nghi ngờ tức là ta đã gởi đi một năng lượng xấu.
Theo ‘qui luật cân bằng cảm xúc’ thì họ sẽ tìm cách trả lại ta một cảm xúc xấu khác tương ứng, nếu họ nhận ra sự nghi ngờ của chúng ta có tính chất xấu. Còn không, vũ trụ sẽ nhờ đối tượng khác trả lại ta một cảm xúc xấu khác.
Tệ hại nhứt là ta đã lỡ nghi oan cho một bậc nhân từ, đức hạnh — nơi qui tụ vô số năng lượng an lành của vũ trụ — thì hậu quả sẽ khôn lường. Đó là món nợ cảm xúc khổng lồ, ta và con cháu ta nhiều đời mới trả hết. Cho nên, đừng bao giờ dễ dãi buông ra sự nghi ngờ. Hãy tập ‘tự hối tâm’ hoặc bày tỏ sự ăn năn trực tiếp khi phát hiện ra mình đã lỡ nghi oan cho ai đó để hoá giải phần nào hậu quả.“
Phán xét và câu chuyện nồi cơm Nhan Hồi
Chuyện kể rằng Nhan Hồi (một đồ đệ của Khổng Tử) nấu cơm, và Khổng Tử thấy Nhan Hồi mở nắp nồi rồi lấy đũa bới cơm và đưa vào miệng ăn. Thấy vậy, Khổng Tử thất vọng trước người đệ tử xuất sắc và than rằng “Chao ôi! Trò yêu của ta lẽ nào lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lí? Bao kỳ vọng đặt vào nó thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!” Sau đó, để thử lòng Nhan Hồi, Khổng Tử đề nghị xới một chén cơm để cúng cha mẹ ông. Các đệ tử đều ok, ngoại trừ Nhan Hồi im lặng. Khi được hỏi tại sao, Nhan Hồi thưa rằng:
“Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch … khi cơm chín con mở nắp nồi ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em … Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”
Nghe giải thích xong, Khổng Tử mới than rằng “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
Câu chuyện này rất nổi tiếng và được kể đi kể lại trong sách vở Phật giáo và tâm lí xã hội học. Bài học là ngay cả chính mắt mình thấy hay chính tai minh nghe mà vẫn có thể hiểu lầm, bởi sự việc ‘thấy vậy mà không phải vậy.’ Do đó, nếu chỉ nhìn sự việc bằng mắt hay nghe bằng tai mà không tìm hiểu thấu đáo và đặt trong bối cảnh thì con người chúng ta — cho dù là kẻ thông thái như Khổng Tử — vẫn mắc phải sai lầm. Bài học là đừng vội đưa ra phán xét dựa vào một vài dữ kiện có sẵn.
Người theo Phật thường được khuyên là hãy sử dụng chánh niệm và lòng từ bi của chúng ta để nhìn sự việc hay con người. Có nghĩa là hãy nhìn sự việc như nó đang hiện hữu hơn là đưa ra những lời phán xét.
“Tâm ý đã mệt nhoài
Thương ghét mãi chưa nguôi
Dừng nói năng phân biệt
Ta tìm về ta thôi”
(Minh Niệm)
_____
TB: Bài này tôi viết là để những ai đang chỉ trích Thầy Nhất Hạnh (và cả Thiền Am) nên nhìn lại mình. Hãy thay đổi mình trước rồi mới thay đổi hay phán xét người ta. Họ chỉ trích người khác nhưng cách họ chỉ trích nói cho chúng ta biết về họ hơn là nạn nhân của họ.
Có khá nhiều bạn [có thể nói là] hùa theo vài người khác cho rằng Thầy Nhất Hạnh phát biểu rằng “lính Mĩ dội bom giết chết 300,000 người ở Thị xã Bến Tre”. Thật ra, ông không nói như vậy; ông nói rằng (nguyên văn):
“…One time I learned that the city of Ben Tre, A CITY OF THREE HUNDRED THOUSAND PEOPLE, was bombarded by American aviation just because some guerillas came to the city and tried to shoot down American aircrafts.” (Tạm dịch: Có lần tôi được biết rằng ở Thị xã Bến Tre, một thị xã 300,000 dân, bị không quân Mĩ dội bom chỉ vì có vài du kích xâm nhập vào thị xã tìm cách bắn máy bay Mĩ).
Như các bạn thấy, Thầy Nhất Hạnh không nói là lính Mĩ giết 300 ngàn dân Bến Tre. Tuy nhiên, ông sai ở con số, vì Bến Tre lúc đó là thị xã chỉ chừng 70-80 ngàn dân. Nhưng cái sai sót đó có quan trọng không? Theo tôi là không, vì con số đó không phải là chứng cớ cho cái thông điệp ông muốn nói (là dội bom cả thị xã chỉ vì có vài du kích xâm nhập).