Cầu sông Bé nối liền 2 xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa (Phú Giáo). Trong chiến tranh, đây là con đường huyết mạch giao thông của ngụy quyền Sài Gòn. Cầu bị Mỹ đánh sập năm 1975. Tại đây đã lưu giữ nhiều chiến công hào hùng của quân và dân Bình Dương. Với những chiến công vang dội, cầu sông Bé đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Cầu sông Bé - minh chứng lịch sử
Từ trung tâm TP.Thủ Dầu Một, đi theo đường ĐT741 khoảng hơn 35km, hướng về Bình Phước, đoạn qua huyện Phú Giáo, song song với cầu Phước Hòa là hình ảnh cầu sông Bé với phần giữa bị sập. Dù năm tháng đi qua, chiến tranh đã lùi sâu nhưng hình ảnh cây cầu gãy đã và đang là minh chứng cho một cuộc chiến cam go, ác liệt; cũng như tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung. Cầu sông Bé nơi lưu giữ giá trị lịch sử hào hùng
Theo những nhân chứng tại đây, cầu sông Bé được Pháp xây dựng những năm 1925- 1926 khi thành lập Sở cao su Phước Hòa. Việc xây cầu nhằm khai thác thuộc địa, cũng như mở rộng những đồn điền cao su tại Phú Giáo, Phước Long... và đây là tuyến đường huyết mạch lên Tây nguyên. Theo khảo sát của Ban Quản lý di tích tỉnh, cầu có bề ngang hơn 4,5m, chiều dài mỗi bên của cầu còn lại khoảng 50m, gồm 3 nhịp dầm thép, bê tông. Chỗ cao nhất 2 bên thành cầu 6m, thấp nhất 3,5m, chân cầu cao 30m.
Những năm 1930, phong trào đấu tranh của công nhân các đồn điền cao su bùng phát mạnh, quân địch đã coi cầu như đoạn đầu đài, điểm xử bắn và dòng sông Bé trở thành huyệt mộ sâu của những người cách mạng. Trước sự đàn áp dã man của giặc, nhân dân ta vẫn đứng lên đấu tranh quyết liệt, lúc này cầu sông Bé lại trở thành cửa ngõ chiến khu Đ. Với quyết tâm quyết thắng, năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng đã được cắm trên cầu thể hiện chủ quyền.
Trong thời Mỹ - ngụy, cầu là tuyến giao thông huyết mạch của ngụy quyền Sài Gòn thời Tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành Nguyễn Minh Mẫn, bọn ác ôn đã “biến” nơi đây thành điểm xử bắn, chôn cất các đồng chí, đồng bào hoạt động cách mạng. Trong đêm 27, rạng sáng ngày 28-4-1975, lực lượng vũ trang huyện Phú Giáo đã diệt địch và cắt đứt toàn bộ đồn bót trên 2 xã Bình Mỹ và Bình Cơ dọc trục lộ 16, mở đường cho 2 cánh của Quân đoàn 1 đánh qua phía tây (nam Bến Cát) xuống Dĩ An, Lái Thiêu. Với cuộc tấn công mạnh mẽ của quân, dân Bình Dương, địch ở Chi khu Phú Giáo (Phước Vĩnh) rút qua cầu sông Bé để chạy về Lai Khê. Trên đường tháo chạy, địch đã bị bộ đội, du kích Phú Giáo chặn đánh diệt 30 tên. Chiều 29-4-1975, quân địch tràn về Phước Hòa để tìm đường rút chạy. Để tránh bị truy kích, tên chỉ huy trung đội biệt kích ngụy tại Phước Vĩnh đã cho đặt mìn phá hủy cầu sông Bé. Sau đó, quân và dân Phú Giáo đã phá ấp chiến lược, phá đồn... bắt hơn 200 tên ác ôn ngoan cố, thu giữ hơn 200 súng các loại. Trưa 30-4, huyện Phú Giáo đã hoàn toàn giải phóng.
Giá trị bất diệt!
Cây cầu sông Bé ngày nay được xây dựng lại thành cầu đôi và đổi tên thành cầu Phước Hòa. Tuy nhiên, cây cầu cũ vẫn còn được giữ lại như một chiến tích bi hùng. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé: “Cầu sông Bé đã đi vào lịch sử của tỉnh Sông Bé cũ, nay là Bình Dương, cho nên nó vừa oai hùng, vừa đứng vững truyền thống cách mạng”. Ông nói thêm: “Khi quân giải phóng tiêu diệt bao nhiêu tên lính ngụy thì tên thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn, Tỉnh trưởng Phước Thành đã hèn hạ trả thù bằng cách đem bấy nhiêu tù nhân chính trị và đồng bào ta đến cầu sông Bé và bắn tại đây. Những tội ác đó tất cả nhân dân ở vùng Phú Giáo và Phước Thành cũ đều biết và vô cùng căm phẫn, nhiều đồng bào đã xuôi dòng sông này để vớt xác những anh em cán bộ chiến sĩ của mình bị chúng bắn đem chôn cất...”.
Để ghi lại tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta trong chiến tranh, Đảng bộ huyện Phú Giáo đã cho xây dựng khu vực bia tưởng niệm rộng gần 100m2 tại đầu cầu phía ấp Bưng Riền, xã Vĩnh Hòa. Nơi đây lính ngụy đã tra tấn những chiến sĩ cách mạng và những người mà chúng nghi ngờ theo cách mạng một cách tàn bạo. Bên cạnh đó, trên cây cầu gãy, Đảng bộ huyện Phú Giáo còn dùng làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, dùng làm nơi để kết nạp đảng viên mới.
Có thể thấy, cầu sông Bé không chỉ thể hiện giá trị lịch sử của riêng nó mà còn tiêu biểu cho một vùng đất, một thời kỳ đấu tranh cách mạng oanh liệt của quân và dân nơi đây.
THIÊN LÝ