Cây hà thủ ô là một dược liệu quen thuộc trong dân gian. Thảo dược này thường xuất hiện trong các bài thuốc đông y. Vậy cây hà thủ ô có tác dụng gì? Loại cây này có thật là hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh không? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta cùng đi sâu phân tích qua bài viết này.
Cây hà thủ ô là một dược liệu quen thuộc trong dân gian
Giới thiệu chung về cây hà thủ ô
Cây hà thủ ô là một loại thảo dược có thân dây leo, thường được quấn và mọc xoắn vào nhau. Hà thủ ô còn được gọi với nhiều cái tên khác như dạ giao đằng, mằn năng ón, khua lình, má ỏn, dạ hợp,… Cây hà thủ ô mọc hoang dại ở nhiều tỉnh miền núi nước ta như Nghệ An, Lào Cai, Hà Giang, Sapa, Lai Châu, Sơn La,… Ngoài ra, cây hà thủ ô cũng được tìm thấy ở một tỉnh khác với số lượng ít như Hòa Bình, Cao Bằng và Lạng Sơn. Ở nhiều vùng như Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Vĩnh Phúc…, hà thủ ô được nuôi trồng để phục vụ cho mục đích điều chế thuốc cũng như các dược phẩm hỗ trợ sức khỏe và làm đẹp.
Phần thân bên ngoài cây hà thủ ô có vân, bề mặt nhẵn và màu xanh tía. Phần thân rễ phồng lên thành củ. Lá hà thủ ô có phần cuống dài, mọc so le với nhau. Phiến lá hình trái tim, có đầu nhọn và phần mép hơi lượn sóng. Hoa hà thủ ô mọc thành chùm, có nhiều nhánh, có kích cỡ nhỏ, đường kính khoảng 2mm. Hà thủ ô có chứa các thành phần như lecithin, chrysophanic acid, chrysophanic acid, emodin, rhein, anthrone,….
Cây hà thủ ô có mấy loại?
Hà thủ ô có hai loại chính là hà thủ ô trắng và hà thủ ô đỏ. Mỗi loại sẽ chứa các thành phần hóa học cũng như tác dụng dược lý, chữa bệnh khác nhau. Vì vậy, khi sử dụng, để tránh nhầm lẫn, bạn có thể phân biệt hai dược liệu này theo các đặc điểm thực vật sau:
- Đặc điểm cây hà thủ ô trắng: Cây dây leo, có chiều dài trung bình khoảng 2 - 5 m. Toàn thân cây, bao gồm lá và quả được phủ một lớp nhựa mủ trắng như sữa bò. Cây có màu hơi đỏ và có nhiều lông. Theo thông thường, lớp lông này sẽ rụng dần và trở nên nhẵn khi cây trưởng thành và già. Lá cây dây sữa bò và có màu xanh đậm, mọc đối xứng nhau. Hoa có màu vàng tía hoặc nâu nhạt, nhiều lông. Quả hình thoi, có chứa hạt. Rễ phát triển có phần lõi bên trong.
- Đặc điểm cây hà thủ ô đỏ: Cũng giống như dây sữa bò, giao đằng cũng là dạng dây leo, sống lâu năm. Cây có rễ phình to thành củ, màu đỏ. Củ cứng, chứa nhiều bột. Lá cây có đầu nhọn và có hình tim. Hoa mọc thành cụm, có màu trắng, thường mọc ở nách lá hoặc đầu cành.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản cây hà thủ ô
- Bộ phận dùng: Rễ củ cây hà thủ ô
- Thu hái: Rễ củ hà thủ ô thường được thu hoạch vào mùa thu, khi lá cây đã úa vàng.
- Sơ chế: Rễ củ sau khi thu hoạch về đem rửa sạch, thái lát, đem phơi hoặc sấy khô. Ngoài ra, để giúp giảm bớt nhựa đắng, có thể ngâm nước vo gạo một đêm sau đó đem phơi khô. Để rễ củ cho tác dụng dược lý tốt, trước khi phơi nên đem đồ chín.
- Bảo quản: Sau khi phơi khô, cho dược liệu vào bọc ni lông, cột kín miệng và đặt nơi không có ánh sáng trực tiếp. Đồng thời không để tiếp xúc với nước hoặc độ ẩm.
Cây hà thủ ô có thân dây leo, thường được quấn và mọc xoắn vào nhau
Tác dụng của cây hà thủ ô
Uống hà thủ ô có tác dụng gì đối với sức khỏe? Về công dụng cây hà thủ ô, chúng ta sẽ tìm hiểu dựa theo y học cổ truyền và y học hiện đại.
Công dụng của cây hà thủ ô theo Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, hà thủ ô có tác dụng bổ huyết giữ tinh, nhuận tràng, bổ can thận, mạnh gân xương và hòa khí huyết. Do đó, loại cây tự nhiên này thường dùng với các mục đích sau đây:
- Làm đen râu tóc: Theo một số quan niệm của Y học cổ truyền, tóc và râu có mối liên quan mật thiết với tinh sinh huyết, thận tàng chứa tinh và tạng thận. Tóc là phần thừa của huyết, do đó nếu thận hư yếu thì tóc cũng sẽ không được nuôi dưỡng dẫn đến tình trạng dễ bị rụng và bạc sớm. Trong khi đó, hà thủ ô có tác dụng dưỡng huyết tư âm, bồi bổ can thận nên sẽ có tác dụng làm đen tóc.
- Tăng cường khả năng sinh sản: Thông tin trên Bản Thảo Cương Mục cho biết, dược liệu này có tác dụng chữa chứng bất lực ở nam giới. Từ đó, giúp tăng khả năng có con ở các cặp vợ chồng hiếm muộn - vô sinh. Nguyên nhân dược liệu này có lợi cho việc sinh con là bởi chúng có chứa các dược chất có lợi giúp thận tinh sung túc. Khi đó, cơ thể và yếu tố phát dục ở nam giới cũng sẽ phát triển hoàn thiện. Do vậy, giúp năng lực tính dục ở nam giới được khôi phục, đồng thời giúp nâng cao chất lượng tinh trùng, giúp tỷ lệ đậu thai cao.
- Giúp kéo dài tuổi thọ: Cây hà thủ ô có công dụng bổ thận ích tinh. Theo như quan điểm của Y học cổ truyền, già yếu có mối liên quan mật thiết đối với thận tinh. Sự già yếu của con người một phần là bởi suy giảm chức năng hoạt động của thận tinh. Do đó, thường xuyên sử dụng hà thủ ô chính là cách giúp nâng cao chức năng của bộ phận này. Từ đó, giúp kéo dài tuổi thọ.
Công dụng của cây hà thủ ô theo y học hiện đại
Một số nghiên cứu Y học hiện đại cho thấy, cây hà thủ ô có các tác dụng như:
- Tác dụng chống oxy hóa: Thực tế, các nghiên cứu về tác dụng chống oxy hóa ở dược liệu này còn cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ. Tuy vậy, dựa vào kết quả của một số nghiên cứu khoa học trên chuột nhắt già cho thấy, các hoạt chất hóa học chứa trong thảo dược này có công dụng bảo vệ và giữ cho tuyến ức của chuột không bị teo
- Tốt cho hệ thần kinh: Trong thí nghiệm đã phát hiện Lexitin trong hà thủ ô có công dụng làm tăng quá trình tái tạo hồng cầu cho cơ thể. Do đó, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều hay khí hư có thể sử dụng để điều hòa. Ngoài ra, các bệnh gầy gò, xanh xao, thiếu máu cũng có thể dùng vị thuốc này để điều trị.
- Kháng khuẩn và chống vi rút: Hoạt chất trong cây hà thủ ô có công dụng ức chế trực khuẩn lỵ Flexner và trực khuẩn lao ở người. Hơn nữa, các nghiên cứu dược lý hiện đại cũng chỉ ra rằng, dược liệu tự nhiên này cũng có tác dụng giúp ức chế và tiêu diệt vi khuẩn vi rút gây bệnh cảm cúm hay cảm lạnh thông thường (Thông tin dựa theo Học báo Vi sinh vật 8 / trang 164 - 1960).
- Bồi bổ thận: Phần nước sắc hà thủ ô có công dụng khá tốt cho can thận. Bài thuốc này được sử dụng cho bệnh nhân âm hư, mỡ máu tăng cao, đau nhức gân cốt, tiểu đường,… Theo một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, công dụng này của cây hà thủ ô khó mà kiếm được trên loại thảo mộc khác.
- Tác dụng nhuận tràng: Theo Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung Dược của nhà xuất bản Khoa học xuất bản vào năm 1965, trang 345 - 346 cho biết, nhờ hoạt chất oxy methyl anthraquinone có trong rễ của hà thủ ô giúp kích thích làm tăng nhu động ruột, có tác dụng nhuận tràng. Theo một vài nghiên cứu, hà thủ ô sống có công dụng giúp nhuận tràng mạnh hơn hà thủ ô chín.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây hà thủ ô đỏ là rễ cây
Một số lưu ý khi sử dụng cây hà thủ ô
Mặc dù cây hà thủ ô có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe, tuy nhiên bạn cũng cần chú ý một số vấn đề khi dùng để có thể tránh gây tác dụng phụ:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng hà thủ ô đối với phụ nữ đang trong quá trình mang thai hoặc đang cho con bú, bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc đang trong quá trình điều trị một bệnh lý khác.
- Không nên uống hà thủ ô khi đang đi ngoài ra nước hoặc bị tiêu chảy.
- Nên tránh ăn củ cải, hành và tỏi khi đang sử dụng hà thủ ô.
- Người mắc bệnh huyết áp thấp hoặc đường huyết thấp thì không nên uống hà thủ ô.
- Hà thủ ô có thể làm giảm các tác dụng điều trị của một số loại thuốc như thuốc chống đông, thuốc lợi tiểu,…
Kết luận: Bài viết trên đã lý giải cho câu hỏi cây hà thủ ô có tác dụng gì. Hiện nay, vị thuốc đông y này khá được ưa chuộng và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, bạn vẫn nên dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời cần kiểm tra kỹ lưỡng để mua nhầm hàng giả hàng kém chất lượng.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.