Cỏ ngọt thường được quảng cáo là một chất thay thế đường an toàn và lành mạnh, có thể làm ngọt thực phẩm mà không có các tác động tiêu cực đến sức khỏe liên quan đến đường tinh luyện. Tuy nhiên, một số lo ngại tồn tại xung quanh sự an toàn của cỏ ngọt - đặc biệt là đối với một số người có cơ địa nhạy cảm.
1. Cây cỏ ngọt
Cỏ ngọt là một chất làm ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ lá của cây cỏ ngọt (Stevia rebaudiana). Vì nó không chứa calo nhưng ngọt hơn 200 lần so với đường ăn nên nó là một lựa chọn phổ biến cho nhiều người muốn giảm cân và giảm lượng đường nạp vào cơ thể.
Chất tạo ngọt này cũng mang lại một số lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm lượng đường trong máu và mức cholesterol. Tuy nhiên, các sản phẩm cỏ ngọt thương mại khác nhau về chất lượng. Trên thực tế, nhiều loại trên thị trường được tinh chế cao và kết hợp với các chất tạo ngọt khác - chẳng hạn như erythritol, dextrose và maltodextrin - có thể làm thay đổi các tác động tiềm ẩn lên sức khỏe. Trong khi đó, các hình thức ít chế biến hơn lại chưa được nghiên cứu nhiều về tính an toàn.
2. Các loại sản phẩm cỏ ngọt
Cỏ ngọt có nhiều loại, với những phương pháp chế biến và thành phần khác nhau. Ví dụ, một số sản phẩm phổ biến - chẳng hạn như Cỏ ngọt ở dạng thô và Truvia - hỗn hợp cỏ ngọt, là một trong những dạng cỏ ngọt được chế biến nhiều nhất.
Chúng được sản xuất bằng cách sử dụng rebaudioside A (Reb A) - một loại chiết xuất từ cây cỏ ngọt tinh chế, cùng với các chất làm ngọt khác như maltodextrin và erythritol. Trong quá trình chế biến, lá được ngâm trong nước và đi qua bộ lọc với cồn để cô lập Reb A. Sau đó, chiết xuất được làm khô, kết tinh và kết hợp với các chất làm ngọt và chất độn khác. Chất chiết xuất tinh khiết chỉ được làm từ Reb A cũng có dạng lỏng và bột.
So với hỗn hợp cỏ ngọt, chiết xuất tinh khiết trải qua nhiều phương pháp chế biến giống nhau - nhưng không được kết hợp với chất tạo ngọt hoặc cồn đường khác.
Trong khi đó, lá cỏ ngọt xanh là dạng ít được chế biến nhất. Nó được làm từ toàn bộ lá cỏ ngọt đã được sấy khô và nghiền. Mặc dù sản phẩm lá xanh thường được coi là dạng tinh khiết nhất, nhưng nó không được nghiên cứu kỹ lưỡng như chiết xuất tinh khiết và Reb A. Do đó, vẫn chưa có nghiên cứu về tính an toàn của nó
3. Sự an toàn và liều dùng của cỏ ngọt
Steviol glycoside, được chiết xuất từ cây cỏ ngọt giống như Reb A, được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) công nhận là an toàn, có nghĩa là chúng có thể được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm và được bán trên thị trường Hoa Kỳ.
Mặt khác, các loại toàn lá và chiết xuất từ cỏ ngọt thô hiện không được FDA chấp thuận để sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm do thiếu nghiên cứu.
Các cơ quan quản lý như FDA, Ủy ban Khoa học về Thực phẩm (SCF) và Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) xác định mức tiêu thụ steviol glycoside hàng ngày được chấp nhận là lên đến 4 mg mỗi kg.
Mặc dù nhiều sản phẩm cỏ ngọt thường được công nhận là an toàn, một số nghiên cứu chỉ ra rằng chất tạo ngọt không calo này có thể tác động khác nhau đến một số người.
Do tình trạng sức khỏe hoặc tuổi tác, người dùng cần đặc biệt lưu ý đến lượng dùng.
4. Tiểu đường
Người bệnh tiểu đường có thể dùng cỏ ngọt thay thế, nhưng cần cẩn trọng với sản phẩm họ dùng. Một số nghiên cứu cho thấy cỏ ngọt an toàn và hữu ích trong việc hỗ trợ kiểm soát đường máu ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Trên thực tế, một nghiên cứu quy mô nhỏ trên 12 bệnh nhân tiểu đường type 2 cho thấy rằng sử dụng cỏ ngọt cùng với bữa ăn dẫn đến giảm lượng đường trong máu nhiều hơn so với nhóm đối chứng sử dụng cùng một lượng tinh bột ngô.
Tương tự, một nghiên cứu kéo dài 8 tuần trên chuột mắc bệnh tiểu đường cho thấy chiết xuất từ cây cỏ ngọt làm giảm lượng đường trong máu và hemoglobin A1C - đường máu trung bình trong 3 tháng- hơn 5% so với những con chuột được ăn chế độ ăn kiểm soát đường máu.
Lưu ý rằng một số hỗn hợp cỏ ngọt nhất định có thể chứa các loại chất tạo ngọt khác - bao gồm dextrose và maltodextrin - có thể làm tăng lượng đường trong máu. Sử dụng những sản phẩm này ở mức độ vừa phải hoặc chọn chiết xuất cỏ ngọt nguyên chất có thể giúp đảm bảo lượng đường trong máu nếu bạn bị tiểu đường.
5. Phụ nữ mang thai
Những bằng chứng về sự an toàn trong thời kỳ mang thai của cỏ ngọt vẫn rất hạn chế. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật cho thấy chất làm ngọt này - ở dạng steviol glycoside như Reb A - không tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản hoặc thai kỳ khi sử dụng ở mức vừa phải. Ngoài ra, các cơ quan chức trách khác nhau đánh giá glycoside steviol an toàn cho người lớn, kể cả trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, nghiên cứu về cỏ ngọt nguyên lá và chiết xuất thô còn hạn chế. Do đó, trong thời kỳ mang thai, tốt nhất bạn nên sử dụng các sản phẩm được FDA chấp thuận có chứa glycoside steviol hơn là các sản phẩm nguyên lá hoặc thô.
6. Trẻ nhỏ
Cỏ ngọt có thể giúp cắt giảm lượng đường tiêu thụ, điều này có thể đặc biệt có lợi cho trẻ em. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), tiêu thụ nhiều đường hơn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở trẻ em, làm biến đổi mức triglyceride và cholesterol, góp phần làm tăng cân. Thay thế đường bằng cỏ ngọt có khả năng giảm thiểu những rủi ro này. Steviol glycoside như Reb A đã được FDA chấp thuận. Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng là theo dõi lượng tiêu thụ ở trẻ em. Điều này là do trẻ em dễ dàng đạt được giới hạn hàng ngày có thể chấp nhận được đối với cỏ ngọt, 4 mg mỗi kg cho cả người lớn và trẻ em. Hạn chế cho con bạn ăn thực phẩm có cỏ ngọt và các chất tạo ngọt khác, chẳng hạn như đường, có thể giúp ngăn ngừa các tác dụng phụ bất lợi và hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
7. Tác dụng phụ
Mặc dù thường được công nhận là an toàn, cỏ ngọt có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người. Ví dụ, một bài đánh giá đã lưu ý rằng chất làm ngọt không calo như cỏ ngọt có thể làm giảm số lượng lợi khuẩn đường ruột, vốn có vai trò trung tâm trong việc ngăn ngừa bệnh tật, tiêu hóa và miễn dịch. Một nghiên cứu khác trên 893 người cho thấy rằng các biến thể của vi khuẩn đường ruột có thể tác động tiêu cực đến trọng lượng cơ thể, triglyceride và cholesterol HDL (tốt) - những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho thấy rằng cỏ ngọt và các chất làm ngọt không calo khác có thể khiến bạn tiêu thụ nhiều calo hơn trong ngày.
Ví dụ, một nghiên cứu trên 30 người đàn ông xác định rằng uống đồ uống có đường cỏ ngọt khiến những người tham gia ăn nhiều hơn vào cuối ngày so với uống đồ uống có đường. Hơn nữa, một đánh giá về bảy nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiêu thụ thường xuyên các chất làm ngọt không calo như cỏ ngọt có thể góp phần làm tăng trọng lượng cơ thể và vòng eo theo thời gian. Ngoài ra, một số sản phẩm có cỏ ngọt có thể chứa cồn đường như sorbitol và xylitol, là những chất tạo ngọt đôi khi có liên quan đến các vấn đề tiêu hóa ở những người nhạy cảm. Cỏ ngọt cũng có thể làm giảm huyết áp và lượng đường trong máu, có khả năng ảnh hưởng đến các loại thuốc được sử dụng để điều trị những tình trạng này. Để có kết quả tốt nhất, hãy điều chỉnh lượng tiêu thụ của bạn và cân nhắc giảm lượng tiêu thụ nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, healthline.com