Những ngày qua không chỉ người dân vùng cao huyện Phước Sơn đổ xô lên núi tìm hái hạt mây rừng mà nhiều thương lái còn đi khắp nơi lùng mua loại hạt này để bán sang Trung Quốc với giá cao.Mới sáng sớm, tại cơ sở thu mua hạt mây ở thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) đã rộn rã khi nhiều người dân chở hạt mây đến cân bán. Giá hạt mây được các thương lái thu mua từ người dân là 23 nghìn đồng/kg (trái mây chưa bóc vỏ), sau đó họ tập trung lại và thuê nhân công đập vỏ để lấy hạt bán sang Trung Quốc với giá là 67 nghìn đồng/kg. Bà Huỳnh Thị Doanh, một thương lái cho biết, hạt mây được thu mua và bán sang Trung Quốc rầm rộ hơn từ một năm nay. Thấy giá cao lại tạo thu nhập cho nhiều người nên chúng tôi đi khắp nơi để thu mua và bán lại cho các đại lý lớn ở Tam Kỳ để xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên không biết họ mua hạt mây để làm gì. “Sau khi thu mua hết hạt mây ở khu vực vùng núi Trà My, tôi tiếp tục chuyển về huyện Phước Sơn để thu gom. Hiện có rất nhiều người chở hạt mây đến bán, trung bình mỗi ngày tôi thu mua được gần 1 tấn để chuyển về dưới xuôi” - bà Doanh nói.
Người dân đổ xô đến cân bán và bóc vỏ hạt mây tại cơ sở thu mua thị trấn Khâm Đức. Ảnh: DTGiá thu mua hạt mây khá cao đã thu hút một lượng lớn người dân khăn gói, đùm cơm vào tận rừng sâu để bứt mây mong kiếm thêm thu nhập. Ông Hồ Văn Kỳ (43 tuổi, xã Phước Chánh, Phước Sơn) cho biết: “Từ khi hạt mây được thu mua, không những tôi mà nhiều người còn có thêm một nghề mới. Bình quân mỗi ngày tôi hái được hơn 10kg hạt mây đem bán gần 300 nghìn đồng. Công việc không quá nặng nhọc lại có thu nhập cao nên nhiều người rất hăng hái đi săn hạt mây về bán”. Cũng theo nhiều người đi bứt hạt mây, mùa hái hạt mây kéo dài từ tháng 11 đến tháng giêng. Thế nhưng hiện nay song mây còn lại khá ít, nhất là những cây mây già mới ra trái nên họ phải lặn lội vào tận vùng núi cao ở Phước Lộc, Phước Thành mới tìm thấy. “Chúng tôi thường đi thành nhóm khoảng 5 người, sau đó băng rừng hàng tiếng đồng hồ để tìm hạt mây. Mùa này bị vắt, muỗi cắn đầy người là chuyện bình thường nhưng hạt mây có giá cao nên chúng tôi chẳng sợ và càng quyết tâm tìm cho bằng được để bán. Hơn nữa Tết Nguyên đán sắp đến, có thêm thu nhập từ những hạt mây là một điều đáng mừng” - ông Hồ Văn Ong (xã Phước Lộc) chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn, hạt mây rừng chủ yếu được mua để ươm giống, tuy nhiên hiện nay số lượng hạt còn rất ít do đó cần phải có hướng bảo vệ để tránh bị mất nguồn giống về lâu dài. “Hiện nay người dân đang săn lùng hạt mây khắp nơi trên địa bàn huyện vì giá bán cao, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng để kiểm tra số lượng hạt được tiêu thụ đi đâu. Nếu các thương lái thu mua và bán ở trong nước để nhân giống là việc cần thiết và nên khuyến khích, nhưng lại xuất bán sang Trung Quốc thì cần phải xem xét và có biện pháp bảo vệ nguồn giống kịp thời” - ông Phiếm cho biết thêm.
DUY THÁI