Khoảng 5h ngày 4/8, Minh Hợp (27 tuổi) dậy sớm săn bình minh, vô tình ghi lại được hình ảnh đám mây hình cá chép đỏ trên bầu trời, tại xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình).
Đây không phải lần đầu Hợp nhìn thấy những đám mây có hình thù kỳ lạ. Trước đây, Việt Nam từng ghi nhận mây ngũ sắc, mây hình sóng thần…
"Tôi tận hưởng không khí sáng sớm ở nhà là chính, song vô tình quay lại được khoảnh khắc cá chép đỏ, nên chia sẻ lên mạng xã hội", anh nói.
Trên đường đi làm ở xã Thụy An (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), Nguyễn Nam (26 tuổi) cũng vô tình chụp được bức ảnh đám mây "cá chép hóa rồng".
"Thật sự là một khung cảnh tuyệt đẹp", Nam nói.
Trong khi đó, Nguyễn Hồng Sơn (27 tuổi) cho biết "săn" được đám mây hình cá chép tại biển vô cực thuộc xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Nhóm anh Sơn xuất phát từ 3h, sau một tiếng thì đến nơi. Đoàn soi đèn đi bộ thêm 3-4km để đến biển vô cực. Thời điểm này trời vẫn tối, thưa thớt mấy cô nông dân đi bắt ốc móng tay.
Khi mặt trời lên, anh Sơn chụp vài bức ảnh lưu niệm về biển vô cực và nông dân. Đến 5h20, những tia nắng bắt đầu ánh lên, chiếu vào đám mây tạo thành hình "cá chép đỏ bay ra ngoài", thu hút sự chú ý của anh Sơn.
"Chúng tôi vô cùng bất ngờ trước cảnh tượng thiên nhiên trông như cá chép vượt vũ môn", anh nói.
Sau khoảng một phút, đám mây tan ra, hình cá chép cũng biến mất. Đây là lần đầu anh Sơn trông thấy một cảnh tượng đẹp đến vậy, khiến anh có lúc "đơ" người ra.
Không riêng Minh Hợp, Nguyễn Nam hay Hồng Sơn, người dùng mạng xã hội đồng loạt chia sẻ ảnh chụp đám mây cá chép đỏ tại Thái Bình và một số tỉnh miền Bắc khác như: Ninh Bình, Hưng Yên.
Mỗi bài đăng thu hút hàng nghìn lượt yêu thích và bình luận. Nhiều người gọi đây là khoảnh khắc "cá chép vượt vũ môn" hoặc "cá chép hóa rồng".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Vũ Thế Hoàng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết đám mây hình cá chép là điều bình thường, "không có vấn đề gì".
Theo anh Hoàng, đây thực chất là hiện tượng khúc xạ ánh sáng. Khi ánh nắng mặt trời chạy qua các lớp mây đã tạo thành một số màu sắc, trong trường hợp này là màu đỏ và ngẫu nhiên tạo thành hình thù trông giống con cá.
Chuyên gia cho hay khúc xạ ánh sáng vào những thời điểm, thời tiết đặc biệt. Mỗi khi mặt trời mọc hoặc lặn sẽ dễ xảy ra hiện tượng ráng chiều, có thể là màu đỏ hoặc cam, bởi trên bầu khí quyển có nhiều những lớp tinh thể văng mỏng hoặc lớp bụi, hơi nước sẽ phản xạ hoặc tán xạ ánh sáng.
"Do vậy những bước sáng có bước sóng ngắn như màu tím hoặc xanh da trời sẽ tán xạ hết, chỉ còn cam đỏ (bước sóng dài) ít bị tán xạ và truyền đến mắt người", anh Hoàng nói.
Lúc này những đám mây hoặc cả vùng trời có màu đỏ, còn đặc biệt hơn chỉ do đúng lúc này có đám mây hình con cá xuất hiện.
"Hiện tượng khúc xạ này khác với mây ngũ sắc - vốn là hiện tượng tán xạ ánh sáng qua các đám mây trên cao tạo thành đám mây mang màu sắc cầu vồng", chuyên gia nói.