Thời gian gần đây, những bức ảnh về "khu vực cấm hình xăm" được phát hiện ở nhiều địa điểm bao gồm nhà tắm công cộng, phòng tập thể dục, hồ bơi, khách sạn...
Khu vực cấm hình xăm có nghĩa là không gian mà những người có hình xăm trên cơ thể bị hạn chế vào hoặc họ sẽ phải che hình xăm của mình bằng miếng dán, áo dài tay. Lý do của hạn chế này là để những khách hàng khác không cảm thấy bị đe dọa.
Hàng loạt khu vực cấm hình xăm
Một trung tâm thể thao ở Seodaemun-gu, Seoul (Hàn Quốc) đưa ra thông báo hạn chế sự vào cửa của các thành viên có hình xăm. Chính sách không có hình xăm được đưa ra sau khi nhận khiếu nại từ khách hàng khi sử dụng hồ bơi.
Một nhân viên ở đó nói với The Korea Herald: "Cha mẹ của trẻ nhỏ và các thành viên lớn tuổi phàn nàn rằng, việc gặp gỡ các thành viên có hình xăm khiến họ cảm thấy khó chịu và có thể có tác động tiêu cực đến việc phát triển của trẻ em".
Chính sách không xăm hình cũng được một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng sang trọng áp dụng. Khách sạn The Westin Josun Seoul yêu cầu những khách có hình xăm lộ rõ phải che bằng miếng vá mới được vào bể bơi trong nhà.
Các quán cà phê dành cho trẻ em là một trong những nơi xuất hiện ít hình xăm nhất. Lee Si On - nhân viên bán thời gian 25 tuổi tại một quán cà phê trẻ em - luôn mặc áo phông dài tay khi đi làm do chính sách không xăm hình được áp dụng vào năm ngoái.
"Đã có những phản hồi tiêu cực từ khách hàng về việc cha mẹ có hình xăm, dẫn đến chính sách cấm hình xăm tại quán cà phê trẻ em. Không chỉ phụ huynh mà cả nhân viên cũng được yêu cầu che hình xăm khi làm việc tại đây. Nếu không, họ sẽ bị đuổi việc", cô nói.
Những người ủng hộ khu vực cấm hình xăm lập luận rằng, khi nhìn thấy người có quá nhiều hình xăm, họ thường cảm thấy không thoải mái, thậm chí là lo sợ. Đặc biệt ở khu vực bể bơi và nhà tắm công cộng, nơi mọi người thường mặc trang phục hở như bikini, áo tắm, hình xăm sẽ không thể che được. Điều này khiến nhiều những người xung quanh cảm thấy lo lắng.
Tuy nhiên, những người phản đối chính sách này cho rằng, nó cản trở quyền tự do của cá nhân. Họ cho biết, hình xăm đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng. Đối với nhiều người, đó là tuyên bố thời trang. Trong khi đối với những người khác, hình xăm có thể mang ý nghĩa sâu sắc hơn.
Vì vậy, thật không công bằng khi hạn chế nhiều người không được tham gia vào một số địa điểm nhất định chỉ vì họ có hình xăm.
Mặc kệ lệnh cấm, hình xăm vẫn phổ biến ở Hàn Quốc
Trên mạng xã hội Hàn Quốc, phần đông dân mạng đồng tình với chính sách cấm hình xăm. Họ chia sẻ, các chủ doanh nghiệp nên thực hiện những chính sách mà họ thấy phù hợp, tốt nhất là hướng tới quyền lợi cho khách hàng.
"Đó là quyền quyết định của chủ doanh nghiệp. Nếu ai đó tập luyện tại phòng tập thể dục và họ sợ những người có quá nhiều hình xăm, điều đó sẽ tạo ra cảm giác khó chịu cho khách hàng", một người để lại bình luận.
Một người khác cho hay, hình xăm không xấu. Tuy nhiên, quá nhiều hình xăm khiến họ cảm thấy sợ và không dám tiếp cận.
Không chỉ các khu vực công cộng, ngày nay, Hàn Quốc vẫn cấm nghệ sĩ biểu diễn lộ hình xăm khi xuất hiện trên truyền hình. Rất nhiều ngôi sao phải mặc áo dài tay, quấn băng để che đi tác phẩm nghệ thuật trên cơ thể mình.
Theo Koreaboo, xã hội Hàn Quốc vẫn gắn hình xăm với các băng đảng và tội phạm. Tuy nhiên, số người chọn xăm hình vẫn gia tăng đều đặn tại đất nước này.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, từ tháng 10/2021, số lượng nghệ sĩ xăm hình trong nước được ghi nhận là 350.000 người. Trong khi số người có hình xăm lên tới con số khổng lồ là 13 triệu người. Con số này dự kiến cao hơn vì nhiều thợ xăm ở xứ kim chi chọn cách lách luật, hoạt động ngầm, dù cho quốc gia này chỉ cho phép những người có giấy phép y tế trở thành thợ xăm.
Tuy nhiên, cách tiếp cận hợp pháp đối với hình xăm đang dần thay đổi với sự chấp nhận ngày càng tăng của xã hội. Chính phủ đã có dấu hiệu cởi mở trong việc xem xét cho phép những người không phải là nhân viên y tế thực hiện xăm hình.
Năm nay, nhà nước yêu cầu thực hiện một nghiên cứu để phát triển và quản lý các bài kiểm tra trình độ xăm hình cũng như xây dựng hệ thống giáo dục phù hợp để "hợp pháp hóa" hình xăm.