Cho dù còn đang đi học hay đã đi làm, kỹ năng thuyết trình sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình học tập cũng như trong sự nghiệp tương lai. Phát triển và cải thiện kỹ năng này không chỉ giúp bạn trở nên tự tin khi truyền đạt ý tưởng cho người khác mà còn làm cho sơ yếu lý lịch của bạn trở nên sáng giá giữa một loạt hồ sơ của các ứng viên khác. Vậy:
Thuyết trình là gì?
Thuyết trình là việc sử dụng lời nói, tông giọng và ngôn ngữ cơ thể của bạn để truyền tải ý tưởng, thông tin cho đối tượng người nghe.
Có 4 kiểu thuyết trình bao gồm:
- Thuyết trình thuyết phục: Ví dụ có thể là một người sáng lập startup đang thuyết trình trước một nhà đầu tư với hy vọng nhận được đầu tư hoặc một nhân viên bán hàng đang giới thiệu sản phẩm cho khách hàng;
- Thuyết trình mang tính hướng dẫn: Đây là những bài thuyết trình được đưa ra để hướng dẫn người nghe về một quy định, chính sách hoặc điều luật mới. Ví dụ, một giám đốc nhân sự có thể tổ chức một buổi thuyết trình giới thiệu để hướng dẫn nhân viên mới về các quy tắc của công ty;
- Thuyết trình cung cấp thông tin: Một ví dụ có thể là bài thuyết trình về pháp luật đại cương của giảng viên đại học;
- Thuyết trình truyền cảm hứng: Ở đây người nói nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần hoặc tăng niềm tự hào về thương hiệu tới đối tượng người nghe.
Đọc đến đây, có lẽ một vài bạn bị nhầm lẫn với khái niệm “trình bày” và nghĩ rằng hai khái niệm này là một. Không, đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Phát biểu chỉ đơn giản là đọc dựa trên bản nháp đã viết sẵn, trong khi đó thuyết trình là có sự tương tác với người nghe và cộng thêm sự hỗ trợ của video, slides,...
Kỹ năng thuyết trình quan trọng như thế nào?
Có lẽ bạn cũng đồng ý với chúng tôi rằng kỹ năng thuyết trình rất quan trọng, và nhiều người khác cũng nói như vậy. Và đây chính là 2 lý do vì sao kỹ năng thuyết trình lại quan trọng như vậy:1. Kỹ năng thuyết trình quyết định sự thành công cá nhân
Đối với nhiều cá nhân, bài thuyết trình quan trọng đầu tiên mà họ trình bày có thể là trước hội đồng tuyển chọn ứng viên. Mặc dù nó có được dán nhãn là một "cuộc phỏng vấn xin việc" nhưng bản chất thực sự chính là một bài thuyết trình.
Trong hầu hết các doanh nghiệp, công việc kinh doanh hàng ngày đòi hỏi bạn phải làm việc theo nhóm. Điều đó có nghĩa là bạn phải thường xuyên trình bày với các thành viên trong nhóm hoặc thay mặt để thuyết trình cho nhóm của bạn. Nếu bạn muốn được thăng chức, hãy tình nguyện làm việc trong các dự án và thuyết trình nhiều hơn.
2. Kỹ năng thuyết trình rất quan trọng trong kinh doanh
Có được sản phẩm ưu việt mới chỉ là một trong số hàng chục yếu tố để đảm bảo thành công trong kinh doanh, ngoài ra nó còn phụ thuộc vào khả năng thuyết trình của nhà lãnh đạo.Một ví dụ điển hình chính là Apple, khi mà iPhone 4 - một sản phẩm của Apple ra đời vào năm 2010 thì Nokia vẫn là hãng điện thoại di động đứng đầu thế giới. Và cho đến bây giờ thì Apple đã được công nhận là nhà cung cấp sản phẩm công nghệ tiên tiến hàng đầu. Điều này đạt được một phần nhờ vào công lao của Steve Jobs.
Ông được mọi người mô phỏng như một người thuyết trình xuất sắc, mỗi lần ông thuyết trình ra mắt sản phẩm mới trước công chúng đều thu về lượng xem khủng trên toàn cầu. Sự bản lĩnh của ông đã giúp Apple vượt mặt Nokia và leo lên đỉnh cao của sự nghiệp.
Hàng triệu đô la có thể thu được từ những bài thuyết trình xuất sắc như vậy. Đó chính là lý do vì sao các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải trình bày thông điệp một cách tự tin và rõ ràng trước nhân viên, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và đôi khi là công chúng.
Đọc bài:
- Teamwork - làm việc theo nhóm
- Lập kế hoạch công việc
Cách cải thiện kỹ năng thuyết trình
Có không ít người cảm thấy thiếu tự tin khi thuyết trình trước đám đông đến mức nếu được yêu cầu trình bày, ngay lập tức họ sẽ trở nên căng thẳng, nói năng lắp bắp. Để vượt qua những chướng ngại này, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn 8 yếu tố chính giúp cải thiện kỹ năng thuyết trình.1. Kết nối với khán giả trước khi thuyết trình
Để xua tan không khí căng thẳng của buổi thuyết trình cũng như thu hút sự chú ý của người nghe, trong vòng 60 giây đầu tiên, hãy hỏi khán giả một câu hỏi đơn giản về bản thân họ, sau đó yêu cầu họ trả lời bằng cách giơ tay. (“Hãy giơ tay lên nếu bạn đã từng…”).
Tại sao lại là 60 giây chứ không phải con số khác? Một nghiên cứu gần đây về khoảng thời gian chú ý trong các bài giảng cho thấy rằng: người nghe có thể mất toàn bộ sự chú ý vào bài thuyết trình nếu họ mất chú ý trong phút đầu tiên. Bằng cách đặt một câu hỏi như thế này ngay đầu buổi thuyết trình, nếu khán giả sẵn sàng giơ tay để trả lời câu hỏi, điều này có nghĩa là bạn đã thành công trong việc khơi dậy tương tác và thiết lập một kết nối nhỏ với họ rồi đấy.
Một cách đơn giản khác mà bạn có thể tạo mối liên hệ khi bắt đầu bài thuyết trình là kể một câu chuyện cười. Bản thân một trò đùa đã là một cách thông minh để tương tác với khán giả vì đó là một phản ứng tự nhiên của con người.
2. Kiểm soát tông giọng và tốc độ nói
Khi nói chuyện với người khác, giọng điệu của bạn sẽ một phần truyền đạt ý nghĩa và thái độ của bạn với người nghe. Chỉ một cụm từ đơn giản như “Tôi không biết” có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào cách bạn nói lên tông hay xuống tông. Tông giọng trong kỹ năng thuyết trình của bạn không chỉ ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận về bạn mà còn ảnh hưởng tới sự sẵn sàng lắng nghe của họ khi bạn trình bày.
Tông giọng trầm sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp hơn là tông giọng cao, đồng thời bạn cũng sẽ không bị hụt hơi khi nói nhiều. Đó là lý do vì sao nhân viên telesale được huấn luyện là phải nói chuyện với khách hàng bằng tông giọng trầm.
Tốc độ nói cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của bài thuyết trình. Nói quá nhanh thì người nghe không nắm bắt được ý chính, nói quá chậm thì lại khiến người nghe khó chịu. Vì vậy hãy ghi âm lại bài thuyết trình của mình và luyện tập tốc độ nói phù hợp nhất.
3. Luôn nghĩ mình thuyết trình rất tốt
Bạn có thể tự tạo động lực cho bản thân mình bằng cách tự “thôi miên” rằng mình thuyết trình rất tốt, mọi người đều rất thích thú với bài nói của mình. Mặc dù phương pháp này không giúp bạn giảm căng thẳng nhưng nó sẽ tiếp thêm năng lượng cho bạn khiến bạn cảm thấy phấn khích hơn.4. Làm thật tốt công tác chuẩn bị
Một người cho dù có khả năng thuyết trình tốt đến đâu nhưng không chuẩn bị trước một cách kỹ lưỡng thì vẫn có thể nói vấp hoặc không tự tin khi thuyết trình chính thức. Một khi tập dượt nhiều lần và dành thời gian chỉnh sửa những phần chưa được ổn, bạn có thể giảm thiểu 75% nỗi sợ, ngay cả khi đây là lần đầu tiên bạn nói chuyện trước đám đông.5. Thả lỏng cơ thể
Như chúng tôi đã chia sẻ trong phần Kỹ năng thuyết trình là gì, một bài thuyết trình thành công không chỉ dựa vào giọng nói mà còn dựa vào ngôn ngữ cơ thể. Vì vậy trước khi phát biểu, hãy thả lỏng cơ thể bằng cách hít một hơi thật sâu, ưỡn ngực, thẳng lưng, hơi đưa vai ra sau. Làm như vậy chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mình thoải mái và tự tin hơn rất nhiều.
6. Quan sát và học hỏi
Hãy quan sát phong thái thuyết trình trước đám đông của MC hoặc bất kỳ ai mà bạn yêu thích để học hỏi cách họ lên giọng, xuống giọng, cách họ nhấn nhá thông tin quan trọng cũng như cách mà họ tương tác với khán giả của mình.
7. Coi khán giả như bạn bè
Đây cũng là một cách tự “thôi miên” bản thân vô cùng hiệu quả. Đôi khi bạn cảm thấy vô cùng tự tin, nhưng chỉ cần nhìn xuống phía dưới thấy hàng trăm gương mặt xa lạ và hàng trăm con mắt đang đổ dồn về phía mình thì tự tin bỗng bay sạch, thay vào đó là sự sợ hãi. Vì vậy bạn có thể coi họ như những người bạn của mình, bạn không phải đang thuyết trình mà chỉ đơn giản là chia sẻ kiến thức với họ thôi.8. Không học thuộc quá cứng nhắc
Bạn nhất định không nên học thuộc cứng nhắc từng câu từng chữ trong bài, mà chỉ nên học ý chính và diễn đạt lại theo văn phong của mình là được. Kỹ năng thuyết trình theo kiểu máy mọc như vậy vừa không tự nhiên, lại vừa dễ vấp. Chỉ cần bất chợt một giây phút nào đó bạn quên mất mình định nói gì, người bạn bỗng dưng cứng đờ như bị điểm huyệt và không thể nhớ ra nội dung phần còn lại là gì. Như vậy buổi thuyết trình hôm đó của bạn được coi là thất bại.
Những yếu tố tạo nên phần thuyết trình hay
Một bài thuyết trình được coi là thành công tốt đẹp nếu:
- Người thuyết trình có phong thái tự tin, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể;
- Phần mở đầu tương tác tốt với người nghe, gây ấn tượng mạnh;
- Nội dung slide dễ hiểu, không quá nhiều chữ;
- Slide sử dụng thống nhất một tông màu và một font chữ;
- Nội dung thuyết trình đi vào trọng tâm, không lan man dài dòng;
- Giọng nói dễ nghe, không phát âm sai chính tả;
- Thời gian kéo dài không quá 20 phút: Theo nguyên tắc 10-20-30, bài thuyết trình chỉ nên gói gọn trong vòng 20 phút, trong đó: 1 phút giới thiệu, 4 phút đưa ra chủ đề chính của bài thuyết trình và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó, 13 phút cung cấp thông tin và 2 phút kết luận;
- Phần kết thúc tổng hợp lại được nội dung chính của bài.
Để có được kỹ năng thuyết trình tốt, chắc chắn bạn sẽ phải trải qua quá trình nỗ lực và rèn luyện không ngừng. Chỉ cần thực hành theo 8 thủ thuật mà chúng tôi đã gợi ý trong bài viết này, bạn không chỉ cải thiện kỹ năng thuyết trình trước đám đông mà còn có nhiều khả năng trở thành một MC chuyên nghiệp được nhiều người yêu thích. Hãy luyện nói trước đám đông ngay hôm nay, nó sẽ mang lại cho bạn sự tự tin và thành công hơn trong tương lai.