Trong quá trình viết bài về Chủ nghĩa tối giản (Minimalism) và Du lịch gọn nhẹ (Travel light), tôi nhận được nhiều phản hồi từ độc giả về khó khăn khi tối giản hoá các sản phẩm làm đẹp của mình. Dường như mọi người có thể sẵn sàng thanh lọc hàng chục cân quần áo, giày dép nhưng lại không thể nào cắt bớt “bộ sưu tập” kem dưỡng da, phấn trang điểm, son môi… của mình. Tôi hiểu điều này. Tôi từng là “fan” hâm mộ của phương pháp dưỡng da 10 bước của Hàn Quốc; có những lúc bồn rửa mặt ngập đủ các loại chai lọ, mỗi lần đi du lịch là phải mang theo từng ấy chai, rồi tiếp tục bày ra như chơi đồ hàng ở khách sạn. Nhiều lúc đi xa cần ở nhờ nhà người khác, mỗi sáng lôi ra một đống chai lọ lỉnh kỉnh ngại vô cùng! Trang điểm cũng vậy, mặc dù không phải ngày nào cũng trang điểm, tôi từng mua về “thử nghiệm” rất nhiều loại phấn má, son môi đủ màu, dùng xong không hết lại để đó, rồi đi mua sắm hoặc lướt internet thấy loại nào hay hay, review tốt lại tiếp tục mua mang về. Mặc dù biết mua sắm những món đồ làm đẹp rất tốn kém, bản thân lại không dùng hết công suất sử dụng, khó lựa chọn (vì quá nhiều loại), mà chưa chắc tốt cho da (vì dùng nhiều loại sản phẩm cùng một lúc), nhưng với tâm lý “tiếc của”, tôi vẫn ôm đồm đủ các món, hết tích trữ ở nhà lại tha lôi đến chỗ đi du lịch.
Mãi cho đến mùa hè năm ngoái, sau một lần đi dã ngoại, da mặt tôi bị kích ứng rất nặng, càng bôi trát nhiều lớp dưỡng da thì càng làm hiện tượng kích ứng nặng thêm. Ngay lập tức, tôi giảm quy trình dưỡng da xuống còn 3-4 bước cơ bản thì da bắt đầu dịu hẳn lại. Nhưng phải đến khi chuyển toàn bộ sản phẩm chăm sóc da sang loại thiên nhiên, hữu cơ (natural, organic) thì ảnh hưởng của kích ứng da mới hoàn toàn biến mất. Từ đó, tôi lược bỏ hầu hết các loại chai lọ, sản phẩm trang điểm thừa thãi, giảm bước chăm sóc da xuống còn 3 bước cơ bản, tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Hiện nay, mặc dù thời gian chăm sóc da cắt xuống còn một nửa so với trước đây, tôi lại cảm thấy da mặt mình tốt hơn trước rất nhiều, luôn bóng khoẻ dù có trang điểm hay không.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc quy trình dưỡng da và trang điểm tối giản mà tôi đang áp dụng hàng ngày. Bài viết này không chỉ phù hợp với những bạn muốn thử nghiệm lối sống tối giản mà còn cho cả những ai muốn sửa soạn bộ đồ làm đẹp của mình gọn nhẹ hơn, tiện ích hơn khi đi du lịch. Một lưu ý nhỏ cho mọi người trước khi đọc là vì tôi không phải là “beauty blogger”, những lời khuyên và sản phẩm làm đẹp tôi đưa ra ở đây đều dựa vào kinh nghiệm cá nhân của mình. Tôi không phải là chuyên gia làm đẹp, cũng không được tài trợ để viết bài quảng cáo sản phẩm. Bạn đọc nên sử dụng bài viết này để tham khảo, tuỳ vào thể trạng da mặt và phong cách của mình để cân nhắc chọn lựa các sản phẩm phù hợp.
Chăm sóc da
Chăm sóc da mặt là một trong những điều tôi yêu thích nhất! Cảm giác được về nhà sau một ngày dài làm việc, táp nước ấm vào da mặt, rửa đi lớp trang điểm, bụi bẩn, dầu mỡ, chạm ngón tay thoa kem dưỡng vào làn da man mát… thật dễ chịu. Chồng tôi vẫn hay hỏi đùa: “Em đang ‘thiền’ trong nhà tắm đó hả?” nhưng thật đúng là như vậy, chỉ vài phút ít ỏi chăm sóc da vào mỗi tối thôi cũng khiến tôi cảm thấy bình yên và thư giãn thêm nhiều. Dưới đây là 3 bước chăm sóc da tối giản với các sản phẩm thiên về hữu cơ, thiên nhiên mà tôi yêu thích nhất:

1. Làm sạch da
Đây là bước quan trọng nhất để có một làn da khoẻ mạnh. Đừng bao giờ bỏ qua bước này!
- Nếu bạn có trang điểm (dù ít hay nhiều), luôn phải tẩy trang bằng sản phẩm chuyên dụng! Tôi thường sử dụng phương pháp double cleansing - rửa mặt hai lần bằng hai sản phẩm khác nhau - để chắc chắn tẩy sạch hết các lớp trang điểm. Hai sản phẩm này thường là (1) Dầu thiên nhiên, nguyên chất - thoa trực tiếp hoặc dùng bông trang điểm lau lên da khô để làm tan chảy lớp trang điểm; (2) Nước hoặc sữa tẩy trang có nguồn gốc thiên nhiên, không gây kích ứng. Loại dầu tôi thích nhất là dầu dừa của Trader Joe’s - thông thường được bày bán trong một hũ thuỷ tinh lớn nhưng mới đây có thêm loại túi nhỏ (như hình) rất tiện cho du lịch. Nước tẩy trang thì tôi thích loại của Neutrogena (như hình) hoặc của Simple vì không có hoá chất mạnh và hình thức nhỏ gọn, tiện mang đi du lịch. Tất cả các sản phẩm này đều được bày bán rộng rãi, giá cả cũng rất bình dân.
- Nếu không trang điểm, bạn vẫn cần làm sạch da để tránh bụi bẩn, dầu mỡ bám sâu trong da. Tôi thường dùng sản phẩm rửa mặt thiên nhiên của Lush (như hình) hoặc của Juice Beauty.
- Khoảng 2 lần/tuần, nên tẩy da chết cho mặt và môi một lần - điều này là cần thiết để tái tạo da và để da hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Sản phẩm tẩy da chết cho mặt tôi thích nhất hiện nay là của Lush và Fresh, còn tẩy da chết cho môi có thể tự chế bằng trộn hỗn hợp đường nâu và mật ong, hoặc dùng thỏi son (như hình) của ELF
2. Chuẩn bị cho da
Đây là giai đoạn mà các loại 7 bước, 10 bước dưỡng da của Hàn Quốc hay chèn vào rất nhiều sản phẩm. Sau một thời gian dài “cuồng nhiệt” với phương pháp này, tôi nhận ra chỉ 1-2 sản phẩm là đủ và hiệu quả cho làn da khoẻ mạnh.
- Bạn có thể chọn 1-2 trong các sản phẩm sau đây để chuẩn bị cho da: essence, toner, serum, hoặc dầu dưỡng. Tôi thường sử dụng toner nước hoa hồng của Lush (như hình), dầu dưỡng da nguyên chất, hoặc serum/essence chiết xuất thiên nhiên. Nếu có nốt mụn hay vết mẩn đỏ cần điều trị, bạn có thể bôi thêm kem đặc trị cho riêng phần da đó.
- Khoảng 2 lần/tuần, nên đắp thêm mặt nạ dưỡng da. Mặt nạ giấy (sheet mask) thì rất dễ dùng, chỉ để lên mặt 15-20 phút rồi lấy ra là được, rất tiện cho du lịch. Nhưng loại tôi thích nhất là mặt nạ mật ong (tự chế tại nhà với loại mật ong nguyên chất, có chất lượng tốt như Manuka Honey) và mặt nạ thiên nhiên (fresh mask) của Lush.
3. Dưỡng ẩm da
Đây là bước không thể thiếu của bất kỳ chu trình chăm sóc da nào. Chỉ cần chọn 1 và chỉ 1 loại kem cho bước này, theo tôi, là quá đủ. Khoảng 1 năm nay, tôi dùng kem dưỡng da có chức năng hạn chế/làm mờ vết nhăn của Juice Beauty (như hình) - không bao giờ là quá sớm để ngăn chặn lão hoá da. Dưỡng ẩm bằng các loại dầu thiên nhiên cũng rất tốt, nhưng chỉ nên sử dụng loại dầu nguyên chất, hữu cơ, chất lượng cao. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn nên dùng thêm kem dành riêng cho mắt ở bước này để chăm sóc vùng da nhạy cảm quanh mắt và ngăn chặn nếp nhăn sớm.
*** Như bạn đọc có thể thấy, toàn bộ các sản phẩm dưỡng da nêu trên (bao gồm tất cả các bước) đều có thể thu lại trong 1 túi trang điểm nhỏ. Mỗi lần cần đi du lịch, không cần đau đầu cân nhắc gì, chỉ vơ vào túi là đã có thể lên đường! Nếu bạn nào muốn có thêm gợi ý về bộ dưỡng da dùng khi đi trên máy bay, bạn có thể tham khảo thêm bài viết này của một người bạn tôi trên The Blue Expat podcast.
Trang điểm
Trang điểm từ trước đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi của những người theo phong cách sống tối giản. Nhiều người cho rằng trang điểm là thừa thãi vì “tô vẽ” lên mặt không thực sự cần thiết. Do vậy, những người tôn vinh lối sống tối giản nên tập trung tiền bạc và thời gian đầu tư vào những cái khác có ý nghĩa hơn. Điều này không hẳn là không có lý, đúng là phần đông con người vẫn có thể sống tốt nếu không có trang điểm, nhưng đối với nhiều người, trang điểm mang lại niềm vui, sự hứng khởi, và tính sáng tạo - khi đó, trang điểm lại là thứ cần thiết để cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Mặc dù là một trong những người thường xuyên để “mặt mộc” ra đường, tôi thích trang điểm. Tôi thích quá trình sửa soạn đồ trang điểm mỗi sáng, thích được sáng tạo lên chính gương mặt mình, thích mỗi ngày là một hình ảnh khác lạ. Tôi nghĩ trang điểm không có gì là trái với lối sống tối giản, nếu bạn kiểm soát được số lượng đồ trang điểm của mình và trang điểm thực sự tạo niềm vui cho bạn.
Nhưng nếu bạn thực sự không quan tâm gì đến trang điểm, thứ duy nhất tôi khuyên bạn sử dụng hàng ngày là kem chống nắng. Ánh nắng mặt trời có tác động rất mạnh đến quá trình lão hoá của làn da - những tác động này rất sâu và có ảnh hưởng trong thời gian dài. Vì vậy, dù có trang điểm hay không trang điểm, hãy thường xuyên sử dụng kem chống nắng có độ SPF cao khi hoạt động ngoài trời.
Còn nếu bạn thích trang điểm nhưng vẫn đang loay hoay tìm cách tối giản hoá bộ “đồ nghề” của mình, tôi khuyên bạn nên sử dụng các sản phẩm 2-3 trong 1 (ví dụ, kem nền/phấn phủ có SPF chống nắng, soi môi có thể dùng làm màu má). Như vậy, bạn không cần sở hữu quá nhiều sản phẩm, không phải chọn lựa khó khăn trong khi có ít thời gian sửa soạn, có thể mang đi du lịch dễ dàng, mà trong khi đó vẫn có thể trang điểm được toàn bộ gương mặt hoàn hảo.

1. Kem nền
Với lựa chọn tối ưu “2-3 trong 1”, tôi thích những loại kem nền có độ che phủ vừa phải, trông vẫn giống da tự nhiên, có chức năng dưỡng ẩm cho da, và nhất thiết phải có SPF chống nắng. Đối với tôi, những loại kem nền dạng BB cream hay CC cream (loại kem có chất dưỡng cao, che phủ nhẹ) là phù hợp với hầu hết mọi hoàn cảnh (sinh viên đi học, công nhân viên chức công sở, họp hành, đi chơi hàng ngày…). Nếu cần kem nền có độ che phủ nhiều hơn hoặc cần trang điểm khác lạ hơn, bạn vẫn có thể dặm lên lớp BB/CC cream này một lớp kem nền khác. Tôi thích các loại BB/CC cream có nguồn gốc thiên nhiên của Juice Beauty (như hình) và của một số hãng Hàn Quốc.
2. Phấn phủ
Nhiều người có thể cho rằng phấn phủ là không cần thiết (đặc biệt nếu sử dụng BB/CC cream) nhưng tôi luôn dùng phấn phủ để lớp trang điểm được giữ lại lâu hơn và da mặt không có cảm giác nhờn, dính. Cũng với tư duy “2-3 trong 1”, tôi thường lựa chọn loại phấn phủ nhẹ, có nguồn gốc thiên nhiên, có SPF chống nắng. Theo kinh nghiệm của riêng tôi (là một người da hỗn hợp thiên dầu), phấn phủ dạng nén có cảm giác tiệp vào da hơn và giữ được lâu hơn, nhưng phấn phủ dạng bột kiềm dầu hơn, không có tình trạng da mặt bóng nhờn sau vài tiếng hoạt động ngoài trời.
3. Phấn má
Phấn má có thể không cần thiết với mọi người nhưng cá nhân tôi luôn thích sử dụng phấn má. Tôi thích cảm giác lần đầu quệt phấn lên mặt, màu sắc nổi lên sặc sỡ không khác gì “cô hề” nhưng càng dùng chổi tán, phấn càng nhạt đi và tự nhiên hơn. Hồi còn ở Việt Nam, tôi hầu như không bao giờ dùng phấn má, nhưng từ khi sang Mỹ với khí hậu lạnh, khô, tôi cảm giác phấn má mang lại cho gương mặt vẻ hồng hào, ấm áp, tươi tắn hơn. Như đã viết phía trên, nếu muốn tối giản hoá triệt để phấn má, bạn có thể mua loại sản phẩm dùng cho cả môi và má với màu sắc nhẹ nhàng để tiện dùng trong mọi trường hợp.
4. Mắt
Tôi thường chỉ mang theo 3 sản phẩm duy nhất liên quan đến mắt: kẹp mi, mascara, và chì kẻ lông mày vì theo tôi, đây là những thứ thiết yếu nhất. Tôi cũng thường phải đeo kính để đọc sách và làm việc nên không có nhiều nhu cầu trang điểm mắt quá lộng lẫy. Nếu bạn có sở thích, thời gian, và điều kiện, bạn có thể mang thêm sản phẩm kẻ mí mắt và các loại màu mắt tuỳ chọn.
5. Môi
Loại son môi tôi thích nhất là loại vừa có chất dưỡng môi, vừa có màu, vừa có SPF chống nắng (lại là 3 trong 1!). Tôi thích son môi dòng dưỡng của Fresh (như hình) vì bảng màu đa dạng, có tính chất dưỡng tốt, chiết xuất thiên nhiên. Đối với tôi, son môi là thứ không thể thiếu. Là một người không thường xuyên trang điểm và đôi khi quá bận để quan tâm đến hình thức, tôi cảm thấy dù phải ra đường với “mặt mộc” hoàn toàn, chỉ cần nhanh tay bôi son môi, gương mặt đã có thể trở nên tươi tắn hơn nhiều. Vì vậy, nếu phải chọn duy nhất một món đồ trang điểm để mang đi xa, tôi sẽ chọn son môi.
*** Tương tự như bộ đồ dưỡng da, toàn bộ các sản phẩm trang điểm (kèm theo cọ trang điểm) đều có thể để gọn vào một cái túi nhỏ để mang theo khắp mọi nơi. Đây cũng là những món đồ tôi sử dụng hàng ngày và cảm thấy có thể ứng dụng ở hầu hết mọi nơi và mọi thời điểm. Tất nhiên, với công nghệ make-up hiện đại như ngày nay, có rất nhiều loại sản phẩm khác và phong cách trang điểm đa dạng khác để khám phá và thử nghiệm. Nhưng điều quan trọng, theo tôi, là bạn nên cảm thấy vui khi trang điểm mỗi ngày, nếu bạn cảm thấy trang điểm là một công việc bắt buộc phải làm, mệt mỏi, bức bối thì đó là là dấu hiệu nên thay đổi.
Tôi hy vọng bài viết này giúp bạn tối giản hoá các sản phẩm làm đẹp của mình và có những lựa chọn tối ưu nhất cho các chuyến du lịch gọn nhẹ sắp tới. Nếu bạn có những sản phẩm làm đẹp nào thuộc dạng “must-have”- thiết yếu trong bộ đồ dưỡng da và trang điểm của mình thì hãy comment phía dưới cho tôi nhé! Tôi rất muốn được học hỏi thêm về chủ đề này ?
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog