Với tôi, cánh đồng làng đã trở thành một phần của cuộc sống, của tâm hồn và những kí ức chưa xa. Đôi lúc, đồng lúa còn hiện về trong giấc mơ chập chờn bảng lảng. Một chiều chạy xe máy qua bên kia sông, đi ngang qua cánh đồng, tôi ngỡ ngàng và như reo lên: đồng quê ơi - mùa lúa chín!
Thu về, nắng ươm vàng con ngõ, nắng rải mật non cao, nắng sà xuống cánh đồng đùa vui nhảy múa. Nắng thu không còn oi bức chang chang mà thanh nhẹ nồng nàn, vấn vương hương sắc của bao loài hoa trái. Cái nắng vừa đủ vàng tươi vỏ bưởi, nồng thơm hương thị cuối vườn, giục giã lúa ngoài đồng chín nhanh trước khi mưa về, gió đến. Trước mặt là cánh đồng ở miền sơn cước, nơi tôi đang sống, tuy không rộng đến mênh mông bát ngát nhưng cũng đủ tạo thành mảng ghép thật đẹp cho bức tranh vùng quê phố núi sương giăng.
Nhớ hôm nào, cánh đồng mới vừa gieo sạ. Mùi bùn đất phù sa thơm nồng còn ấp ủ mầm non. Những ngày hè, “cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ”, nơm nớp lo cái nắng khắc nghiệt ở miền Trung khiến cho thân lúa cỗi cằn. Ơn trời và công người đã giúp lúa tốt tươi, mát xanh tầm mắt. Đến nay, đứng nhìn từ phía xa xa, tôi ngỡ như nắng thu tan vào lúa chín, tạo nên màu sắc rực vàng, vui tươi no ấm. Buổi chiều bóng xế, chạm tiết thu phân, cơn gió mát thổi từ phía bờ sông ngang qua cánh đồng làm dập dềnh sóng lúa. Mùi hương lúa chín, mùi rơm rạ cũng theo gió đi hoang. Thứ mùi thân quen ấy cứ phả vào hồn tôi, gợi lại những dư âm ngọt ngào của tháng ngày xưa cũ. Vụ hè thu, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, mọi người tất bật cắt phơi, tiếng nói cười rộn ràng xen lẫn tiếng máy nổ giòn vang. Nhờ có máy cắt liên hợp nên công việc của bà con cũng nhẹ nhàng, nhanh chóng. Tầm vài hôm là xong mùa vụ, không giống như xưa lắm nỗi nhọc nhằn! Tận dụng không gian sẵn có, người ta trải bạt phơi lúa dưới nắng thu vàng rực. Nhìn hạt lúa căng bóng, khô giòn rồi sẽ theo về với người, trở thành hạt gạo trắng trong, cho cơm dẻo thơm, cho bánh ngọt bùi mà càng thêm yêu quý đồng quê.
Tôi rời quê đi học rồi đi làm, đã lâu không làm ruộng nữa. Nhưng công việc này tôi thành thạo từ nhỏ. Nhớ mỗi mùa lúa chín, sáng đi học, chiều là bọn trẻ ùa ra đồng để phụ giúp cha mẹ. Hồi đó chưa có máy cắt, dùng liềm để cắt lúa, cột thành bó rồi gánh vào sân kho của hợp tác, đợi chờ máy tuốt. Trước nữa, còn đập lúa bằng kẹp tay, phơi giũ rơm rồi cho bò đạp lại, nói chung rất vất vả. Vì làm thủ công nên rất chậm, phải mất nhiều ngày mới cắt xong cánh đồng làng. Sợ mưa gió, mấy nhà gần nhau rủ làm vần công, nay cắt nhà này, mai sang làm nhà khác. Cha tôi có cả quyển sổ để ghi chép công cắt lúa cho nhà ai, ngày nào, chứ nhiều quá không nhớ nổi. Về sau, tự cắt rồi cộ bò chở lúa bó về nhà, máy đến tại sân tuốt cho tiện lấy rơm. Nhìn cha mẹ và bà con làm ruộng, tôi càng thấm thía câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”!
Bọn trẻ chúng tôi rất yêu thích mùa lúa chín, nhất là vụ hè thu tháng Tám. Mùa này, mấy đám ruộng rộc bị trũng nước nên nhiều cua lắm cá. Cá duỗi dưới bùn non chân rạ, tụi trẻ quậy bùn để cá ngoi lên là bắt. Cá rô, cá sặc, cá trê, cá tràu bị say bùn, chúng lờ đờ nên chẳng thoát được chín mười đôi mắt trẻ đang chăm chăm nhìn. Đồng lúa xưa, cá cua nhiều vô kể, chẳng khó khăn gì để có nồi cá đồng nấu canh chua hoặc kho với lá gừng, củ sả.
Vui nữa là rượt bắt chim trong ruộng lúa. Mùa này, nguồn thức ăn dồi dào nên chim óc cau, cúm núm, se sẻ… rủ nhau về đồng, con nào cũng mập ú nu. Rượt chạy rất hăng chứ không dễ gì bắt được chim. Hồi đó tôi chẳng thấy ai bẫy chim theo cách tận diệt, người lớn nhắc nhở bảo vệ chim trời và đặc biệt là không ai bắn hoặc bắt cò trắng trên đồng. Có lẽ con cò hiền từ, chịu thương chịu khó, gắn bó với đồng quê giống như người nông dân lam lũ, cho nên ai cũng yêu quý chúng. Chiều quê, nhìn cánh cò trắng muốt sải cánh nhịp nhàng trên đồng lúa, đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, đàn chim đậu sà xuống ruộng rồi bay vút lên hót vang lảnh lót, nỗi nhọc nhằn như tan biến trước hoàng hôn, cảm được lòng mình cũng thanh thản tin yêu hơn để đón chờ sớm mai ngày mới!
Ngày nay, điều kiện cuộc sống khấm khá hơn nhiều so với trước. Việc làm ruộng của người nông dân cũng đỡ phần cơ cực hơn. Không thấy một đứa trẻ nào lam lũ, đội nón cời đi mót lúa như xưa. Các em lo học hành thật tốt chính là đáp đền công ơn của cha mẹ rồi.
Tôi cứ miên man về một cuộc dạo chơi trong ý nghĩ, được tới những đồng lúa chín vàng trên khắp mọi miền Tổ quốc yêu thương. Từ những thửa ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, Tây Nguyên cho đến những cánh đồng cò bay thẳng cánh ở tít tận phương Nam, rồi trở về với từng cánh đồng miền Trung yêu quý, đâu đâu cũng mang vẻ đẹp rất riêng của đất trời và con người bản xứ.
Tôi gửi lại tuổi thơ trong mùa lúa chín, với rạ rơm vương khắp đường làng, với rộn ràng những thanh âm quen thuộc, với bao hình ảnh thân thương ắp đầy miền thương nhớ. Cánh đồng mùa lúa chín là nơi lưu giữ nhiều giá trị tinh thần, nhiều kí ức ngọt lành, no ấm. Và biết đâu một ngày, những đứa con xa làng, gặp lúc chênh chao giữa dòng đời, tâm hồn của họ sẽ được vỗ về nâng đỡ từ chính cánh đồng quê mùa lúa chín!