Cánh Đồng Bất Tận
Tên phim: Cánh Đồng Bất Tận
Đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình
Diễn viên: Dustin Nguyễn, Đỗ Hải Yến, Lan Ngọc, Võ Thanh Hòa, Tăng Thanh Hà, Mỹ Uyên
Watching Cafe: ★★½☆☆
Thương quá, những phận người
.…Mình vẫn còn nhớ rất rõ cái cảm giác sau cùng còn đọng lại khi đọc từ đầu đến cuối truyện Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư - một nỗi đau buốt nhói và sợ hãi đến rùng mình. Và cũng còn nhớ, rằng đã có ý kiến dư luận cho rằng Nguyễn Ngọc Tư đã viết về mảnh đất miền Tây quá tàn nhẫn, viết về những phận người quá tuyệt vọng. Nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần tràn ngập trong tác phẩm của chị, đến nỗi mà, dù tôi tin rằng chị viết từ hiện thực, thì vẫn sợ hãi đến vô cùng. Sức mạnh và sự lan tỏa của Cánh Đống Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư khi ấy đã khiến những ý muốn chuyển thể truyện của chị thành kịch thành phim tuy sôi nổi nhưng cũng đầy ngần ngại.
Bẳng đi cả mấy năm, bộ phim chuyển thể từ tác phẩm này của chị mới có thể ra mắt công chúng.
Và mình đã chuẩn bị xem với những dư vị đau buốt còn sót lại từ truyện, đã chuẩn bị tinh thần để gánh chịu một cơn đau rất gần với sự tàn khốc. Nhưng hóa ra lại không như thế. Rốt cuộc thì đã khóc thật nhiều, nước mắt cứ tự nhiên rơi xuống, nhưng đã không khóc vì “đau”, mà là đã khóc vì “thương”.
Sao có thể thương đến như vậy, những khung cảnh chông chênh sông nước, những cánh đồng xa xôi tít mù mênh mang sắc vàng ngả màu tàn úa, hiện ra trên lớp nhạc đệm buồn bã mà dịu dàng. Có thể nào xót đến vậy, khi Sương trầm mình trong đồng sen rộ, tự tay lấy đi lớp keo dán sắt nhỏ vào cửa mình bởi những người đàn bà bị cô cướp mất chồng và cả tiền. Sao mà không đành như vậy, khi phải chứng kiến cảnh Điền đi trên đồng, nước mắt sống cứ chảy ra trên gương mặt lem luốc. Rồi cả sự tủi thân trong từng câu nói chanh chua của Sương: “Chị làm gái chứ làm gì”, “Chị chịu đau quen rồi, đàn bà gặp nhau, đụng hàng”, nỗi uất ức của những người đàn bà bỏ xứ theo đuổi những người đàn ông lang thang khắp cái xứ gió chướng oi nồng. Mỗi một cánh đồng đi qua, mỗi một chặng đời thay đổi. Một người cha vì gốc rễ hận thù đã luôn im tiếng với hai đứa con thơ, hai chị em Nương và Điền lúc nào rụt rè sợ hãi, không dám yêu ai và để ai yêu. Một người đàn bà cố gắng sống mạnh mẽ giữa những tủi nhục đắng cay và nỗ lực dạo dựng tình thương cho những đứa trẻ đã cưu mang mình. Một người đàn bà bỏ chồng, một người khác lại bị chồng bỏ. Cỏ voi rạp cả một bãi dài sau cơn gió đồng thốc tới, những bầy cò bay tứ tán lên bầu trời lúc chiều tà, bầy vịt lang thang qua các bờ các rạch, và đời người cũng lang thang qua các bờ các rạch.
Đỗ Hải Yến đã diễn một vai Sương đẹp đẽ. Đẹp từ ngoại hình mặn mòi mà gân guốc, đến cử chỉ dáng đi, đến những dằn vặt nội tâm biểu cảm qua đôi mắt. Giọng Bắc của cô khi vào phim lại trở thành một điểm mù chơi vơi, một ngóng trông xa xăm về nơi Sương ra đi, và khi cái giọng ấy bình thản cất lên những câu hơi điệu đà mà nghe mà phát tội với chị em Nương, mình cũng bỗng nhận ra mình thương người phụ nữ này. Thương biết mấy cái bình thản trước những cử chỉ ác độc người ta dành cho cô, nhưng càng thương hơn khi cô bảo vệ Nương, Điền và gia đình trôi nổi ấy theo cách riêng của mình. “Làm gái chứ làm gì.” Và rồi thì cô ra đi, giữa đồng mênh mang nổi gió và lối mòn lút chìm trong đám cỏ cao quá lưng người.
Và những nhân vật khác cũng thật trọn vẹn. Dustin Nguyễn với nét diễn lầm lì đã tạo dựng lên một ông Võ đầy thù hận mà cũng thật là yếu đuối. Một người đàn ông thờ ơ với chính cuộc đời mình và thờ ơ với cuộc đời của hai đứa con nhỏ. Một người đàn ông từ khi vợ bỏ đi đã không còn tin vào bất cứ một người đàn bà nào nữa. Với ông, tất cả những người đàn bà đi cùng ở những chặng đồng khác nhau chỉ là đi theo. Và khi họ gặp nhau, bẽ bàng làm vậy, ông chỉ bình thản nói: “Cô ta hả? Thì cũng đi theo như cô thôi, mà có điều đi theo trước.” Lòng những người đàn bà kia chua xót, còn ông thì vẫn thờ ơ.
Cho đến khi Sương bỏ đi, rồi thì cả Điền cũng bỏ đi, sự sống trong lòng ông Võ mới nhen lên trở lại. Trước đó, trong cái hoang hoải vô biên của bảy năm ròng rã trôi trên những triền đồng úa, ông chỉ sống bởi hận thù.
Nương và Điền cũng là hai nhân vật được thể hiện rất tròn trịa và giàu cảm xúc. Hai chị em nương tựa nhau, sợ hãi đến nỗi ngay cả trồng cây cũng không dám, vì trồng thì lúc ra đi sẽ nhớ rồi làm sao. Nương vị tha và nhân hậu, Điền cứng cỏi và đau một nỗi đau sâu sắc từ cái này em chảy nước mắt sống lần đầu tiên khi chứng kiến má mình phản bội. Điền yêu Sương, một tình yêu lạ lùng và tội nghiệp. Điền đi tìm Sương khi chị bỏ đi, rồi Điền cũng biến mất. Chẳng ai biết Điền đã đi đâu trên những cánh đồng bất tận.
Chuyện phim được kể ra nhẹ nhàng hơn tác phẩm gốc. Có lẽ là vì ngôn từ văn học có sự sắc sảo riêng biệt, và cả cái sức mạnh khổng lồ chứa trong từng con chữ khiến người ta dễ đau đến thắt lòng. Nhưng còn phim ảnh thì khác: khung hình trải rộng ra, hoang vắng nhưng đằm thắm lạ lùng, mạch phim cũng được thể hiện thật chậm rãi, và kết thúc thì xúc động và nhẹ nhõm hơn hẳn truyện. Nỗi đau ở đó, chua xót ở đó, nhưng không có cái “rùng mình” của Nương sau cơn bạo hành, và chỉ còn lại lòng nhân hậu của Nương, sự bao bọc che chở của người cha cùng một hy vọng tương lai cho đứa trẻ đang thành hình.
Nương đặt tên đứa con trong bụng em là “Thương”. Người miền Nam không nói “yêu”. Người miền Nam, khi để nói về “yêu” hay “cảm thông” hay “đau xót” đều dùng một cụm từ “Thương quá”. Cánh Đồng Bất Tận chính là chữ “thương” này đây. Chẳng thể nào diễn tả cho rõ ràng tường tận cái “thương” ấy được. Có chua xót, có đắng cay, có tha thứ, có bao dung. Tất cả đều dồn hết vào một chữ thương. Thương lắm, thương lắm, thương đến phát khóc.
Quỳnh Như