Phì đại cuốn mũi là một trong những bệnh lý về tai mũi họng gây ảnh hưởng đến khả năng hít thở bình thường và chất lượng không khí đi vào phổi của bệnh nhân. Vì nhiều tác động gây khó chịu trong cuộc sống, người bệnh thường chọn phẫu thuật cắt phì đại cuốn mũi và không khỏi thắc mắc cắt phì đại cuốn mũi có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm thêm thông tin qua bài viết sau.
Phì đại cuốn mũi là gì?
Cuốn mũi là những tấm xương dài nhô vào trong hốc mũi chúng ta được chia thành 3 cuốn là cuốn mũi trên, cuốn mũi giữa, cuốn mũi dưới có chức năng nhận biết mùi, làm sạch làm ấm làm ẩm không khí khi đi qua mũi.
Phì đại cuốn mũi, phì đại cuốn mũi dưới và cuốn mũi phì đại đều là những khái niệm dùng để mô tả về một tình trạng mô ở thành bên (bên ngoài) của mũi quá lớn làm cuốn mũi bị sưng to lên một cách bất bình thường gây tắc nghẽn mũi và tăng nguy cơ các mắc các bệnh khác về mũi, họng.
Các thành phần mô học dưới cuốn mũi bao gồm nhiều nhóm mạch máu phong phú và cuốn mũi có thể bị sưng, phù nề, to lên do nhiều yếu tố bao gồm dị ứng, cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm nhiễm do tiếp xúc, hít phải hóa chất lâu ngày, mang thai hoặc không rõ lý do.
Một số triệu chứng thường gặp của phì đại cuốn mũi
Một số triệu chứng của chứng phì đại cuốn mũi xuất hiện vì tình trạng sưng cuốn cuốn mũi sẽ ngăn luồng khí đi vào mũi bao gồm:
- Thường xuyên chảy nước mũi gây cảm giác nghẹt mũi.
- Khó thở khi hít vào.
- Ngủ ngáy.
- Thường xuyên chảy máu cam.
- Gây viêm xoang thường xuyên.
- Suy giảm khả năng ngửi, suy giảm khứu giác.
Những chỉ định cắt phì đại cuốn mũi
Có rất nhiều phương pháp điều trị phì đại cuốn mũi và không phải lúc nào phì đại cuốn mũi cũng được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Nếu phì đại cuốn mũi ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, không gây ra những tình trạng quá nghiêm trọng, các bác sĩ có thể sẽ cho bạn điều trị với các thuốc xịt mũi có chứa steroid nhằm giảm viêm niêm mạc, chống phù nề. Kèm theo đó là loại bỏ các yếu tố vật lý và hóa học gây kích ứng, hóa chất, khói thuốc lá, căng thẳng. Nếu tình trạng của bệnh không cải thiện và có một trong các triệu chứng, dấu hiệu sau, phương pháp phẫu thuật sẽ được đưa ra và cân nhắc thực hiện.
Những dấu hiệu cần chỉ định phẫu thuật là:
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi thường xuyên, kéo dài do phì đại cuốn mũi gây ra.
- Ngưng thở khi ngủ.
- Viêm mũi phụ thuộc thuốc hay còn gọi là nghẹt mũi tái phát: Do quá trình điều trị nội khoa kéo dài, gây nên hiện tượng viêm niêm mạc mũi do lạm dụng thuốc..
- Ảnh hưởng đến khứu giác của bệnh nhân.
- Điều trị nội khoa thất bại.
Cắt phì đại cuốn mũi có nguy hiểm không?
Ngày nay, có nhiều loại phẫu thuật phì đại cuốn mũi được đề ra với ý tưởng chính là thu gọn một bên cuốn mũi để cải thiện đường thở trong hốc mũi. Phương pháp cắt bỏ mô mềm của cuốn mũi có thể thực hiện bằng cách sử dụng lưỡi cắt vi mô chuyên dụng. Phương pháp phẫu thuật này có thể được thực hiện trong ngày tại bệnh viện, trung tâm phẫu thuật cấp cứu hoặc phòng khám ngoại trú. Trong hầu hết các trường hợp, thủ thuật được thực hiện dưới hình thức gây mê toàn thân, mặc dù một số người có thể chỉ cần gây tê cục bộ.
Các bước thực hiện phẫu thuật cắt phì đại cuốn mũi:
- Chuẩn bị khoang mũi bằng gây tê cục bộ và thuốc thông mũi, thuốc chống nghẹt mũi.
- Trong trường hợp thực hiện thu nhỏ mô mềm qua cuốn mũi, một đầu dò của máy phẫu thuật sẽ được đưa vào dưới niêm mạc để thực hiện thao tác cắt bỏ mô mềm nhằm giảm kích thước của nó dọc theo chiều dài của cuốn dưới.
- Trong trường hợp cắt bỏ mô mềm của cuốn mũi, một vết rạch nhỏ sẽ được thực hiện ở phần trước nhất của cuốn dưới để cho phép đưa dụng cụ cắt hút vào để cạo niêm mạc một cách có hệ thống từ trước ra sau. Dụng cụ cắt hút bao gồm 1 lưỡi dao có đường kính 4mm, và lưỡi cắt có thể linh động đổi góc cắt.
- Trong cả hai trường hợp, bề mặt niêm mạc sẽ không bị ảnh hưởng.
- Cầm máu.
Vậy cắt phì đại cuốn mũi có nguy hiểm không? Bất kì loại phẫu thuật nào cũng sẽ gây ra một số tai biến mà không thể nào lường trước được. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt phì đại cuốn mũi là phương pháp phẫu thuật tương đối đơn giản và với các thiết bị máy móc hiện đại ngày nay sẽ làm giảm tối đa các biến chứng sau phẫu thuật.
Những bệnh nhân phẫu thuật cắt cuốn mũi có thể cảm thấy khó chịu trong vài ngày nhưng thường chỉ ở mức tối thiểu. Bệnh nhân có thể trở lại làm việc, đi học và các hoạt động bình thường khác sau một ngày nếu được thực hiện thủ thuật tại phòng khám với gây tê cục bộ và trong một tuần nếu bệnh nhân thực hiện thủ thuật gây mê toàn thân.
Tóm lại, qua bài viết trên mong các bạn phần nào nắm rõ hơn về phì đại cuốn mũi, các nguyên nhân và triệu chứng của bệnh, các chỉ định phẫu thuật và trả lời được câu hỏi cắt phì đại cuốn mũi có nguy hiểm không?