Bình bát là một loại cây ăn quả, thường phát triển ở bờ sông, mương và ao hồ. Bình bát có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh lý nhờ đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và giải độc cơ thể. Cùng tìm hiểu rõ hơn về những tác dụng của quả bình bát thông qua bài viết dưới đây.
1Giới thiệu về quả bình bát
Đặc điểm hình thái
Quả bình bát hay còn được gọi là mãng cầu ta hay na xiêm, là một loại quả thuộc họ Na. Quả bình bát có hình dạng khá đa dạng, thường là hình trứng hoặc hình cầu dẹt. Một số quả có hình dạng gần giống trái tim, với bề mặt ngoài có các rãnh hoặc vân không đều.
Vỏ quả bình bát khá mỏng, màu xanh khi còn non và dần chuyển sang màu vàng nâu hoặc đỏ nâu khi chín. Bề mặt vỏ có thể có những vân hoặc gợn sóng nhẹ.
Phần thịt quả bên trong có màu trắng, mềm và chứa nhiều hạt đen nhỏ. Thịt quả bên trong ngọt và có mùi thơm đặc trưng.
Hạt bình bát có kích thước nhỏ, màu đen bóng và hình bầu dục. Quả chứa nhiều hạt rải rác trong phần thịt.
Quả bình bát thường có hình trứng, hình cầu dẹt hoặc hình trái tim
Phân bố và thu hoạch
Quả bình bát có nguồn gốc từ Trung Mỹ, Brazil, Nam Mexico và Peru.
Tại Việt Nam, cây bình bát thường được tìm thấy ở vùng đất nhiễm phèn tại các tỉnh ven biển từ Bắc vào Nam. Cây bình bát ưa nước nên thường phát triển tốt ở bờ sông, mương và ao hồ.
Quả bình bát thường được thu hoạch khi chín, vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Thời điểm này, quả đạt độ chín vừa phải, vỏ bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu vàng nâu hoặc đỏ nâu và có thể có mùi thơm nhẹ.
Việc thu hoạch nên được thực hiện khi quả vừa chín tới, vì nếu để quá lâu trên cây quả có thể bị rụng hoặc hư hỏng. Sau khi thu hoạch, quả tiếp tục chín trong vài ngày, trở nên mềm hơn và có vị ngọt hơn.
Quả bình bát thường được thu hoạch khi chín vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 hàng năm
Thành phần hoá học chính
Thành phần hóa học chính có trong quả bình bát bao gồm:
- Reticulacinon.
- Uvariamicin.
- Squamocin.
- Trieporeticanin.
- Dieporeticanin.
- Nhiều chất thuộc nhóm N - acyltryptamin béo.
2Tác dụng của quả bình bát
Tác dụng theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, quả bình bát có những tác dụng sau:
- Chống viêm, sát trùng và kháng khuẩn.
- Nhuận tràng, lợi tiểu và hỗ trợ bài tiết.
- An thần và chống trầm cảm.
- Thanh nhiệt, giải độc và làm mát cơ thể.
Theo Y học cổ truyền, quả bình bát có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn
Tác dụng theo Y học hiện đại
Theo Y học hiện đại, một số tác dụng của quả bình bát đối với sức khỏe bao gồm:
- Tác dụng kháng nấm và kháng khuẩn: Quả bình bát chứa những hóa chất có khả năng ức chế sự phát triển của một số loại nấm, trực khuẩn lỵ và vi khuẩn gây nhiễm trùng hệ hô hấp.
- Tác dụng độc với tế bào: Chiết xuất từ hạt bình bát được cho là có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư hầu họng, ung thư phổi, ung thư kết tràng và ung thư bạch hầu dòng Lympho.
- Tác dụng tiêu diệt vi sinh vật: Thành phần các chất có trong bình bát có khả năng tiêu diệt côn trùng, ấu trùng, con ghẻ và chấy rận.
3Cách dùng và liều dùng
Quả bình bát có thể sử dụng tươi hoặc khô, dùng đơn độc hoặc kết hợp với các vị thuốc khác.
Liều lượng sử dụng quả bình bát sẽ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng và yêu cầu của từng toa thuốc.
Quả bình bát có thể được sử dụng tươi hoặc phơi khô
4Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây bình bát
Điều trị mề đay mẩn ngứa
Rửa sạch một vài nhánh cây bình bát tươi và để ráo nước, cùng với một bó lá dừa khô nhỏ.
Đầu tiên, người bệnh đốt lá dừa khô để tạo lửa, sau đó đặt lá bình bát đã ráo nước lên trên để tạo khói. Người bệnh hơ những vị trí da nổi mề đay qua khói đến khi đổ mồ hôi thì lau khô người.
Lá bình bát có thể được sử dụng để điều trị mề đay mẩn ngứa
Bài thuốc trị bệnh lao phổi
Để trị bệnh lao phổi, người bệnh sử dụng 20 gam thân cây bình bát thái thành lát mỏng, phơi khô, đun sôi cùng 1,2 lít nước và dùng uống trong ngày.
Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp
Bình bát được sử dụng để chữa đau nhức xương khớp bằng cách dùng quả bình bát đập dập, hơ qua lửa nóng và chườm vào vị trí đau nhức. Người bệnh đau lưng có thể đặt quả bình bát hơ nóng lên lưng rồi nằm nghỉ ngơi. Biện pháp này sẽ giúp cải thiện các cơn đau nhức cơ xương khớp hiệu quả.
Quả bình bát đập dập, hơ qua lửa nóng khi chườm vào vị trí đau nhức sẽ giúp giảm đau
Bài thuốc chữa tiểu đường
Một biện pháp đơn giản giúp hỗ trợ ổn định đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường là sử dụng quả bình bát xanh, thái mỏng, bỏ hạt và phơi khô. Sau đó mỗi ngày sử dụng 5 gam đun nước uống trong ngày.
Bài thuốc chữa bướu cổ
Để chữa bướu cổ bạn có thể sử dụng quả bình bát tươi, cắm xuyên qua một cây đũa và nướng cháy xém vỏ. Sau đó để nguội vừa phải và dùng lăn lên bướu. Mỗi ngày thực hiện khoảng 3 lần, mỗi lần khoảng 30 phút và làm liên tục đến khi bướu tan hẳn.
Sử dụng quả bình bát tươi nướng cháy xém vỏ và lăn lên bướu sẽ giúp làm tan bướu cổ
Bài thuốc chữa tiêu chảy, giun, kiết lỵ
Để chữa tiêu chảy bạn có thể sử dụng 8 - 12 gam quả bình bát xanh phơi khô sắc thành thuốc và dùng uống trong ngày.
5Một số cách chế biến bình bát
Bình bát chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chế biến bình bát.
Một số cách chế biến bình bát bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Hầm quả bình bát: Ở Đông phi, quả bình bát chín thường được hầm cùng với cà chua, hành tây và các loại rau để ăn với cơm.
- Muối chua bình bát: Một cách chế biến khác là muối chua quả bình bát còn non. Bạn có thể thưởng thức hương vị chua ngọt đặc trưng của món ăn này sau khoảng từ 10 - 15 ngày muối.
- Canh bình bát: Quả bình bát nấu cùng thịt heo bằm hoặc tôm sẽ tạo nên món canh bổ dưỡng và thanh mát.
- Quả bình bát dầm đường: Bình bát dầm đường sẽ mang đến cho bạn hương vị thanh mát cực hấp dẫn. Bạn chỉ cần sử dụng bình bát chín vàng rửa sạch, gọt vỏ, dầm chung với đường cát hoặc sữa đặc và không quên thêm ít đá trước khi thưởng thức.
Bình bát dầm chung với đường sẽ mang đến món ăn có hương vị thanh mát hấp dẫn
6Lưu ý khi sử dụng bình bát
Nhựa và nước của cây bình bát có chứa độc tố, do đó khi sử dụng cần hết sức thận trọng. Không để nhựa và nước bắn vào mắt để tránh kích ứng. Ngoài ra, khi sơ chế bình bát nên tránh tiếp xúc trực tiếp với da vì có thể gây kích ứng da, mề đay và mẩn ngứa.
Bên cạnh đó, theo Y học cổ truyền thì bình bát và thanh long đều có tính hàn. Do đó, khi ăn chung với nhau sẽ khiến bạn dễ bị lạnh bụng và khó tiêu. Vì vậy, không nên sử dụng bình bát kết hợp với thanh long để đảm bảo sức khỏe.
Ngoài ra, bình bát có tính hàn nên những người có cơ địa hàn lạnh, huyết áp thấp cần lưu ý khi sử dụng và không nên tiêu thụ quá nhiều bình bát mỗi ngày.
Bình bát và thanh long không nên dùng chung với nhau vì cả hai đều có tính hàn
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức liên quan đến tác dụng của quả bình bát. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!