Cứ đến đầu tháng 8 đến cuối tháng 9 là vào vụ mùa của quả táo mèo (quả sơn tra), vì nhiều công dụng tốt nên nhiều người tìm mua về để ngâm rượu, làm siro hoặc giấm táo. Do nhu cầu lớn, lượng táo mèo đổ về tràn ngập thị trường Hà Nội, được bày bán ở nhiều nơi từ các chợ đầu mối đến vỉa hè. Lợi dụng điều này, nhiều người nhập táo mèo từ Trung Quốc hòng kiếm lời bất chính. Để không phải mua phải táo mèo 'giả', hãy cùng tham khảo các mẹo đơn giản giúp phân biệt táo mèo Trung Quốc và táo mèo Việt Nam dưới đây.
Hình dạng và màu sắc
Thường loại táo mèo của Việt Nam là táo được mang xuống từ Sơn La, Hà Giang hay Mù Cang Chải. Loại táo này vỏ ngoài hơi sần, ráp, vỏ rất xanh. Trong khi táo mèo Trung Quốc thì vỏ ngoài nhẵn, to hơn, nhìn rất bóng.
Các chủ bán hàng thường trộn hai loại táo lẫn vào nhau. Sở dĩ có chuyện này là vì hiện nay trên các vùng vẫn trồng táo mèo, số lượng không còn nhiều mà chi phí vận chuyển lại lớn nên lãi không được nhiều. Thế nên các chủ hàng bán táo mèo hay 'nhân tiện' mua thêm ít táo Trung Quốc trộn vào để có lãi hơn.
Vị
Để mua được táo chính hiệu từ vùng Tây Bắc, người mua nên nếm thử, nếu có vị chua, hơi chát, ăn không quá ngọt thì là táo mèo chuẩn. Ngược lại, táo mèo Trung Quốc ăn có cảm giác mềm, xốp; quả xanh rất chát còn quả chín thì ngọt lịm.
Độ cứng mềm
Các chủ bán hàng cũng tiết lộ, nếu là táo ta thì rất săn chắc, cho dù có héo thì vỏ sẽ săn lại. Còn táo Trung Quốc, chỉ cần khẽ bấm quả táo sẽ thấy lún, cảm giác mềm, xốp. Những quả táo này khi để lâu ngày không bị héo như táo ta mà bị thối nhũn.
Hiện tại chưa có thống kê về độ an toàn của các loại táo mèo nhập từ Trung Quốc. Nhưng người tiêu dùng thông thái trước mắt hãy biết tự bảo vệ mình bằng cách căn cứ vào những đặc điểm nhận dạng trên để chọn cho mình được những quả táo an toàn, đáng đồng tiền bỏ ra.
Theo VietQ