1 Trà sữa là gì?
Nguồn gốc trà sữa
Trà sữa là 1 loại thức uống kết hợp từ 2 nguyên liệu chính là trà và sữa. Mỗi loại trà sữa có sự khác nhau giữa nguồn gốc, nguyên liệu, tỷ lệ, cách pha, cũng như có bổ sung các thành phần phụ khác.
Ở Việt Nam, các công thức trà sữa Đài Loan với những viên trân châu dẻo dai dưới đáy ly trà sữa ngọt ngào, mát lạnh cực kỳ phổ biến. Tuy nhiên, đây không phải là xuất xứ của trà sữa đâu nhé. Thực tế, Anh chính là quốc gia khởi nguồn cho thức uống vạn người mê này.
Vào thế kỷ thứ 17 - 18, thú vui của tầng lớp quý tộc Anh là thưởng thức trà. Tuy nhiên, khi rót trà nóng vào tách bằng sứ thì rất dễ bị vỡ. Vì vậy, họ đã thêm 1 ít sữa vào trước rồi mới rót trà vào sau. Thế là từ đây món trà sữa đã ra đời.
Trà đổ vào sữa hay sữa đổ vào trà?
Tuỳ vào quốc gia mà cách pha chế trà sữa có thứ tự khác nhau:
- Ở Anh: người Anh vẫn giữ cách pha trà sữa truyền thống, đó là cho sữa vào ly trước rồi mới cho trà vào sau, nhờ đó trà sữa có vị thơm và cân bằng được lượng cafein mà tránh việc ly trà bị nứt.
- Ở Ấn Độ: người Ấn đun túi trà cùng các thảo mộc như: gừng, hoa hồi, lá nguyệt quế, quế, đinh hương, thảo quả trong 10 phút rồi mới thêm các nguyên liệu khác như sữa, đường,... vào.
- Ở Việt Nam: cách pha ở Việt Nam thường là cho trà, sữa, syrup, bột béo, đá,... vào chung 1 bình lắc (shaker) và lắc đều đến khi thành 1 hỗn hợp hoà quyện.
Tóm lại, có nhiều cách để chế biến 1 ly trà sữa thơm ngon, bạn hãy thử xem cách nào làm bạn ưng ý nhất nhé.
2 Dùng trà gì để pha trà sữa?
Tùy vào từng loại trà sữa cũng như hương vị mà người pha muốn hướng đến, sẽ có những cách chọn trà cho phù hợp.
Những loại trà được sử dụng phổ biến trong loại thức uống này có thể kể đến như: trà ô long, hồng trà (trà đen), trà xanh, trà Thiết Quan Âm, trà Thái (trà Thái xanh và trà Thái đỏ),...
3 Trà sữa có những vị gì? Các loại trà sữa phổ biến
Có rất nhiều hương vị trà sữa khác nhau, dưới đây Điện máy XANH liệt kê 1 số loại phổ biến nhất nhé:
- Trà sữa Classic Cuppa: hương trà đậm và một chút vị béo của sữa, thường thưởng thức vị tự nhiên hoặc cho thêm 1 chút mật ong để tăng vị ngọt.
- Trà sữa Hokkaido: làm từ trà đen, vị thơm đậm, ngoài sữa còn có thêm mật ong, đường nâu, caramel,...
- Trà sữa Okinawa: gồm trà đen, sữa và đường nâu Okinawa được làm từ nước ép đường mía nguyên chất, nên có vị ngọt ngào đặc biệt.
- Trà sữa trân châu: có thêm các hạt trân châu dai dai làm từ bột năng, thường uống lạnh, bên cạnh vị của sữa còn có thể có các vị trái cây, hương hoa,...
- Trà sữa Hong Kong: làm từ trà đen, vị sữa đậm do dùng sữa đặc, ngoài ra có thể có thêm đường.
- Masala Chai: có vị trà đen và các thảo mộc của Ấn như quế, hồi, lá nguyệt quế,...
- Trà sữa Thái: thường uống lạnh, vị đậm trà và sữa, còn có thêm chanh, bạc hà, hoa cam,...
- Trà sữa Latte: sữa thường được đánh nổi bọt trước khi pha, thơm nồng vị trà và beo béo từ sữa.
4 Các loại topping trà sữa
Topping trà sữa là các món ăn kèm bên trong ly trà sữa như: trân châu, thạch, bánh flan,... Các loại topping trà sữa phổ biến là:
- Trân châu trắng
- Trân châu đen
- Thạch phô mai
- Thạch củ năng
- Bánh flan
- Pudding
- Thạch khúc bạch
- Thạch thuỷ tinh
- Đậu đỏ
5 Trà sữa bảo quản được bao lâu?
Nếu bạn để trà sữa ở nhiệt độ phòng, bạn nên dùng trong vòng 8 tiếng đổ lại. Còn nếu bảo quản trà sữa ở ngăn mát tủ lạnh, thời gian dùng sẽ được kéo dài từ 2 - 4 ngày nhé.
Khi chưa dùng ngay, bạn không nên cho đá vào trà sữa vì sẽ làm trà sữa nhạt vị, giảm độ ngon, khi nào thưởng thức mới thêm đá nhé!
Thêm nữa, bạn không nên cắm ống hút vào vì màng nylon che miệng ly trà sữa, vì nó có tác dụng chống vi khuẩn xâm nhập vào trà sữa. Ngoài ra, nên tách riêng các topping ra khỏi trà sữa để topping giữ được vị ngon nhé!
Trên đây là bài viết về trà sữa là gì? Dùng trà gì để pha trà sữa? Các loại trà sữa cũng như cách bảo quản trà sữa được lâu hơn. Hy vọng bài viết bổ ích đến bạn.