U ác sàn miệng là căn bệnh nguy hiểm, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng. Bệnh thường có biểu hiện triệu chứng giống với các bệnh lý viêm nhiễm nên rất khó phát hiện và người bệnh thường đi khám khi đã ở giai đoạn muộn. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các vấn đề liên quan đến căn bệnh ác tính này trong bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu tổng quan về u ác sàn miệng
Khoang miệng đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp và chức năng sinh học của con người. Nó không chỉ giúp hình thành ngôn ngữ, mà còn tham gia vào việc cảm nhận hương vị và quá trình nhai nuốt. Tuy nhiên, khi bị u ác sàn miệng, đặc biệt đối với khối u đang tiến triển sẽ làm phá vỡ tính toàn vẹn ở khu vực này.
U ác sàn miệng là một loại ung thư xảy ra do các tế bào trong niêm mạc của sàn miệng tăng sinh quá mức. Đây là một tổn thương ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên phần dưới của sàn miệng, bao gồm dưới lưỡi, dưới lợi hoặc phần dưới của miệng và hàm dưới. Ung thư sàn miệng thường bắt đầu như một vết loét hoặc tổn thương dạng nốt không rõ ràng và tiến triển thành khối u ác tính.
Ung thư sàn miệng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nó thường bắt đầu như các vết thương hoặc loét nhỏ không gây ra triệu chứng, dẫn đến việc nhiều trường hợp bị bỏ qua. Những tổn thương này thường xuất hiện ở những vị trí khuất và không gây đau nên rất khó nhận biết. Nên đa số người bệnh đều được chẩn đoán khi bệnh ở giai đoạn muộn, khi tổn thương đã gây đau đớn.
Ung thư đầu và cổ chiếm khoảng 15% trong tổng số ca ung thư trên cơ thể, với tỷ lệ mắc bệnh là 9,5 trên 100.000 dân số. Trong đó, ung thư sàn miệng chiếm 28 - 35% trong tổng số các trường hợp ung thư miệng.
Ung thư biểu mô tế bào vảy chiếm hơn 90% tổng số trường hợp ung thư miệng. Các loại ung thư khác cũng có thể xuất hiện, nhưng ít phổ biến hơn, bao gồm ung thư biểu mô tuyến và các loại khối u khác.
Dấu hiệu nhận biết ung thư sàn miệng
Biểu hiện điển hình nhất khi bị ung thư sàn miệng là vết loét bị viêm ở bề mặt nhưng không gây đau và các rìa ranh giới không rõ ràng. Trong khoảng 20% trường hợp, có thể dễ dàng quan sát thấy có bạch sản xuất hiện đồng thời hoặc trùng hợp ở các mô lân cận. Trong khi đó, hồng sản được nhận biết bởi các mảng màu đỏ trên bề mặt, thường tiếp giáp với niêm mạc bình thường. Chúng thường sẽ có liên quan đến loạn sản biểu mô và ung thư biểu mô tại chỗ hoặc khối u ác tính xâm lấn trong khoảng 40% trường hợp.
Một vết loét nhỏ hoặc tổn thương dạng nốt có thể xuất hiện nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào trong thời gian dài. Điều này sẽ khiến người bệnh khó nhận biết hoặc chủ quan mà không đi thăm khám sớm.
Trong khoảng 50% trường hợp, vết loét ban đầu chỉ khu trú ở sàn miệng. Nếu khối u phát triển mà không gây ra nhiều triệu chứng hoặc nếu người bệnh bỏ qua những biểu hiện nhận biết ban đầu. Và chỉ phát hiện khi có khối u xuất hiện ở cổ, nhưng lúc này khối u đã di căn.
Khối u ác tính ở khoang miệng thường tiến triển nhanh chóng và di căn sớm đến các hạch bạch huyết xung quanh. So với các khối u ở giai đoạn T tương ứng, mức độ di căn sẽ cao hơn. Tỷ lệ di căn đến các hạch bạch huyết xung quanh trong thời điểm đánh giá lâm sàng ban đầu là khoảng 30 - 35%.
Các triệu chứng lâm sàng phát triển khi tổn thương phát triển và xâm lấn đến các cấu trúc sâu hơn. Lúc này, các ranh giới trở nên mơ hồ hơn, đáy lưỡi và các tổ chức trong khoang miệng có thể bị dính vào. Người bệnh sẽ có cảm giác đau tai (do ảnh hưởng đến dây thần kinh lưỡi), hôi miệng, dấu hiệu liên quan đến các hạch bạch huyết xung quanh và chảy máu là dấu hiệu cho thấy sự tiến triển của bệnh.
Nguyên nhân gây u ác sàn miệng
Khoang miệng là nơi tiếp nhận và xử lý thức ăn sơ bộ ban đầu. Đồng thời, đây cũng là nơi tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân có khả năng gây ung thư như thuốc lá, rượu bia,... Mặc dù hiện tại nguyên nhân gây ra u ác tính sàn miệng vẫn chưa xác định rõ ràng, nhưng thường bắt nguồn từ các yếu tố nguy cơ sau đây:
- Thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá có liên quan mật thiết đến sự phát triển của khối u ác tính ở khoang miệng. Dù là hút thuốc lá thông thường hay hút xì gà, thuốc lá dạng hít,... đều tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
- Rượu bia: Việc sử dụng rượu bia thường xuyên cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ bị u ác sàn miệng. Nếu chỉ uống rượu thì nguy cơ mắc bệnh sẽ gấp 2 - 3 lần, nhưng nếu kết hợp với hút thuốc lá thì nguy cơ mắc ung thư sẽ tăng lên gấp 15 lần.
- Nhai trầu: Thói quen nhai trầu cũng là một yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư sàn miệng. Bởi việc nhai trầu có liên quan đến bạch sản, đây là một dạng tổn thương tiền ung thư.
- Tổn thương tiền ung thư: Các tổn thương như hồng sản, bạch sảnn và xơ hóa dưới niêm mạc tuy không phải là ung thư nhưng lại có tỷ lệ tiến triển thành ung thư khá cao.
- Nhiễm virus HPV: Virus này cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa, HP dạ dày, ung thư dạ dày và thậm chí là ung thư sàn miệng.
- Hội chứng Plummer-Vinson: Một hội chứng liên quan đến ung thư sàn miệng, thường biểu hiện qua các dấu hiệu như lưỡi đỏ, nứt nẻ ở môi và niêm mạc bị thoái hóa bên trong khoang miệng.
- Dinh dưỡng: Chế độ ăn thiếu vitamin A cũng sẽ là yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư sàn miệng.
Cách điều trị u ác sàn miệng
Trong việc điều trị u ác tính sàn miệng, có ba biện pháp được sử dụng phổ biến là:
- Phẫu thuật: Đối với các trường hợp ung thư miệng phát hiện ở giai đoạn sớm, phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ là biện pháp đầu tiên được áp dụng để loại bỏ khối u. Tùy vào sự tiến triển của khối u mà sẽ có mức độ điều trị phẫu thuật khác nhau. Có thể là cắt bỏ khối u, cắt u và nạo vét hạch cổ hoặc cắt u kết hợp với phẫu thuật tái tạo. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mang lại hiệu quả trong điều trị ung thư giai đoạn I và II.
- Xạ trị: Xạ trị thường được sử dụng kết hợp trước hoặc sau phẫu thuật để giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh. Tuy nhiên, quá trình điều trị xạ trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như khô miệng, sâu răng, chảy máu, loét khoang miệng, hoại tử xương hàm,...
- Hóa trị liệu: Có thể sử dụng hóa trị liệu kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả của xạ trị. Tuy nhiên, việc điều trị này cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, nôn và rụng tóc.
Phòng bệnh ung thư sàn miệng
Để phòng ngừa ung thư sàn miệng, bạn có thể tham khảo và áp dụng theo một số biện pháp dưới đây:
- Thói quen sinh hoạt lành mạnh: Hãy duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống cân đối dinh dưỡng, bổ sung nhiều vitamin và chất chống oxy hóa. Tránh sử dụng thuốc lá và rượu bia.
- Chăm sóc răng miệng: Vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng cách đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nướu và tổn thương niêm mạc miệng, từ đó giảm nguy cơ ung thư sàn miệng.
- Kiểm tra định kỳ: Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ hoặc nha sĩ để phát hiện sớm khi có triệu chứng bất thường xuất hiện. Việc phát hiện sớm giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ tiến triển ung thư sàn miệng.
- Bảo vệ khỏi tác động bên ngoài: Tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng như hóa chất trong môi trường làm việc hoặc các chất gây dị ứng có thể làm tổn thương niêm mạc miệng.
- Chăm sóc sức khỏe tổng thể: Duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa, tập thể dục mỗi ngày để tăng cường đề kháng, chống lại bệnh tật.
- Sử dụng bảo vệ khi tiếp xúc với tác nhân gây ung thư: Nếu bạn phải tiếp xúc với các chất gây ung thư trong môi trường làm việc, hãy đảm bảo sử dụng phương tiện bảo hộ phù hợp để giảm thiểu rủi ro.
Tóm lại, u ác sàn miệng là một căn bệnh nguy hiểm gây cảm giác đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng và đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.